fbpx

6 bài học kinh nghiệm xin việc để bạn có được công việc mong muốn

Nếu bạn là một người đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới, và thậm chí đang cảm thấy nản lòng vì quá trình tìm việc không hề dễ dàng thì bài viết này là dành cho bạn.

6 bài học kinh nghiệm xin việc trong bài viết này đều là kinh nghiệm thực tiễn mà Rose tự rút ra cho mình.


Rose mới có công việc toàn thời gian mới, ở cấp bậc quản lý cho một công ty về internet/gaming. Tính chất công việc khá bận rộn vì đây là thời điểm quan trọng vì công ty chuẩn bị tung sản phẩm ra thị trường. Đây là lý do mà Rose tạm gác việc sản xuất nội dung cho So awkward, Rose sang một bên để chuyên tâm hoàn toàn vào công việc mới của mình.

Quá trình tìm được công việc mới phù hợp với chuyên môn và mong muốn của bản thân đã tốn khoảng 6 tháng. Dù tính chất công việc (Rose chuyển sang một nhóm ngành hoàn toàn mới là metaverse), và vai trò quản lý là yếu tố mà Rose muốn đề cao hơn cả mức lương, nhưng quá trình tuyển dụng thật sự vô cùng gian nan. Sau rất nhiều lần thất bại, Rose cuối cùng cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm xin việc muốn chia sẻ lại với bạn đọc của blog. Tất cả những kinh nghiệm xin việc này đến từ trải nghiệm của cá nhân Rose, bạn đọc có thể cân nhắc chúng nhưng đừng xem đây là kim chỉ nam cho việc tìm kiếm công việc mới của bạn.

6 bài học kinh nghiệm xin việc để bạn có được công việc mà mình mong muốn

6 bài học kinh nghiệm xin việc để bạn có được công việc mong muốn

Hãy tìm nền tảng tìm kiếm công việc phù hợp

Có rất nhiều nền tảng tìm kiếm việc làm hiện nay, nhưng nếu tiếng Anh của bạn tốt, hãy tìm tới Linkedin. Linkedin là một nền tảng mở ra rất nhiều cơ hội việc làm mới cho đủ mọi nhóm ngành có liên quan. Sự phổ biến của nền tảng xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp để phát triển sự nghiệp này là nơi chốn lựa chọn của rất nhiều chuyên gia tuyển dụng cho công ty trong lẫn ngoài nước. Khi sử dụng Linkedin, hãy mở rộng mối quan hệ và kết giao với những chuyên gia tuyển dụng trên nền tảng này. Nhờ đó, bạn sẽ ghi nhận được cho mình những điều nên và không nên làm trong khi đi xin việc, cách để cải thiện CV, làm sao để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng…

Linkedin cũng đồng thời cung cấp rất nhiều những khóa học nâng cao kỹ năng, hoặc kiến thức liên quan đến chuyên ngành mà bạn quan tâm, chẳng hạn như những khóa học về tiếp thị, tin học văn phòng, tài chính, kiểm toán… và ngay cả những kỹ năng mềm như chỉnh sửa hình ảnh, sắp xếp công việc khoa học cũng có những khóa học đa dạng. Thêm hơn, việc hoàn thành các khóa học này sẽ giúp cho bạn có được những chứng chỉ được cung cấp bởi Linkedin, và bạn hoàn toàn có thể trưng bày nó trên hồ sơ của mình để được nhà tuyển dụng chú ý hơn. Sự chứng thực của Linkedin có thể giúp cho một ứng viên trở nên nổi bật hơn trong số loạt hồ sơ ứng tuyển. Điểm trừ duy nhất là bạn sẽ phải đóng một khoản phí để nâng cấp hồ sơ của mình thành hạng Premium. Chỉ có người dùng sử dụng tài khoản Premium mới được truy cập vào các khóa học đa dạng trên Linkedin.

Không bao giờ được nản lòng

Đã có vô số lần Rose chạm đến cái ngưỡng nhận được “offer letter”, thì rất nhiều điều không may xảy ra mà lý do có thể đến từ Rose hoặc đến từ bên tuyển dụng. Lý do phổ biến nhất, hiển nhiên vẫn là mình chưa phù hợp, hoặc chưa phải là ứng viên có thực lực nhất. Tâm thế tích cực mà một người trong quá trình tìm việc cần phải có là động viên chính mình. Nếu bạn nghĩ theo chiều hướng là ứng viên khác trúng tuyển đồng nghĩa với việc bạn giảm đi được một đối thủ cạnh tranh với bạn để có được công việc tuyển dụng tương tự trong tương lai. Đó là một cách suy nghĩ tích cực.

Quan trọng hơn, nếu bạn dành thời gian để nghĩ về quá trình tuyển dụng, bạn sẽ thật sự nhận ra được những điều thiếu sót trong quá trình phỏng vấn, hoặc nên tránh để có thể gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng tốt hơn. Bởi nhiều lúc, năng lực của ứng viên là tương đồng, nhưng mức lương ứng viên mong muốn, thái độ và thiện cảm là những thước đo đánh giá bổ sung khác mà nhà tuyển dụng sử dụng để đưa ra quyết định sau cùng.

Nếu bạn nhận ra rằng kỹ năng của mình đang thiếu sót ở phần nào, hãy nỗ lực để cải thiện nó hay bù đắp lượng thông tin cần thiết để làm tốt hơn ở những cơ hội khác sau này. Luôn luôn tự mình đánh giá lại quá trình phỏng vấn và tích lũy thêm kinh nghiệm sẽ khiến cho bạn chắc chắn có được việc làm mới mà mình mong cầu.

Nên thật thà ở mức nào?

Có những điều mà một ứng viên có thể nói dối trong hồ sơ kinh nghiệm của mình, mà cá nhân Rose nghĩ rằng có thể chấp nhận được, chẳng hạn như thời gian làm việc ở một công ty, lý do nghỉ việc hoặc mức lương, quyền lợi ở công ty cũ. Nếu năng lực và kỹ năng làm việc là thứ không nên nói thêm, hoặc dối lừa. Thường thì nhà tuyển dụng sẽ có những bài kiểm tra năng lực để đánh giá được thực lực của một ứng viên. Nhưng ngay cả khi nếu ứng viên may mắn vượt qua vòng kiểm tra năng lực và được đi làm, thì rất nhiều khả năng ứng viên đó sẽ gặp khó khăn và bị lộ tẩy vì kỹ năng chuyên môn không được ở trình độ mà họ đã hứa hẹn là làm được. Trong tình huống nào đi chăng nữa thì kết quả vẫn chẳng đẹp đẽ chút nào. Tốt nhất là bạn nên chỉ ứng tuyển vào những công việc thực sự phù hợp với năng lực của bản thân.

Thêm hơn, khi đối diện với những câu hỏi từ nhà tuyển dụng, chẳng hạn như “thế mạnh/ yếu điểm của em trong công việc là gì?”, hoặc “lý do em nghĩ việc ở công ty cũ là gì?”, hoặc “em kỳ vọng điều gì ở một người lãnh đạo trong công việc?”… Thì bạn có nên thành thật với chính bản thân mình khi đưa ra câu trả lời hay không?

6 bài học kinh nghiệm xin việc để bạn có được công việc mong muốn

Câu trả lời là không nên. Nhiều khả năng bạn sẽ không trúng tuyển chỉ vì thành thực quá mức khi đưa ra những nhận định cá nhân trong các câu hỏi của nhà tuyển dụng trong việc phân tích về hành vi, tâm lý lẫn nhận thức của một ứng viên. Nếu như bạn quá thật thà chia sẻ về hình mẫu một người lãnh đạo phù hợp dành cho bạn thì trong mắt nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn là một người khó để quản trị bởi quản lý hiện tại mà họ đã sẵn có. Một ứng viên tốt sẽ là một người thể hiện rằng mình có đủ khả năng để thích ứng, không chỉ với công việc mà cả với đồng nghiệp mới trong công ty. Tốt hơn hết, bạn nên chuẩn bị những đáp án an toàn cho những câu hỏi mang thể loại kể trên. Chẳng hạn khi nói về thế mạnh và điểm yếu của bản thân, bạn hãy nói về những tính cách hay thói quen có thể cải thiện được, với một tông giọng và thái độ tích cực.

Hiểu rằng vận may trong tuyển dụng là điều có tồn tại

Từ kinh nghiệm cá nhân, Rose nghĩ rằng để tìm được một công việc phù hợp sẽ luôn tốn đến thời gian chờ đợi, và cần đến cả vận may nữa. Điều này là lý do mà ở vai trò là một người đang tìm kiếm công việc mới, hãy luôn kiên nhẫn, giữ một tâm thái tích cực và không được nản lòng. Có rất nhiều lý do khách quan, lẫn chủ quan khiến cho cơ may có được công việc vụt khỏi tay bạn.

Cá nhân Rose đã từng đối diện hoàn cảnh như vậy, khi từng có công ty đã quyết định để Rose thử việc, nhưng lại đành cáo lui chỉ vì thị trường và định hướng của nhà đầu tư thay đổi, khiến cho mối quan tâm và ưu tiên của công ty thay đổi.

Thương lượng về mức lương

Nhiều ứng viên có một suy nghĩ rằng nhảy việc là cơ hội tốt nhất để tăng khả năng thu nhập của mình hơn. Sẽ có những người mong mỏi mức lương sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, hoặc là có nhiều phúc lợi, lương thưởng, hay quyền lợi hơn ở công ty cũ. Điều này dẫn đến việc nhiều người có hành vi đòi hỏi một mức lương thật cao, với hy vọng sẽ đạt được con số đó, hoặc để nhà tuyển dụng giảm xuống một con số thấp hơn một chút. Đây có lẽ là suy nghĩ khá phổ biến, nhưng không còn khả thi trong bối cảnh hiện tại – trừ khi bạn là một ứng viên rất tài giỏi, với khả năng và kinh nghiệm được chứng thực thông qua những thành tựu đạt được ở các công việc cũ – và nhà tuyển dụng có thể xác thực được dễ dàng.

Có một người làm tuyển dụng có thâm niên trong nghề, từng chia sẻ với Rose rằng mức lương nhảy việc, hay lên vị trí mới sẽ khó tăng được hơn gấp đôi (chẳng hạn x3, x4), trừ khi ứng viên đó tăng vai trò – chẳng hạn Execute sang vị trí Specialist hay thậm chí là Manager. Ngay cả khi như vậy, nhà tuyển dụng cũng sẽ cân nhắc để vừa vặn với khả năng tuyển dụng của công ty.

Một công thức mà bạn có thể tham khảo áp dụng để thương lượng về mức lương như sau. An toàn và dễ dàng nhất, đề xuất mức lương mới trong khoảng tăng 20-30% so với mức lương cũ. Hầu như một nhà tuyển dụng nào cũng sẽ hài lòng với con số này. Đề nghị 40% nếu như bạn thật sự cảm thấy nhà tuyển dụng ấn tượng với kinh nghiệm và rất muốn có bạn. Đề nghị 50% trong trường hợp bạn có thể chứng tỏ rằng mình có thể giải quyết nhanh chóng được những vấn đề đang gặp phải trong công ty chỉ trong vòng 2 tháng thử việc, hoặc trong trường hợp những quyền lợi khác của công ty mới không bằng công ty cũ – chẳng hạn như bảo hiểm y tế, chi phí công tác, tần suất xét thưởng tăng lương, hoặc trong trường hợp là công việc mới đòi hỏi bạn sẽ phải cống hiến nhiều hơn, chẳng hạn như làm cuối tuần hoặc quá giờ.

6 bài học kinh nghiệm xin việc để bạn có được công việc mong muốn

Nhớ rằng bạn vẫn có thể chấp thuận một mức lương bạn cảm thấy chưa đủ hài lòng trong hai tháng thử việc, và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình đủ năng lực và nghiêm túc cống hiến cho công ty và đưa ra những lý lẽ chính đáng để thỏa thuận lại mức lương sau hai tháng thử việc. Nếu nhà tuyển dụng không trực tiếp đề cập đến chuyện này, thì bạn nên là người đề cập đến chuyện này một cách thẳng thắn (với một thái độ tích cực và tôn trọng).

Kiểm soát cá tính và thái độ bản thân

Trong tâm thế là người đi xin việc, hẳn ai cũng sẽ muốn mình có được một thái độ tích cực, chuyên nghiệp và chững chạc trong mắt của nhà tuyển dụng. Đó là ước mong, nhưng vẫn sẽ có những vấn đề ngoài dự kiến xảy ra, hoặc thói quen ứng xử đã trở thành điểm mù trong nhận thức của bạn – nghĩa là bạn có thói quen, hành vi đó nhưng lại không nhận thức là mình có, và điều này gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong quá trình phỏng vấn.

Một ví dụ cụ thể, nhà tuyển dụng có thái độ niềm nở, tích cực, thân thiện và tươi vui, khiến cho bạn trở nên thoải mái, “xả vai”, và vô tư chia sẻ về bản thân và kinh nghiệm của bản thân – nhưng không hề nhận thức rằng đằng sau sự niềm nở, tích cực, tươi vui đó của nhà tuyển dụng cũng là một vai mà họ phải sắm để dễ dàng khai thác được ứng viên hơn. Một ví dụ khác, bạn phỏng vấn và nhận thấy một thái độ có thể là không tích cực từ nhà tuyển dụng, chẳng hạn một cái nụ cười mỉa thoáng chốc, sự cau mày, hay một sự thái độ khá lạnh lùng, điều này khiến cho bạn tự động bật cơ chế phòng vệ của bản thân – dẫn đến việc bạn có một thái độ hấp tấp, bảo thủ, hung hăng, hay thiếu kiểm soát hoàn toàn khi chia sẻ tiếp.

6 bài học kinh nghiệm xin việc để bạn có được công việc mong muốn

Ở một trường hợp khác, bạn là người hay tiếp nhận năng lượng của người xung quanh, và trong quá trình phỏng vấn thì bạn tiếp nhận năng lượng từ họ (chẳng hạn như sự lạnh lùng, thiếu kiên nhẫn) và có phản ứng tương tự. Điều này sẽ khiến cho buổi phỏng vấn diễn tiến theo chiều hướng không mấy suôn sẻ, thiếu sự thấu hiểu, hoặc thậm chí là khá ngại ngùng cho cả đôi bên. Nhưng dù sao đi chăng nữa, người thiệt vẫn là bạn, vì thế hãy học cách kiểm soát bản thân, và nhớ rằng ấn tượng ban đầu là cơ hội duy nhất để bạn có được công việc mà mình mong muốn.


Rose hy vọng rằng những chia sẻ ở trên về kinh nghiệm xin việc sẽ giúp bạn phần nào bỏ túi được vài thông tin hữu ích trong quá trình phỏng vấn xin việc. Nếu bạn là một người đang kiếm tìm cơ hội nghề nghiệp mới cho mình, xin chúc bạn may mắn.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: