fbpx
FASHION+BEAUTY

Chuyện họp lớp

Cái ngưỡng tuổi 30, có đi họp lớp hay không cũng thành một thử thách tâm trí.

Đây quả là những dòng suy nghĩ thật khó để nó viết ra bởi nó đi ngược lại với những giá trị hay niềm tin mà xã hội cổ xúy, hay đề cao.


Đã hơn một thập kỷ kể từ khi nó tốt nghiệp cấp ba và cũng là ngần ấy năm nó đã không gặp lại một cơ số những người bạn cũ học cùng lớp. Một thập kỷ là một quãng thời gian dài, có những người đã an cư lập nghiệp, có gia đình riêng với hằng hà trách nhiệm, có những người thành công vượt trội hay đạt được những mục tiêu, nguyện vọng đề ra. Nó khác với đa phần với những người bạn khác trong lớp cũ, bởi nó vốn dĩ không sử dụng mạng xã hội để cập nhật cuộc sống của người khác.

Tết Quý Mão năm nay, nhỏ lớp trưởng nhắn hẹn đi cà phê để họp mặt cùng bạn cấp ba. Từ ngày hẹn đến ngày gặp, nó có vài ngày để suy nghĩ. Nó ở thế lưỡng lự cứ như thế cho đến sáng ngày hẹn thì nó nhắn tin với nhỏ lớp trưởng nó sẽ không tham gia.

“Ignorance is Bliss” (dịch đại khái: không biết là hạnh phúc) có lẽ nó có thể là một cách sống được ứng dụng hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định, mà cụ thể là chuyện họp lớp. Nó thiết nghĩ, tại sao chuyện họp lớp lại có thể khiến nó bận tâm nhiều đến như vậy? Chẳng lẽ những người đã từng học chung với nó suốt ba năm, lại không đáng để gặp gỡ trong vài tiếng đồng hồ trong dịp năm mới sao?

Mới đây, mạng xã hội rộ lên một bài viết (đã lên báo) ngợi ca tinh thần gắn kết của một tập thể nhóm bạn từng học chung cấp ba, niên khóa 2015-2018, sau 5 năm tốt nghiệp ra trường vẫn tề tựu và họp lớp đông đủ nhân dịp Tết. Đây dường như là một hành động đẹp, đáng tuyên dương, ngợi khen tình bạn và sự gắn kết giữa những người trẻ trong xã hội hiện đại. Chưa kể việc thăm thầy cô cũ và tri ân họ cũng là một hành động đẹp.

Nó nghĩ những gì được ngợi khen, tán dương ở trường hợp ở trên là cần thiết, nhưng nó cũng tin rằng việc họp lớp ở tuổi 30 lại là một góc nhìn hoàn toàn khác biệt.

Ở độ tuổi 30, công việc, sự nghiệp, các mối quan hệ khác đã lấp đầy những thứ mỗi người cần lo toan. Sự khác biệt giữa các thành viên cấp 3 ngày đấy, giờ đã có một khoảng cách mà vài tiếng đồng hồ ngồi tán gẫu cũng chẳng đủ để lấp đầy. Họ vẫn có thể gặp gỡ, làm quen rồi kết nối lại với nhau, nhưng suy cho cùng, nếu không phải vì lợi ích trong công việc hay thăng tiến trong xã hội, thì chẳng có một nền tảng nào để thúc đẩy cho việc tiếp tục kết nối mối quan hệ đó thật sự trở nên khắn khít hay phát triển. Một mối quan hệ không tiền đề để phát triển sẽ khác nào một cái nick trên facebook mà nó có trong danh sách bạn bè, chỉ để, có lẽ, tăng thêm được một tương tác mỗi lần nó có cập nhật mới trên mạng xã hội?

Thế giới của người trưởng thành thực dụng quá phải không? Phải đến khi bạn trải qua những sự việc đánh động tâm thức của mình, thì đó mới là bài học mà bạn mới có thể nghiệm được. Như nó đã từng như vậy.

Đã có khi nào bạn cảm thấy việc đi họp lớp xong, phải miễn cưỡng đi mừng đám cưới những người mà bạn không thật sự bận tâm không? Đã có qua, ắt có lại, nếu bạn đi đám cưới bạn mình thì chắc có lẽ họ cũng sẽ đi dự lại đám cưới của mình chăng?

Sao nó lại có thể thực dụng và tính toán quá vậy, đi mừng cho bạn học của mình, chúc phúc thôi mà, sao lại nghĩ ngợi nhiều đến vậy, đúng không? Phải, đó chỉ là một quá điều nhỏ nhặt. Cứ cho đi rồi ắt sẽ nhận lại, lẽ thường là như vậy mà phải không?

Thực chất điều vướng bận tới nó nhất là phải bỏ thời gian chỉ để chung vui cùng một người mà bạn không có một sự liên kết mật thiết nào, với những khoản ngượng nghịu khi ngồi giữa những người mình chẳng hề quen biết. Hay thậm chí là khi được sắp đặt để ngồi chung với những người bạn cũ, thì việc phải chia sẻ về sự thay đổi của bản thân tới những người không có cùng trong môi trường phát triển, nền tảng chuyên môn, sở thích, hay các mối quan hệ xã hội, dường như là thừa thãi. Mà thực ra cũng chẳng phải đợi đến một cái đám cưới đâu, ngay từ khi họp mặt nhau, đây hẳn sẽ là điều mà rất nhiều người đối diện.

Trong cuộc sống, nó tin rằng cái dở nhất là phải đi giải thích hay chia sẻ về bản thân mình tới những người không bận tâm về nó. Sự phát triển của mỗi cá nhân, cuộc sống lẫn hoạch định, nên là những thứ riêng tư, và chỉ cần thiết để chia sẻ tới những người sẽ hỗ trợ và chắp cánh, tiếp sức để giúp ta trưởng thành, phát triển hơn. Ngoài phạm vi đó ra, thì việc dưỡng nuôi các mối quan hệ một cách không chọn lọc, sẽ chỉ làm tốn thời gian của chính mình.

Mục đích quan trọng nhất khi họp lớp, đó là cơ hội để mọi người tụ hội và đi thăm thầy cô giáo cũ – những người đã có công dạy dỗ và chỉ bảo. Sự kết nối giữa thầy và trò, có thể gắn bó và riêng tư đối với từng cá nhân. Đó có thể là lý do mà những lần họp lớp (nếu có) sau này của đa phần chúng ta, sẽ không còn là dịp để gặp gỡ thầy cô giáo cũ nữa vì mức độ thân mật giữa người với người đâu thể nào cộng tổng chia trung bình để biểu quyết có nên đi thăm thầy cô giáo cũ hay không. Mà thực chất nó cũng tự nhận thấy truyền thống thăm thầy cô giáo cũ đã tự tiêu biến mà chẳng có một ai bận nhắc tới. Điều này vô tình làm mất đi mục đích chính của chuyện họp lớp. Nếu không phải vì một mục đích xứng đáng, thì cớ sao ta phải tiếp tục?

Nghĩ cho cùng thì cái cảm giác ngượng nghịu khi phải nói về bản thân là một trạng thái cảm xúc mà không phải ai cũng có. Suy cho cùng, dịp họp lớp xôm tụ vẫn sẽ phù hợp cho những người như vậy hơn nó.

hậu họp lớp, cũng nên cẩn thận kẻo bạn bè cũ lại kéo nhau ra tòa.

Chuyện họp lớp | So awkward, Rose - Blog cá nhân chuyên nghiệp
:))
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: