fbpx
LOVE+CULTURE

8 nguyên tắc để thành công?

Cá nhân Rose vẫn đang nỗ lực hàng ngày để tuân theo những nguyên tắc ở trong bài viết này.

Ai trong cuộc sống này cũng mong cầu những điều cơ bản nhất: hạnh phúc, thành công và khỏe mạnh. Hạnh phúc hay thành công đều là định nghĩa của mỗi cá nhân. Nguyên tắc để thành công sẽ là những gì mà Rose muốn luận bàn trong bài viết này.


Gần đây, trong một cuộc đối thoại với những người bạn đồng trang lứa, một câu hỏi được đặt ra khiến cho Rose phải nghĩ ngợi, đó là bạn đã nghĩ mình thành công chưa?

Thành công, theo định nghĩa cá nhân của Rose là có đạt được mục tiêu đề ra của bản thân trong khía cạnh sự nghiệp. Bên cạnh đó là khả năng có thể tạo ra sức ảnh hưởng tới ngành mà bạn lựa chọn, từ đó giúp đỡ được người khác. Nếu hiểu theo định nghĩa đó, cá nhân Rose nhận thấy mình cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể thành công.

Trong quá trình nghiên cứu và tham khảo những gợi ý lẫn bài học kinh nghiệm từ những người đã được xem là thành công, theo quan điểm của họ, lẫn nhận định của xã hội, thì Rose đã đúc kết ra được tám nguyên tắc để thành công ở dưới đây.

1. Kết giao với người giỏi hơn

Bản thân ta sẽ không thể nào có động lực phát triển, nếu vây quanh chúng ta là những người lựa chọn hài lòng với bản thân, hay có một tư duy không cần phải nỗ lực thêm hơn để trở nên giỏi hơn. Giỏi ở đây là có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức, nền tảng tư duy phát triển thêm hơn mỗi ngày, để từ đó mà thăng tiến trong công việc, sự nghiệp, các mối quan hệ trong xã hội.

Khi kết giao với người giỏi hơn, có một hình tượng, tấm gương và đối chiếu với những thành tựu mà bản thân những người đó đã và đang nỗ lực để đạt được, bạn chắc chắn sẽ được truyền cảm hứng và nhận được một áp lực vô hình (gọi là peer pressure). Đây là một động lực và áp lực tốt cho sự phát triển của bản thân.

Thêm hơn, nếu những người giỏi hơn nhận thấy, đánh giá tốt tiềm năng phát triển, giá trị, lẫn tính cách và năng lực của bản bạn, họ sẽ là người hỗ trợ để sự nghiệp của bạn phát triển thêm hơn.

8 nguyên tắc để thành công? | So awkward, Rose - Blog cá nhân

2. Tham vọng là nền tảng

Peer pressure (áp lực đồng trang lứa) có lẽ là một trạng thái tâm lý mà ai cũng phải trải qua. Thế nhưng, sự khác biệt của những người có thể phát triển tốt hơn và những người sẽ chấp nhận rằng giới hạn của bản thân chỉ là như vậy lại nằm ở sự tham vọng.

Tham vọng thường là đặc tính thường tại diện trong những người thành công, có địa vị. Có tham vọng, thì người ta mới nhận thấy bản thân cần phải nỗ lực thế nào để vươn lên, thay vì chấp nhận những giới hạn hay thành tựu ban đầu mà mình đã đạt được.

Tham vọng đồng nghĩa với đánh đổi. Để có thể đạt được một điều gì đó trong cuộc sống, và nhiều hơn những gì mình có thể, thì buộc mỗi người phải đánh đổi những thứ khác để đạt được những mục tiêu (to lớn) mà mình đề ra.

Tham vọng – tuy sẽ khiến ta phát triển, nhưng cũng đồng thời giới hạn ta tìm kiếm được hạnh phúc của bản thân. Nếu cứ mải miết hy sinh những thứ gần gụi với trái tim ta nhất: thời gian cho gia đình, tình yêu, hay bản thân… thì ta dễ dàng sa đà, cứ miết mải đuổi theo những giá trị không mang lại hạnh phúc, sự cân bằng trong cuộc sống, và vì thế khiến ta đánh mất đi nhiều giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Chẳng ai mong muốn có một cuộc sống như thế có phải không? Đối xử với tham vọng, hãy coi nó là người bạn hữu thân thiết khi còn trẻ, và học cách để nói không với nó khi đã có trong tay những thành tựu làm nền tảng dưỡng nuôi cho hành trình đi tìm niềm hạnh phúc của chính mình.

3. Nguyên tắc để thành công: Phải thất bại

Tham vọng không tự dưng mà có, nó không phải là đức tính mà mỗi người trong chúng ta có được từ khi sinh ra. Tham vọng cũng không phải do khổ luyện mà thành. Tham vọng có được khi ta tự nhận ra được tiềm năng phát triển của chính mình, mà thường được thúc đẩy bởi những thất bại hay sự xem thường mà mình nhận được.

Con người khi chịu thua thiệt, bị đánh giá thấp, bị chế nhạo vì một điều gì đó trong cuộc sống, thì bản thân họ có rất nhiều động lực để vươn lên. Nhiều hơn gấp rất nhiều lần những người gặp thuận lợi trong cuộc sống. Một khi họ thành công khi đạt được một cột mốc nào đó mà bản thân mình tự đề ra, tự khắc tham vọng sẽ phát triển làm động lực để phấn đấu. Hãy cứ nhìn những nhân tài như Jack Ma, Bill Gates, Elon Musk, Walt Disney. Họ chính là những con người đi lên từ thất bại.

Người có chí, có sự cầu tiến, có khả năng tiến lên, sẽ học hỏi từ thất bại của mình, của người, của vĩ nhân, để lấy nó làm kinh nghiệm cho chính mình. Không có gì khiến cho con người ta học và nhớ lâu hơn là từ những sai lầm của bản thân. Còn nếu có thể, hãy kết giao, lắng nghe nhiều hơn từ những sai lầm của phụ huynh, của bạn bè, của đồng nghiệp để tránh phạm phải, từ đó mà tiết kiệm thời gian, nỗ lưc của bản thân.

4. 80% > 100%

Cầu toàn và mong muốn mọi thứ hoàn hảo là một nỗi ám ảnh cưỡng chế khó lòng chống lại. Nhiều người một khi bắt tay vào làm một điều gì đó, họ lên rất nhiều kế hoạch lẫn những dự phòng, phương án thực hiện, kế sách… Điều này là cần thiết, và nên là như thế. Nhưng sẽ rất tệ nếu như tất cả những gì ta làm là lên kế hoạch, hay kể lể về nó mà chẳng bắt tay vào làm.

Có những nỗi sợ vô hình khi ta bắt đầu nung nấu một kế hoạch lớn lao, một tham vọng chuyển mình, theo đuổi một hướng đi hoàn toàn mới. Điều đó khiến cho ta cứ mãi trì hoãn những gì mà mình muốn làm, chí ít là một khi bản thân đã chuẩn bị đầy đủ những gì cần phải chuẩn bị. Nếu việc chờ đợi là bất khả kháng, cũng hãy cố gắng trau dồi hay tích lũy thêm hơn. Còn nếu sự trì hoãn là đến từ tâm lý sợ thất bại, sợ thay đổi, thì đó là điều cần phải thay đổi.

Đừng đợi khi mọi sự chuẩn bị phải là 100% rồi hãng làm, mà hãy làm khi mọi thứ cần chuẩn bị đã được 80%. Thời gian chẳng chờ một ai cả. Hãy hành động khi thời cơ chín muồi, đừng trì hoãn.

5. Tìm đường tới thành công

Đúng nghĩa đen, là đường đến thành công. Bạn sẽ chẳng thể nào chạm tới đỉnh cao của sự nghiệp, nếu như không bươn chải tại cái nơi sản sinh, chấp cánh cho những người tài năng nhất trong ngành công nghiệp đó. Vậy nên một nguyên tắc để thành công là bạn phải tìm tới nơi phát triển tốt nhất để học hỏi và tăng trưởng theo cấp số nhân. Theo thời gian, bạn sẽ đạt được thành công.

Đừng là ếch ngồi đáy giếng. Đừng là thằng chột trong xứ mù. Mà hãy là một kẻ đói kiến thức tìm tới một ngôi trường danh tiếng bậc nhất.

8 nguyên tắc để thành công? | So awkward, Rose - Blog cá nhân

6. Hy sinh

Để thành công, vượt xa những giới hạn mà bản thân tự mình nhận thức được, thì buộc mỗi người phải hy sinh. Hy sinh những gì để có được thành công thì là do chủ đích lựa chọn của mỗi người. Hy sinh đến chừng mực nào là đủ và dự liệu về cái giá phải trả cho sự hy sinh đó cũng là thứ mà mỗi người cần phải tự nhìn nhận thấu đáo.

Sẽ có những người lựa chọn độc thân để đầu tư thời gian lẫn tiền của vào sự nghiệp. Sẽ có những người hy sinh thời gian cá nhân, thời gian giải trí để làm thêm một công việc phụ trợ để có thêm kinh phí cho những tham vọng lớn hơn. Sẽ có những người hy sinh những mối quan hệ xã hội, hoặc thậm chí là sự nghiệp để tập trung cho việc chăm sóc gia đình – bởi thành công của các thành viên trong gia đình là thành công của chính họ. Thành công thì muôn hình vạn trạng và riêng tư đối với mỗi người. Nhưng để thành công, sẽ buộc phải hy sinh.

7. Tin vào bản thân mình

Sẽ có rất nhiều lời khuyên, sự hoài nghi, thậm chí là bình phẩm, nhận định khiến cho bản thân bạn cảm thấy mất phương hướng, hoặc thiếu đi niềm tin về thành công mà mình sẽ có thể đạt được. Họ có thể sẽ thật tâm quan tâm đến bạn, hoặc muốn cản bước bạn. Dù sao đi nữa, sẽ thật đáng tiếc, nếu những người khác có khả năng làm thui chột đi sự tự tin ở nơi bạn.

Lời khuyên trong sự nghiệp từ các bậc tiền bối, những người đã có kinh nghiệm, hoặc những người đã gặp phải thất bại khi có cùng mục tiêu giống bạn, hiển nhiên, nên được cân nhắc và lắng nghe thấu đáo. Nhưng suy cho cùng, bạn cần phải tự tin vào bản thân mình hơn. Đó là thứ hành trang đáng giá nhất mà một người có thể có được khi muốn đạt được điều mình mong cầu.

Sự tự tin sẽ khiến bạn gan lỳ hơn, mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn. Tự tin cũng khác với ảo tưởng, bởi tự tin được xây dựng dựa trên nền tảng của tri thức, của sự chuẩn bị, của kinh nghiệm. Chỉ có điều sự tự tin vẫn có thể bị thổi bay, nếu không phải chỉ bởi một người, thì là bởi nhiều người. Đừng để điều đó xảy ra.

8. Sống tử tế

Muốn thành công trong cuộc sống này, không thể nào chỉ dùng mánh mung, tiểu xảo, dối lừa để bất chấp vươn lên được. Đó không phải là kiểu thành công mà mỗi người trong chúng ta nên mong cầu. Thành công không đi lên bằng năng lực, bằng sự chính trực, công bằng, thì sẽ khó lòng có giá trị bền vững.

8 nguyên tắc để thành công? | So awkward, Rose - Blog cá nhân

Để có thể dưỡng nuôi sự thành công của bản thân, thì tử tế phải là đức tính mà mỗi người cần tự dưỡng nuôi trước. Nếu không thể sống tử tế, thì hãy chấp nhận rằng thành công mà mình có được sẽ chỉ là tạm bợ. Bởi chẳng một ai có thể duy trì mối quan hệ và tiếp tục ủng hộ một con người thành công nhưng sống thiếu tử tế cả – chỉ trừ những con người giống như họ. Nhưng kể cả khi họ lách được nhân tâm, thì liệu họ có thể hạnh phúc khi thiếu đi sự tử tế trong cuộc sống này?

Tử tế rất có ích để khiến cho một người có thể thành công. Tử tế tạo ra các mối quan hệ gắn khít. Tử tế giúp cho người khác nể trọng. Tử tế giúp cho bản thân ta có tinh thần thanh thản để có tâm trí làm việc lớn. Tử tế là khi chúng ta trao đi nhiền hơn là mong cầu nhận được. Tử tế là sống có trách nhiệm, có chính kiến, có thấu hiểu. Tử tế không chỉ với người, mà với chính bản thân mình.

Hai chữ tử tế dường như rất dễ để thốt ra, nhưng không đơn giản để dưỡng nuôi. Sự tự tế đến từ nhận thức rằng, bản thân mình có thể thành công, nhưng mình vẫn chỉ là một cá thể đơn độc trong xã hội này, cần đến sự bao dung, may mắn, chia sẻ, giúp đỡ của tất cả. Sống tử tế là nét sống đẹp, và sống đẹp thì xứng đáng để thành công.


Cá nhân Rose vẫn đang nỗ lực hàng ngày để tuân theo những nguyên tắc ở trên. Dù mỗi ngày, chỉ cần học thêm được một điều gì mới, dù chỉ là 1%, thì Rose cũng cảm thấy đó là một sự tăng trưởng để tiến đến thành công, và những mục tiêu mà mình hướng tới. Hy vọng rằng bạn cũng đã được tiếp nhận thêm một nhận thức nào đó mới mẻ để tìm ra được nguyên tắc để thành công của chính mình.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: