fbpx
Culture

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu

Ngành công nghiệp game toàn cầu được định hình bởi Nhật Bản. Bằng cách nào mà quốc gia này lại làm được điều đó?

Ngay sau khi trò chơi điện tử ra mắt trong những năm 1950, một quốc gia đã có thể trở thành gần như đồng nghĩa với thuật ngữ trò chơi điện tử, đó là Nhật Bản. Vì trò chơi điện tử là một lãnh vực tương đối mới, non trẻ, Nhật Bản – trong vai trò là nhà tiên phong, đã có tác động lâu dài đến toàn bộ lĩnh vực trò chơi điện tử và quốc gia này vẫn đang định hình cả ngành công nghiệp game bằng những phát minh và xu hướng mới do các nhà phát triển và nhà xuất bản của chính họ đưa ra.

Một góc trung tâm quảng bá trò chơi điện tử tại Tokyo.

Vị thế có một không hai này mà Nhật Bản có được là nhờ vô số những người sáng tạo, các hãng phim và nhà xuất bản đằng sau hậu trường, những người đã định hình tuổi thơ và cuộc sống trưởng thành của chúng ta. Họ đã đặt ra các tiêu chuẩn mới khi đề cập đến sự sáng tạo trong phát triển trò chơi điện tử, đã và vẫn đang thiết lập các xu hướng mới trong mỗi thập kỷ.

Xuyên suốt những thăng trầm của nền kinh tế Nhật Bản sau Thế chiến 2, thì lĩnh vực kinh tế công nghệ đã trở nên nổi bật trên hơn tất cả các lĩnh vực khác. Trong khi ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản đang trên đà phát triển không ngừng, với các nhà sản xuất lớn như Honda, Nissan và Toyota ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, thì các công ty công nghệ Nhật Bản như Panasonic, Sony, Toshiba hay Fujitsu đã có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu
Máy game arcade.

Khi nói về lịch sử trò chơi điện tử, hai trong số những tên tuổi lớn và sớm nhất trong ngành là SEGA, một công ty đã tạo dựng tên tuổi của mình bằng cách cách mạng hóa các trò chơi điện tử và tạo ra một số máy arcade có ảnh hưởng nhất trong những năm 1960s. Ở thế đối trọng là Nintendo, đang cố gắng hết sức để mang niềm vui của trò chơi điện tử vào các gia đình Nhật Bản, bằng cách làm cho máy chơi trò chơi điện tử ngày càng dễ tiếp cận hơn. Sự ra đời của những chiếc máy điện tử cầm tay và các trò chơi Gameboy Advance đã trở thành một cuộc cách mạng trong ngành điện tử. Hiện nay, vị thế hàng đầu trong ngành điện tử toàn cầu là PlayStation của Sony và Xbox của Microsoft. Nhưng chính những thành quả được tạo dựng từ Nintedo và SEGA đã tạo ra tiền đề phát triển của PlayStation và Xbox.

Có một sự ganh đua gay gắt giữa hai ông lớn ở vị thế tiên phong trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Nhật Bản. Cuộc cạnh tranh này bắt đầu từ năm 1983, khi SEGA’s SG-1000 và Nintendo’s Famicom lần đầu tiên tham gia thị trường. Trong khi Nintendo có thể thống trị thị trường máy chơi game cầm tay bằng cách phát hành Game Boy vào năm 1989, SEGA đã có thể gây áp lực lên vị trí người dẫn đầu của Nintendo khi nói đến máy chơi game gia đình. Bản phát hành năm 1988 của SEGA Mega Drive, là nỗ lực đầu tiên của SEGA để vươn ra thị trường quốc tế. Đáng ngạc nhiên là Mega Drive đã không thành công ở Nhật Bản, nhưng lại gây được tiếng vang lớn ở Hoa Kỳ, cuối cùng đánh bại Nintendo nhờ công nghệ 16-bit.

Việc phát hành SNES của Nintendo được công chúng mong đợi vào năm 1990 ở Nhật Bản và 1991/1992 ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Mặc dù máy chơi game SEGA’s Saturn được bán với số lượng lớn ở Nhật Bản, nhưng sự xuất hiện của Sony’s PlayStation vào năm 1994 và thành công vang dội mà hãng này đạt được ở nước ngoài đã khiến SEGA trở thành kẻ yếu thế trong cuộc chiến tay ba. Nhìn về cuộc canh tranh gay gắt giữa các ông lớn trong ngành này có thể được coi là một may mắn lớn cho chính ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Không chỉ công nghệ phát triển nhanh chóng mà bản thân các trò chơi điện tử cũng trở nên đa dạng, chất lượng hơn.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu
Shigeru Miyamoto của tựa game Mario.

Điều này chủ yếu nhờ vào người đã trở thành nhà thiết kế trò chơi điện tử quan trọng nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử, Shigeru Miyamoto. Không giống như nhiều nhà sản xuất trò chơi điện tử khác, Miyamoto học thiết kế công nghiệp và sử dụng kiến ​​thức chuyên ngành của mình vào các trò chơi do mình sáng tạo nên, với ý niệm đơn thuần là trò chơi điện tử không cần hướng dẫn phức tạp để người chơi có thể hiểu được phải làm gì chỉ bằng cách nhìn vào màn hình. Tư duy dễ tiếp cận này vẫn đang định hình hành vi trò chơi điện tử ngày nay của chúng ta. Kể từ khi sự ra đời của thiết kế mang tính cách mạng là Super Mario, thiết kế trò chơi đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi quá trình sản xuất trò chơi điện tử.

Sự nổi tiếng của Miyamoto tạo nên tiền đề cho nhiều nhà thiết kế trò chơi điện tử khác sau này. Tuy nhiên, có một nhà sản xuất khác đã tự đi tìm cho mình một lối đi riêng, đó là Hideo Kojima. Ông là người chịu trách nhiệm cho các trò chơi như Snatcher, Policenauts và loạt game Metal Gear Solid, Hideo Kojima trở thành một trong những người nổi tiếng nhất trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Xuyên suốt quãng thời gian gắn bó cùng studio cũ là Konami, Kojima đã có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành trò chơi điện tử, khi họ phát hành Metal Gear Solid cho PlayStation vào năm 1998. Không chỉ ứng dụng đồ họa 3D-Grafics tương đối mới mẻ lúc bấy giờ, Metal Gaer Solid còn để lại ấn tượng lâu dài nhờ vào lối chơi và cách kể chuyện rất khác biệt.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu
Metal Gear Solid (trái) và Tekken (phải).

Ngay sau khi phát hành, Metal Gear Solid đã được giới phê bình đánh giá cao trên toàn cầu. Câu chuyện, đoạn cắt cảnh, lối chơi, khiến người hâm mộ và các nhà phê bình phải kinh ngạc. Lối chơi chiến thuật, hoặc phụ thuộc vào các đặc tính của nhân vật, và cả những lời đánh đố khiến cho người chơi phải động não là hoàn toàn mới vào thời điểm đó, dẫn đến việc khai sinh ra cả một thể loại trò chơi điện tử chuyên biệt.

Ngoài ra, cảm giác điện ảnh mà Metal Gear Solid mang lại cũng là điều mà ít trò chơi nào khác đã thử và thành công theo cách hoàn thiện như vậy trước đây. Câu chuyện thú vị, chứa đầy những tình tiết và tình tiết, đã thu hút rất nhiều người tham gia, ngay cả những người ở bên ngoài ngành công nghiệp trò chơi điện tử, vì tựa game này không chỉ ở đó để giải trí đơn thuần mà còn để truyền tải thông điệp đáng chú ý.

Nhờ vào thành công của những tựa game nổi bật như Metal Gear Solid, ngày nay Kojima được coi là một trong những nhà sản xuất trò chơi điện tử quan trọng nhất trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của ônh ấy vượt ra ngoài biên giới của trò chơi điện tử và thậm chí còn khiến các diễn viên nổi tiếng như Mads Mikkelsen hay Norman Reedus trở thành ngôi sao trong trò chơi mới nhất của ông là Death Stranding.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu

Bên cạnh thể loại trò chơi hành động, vô số loại trò chơi điện tử khác hoặc được phát minh bởi các nhà sản xuất Nhật Bản, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi họ. Một loại thể loại gần như đặc biệt của Nhật Bản là thể loại trò chơi chiến đấu. Sự ủng hộ dành cho Trò chơi chiến đấu là nhờ vào nền văn hóa Arcade vương thịnh trong những năm 70 và 80. Trong khi các máy Arcade dần dần bị thay thế bởi các thể loại máy chơi game gia đình như hiện tại, thì bản thân các trò chơi thuộc thể loại chiến đấu vẫn thịnh hành như trước.

Trò chơi chiến đấu đầu tiên là một trò chơi cổ điển của arcade có tên là Karate Champ. Được sản xuất bởi Technos Japan và ban đầu được phát hành vào năm 1984, nó thường được coi là tiền thân của tất cả các trò chơi chiến đấu sau này, vì nó chỉ có tính năng chiến đấu giữa hai người chơi với nhau, đó vẫn là bản chất được duy trì của hầu hết các trò chơi thuộc thể loại này hiện đại. Ngoài Karate Champ, còn có hai trò chơi kinh điển khác đều do Nhật Bản sản xuất được nhiều người biết đến là loạt trò chơi Street Fighter của Capcom và Tekken được phát triển bởi Namco.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu
Capcom trở thành đơn vị tiên phong trong thể loại trò chơi điện tử chiến đấu.

Street Fighter II đánh dấu thành công lớn đầu tiên của dòng game Capcom, khi nó đưa hệ thống di chuyển đặc biệt phức tạp vào trò chơi. Trò chơi đã gây được tiếng vang ngay lập tức, đó là lý do tại sao nhiều trò chơi khác, như Fatal Fury, cố gắng kế thừa sự cường điệu về mặt thể hiện của Street Fighter II. Trong khi đó, bản phát hành năm 1995 của Tekken đã đặt ra các tiêu chuẩn mới khi tạo ra các trò chơi Chiến đấu với đồ họa 3D bắt mắt. Tựa game được tiêu thụ tốt ở cả thị trường Nhật Bản, cũng như ở Mỹ và Châu Âu, nhờ vào hiệu ứng thị giác và được đón nhận nồng nhiệt của dòng máy PlayStation 2.

Các nhân vật võ sĩ trong hai tựa game này vẫn duy trì được sự mến mộ cho đến tận ngày nay, khi trang phục và cách thức di chuyển của các nhân vật vẫn được yêu thích bởi những người đam mê thời trang đường phố và tín đồ cuồng trò chơi điện tử. Thậm chí ngày nay, Tekken và Street Fighter là một phần quan trọng của thể loại trò chơi chiến đấu và kiến ​​thức về những trò chơi này vượt ra ngoài ranh giới trò chơi, trở thành một nét văn hóa đặc thù.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu

Bên cạnh thể loại trò chơi chiến đấu, có một thể loại trò chơi điện tử khác bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các nền văn hóa giải trí khác nhau của Nhật Bản. Nó đã sinh ra một nhánh phụ của trò chơi nhập vai, hoặc còn được biết thuật ngữ chuyên môn là RPG (role playing game). Trong khi các game nhập vai cổ điển của phương Tây thường lấy bối cảnh thời trung cổ, giả tưởng ở thì tương lai, chẳng hạn như sê-ri Elder Scrolls hoặc Blizzard’s Diablo, thì JRPG tương ứng của Nhật Bản, lại lấy cảm hứng với tư duy mở và một biên độ sáng tạo rộng lớn hơn nhiều. JRPG đặc biệt mang tính thẩm mỹ của manga và anime Nhật Bản, có thể được lấy cảm hứng từ những truyền thuyết hư cấu, tưởng tượng trong lịch sử, hoặc thậm chí đôi khi lấy ý tưởng của chúng từ khoa học viễn tưởng.

Một ví dụ hoàn hảo cho việc JRPG lấy ý tưởng từ khoa học viễn tưởng – là một trong những series nổi tiếng nhất từng được tạo ra – chính là thương hiệu Final Fantasy lâu đời và được yêu thích của Square Enix. Quay trở lại năm 1987, khi trò chơi Final Fantasy lần đầu tiên được phát hành, nhà phát triển Square đã lấy cảm hứng từ loạt Enix ’Dragon Quest – vốn là một tựa game JRPG rất thành công khác.

Cũng giống như bản thiết kế của nó, Final Fantasy đã thành công vang dội ở Nhật Bản và khi trò chơi này được đưa sang Mỹ vào năm 1990, nó thậm chí đã đứng đầu về mặt doanh thu sau khi đạt được mức doanh số ấn tượng 400.000 mà nó đã đạt được ở tại quê nhà. Sau khi Square và Enix hợp nhất vào năm 2003, cả hai studio đã nỗ lực kết hợp để xuất bản và phát triển các JRPG tốt nhất hiện có. Ngày nay, cả Final Fantasy và Dragon Quest đều được coi là những cột mốc quan trọng trong thể loại RPG, vì cả hai đã tạo ra tiền lệ cho cả mặt đồ họa và cảm nhận. Thành công to lớn của Final Fantasy đã cứu Square khỏi việc bị phá sản và biến nó thành một công ty đa phương tiện, dẫn đến một bộ phim hoạt hình 3D vào năm 2001 được sản xuất và phát hành. Sau đó đã có nhiều nhà phát triển đã theo bước Square Enix khi nói đến JRPG, Ví dụ điển hình cho điều này là loạt Shin Megami Tensei và Persona hoặc các trò chơi Tales.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu

Nhìn về quá khứ cho đến tận ngày nay, Nhật Bản vẫn nắm giữ vai trò chủ lực trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Có những phát minh và xu hướng mới được đặt ra bởi các nhà phát triển trò chơi điện tử Nhật Bản. Một trong những minh chứng điển hình nhất cho nhận định này là khi một nhóm phát triển Nhật Bản đã đứng ra để giải quyết một nan đề phổ biến trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, khi người hâm mộ và các nhà phê bình phàn nàn về việc trò chơi điện tử hiện đại quá tràn lan và quá dễ dàng gây nhàm chán. Nhóm phát triển này là From Software, đã quyết định phát hành tựa game Demon Souls vào năm 2009 và dẫn đến việc một xu hướng khác đã được thiết lập cho cả ngành công nghiệp.

Tất nhiên có những trò chơi khác đã thiết lập độ khó của chúng lên mức tối đa để tăng sự hấp dẫn cho người chơi, nhưng sự phổ biến áp đảo mà loạt trò chơi Souls tích lũy được trong thập kỷ qua đã nói lên điều đó. Với một lối chơi liên tục, không dễ dàng, đòi hỏi sự tập trung cao độ và rất nhiều lần thử và sai, khiến người chơi trên toàn thế giới phải trải qua một khóa nâng cao kỹ năng chơi trò chơi điện tử của họ. From Software đã thiết lập nên ý tưởng về một trò chơi khó có thể đánh bại. Nó thậm chí còn tạo ra thuật ngữ Souls-like, viết tắt từ các tựa Demon’s Souls và Dark Souls, mô tả một xu hướng mới nhất định trong trò chơi, khi các trò chơi nổi tiếng là khó đánh bại, thường được lồng ghép với một cốt chuyện u ám và tâm trạng.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu

Trong quá khứ cũng như hiện tại, ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Nhật Bản đã nhiều lần làm dậy sóng trên toàn cầu. Theo nhiều cách, họ không chỉ trở thành một phần của văn hóa đại chúng chính thống khi trò chơi điện tử ngày càng trở nên phổ biến, mà họ còn ảnh hưởng đến xu hướng chủ đạo theo nhiều cách, từ đồ họa hoặc hình thức. Thật khó để tưởng tượng những thể loại trò chơi như thể loại kinh dị ngày nay sẽ như thế nào, nếu những tựa game đột phá như Silent Hill hay Resident Evil không tồn tại. Loạt trò chơi này không chỉ cộng hưởng hoàn hảo giữa hai yếu tố Sinh tồn-Kinh dị mà còn có tác động rất lớn đến thể loại phim kinh dị và các thể loại khác của phương tiện kinh dị hư cấu. Trong một số trường hợp, nhượng quyền thương mại bắt nguồn từ trò chơi điện tử, có thể đã mở rộng sản lượng của các tựa game này ở một mức độ rộng lớn hơn và trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Ví dụ tốt nhất cho điều này có thể là nhượng quyền thương mại của Pokémon. Bắt đầu là một loạt trò chơi điện tử, Pokémon phát triển rất nhanh ở mọi nơi trên thế giới, Nintendo đã chọn mở rộng nó và quyết định biến nó trở thành một phần thân thuộc của những đứa trẻ sinh trưởng trong những năm 90 và 2000. Ngày nay, nó là một trong những nhượng quyền thương mại đa phương tiện lớn nhất từng tồn tại và với việc dòng game “Trading Game Cards” của Pokémon đang được quảng bá rầm rộ một lần nữa, thật khó để thấy Pokémon mất dần sự phổ biến trong tương lai gần. Cũng cần phải nói thêm rằng, tất nhiên bài viết này không bao gồm tất cả các trò chơi điện tử Nhật Bản quan trọng đã đặt ra những dấu ấn và tiền đề phát triển cho ngành công nghiệp game. Nhưng chỉ vì có quá nhiều nên chúng ta chỉ nêu ra một vài ví dụ nổi bật và phổ biến nhất.

Cơn sốt Pokemon GO trở nên cuồng nhiệt trên toàn cầu là minh chứng cho dấu ấn của ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Nhật Bản.

Cho đến ngày nay, trò chơi điện tử trở thành thức giải trí phổ biến hơn bao giờ hết và trò chơi điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản cũng vậy. Từ một ngành công nghiệp được xem là vô bổ, phí thời gian, giờ đây ngành công nghiệp trò chơi điện tử phát triển vương thịnh và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của toàn cầu. Nhờ lịch sử phong phú của Nhật Bản đã đặt để trong quá trình phát triển nên trò chơi điện tử, người hâm mộ và những người yêu thích trò chơi điện tử ở khắp mọi nơi sẽ luôn để mắt đến những xu thế tiếp theo đến từ quốc gia này, để xem ngành công nghiệp trò chơi của Nhật Bản sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và tạo ra những tựa game mang dấu ấn kinh điển trong lịch sử như thế nào.

Với những lãnh thổ mới trong ngành công nghệ như thực tế ảo tăng cường, metaverse, P2E game đang gia tăng và toàn bộ nền văn hóa chơi game đang trong quá trình tiến hóa, gần như có thể đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục thiết lập các xu hướng trò chơi điện tử mới trong tương lai, giống như trước đây, bởi đây là một trong số những niềm tự hào của cả dân tộc, mà Nhật Bản tin chắc là những gì mà họ có thể làm được tốt nhất.

Vì sao Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu

Bài viết được chuyển ngữ từ chuyên đề này.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: