fbpx
Evergreen Feature Articles

Những điều cơ bản khi tiếp thị tới GEN-Z

Bài viết sẽ đề cập cụ thể những mấu chốt cơ bản nhất, khi tiếp thị tới GEN-Z.

Rose đã hoàn thành khóa học Tiếp thị tới GEN-Z trên nền tảng Linkedin. Sau bài học và quá trình thực hành, dưới đây là những ý chính mà Rose muốn tóm lược và chia sẻ lại tới bạn đọc của So awkward, Rose.

GEN-Z là ai?

GEN-Z là nhóm người sinh từ năm 1995-2012. Nhóm độ tuổi là đặc tính để dễ dàng nhận diện GEN-Z nhất, nhưng nó không phải là tất cả. Thực chất, nhận thức và quá trình trải nghiệm trong thời kỳ sinh trưởng và trưởng thành của họ mới là thứ tạo ra sự khác biệt giữa GEN-Z và các nhóm độ tuổi trước đó như Boomer, X và Y (Millennials).

GEN-Z vốn dĩ sinh trưởng và trải qua những sự kiện biến động cùng nhau, tác động đến nhận thức và hành vi của họ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Một trong những sự kiện quan trọng nhất mà họ phải trải qua (cùng nhau) là khi họ chứng kiến thời kỳ suy thoái của nền kinh tế, đã có tác động đến xã hội như thế nào. Cộng hưởng cùng với đó là sự phát triển về tâm lý và cách thức họ được trau dồi thông tin, môi trường giáo dưỡng, cũng như khả năng tiếp cận những công nghệ tân tiến nhất, đã khiến cho GEN-Z sở hữu những điểm tương đồng, mà thông qua đó đã giúp các nhà tiếp thị hình dung được bản chất của nhóm người này, và cách thức để chinh phục họ trong các chiến lược tiếp thị.

Dưới đây là những mấu chốt cơ bản nhất, khi tiếp thị tới GEN-Z.

Những điều cơ bản khi tiếp thị tới GEN-Z | So awkward, Rose

Phigital

GEN-Y (Millennials) được xem là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới. Trong khi đó, GEN-Z là công dân của thời đại công nghệ. Công nghệ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của GEN-Z. Có một điều lầm tưởng ở thế hệ người trẻ GEN-Z, vì họ là thế hệ sành sỏi công nghệ, nên họ sẽ chuộng mua sắm online (digital) nhiều hơn. Nhưng một nghiên cứu về hành vi của nhóm độ tuổi này đã cho thấy, thực chất đến 49% GEN-Z đồng thuận rằng họ thường mua sắm ở cửa hàng vật lý, và 51% thường mua sắm online nhiều hơn. Có thể nhận thấy, GEN-Z đánh giá việc mua sắm online và trực tiếp ở cửa hang có tầm quan trọng ngang nhau.

Phygital có nghĩa là chiến lược tiếp cận GEN-Z ngang bằng ở hai điểm chạm vật lý và trực tuyến, nhằm đem đến một trải nghiệm mua sắm, dịch vụ tiện ích nhất dành cho GEN-Z. Một điều cần phải lưu tâm là trải nghiệm ở cả hai điểm đều phải có sự đồng nhất, cho thấy thương hiệu và doanh nghiệp thật sự chú trọng đến danh tiếng và chất lượng cung ứng của mình ở mọi nơi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xem đặc điểm “công dân của thời đại công nghệ” của GEN-Z là một nhu cầu thiết thực của họ. Người trẻ thế hệ này xem điện thoại thông minh như thể tay chân của bản thân. Họ sẽ không thể nào rời chiếc điện thoại của mình quá lâu và luôn muốn tận dụng nó để có được sự tiện nghi trong cuộc sống hằng ngày hết mực có thể. Đó là lý do mà các thương hiệu có thể dùng nó làm đòn bẩy, để tích hợp trải nghiệm mua sắm trực tiếp và thanh toán, tiếp nhận thông tin sản phẩm, review, trải nghiệm AR, khuyến mãi mua sắm bằng thiết bị công nghệ của họ. Sự tích hợp thuận tiện này sẽ tương thích với hành vi của GEN-Z.

Sử dụng Emojis khi tiếp thị tới GEN-Z

Tiếp thị bằng nội dung giờ đây trở nên đa dạng về hình thái biểu lộ cảm xúc hơn bao giờ hết. Khi tiếp cận GEN-Z, việc sử dụng emoji để thể hiện tông giọng của thương hiệu hay một chiến dịch quảng cáo là điều cần thiết, bởi GEN-Z sử dụng emoji rất nhiều trong việc giao tiếp hằng ngày. Điều này trái ngược với suy nghĩ của các doanh nghiệp rằng emoji mang đến hình tượng quá trẻ trung, thiếu chuyên nghiệp nói chung.

Nhưng một đặc tính khá quan trọng của GEN-Z, đó là họ sử dụng rất nhiều ứng dụng/ phần mềm/ nền tảng khác nhau thường nhật. Mỗi nền tảng, họ sẽ sử dụng nó cho một mục đích chuyên biệt, chẳng hạn như Linkedin là để mở rộng mối quan hệ công việc, Youtube để giải trí hay học tập, Facebook để liên lạc, giao tiếp, TikTok để giải trí, Instagram để chia sẻ hình ảnh hay kết nối riêng tư… Đối với từng nền tảng và mục đích sử dụng khác nhau, thương hiệu cũng cần phải tùy chỉnh thông điệp tiếp cận cho phù hợp. Đối với những nền tảng giải trí hay tiếp nhận thông tin quen thuộc như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, việc xây dựng nội dung và truyền tải thông điệp có sử dụng emojis ở mức độ chừng mực là đủ để gây được sự chú ý đối với GEN-Z.

Những điều cơ bản khi tiếp thị tới GEN-Z | So awkward, Rose

Điều tương tự, các nhà tiếp thị cũng cần phải nhìn nhận rằng GEN-Z sử dụng các nền tảng khác nhau tùy vào từng mục đích khác nhau. Vì vậy, nền tảng phù hợp để chạy nội dung tiếp thị, với thông điệp và hình ảnh được tùy chỉnh phù hợp là vô cùng cần thiết. Sự đầu tư của một thương hiệu trên nhiều kênh thông tin, tiếp cận khác nhau, chắc chắn sẽ khiến GEN-Z phải chú ý.

Tiếp thị tới GEN-Z là phải đề cao tính cá nhân

Đây là một đặc tính đặc trưng của GEN-Z, bởi họ là một thế hệ người trẻ đã quá quen thuộc với những thứ xung quanh được tùy chỉnh để phù hợp với cá nhân họ, chẳng hạn như case điện thoại, sản phẩm phụ kiện/ thời trang, thương hiệu/ sản phẩm họ ưa thích… Tất cả những thứ họ xem trọng ở xung quanh đều được tùy chỉnh để thể hệ rằng họ là ai, họ ưa thích và có phong cách sống thế nào. Chính sự đề cao tính cá nhân này mà các nhà tiếp thị cần phải linh hoạt ứng dụng nó vào trong công cuộc tiếp thị và cả chiến lược xây dựng sản phẩm.

Một đặc tính khác mà GEN-Z rất chú trọng đó là danh tiếng và thành tích của thương hiệu. Một thương hiệu có nhiều thành tựu nổi bật, có trách nhiệm cộng đồng, có mục đích kinh doanh được tụng ngợi bởi nhiều ngôi sao hay các influencer, hoặc cộng đồng thân thiết của một GEN-Z thì chắc chắn sẽ được nhận diện tốt hơn hẳn. Vì thế các doanh nghiệp không cần nhất thiết phải tỏ ra quá khiêm nhường trong việc nói về thành tựu của mình trên các kênh đa phương tiện, như một cách thức để nâng tầm vị thế của mình trong lòng của khách hàng GEN-Z. Everybody loves a winner.

FOMO và BOMO

Trong bối cảnh thông tin được cập nhật mới theo từng phút, và người dùng internet có thể dễ dàng truy cập được vào thông tin cần thiết vào bất cứ lúc nào, khiến cho GEN-Z hình thành nên một thói quen phụ thuộc, là họ sẽ chỉ dành ra 8s (Đối với Millennials là 12s) để tập trung vào một nội dung/ thông tin nào đó, chẳng hạn như bài đăng trên mạng xã hội, một video ngắn…  

78% GEN-Z trong một cuộc nghiên cứu khoa học tại Mỹ đã cho thấy sự lo lắng khi bản thân không được sử dụng điện thoại để cập nhật thông tin/ nội dung mới hàng ngày. 8s là một khoảng thời gian ngắn, đủ để họ đánh giá rằng thông tin này có cần thiết để cập nhật hay hấp dẫn tới mình hay không. Chính vì sự tập trung ngắn và khả năng xử lý thông tin nhanh chóng của GEN-Z, các nhà tiếp thị cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc mở đầu một thông tin nên là như thế nào. Mấu chốt là tạo ra những nội dung/ thông tin kích thích ngắn và gợi mở sự tương tác đối với GEN-Z.

Những điều cơ bản khi tiếp thị tới GEN-Z | So awkward, Rose

Fear of missing out (FOMO) và Buy one – Get one (BOGO) là những mánh tiếp thị xưa cũ, nhưng vẫn sẽ hiệu quả đối với khách hàng GEN-Z. FOMO dựa vào đặc tính tập trung ngắn hạn của GEN-Z để kích thích nhu cầu phải sở hữu hay tham gia của GEN-Z. Vốn dĩ, khi lượng thông tin được cập nhật hàng ngày quá nhiều, bản thân GEN-Z luôn cảm thấy có một áp lực trong việc phải dẫn đầu hay cập nhật kịp thời một điều gì đó (như tin tức, trào lưu…). FOMO sẽ là đòn bẩy tốt để tiếp thị tới GEN-Z (hay các nhóm độ tuổi khác). Một ví dụ của FOMO là “sale 50% chỉ một ngày duy nhất hôm nay”. Nếu như sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu đã nằm trong tầm ngắm của GEN-Z thì họ chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Kèm theo đó, việc Mua 1 tặng 1 sẽ luôn có hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của GEN-Z, nhiều hơn bất kỳ một nhóm độ tuổi nào khác.

Chiến lược tiếp thị tới GEN-Z thông qua người ảnh hưởng

GEN-Z đại khái không còn đặt niềm tin quá lớn vào tên tuổi của người nổi tiếng. GEN-Z sinh trưởng trong thời kỳ mà mỗi cá nhân đều có cơ hội để trở nên được chú ý, với sự gia tăng về số lượng của các nền tảng mạng xã hội, và nội dung sáng tạo ngày càng trở nên nhanh chóng, dễ tiêu thụ hơn bao giờ hết. Chính bởi lẽ đó, họ muốn nhìn thấy bản thân mình trong hình ảnh của một người ảnh hưởng (influencer), và xem đó là điều kiện phù hợp cho việc mua sắm hay lựa chọn một thương hiệu/ sản phẩm/ dịch vụ nào đó.

Những điều cơ bản khi tiếp thị tới GEN-Z | So awkward, Rose

Đối tượng influencer mà họ tin tưởng sẽ không phải là người nổi tiếng, mà là những người có lối sinh hoạt và phong cách tương đồng với họ nhiều hơn. Thường thì đối tượng influencer này sẽ là micro-influencer hay nano-influencer. Đối với từng đối tượng influencer, thì vai trò và sức ảnh hưởng của họ lên GEN-Z cũng có nhiều sự khác biệt – mà ngay cả những người làm tiếp thị cũng cần phải hiểu và lên những kế hoạch tiếp thị tương ứng cho từng kiểu influencer.

Giá thành sản phẩm

Giá thành sản phẩm cũng chính là một yếu tố đặc thù tác động đến việc mua hàng của GEN-Z. Thực chất, nếu sản phẩm quá mắc thì chắc chắn nhóm khách hàng này sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua hàng, cho dù họ có lớn thêm bao nhiêu tuổi, và có khả năng chi trả đến mức nào. Lý do cụ thể là GEN-Z sinh trưởng trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Phụ huynh và môi trường xung quanh họ sẽ khiến chọ họ hình thành thói quen tiết kiệm chi phí trong tiêu dùng như một phần bản năng được thiết lập.

Bên cạnh đó, vì chính là công dân của thời đại công nghệ, nên GEN-Z chắc chắn sẽ luôn thu thập thông tin về sản phẩm, thương hiệu, và các nền tảng bán hàng E-commerce/ Social Commerce khác nhau để tìm ra mức giá phù hợp nhất cho việc chi tiêu. GEN-Z sẽ tiết kiệm trong vô số trường hợp, và chỉ tiêu dùng xa xỉ một khi đặc quyền và giá trị sản phẩm đó thật sự sẽ khiến cho họ thu được lợi ích lớn hơn.

Mục đích kinh doanh rõ ràng là chưa đủ

Ngày này, rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu đề ra mục đích kinh doanh như một chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả. Việc có mục đích kinh doanh là điều vô cùng cần thiết để một doanh nghiệp có thể phát triển hiệu quả. Một ví dụ cụ thể về mục đích kinh doanh như Tesla. Đối với thế hệ Millennials, họ đề cao một thương hiệu có mục đích kinh doanh rõ ràng, và sẽ giành nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, đối với GEN-Z, họ đòi hỏi một doanh nghiệp phải có mục đích kinh doanh, và xem nó như một tác nhân bổ trợ để họ quyết định lựa chọn tiêu dùng của doanh nghiệp đó, nhưng điều cốt lõi nhất mà GEN-Z đề cao vẫn chính là chất lượng sản phẩm.

Những điều cơ bản khi tiếp thị tới GEN-Z | So awkward, Rose

Không có gì khiến cho khách hàng GEN-Z quay lưng và bàn luận xấu về một thương hiệu/ doanh nghiệp hơn là chất lượng sản phẩm/ dịch vụ kém. Một khi GEN-Z đã đánh giá xấu, họ sẽ không bao giờ tin tưởng thêm một lần nào khác. Sự cảm thông của GEN-Z trong vấn đề này là rất ít.

Tiếp thị tới GEN-Z bằng phương cách DIY và MVP

Do It Yourself (DIY) là một thái độ tiếp cận phổ biến của GEN-Z. Họ là đối tượng muốn tự mình trau dồi, bổ sung hay khám phá nhiều thứ mới mẻ, như một hành vi lặp lại và luôn kích thích họ. Để tiếp thị tới GEN-Z, cách tốt nhất vẫn là để họ tham gia vào quá trình tiếp thị đó, theo cách sáng tạo, thú vị, và đề cao tính cá nhân. Chẳng hạn một chiến dịch có sử dụng những thông tin, kiến thức, công việc sáng tạo mà GEN-Z được góp công vào. Khi chiến dịch trở nên phổ biến, nó sẽ thu hút và gợi mở sự kích thích của những người khách hàng khác thuộc GEN-Z.

DIY cũng nên được áp dụng trong chiến lược xây dựng sản phẩm. Một điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi tạo ra sản phẩm/ dịch vụ nhắm tới GEN-Z là đối tượng tiêu dùng chính, là nên để GEN-Z tham gia vào quá trình xây dựng nó. Thuật ngữ chuyên ngành của hành vi này là MVP (minimum viable product – sản phẩm khả thi tối thiểu).

Sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) là sản phẩm có các tính năng vừa đủ để làm hài lòng khách hàng ban đầu và cung cấp phản hồi để phát triển sản phẩm trong tương lai.

GEN-Z luôn thích trải nghiệm những điều mới và là một phần của thử nghiệm sớm, nên MVP sẽ khiến cho GEN-Z có một sự ủng hộ có chủ đích đối với sản phẩm doanh nghiệp.

Lòng trung thành của GEN-Z

Tại sao GEN-Z lại bỏ tiền để sở hữu một món đồ có giá trị quá sức đắt đỏ? Đó có thể nói là lòng trung thành của GEN-Z hay không?

Thực chất, đến 57% GEN-Z cho rằng bản thân sẽ mua một món đồ xa xỉ, nếu như trải nghiệm đặc biệt của nó tương xứng với giá thành. Các hình thức khuyến mãi như mua 3 tặng 1 sẽ không có tác dụng đối với GEN-Z. Nếu như họ đã không hứng thú đối với món đồ đó, thì ngay cả khi có được tặng kèm thêm thì điều đó không thực sự hấp dẫn đối với họ. Điều quan trọng nhất là GEN-Z cần tới một đặc quyền mà họ cảm thấy là đáng giá.

Lòng trung thành của GEN-Z, tuy vậy, không đồng nghĩa với việc thương hiệu đắt hay không đắt. Thực chất, không phải cứ gắn sản phẩm với mức giá đắt đỏ sẽ đồng nghĩa với việc khách hàng GEN-Z nhìn nhận sản phẩm là đáng them khát. Thực chất, để có được lòng trung thành của nhóm này, buộc lòng chiến dịch tiếp thị phải bao gồm rất nhiều những điểm đã đề cập ở trên.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: