fbpx
Self-love

Làm sao để hạnh phúc?

Nếu đây là điều bạn đang đi tìm câu trả lời, có lẽ bài viết này đáng để bạn đọc.

Đã bao giờ bạn tự hỏi chính mình: Làm sao để hạnh phúc?

Hạnh phúc thành công

Hạnh phúc và thành công, cái nào có trước, cũng giống như là một câu hỏi liệu con gà và quả trứng, cái nào đến trước? Thành công khiến bạn hạnh phúc hay hạnh phúc khiến bạn có nhiều khả năng thành công hơn?

Đa phần sẽ chẳng thiết tha gì để đi tìm câu trả lời, nhưng may mắn thay, đã có những con nguời của khoa học làm điều đó giúp nhân loại. Đó là Paul Lester, phó giáo sư quản lý tại Trường Sau đại học Hải quân; Martin Seligman, giám đốc Trung tâm Tâm lý Tích cực của Đại học Pennsylvania; và Ed Diener, một nhà tâm lý học người Mỹ có ảnh hưởng, đã cố gắng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này. 

Trong 5 năm, các nhà nghiên cứu trên đã theo dõi gần 1 triệu nhân viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong tất cả các chức năng công việc. Họ đo mức độ hạnh phúc và lạc quan tương đối của các đối tượng bằng các câu hỏi từ Positive and Negative Affect Schedule and the Life Orientation Test (Tạm dịch: Lịch trình ảnh hưởng tích cực và tiêu cực và Bài kiểm tra định hướng cuộc sống). Đây là các công cụ được quân đội sử dụng để đánh giá mức độ hạnh phúc và so sánh chúng với số giải thưởng mà một nhân viên giành được. Phát hiện của họ, “Những người lính hạnh phúc là những người có thành tích cao nhất,” (Happy Soldiers Are Highest Performers), được công bố trên Tạp chí Journal of Happiness Studies.

Làm sao để hạnh phúc?

Tác động của hạnh phúc

Những người có sức khỏe tinh thần tích cực tốt sẽ tác động đến việc họ được nhận những giải thưởng và được công nhận về năng lực, cao gấp 4 lần so với những người có điểm số hạnh phúc thấp. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trong khi những cảm giác tiêu cực như buồn bã và tức giận sẽ ít thành công hơn, thì việc có mức độ cảm xúc tiêu cực cũng dẫn đến kết quả tương tự.

Dựa theo nghiên cứu, con người có thể tập trung vào tác động của hạnh phúc như một yếu tố dự đoán hiệu suất. Cảm giác tiêu cực cao cản trở hiệu suất làm việc tốt và sự lạc quan cao dự đoán khả năng đạt được hiệu suất công việc cao hơn.

Cuộc nghiên cứu nhằm đưa ra kết quả là bạn không cần phải thành công để hạnh phúc và bạn không cần phải hạnh phúc khi tìm thấy thành công. Những người có thể được coi là không hạnh phúc so với đồng nghiệp của họ vẫn có thể giành được giải thưởng đạt được hiệu suất công việc, nhưng tỷ lệ này sẽ thấp hơn những người hài lòng hay hạnh phúc về cuộc sống của họ.

Làm sao để hạnh phúc?

Hạnh phúc có thể mang lại cho bạn cơ hội thành công lớn hơn, nhà nghiên cứu Lester khẳng định. “Kỹ năng, kiến thức, khả năng — tất cả những điều đó đều quan trọng. Và chúng tôi không nói rằng hạnh phúc quan trọng hơn tất cả những thứ khác. Chúng tôi đang cho thấy rằng hạnh phúc là một yếu tố dự báo hiệu suất trong công việc và có thể đo lường được ”.

Nhận thức về hạnh phúc (theo góc nhìn cá nhân)

Ở độ tuổi ngấp nghé 30, Rose trăn trở khá nhiều về câu hỏi vẫn thường tại diện bên trong nhận thức của mình, rằng bản thân có thực sự đã cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình chưa. Thực chất, Rose đánh đồng hạnh phúc với thành công, cho rằng nếu có sự nghiệp, địa vị, được làm những gì mà mình mong muốn trong cuộc đời và có được thành tựu, thì đó chính là hạnh phúc. Nhưng cái định nghĩa của Rose về hạnh phúc thật sự chưa vẹn toàn. Nhận thức đánh đồng thành công là hạnh phúc vẫn có kẽ hở, có điều vẫn khiến bản thân phải băn khoăn, trăn trở, và có lẽ chính những câu chuyện về những con người thành đạt, có địa vị, nhưng vẫn kém hạnh phúc cũng đã phần nào đánh động tới Rose.

Cá nhân Rose viết bài viết này, vì Rose tin rằng có rất nhiều có nhận thức giống như Rose, đánh đồng hạnh phúc với thành công. Nhưng giờ đây thì như chúng ta đều đã thấy rằng bản thân mình cần phải chú trọng nhiều hơn đến hạnh phúc của mình, để có thể thành công hơn trong cuộc sống.

Nếu bạn cũng như Rose, hẳn điều băn khoăn đầu tiên khi loại bỏ thành công trong sự nghiệp là một dạng hạnh phúc, thì rốt cuộc ta sẽ nhìn nhận những gì để thấy rằng chúng ta hạnh phúc thật sự? Liệu đó có phải là tình yêu, là gia đình, bạn bè, là cuộc sống vẫn êm đềm trôi qua và không có biến cố, xáo động gì cả?

Nếu bạn đã từng xem series Euphoria, hẳn bạn cũng phần nào tự hỏi, liệu hạnh phúc của mỗi người là phụ thuộc vào môi trường xung quanh ta, hay bản thân ta vẫn có thể hạnh phúc với chỉ riêng mình ta không? Rằng có bất kỳ vật chất ngoại cảnh, hay có những tác nhân xúc tác nào khác có thể đem đến hạnh phúc không? 

Cũng là câu trả lời đã được lột tả một cách đích xác trong Euphoria về niềm vui chóng vánh có được từ những thói quen tiêm nhiễm, những chất xúc tác gây nghiện, tạo ra những mộng mị, đánh lừa trí não về niềm vui hư ảo, tách rời với thực tại. Tất cả những niềm vui nhất thời đó đều để hại những hậu quả tới thực tại, và không đáng để cổ suý hay nương tựa vào, bất luận hoàn cảnh của bản thân như thế nào.

Đồng tiền cũng không phải là thứ thỏa đáng để có được một hạnh phúc thực thụ. Đồng tiền luôn là công cụ để giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi này một cách thoải mái hơn, nhưng quá phụ thuộc vào nó để có được hạnh phúc sẽ mãi mãi không thể nào khiến cho bạn cảm thấy thỏa đáng. Ngược lại, ám ảnh về đồng tiền sẽ là thứ bòn rút hạnh phúc của bạn.

Làm sao để hạnh phúc?

Khi hỏi một đứa trẻ, hẳn nó sẽ cho bạn biết hạnh phúc đối với nó là như thế nào. Đó có thể là những ngày tháng rong ruổi chơi đùa cùng lũ bạn đồng trang lứa, được xem những bộ phim hoạt hình mà mình yêu thích, ba mẹ của nó thuận hòa, ông bà có thật nhiều sức khỏe. Đó là niềm hạnh phúc chân thật mà một đứa trẻ có thể cảm thấy. Nhưng điều đó dần trở thành một thứ xa xỉ đối với một người trưởng thành.

Hỏi một người trưởng thành, rằng họ có đang hạnh phúc hay không, sẽ có không ít người cũng chẳng có được câu trả lời cho mình, giống như Rose bây giờ. Hạnh phúc là điểm đến? là hành trình? là cảm xúc có thể thấu, cảm, sẻ chia, hay lưu giữ? Hạnh phúc có thể đến với một con người luôn cảm thấy cuộc đời của bản thân mình luôn gặp những thiệt thòi hay thất bại hay không? Hạnh phúc rốt cuộc có phải là một thứ cảm xúc phụ thuộc vào tinh thần và thái độ hay không – kiểu như nếu tích cực thì luôn tìm thấy niềm vui, còn tiêu cực quá thì vui cũng chẳng bao giờ là kéo dài quá lâu.

Nếu niềm hạnh phúc của ta gắn với một chủ thể, đối tượng nào khác ngoài ta, như gia đình, bạn bè, hôn nhân, vật nuôi, thì nếu như một khi họ không còn ở bên ta, thì ta sẽ đánh mất đi niềm hạnh phúc mà bản thân mình mong cầu trong cuộc sống hay sao? Niềm hạnh phúc phụ thuộc đó chẳng có phải là thứ hạnh phúc mà nhiều người trong chúng ta cũng đang bồi đắp, nương tựa hay sao?

Vậy hạnh phúc tự thân có phải là dễ dàng để đạt được hay không? Làm sao để có được hạnh phúc độc lập, chắc chắn sẽ là một câu hỏi cần đào sâu vào nội tại. Thiền tịnh, lối sống lành mạnh, sức khỏe ổn định, tinh thần không vướng bận những lắng lo, phiền muộn, được mở mang kiến thứcvà tầm nhìn, hay du lịch nghỉ dưỡng… Đó chẳng phải là những phương cách phổ biến để con người tìm được hạnh phúc cho bản thân chăng? Nhưng khi hỏi những người đang đeo đuổi những phương cách để tìm thấy hạnh phúc tự thân đó, liệu tất cả đều là những người hạnh phúc hay không? 

Cá nhân Rose không có câu trả lời dễ dàng về việc thế nào là hạnh phúc. Nhưng Rose có thể nhận định rõ ràng thế này: nếu bạn là một người đang chạy đua với thời gian, cảm thấy thời gian là “kẻ thù” thì hẳn bạn đang không hạnh phúc. Bạn chạy đua với thời gian vì sự nghiệp chưa thăng hoa, chạy đua với thời gian vì cơ thể dần lão hoá, chạy đua với thời gian vì những vướng bận lo toan hàng ngày, thì đó chính là những nguyên do đang tác động trực tiếp đến hạnh phúc của bạn. Trừ khi nào bạn không còn lấy thời gian để trở thành thước đo, động lực, hay nỗi ám ảnh, thì lúc đó bạn mới thật sự được cho mình cơ hội để hạnh phúc.

Làm sao để hạnh phúc?

Hạnh phúc – một từ giản đơn và quá đỗi phổ biến, nhưng đời người có mấy lần ta cảm thấy hạnh phúc? Phải chăng, một cuộc đời ý nghĩa, đủ đầy, và đáng để đấu tranh có được, là một cuộc đời có nhiều số lần bản thân cảm thấy hạnh phúc, dù là hạnh phúc tự thân, phụ thuộc hay vì thành công mà thấy hạnh phúc. Cá nhân mỗi người cũng hãy chủ động để tạo ra hạnh phúc, từ những thói quen, sự kết giao, thoả hiệp, tạo ra những thói quen hay khuôn mẫu tái lập để cảm thấy hạnh phúc. Và đừng quên chia sẻ hạnh phúc với những người xung quanh, có thể điều đó sẽ khiến cho bản thân bạn càng cảm thấy hạnh phúc hơn nữa đấy.

Hãy tập cách nhìn nhận nghiêm túc về hạnh phúc của bản thân, và nỗ lực hơn để có được hạnh phúc, nhiều hơn nữa nhé.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: