fbpx
Opinions

Bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong năm vừa qua?

Bao gồm 6 bí quyết mà Rose đã áp dụng cho mình để có thể tiết kiệm được nhiều hơn.

2022 đã qua, giờ là lúc bạn hãy nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề kinh tế của bản thân. Trong năm qua, bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền?


Khách quan mà nói, một người trẻ muốn đầu tư thu nhập cá nhân vào các hạng mục đầu tư để có thêm nguồn thu nhập bị động là một điều đáng hoan nghênh, nếu như bạn có chút ít hoặc giàu kinh nghiệm trong khoản đầu tư, và có quỹ tiền dành riêng cho việc đầu tư. Nhưng không phải ai cũng có thể trở thành một nhà đầu tư, vì đơn giản vì bạn không phải là một người giỏi hay nhạy bén trong mảng tài chính. Đừng buồn, đa phần ai trong chúng ta cũng vậy – nếu không thì đã chẳng có sự phân định giàu nghèo, và số lượng triệu/tỷ phú sẽ còn nhiều hơn nữa.

Mấu chốt ở đây là, mỗi người trong chúng ta hoàn toàn có thể trở thành triệu phú, chỉ bằng việc tiết kiệm. Dù rằng thời gian là điều kiện tiên quyết trong việc gia tăng khối lượng tài sản của ta. Bạn phải siêng năng tiết kiệm. Tạo ra một nền tảng tài chính vững chắc thực sự đòi hỏi phải tiết kiệm nhiều hơn bạn nghĩ. Khi đã có khoản tiền tiết kiệm đủ lớn, dùng nó để gửi tiết kiệm lấy lãi suất, và dùng một phần để đầu tư vào các hạng mục khác nhau là một điều bạn cần làm để gia tăng gấp bội phần số tài sản tích lũy của mình.

Bạn sẽ đọc được rất nhiều những bài viết đưa ra những lời tư vấn về việc đầu tư. Cá nhân bạn sẽ bị cuốn hút bởi việc đầu tư, và ước vọng sẽ làm theo và thu được những kết quả tích cực từ những kiến thức được dung nạp đấy. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn sẽ là lấy tiền ở đâu ra để đầu tư, ngoài chính khoản tiền tiết kiệm của bản thân?

Năm 2022 vừa qua, Rose đã tiết kiệm được 50% thu nhập của bản thân. Đây là một thành quả khiến Rose cảm thấy hài lòng. Con số này lớn hơn gấp 5 lần phần trăm số tiền mà Rose đã có thể tiết kiệm được trong năm 2021. Với khoản tiết kiệm này, Rose đã trích ra một phần nhỏ để đầu tư vào tiền số. Còn lại sẽ dự định đầu tư một khoản nhỏ vào bản thân và tiếp tục tiết kiệm cho đến khi tài sản tích lũy của Rose đạt được một con số đáng kể thì sẽ gửi vào ngân hàng theo định kỳ mỗi năm.

Theo lời khuyên của các chuyên gia tư vấn tài chính, mỗi người nên chia khoản thu nhập hàng tháng của bản thân thành các khoản nhỏ theo tỷ lệ 50/30/20. Theo đó 50% là tiền chi tiêu cơ bản cho tháng sau, 30% là để mua sắm cần thiết, và 20% là để tiết kiệm. Nếu có các khoản nợ, bạn sẽ phải cân đối lại tỷ lệ này để có thể trả nợ trước khi nó phát sinh thêm lãi. Dĩ nhiên, tỷ lệ này cũng sẽ có sự gia giảm tùy ý, nếu như bạn có con, hay có người phụ thuộc.

Bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong năm vừa qua?

Công thức quản lý tài chính ở trên dường như là cơ bản và dễ hiểu nhất mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Nếu bạn liên tục tuân theo công thức, tính ra, một năm bạn sẽ tiết kiệm được 20% tổng thu nhập cả năm của bản thân. Nếu bạn kiệm được 20% số tiền mình kiếm được hàng năm, đó là một điều đáng tuyên dương. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải thúc đẩy bản thân tiết kiệm được nhiều hơn con số 20% đó.

Đối với Rose, để tiết kiệm được 50% tổng thu nhập của mình trong năm qua, Rose chỉ chi tiêu 30% cho các khoản chi hàng tháng, và 20% là để dự phòng cho các khoản phí phát sinh không thể dự tính trước, ví dụ đi khám bệnh, mừng quà cáp, sửa chữa/ bảo trì trang thiết bị, hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn. Dĩ nhiên, sẽ có những tháng Rose không thể tiết kiệm được 50% thu nhập của tháng đó, và Rose buộc phải thắt chặt lại chi tiêu trong những tháng còn lại để bù đắp. Mục tiêu trong năm 2023 của Rose là có thể nâng con số tiết kiệm này lên tới 60 – 70%.

Rose sẽ chia sẻ cho bạn đọc của So awkward, Rose 6 bí quyết mà Rose đã áp dụng cho mình để có thể tiết kiệm được nhiều hơn.

Bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong năm vừa qua?

1. Không nghiện mua sắm

Nhu cầu thiết yếu là những thứ mà Rose bỏ tiền ra, ví dụ như tiền điện, nước sinh hoạt, internet, ăn uống, di chuyển. Đây là những khoản tiền mà Rose buộc phải chi tiêu. Con số này thường chiếm luôn 50% số tiền mà Rose chi tiêu hàng tháng vì Rose không nấu ăn. Thiết nghĩ, nếu Rose tiết kiệm hơn trong khoản ăn uống thì việc tiết kiệm được nhiều hơn 50% là điều hoàn toàn có thể.

Rose không nghiện mua sắm và không phải là khách hàng thường xuyên của các sàn e-commerce. Đây là lý do chủ yếu khiến cho Rose có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

2. Mua sắm đồ cũ và săn giảm giá

Cá nhân Rose không chi tiêu tiền vào các thứ như thời trang, hoặc nếu có nhu cầu sẽ mua sắm secondhand. Rose có chi tiêu vào khoản làm đẹp như sản phẩm dưỡng da, trang điểm, nhưng thông thường một lần mua sắm ở khoản này sẽ có thể sử dụng được từ hai đến ba tháng.

Bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong năm vừa qua?

Ngay ở mảng công nghệ, Rose gần đây cũng mua lại một chiếc laptop cũ để phục vụ cho công việc và sử dụng cá nhân. Tuy là đồ secondhand nhưng thật ra máy laptop ở tình trạng gần như mới, với mức giá bán rẻ gần hơn 50%. Khi mua sắm đồ công nghệ, đừng chỉ nghe theo lời khuyến nghị và tiếp thị từ những cá nhân trên mạng. Mẹo nhỏ ở đây là nghiên cứu kỹ về sản phẩm mình muốn mua và những ưu điểm lẫn nhược điểm của các dòng sản phẩm khác nhau để có sự so sánh. Sau đó đi tham khảo nhiều nơi mua sắm khác nhau để có được mức giá tốt nhất.

3. Giữ gìn sức khỏe

Nếu bị bệnh, bạn sẽ phải tốn tiền để đi bệnh viện hay mua thuốc. Để giảm bớt khoản chi tiêu có thể tránh được này, điều cần phải làm là bảo đảm sức khỏe luôn ở tình trạng tốt nhất. Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày, có thói quen rèn luyện và giải trí để xả stress hiệu quả; đồng thời cũng hạn chế những thói quen xấu gây hại cho sức khỏe như uống rượu bia hoặc hút thuốc lá/ sử dụng chất kích thích.

4. Hạn chế các sở thích tốn kém

Bạn có thích đi du lịch? đi bar? đi xem phim? thích đi ăn sang chảnh? thích tụ tập bè bạn mỗi tuần từ 2-3 lần tối thiểu – mà sau mỗi cuộc chơi là hóa đơn cá nhân lên tới nửa triệu? Tất cả những sở thích đó khiến cho mục tiêu tiết kiệm trở nên khó gần hơn. Dĩ nhiên, để giải trí thì bạn có rất nhiều cách thức khác nhau và ít tốn kém hơn, chẳng hạn như xem phim tại gia, chơi game, đọc truyện, viết lách hay chỉ đơn giản là tập luyện cơ thể, tinh thần.

Một trong những điều mà cá nhân Rose nhận thức ra được là càng lớn, để có thể đạt được mục tiêu tiết kiệm tài chính, thì càng cần bớt giao du lại. Bạn nên có nhiều mối quan hệ công việc, nhưng hạn chế những mối quan hệ ăn nhậu/ vui chơi; hoặc nếu có, thì cũng chỉ tham gia với tần suất ít nhất có thể.

Vì cuộc sống là những sự lựa chọn, và đôi khi, việc hạn chế các sở thích tốn kém dường như là một thử thách vô cùng khó khăn với rất nhiều người. Khi tiêu xài, hãy nghĩ đến những mục tiêu mà bạn muốn đạt được và quy nó thành thời gian bạn sẽ phải tiếp tục bỏ ra để đạt được mục tiêu đó, khi bạn tiêu tiền không cần thiết vào lúc này cho các sở thích tốn kém.

5. Có một mục tiêu rõ ràng

Có một mục tiêu rõ ràng có liên quan đến số tiền mà bạn tiết kiệm được sẽ khiến cho bạn nỗ lực hơn bao giờ hết để cam kết tiết kiệm. Chẳng hạn như mua nhà, mua xe, lập gia đình, đi du học… Nếu bạn đã không có mục tiêu, thì hẳn việc tiết kiệm là điều không quá cần thiết trong lối sống của bạn, vì vốn dĩ bạn không đặt bản thân mình vào áp lực để tiết kiệm.

Khi có mục tiêu rõ ràng trong tương lai, bạn cũng nên có những cột mốc cụ thể để có thể nỗ lực và đánh giá tiến trình tiết kiệm của bản thân. Làm như vậy, bạn sẽ có thể cân đối tài chính hợp lý.

Bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong năm vừa qua?

6. Đừng cố liều lĩnh đầu tư

Nhiều người sẽ có cảm giác bị thúc đẩy nên bắt đầu đầu tư, một khi việc tiết kiệm đã có những tiến triển. Rose tin rằng đó dường như là cảm xúc chung của tất cả mọi người, với mong muốn khoản tiền tiết kiệm sinh lời nhanh hơn. Nhưng như những gì mà bài viết này đã chia sẻ, bạn chỉ nên đầu tư bằng một khoản tiền bạn cho phép để mình đầu tư, và số tiền để đầu tư là số tiền bản thân bạn sẽ không cần phải dùng tới trong trường hợp khẩn cấp.

Đầu tư có lời đôi khi sẽ cần nhiều thời gian, còn nếu không may mắn, bạn sẽ bị lỗ. Rose đã từng lỗ khi đầu tư do thiếu kiến thức và còn quá ngô nghê trong việc hiểu biết về thị trường của tiền số. Đó là lý do mà Rose vẫn hướng mình về việc tiết kiệm và gửi tiền để có lãi suất ngân hàng hơn là đầu tư vào các danh mục khác nhau, khi mà bản thân vẫn chưa có quá nhiều kinh nghiệm đầu tư, hay có vốn kiến thức sâu rộng về thị trường tài chính.

*bài viết mang quan điểm cá nhân, bạn đọc nên cân nhắc khi tham khảo như là lời khuyên về tài chính.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: