fbpx
Opinions

Ponzi Scheme trong đầu tư là gì?

Ponzi Scheme là hình thức lừa đảo đã tồn tại từ thế kỷ 18s.

Ponzi Scheme trở thành một trong những từ được dùng với tần suất thường xuyên trong lĩnh vực đầu tư tài chính, lẫn crypto. Bài viết này trên So awkward, Rose sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về khái niệm Ponzi Scheme là gì.


Ponzi Scheme là gì?

Những kẻ thực hiện hành vi lừa đảo Ponzi trong lĩnh vực tài chính thường sẽ hứa hẹn các nhà đầu tư về tỷ lệ hoàn vốn, lợi nhuận cao trong thời gian ngắn nhưng đi kèm ít rủi ro. Mô hình Ponzi Scheme là như sau: Kẻ chủ mưu triển khai một dự án đi kèm những lời hứa hẹn về lợi nhuận vô cùng hấp dẫn và thu hút được một lượng người đầu tư ban đầu. Họ tiếp tụ dẫn dụ thêm nhiều nạn nhân vào tròng bằng nhiều hình thức khác nhau, và dùng số tiền đầu tư của người mới để trả cho người cũ, theo một vòng lặp như vậy. Mô hình lừa đảo này tương đồng với mô hình lừa đảo kim tự tháp – với cách thức lấy tiền của nhà đầu tư mới để trả cho những người ủng hộ trước đó. Kế hoạch lừa đảo này chỉ thật sự bị lật tẩy một khi lượng người đầu tư mới đã kiệt quệ về tài chính, hoặc không có nhóm người đầu tư mới nào tham gia vào dự án.

Ponzi Scheme trong đầu tư là gì?

Những công ty hay kẻ chủ mưu của dự án lừa đảo theo hình thức Ponzi Scheme này sẽ dùng đa phần nguồn tiền đầu tư ban đầu vào mục đích quảng cáo và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mới tham gia vào dự án. Đối với dòng tiền đầu tư mới sẽ được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư ban đầu đã được hứa hẹn về lợi nhuận mà họ sẽ thu được. Lợi nhuận này, trên kịch bản được hợp thức hóa là lợi nhuận từ một giao dịch hợp pháp.

So sánh mô hình lừa đảo Ponzi với kim tự tháp và bán hàng đa cấp

Về cơ bản, mô hình lừa đảo kim tự tháp là biến thể của mô hình lừa đảo Ponzi. Tuy sự khác biệt giữa hai mô hình là không đáng kể, nhưng điểm rõ ràng nhất có lẽ là những kẻ cầm đầu của mô hình kim tự tháp sẽ có những chương trình khuyến khích hay trao thưởng cho những thành viên thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư mới tham gia vào dự án, trong khi mô hình Ponzi Scheme thì những kẻ cầm đầu sẽ tự mình thu hút các nhà đầu tư mới. Theo mô hình kim tự tháp, chỉ những người ở gần đỉnh của nó mới có được một khoản lợi nhuận và những người ở tầng đáy sẽ không bao giờ thu hồi được khoản đầu tư của họ.

Để dễ mường tượng, hãy nghĩ về mô hình lừa đảo bán hàng đa cấp, khi các thành viên được hoa hồng khi chiêu nạp thêm được thành viên mới, và các thành viên mới phải bỏ tiền để mua sản phẩm, đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền thì mới được tham gia. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất hợp pháp tồn tại nhờ vào thủ đoạn moi tiền từ thành viên mới.

Ponzi Scheme trong đầu tư là gì?

Mô hình lừa đảo Ponzi cũng tương đồng, nhưng người tham gia được gọi là nhà đầu tư và dự án được hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho người tham gia thường là các dự án liên quan đến đầu tư tài chính, bất động sản, hay tiền kỹ thuật số.

Nguồn gốc của thuật ngữ Ponzi Scheme

Thuật ngữ “Ponzi Scheme” được đặt theo tên một kẻ lừa đảo là Charles Ponzi vào năm 1920. Tuy vậy, những trường hợp lừa đảo đầu tiên áp dụng phương cách tương tự đã được ghi nhận từ giữa những năm 1800 và được chủ mưu bởi Adele Spitzeder ở Đức và Sarah Howe ở Mỹ. Trên thực tế, phương thức lừa đảo kiểu Ponzi đã được mô tả trong hai cuốn tiểu thuyết được viết bởi nhà văn Charles Dickens và hai tác phẩm Martin Chuzzlewit được xuất bản năm 1844 và Little Dorrit vào năm 1857.

Kế hoạch lừa đảo của Charles Ponzi vào năm 1919 đã được thực hiện trong ngành bưu chính tại Mỹ. Dịch vụ bưu chính, vào thời điểm đó, đã phát triển các loại phiếu khuyến mãi để người gửi thư quốc tế có thể kèm nó vào trong bức thư gửi đi của mình. Người nhận thư, có thể dùng phiếu khuyến mãi đó và đến bưu điện để đổi nó thành một tem thư ưu tiên cho dịch vụ chuyển phát thư nhanh để bức thư phản hồi sẽ nhanh chóng được gửi tới người nhận thư.

Ponzi Scheme trong đầu tư là gì?
Charles Ponzi.

Loại hình trao đổi này được gọi là chênh lệch giá và không được xem là một hoạt động bất hợp pháp. Nhưng Ponzi trở nên tham lam và tiến hành lừa đảo để thu lợi bất chính. Dưới sự lãnh đạo của công ty Giao dịch Chứng khoán (Securities Exchange Company) do ông ta điều hành, Ponzi đã hứa hẹn lợi nhuận 50% trong 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Do thành công của ông trong lĩnh vực tem bưu chính, các nhà đầu tư đã ngay lập tức bị thu hút. Thay vì thực sự đầu tư tiền, Ponzi chỉ luân chuyển lại dòng tiền của người mới cho người cũ và nói với các nhà đầu tư rằng họ kiếm được lợi nhuận hợp lệ. Khi Ponzi tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, ông ta đã sử dụng số tiền đó để trả cho những nhà đầu tư sớm nhất gấp đôi khoản đầu tư của họ.

Kế hoạch này kéo dài cho đến tháng Tám năm 1920 khi phóng viên tờ báo The Boston Post bắt đầu điều tra hoạt động của công ty Giao dịch Chứng khoán của Ponzi. Theo kết quả điều tra của tờ báo, Ponzi bị chính quyền liên bang bắt giữ vào ngày 12 tháng Tám năm 1920, và bị buộc tội gian lận thư từ và nhiều cáo buộc khác. Tại thời điểm bị điều tra, số tiền kiếm được từ việc lừa đảo của Ponzi là 1 triệu đô mỗi tuần.

Những dấu hiệu nhận diện mô hình lừa đảo Ponzi Scheme

Mô hình lừa đảo Ponzi không kết thúc vào năm 1920, trái lại, nó càng ngày càng trở thành mô hình lừa đảo có quy mô hơn. Khi công nghệ thay đổi, Ponzi Scheme cũng vậy.

Lừa đảo theo mô hình Ponzi bê bối nhất trong lịch sử gần đây — và là vụ lừa đảo nhà đầu tư lớn nhất ở Mỹ — được duy trì trong hơn một thập kỷ bởi Bernard Madoff, người đã lừa các nhà đầu tư tại Bernard L. Madoff Investment Securities LLC. Madoff đã xây dựng một mạng lưới lớn các nhà đầu tư mà hắn huy động được tiền mặt, gom gần 5.000 khách hàng của mình vào một tài khoản mà hắn rút tiền từ đó. Bernard chưa bao giờ thực sự đầu tư số tiền này, và một khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra, hắn không thể duy trì được vụ lừa đảo nữa. SEC định giá tổng thiệt hại cho các nhà đầu tư là khoảng 65 tỷ đô la.

Sau đó Bernard Madoff bị kết tội lừa đảo với hành vi làm giả các báo cáo giao dịch để cho thấy các khách hàng đang kiếm được lợi nhuận từ các khoản đầu tư không tồn tại. Bernard chết trong tù vào ngày 14 tháng Tư năm 2021.

Ponzi Scheme trong đầu tư là gì?
Bernard Madoff từ một nhà tài phiệt trở thành kẻ bị căm ghét nhất trong giới tài chính.

Bất kể chiến lược lừa đảo là gì, hầu hết đều các mô hình Ponzi Scheme đều có chung các đặc điểm như sau:

  • Hứa hẹn đảm bảo về lợi nhuận cao với ít rủi ro.
  • Dòng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư luôn nhất quán (bất kể điều kiện thị trường).
  • Các khoản đầu tư chưa được đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
  • Các chiến lược đầu tư không minh bạch hoặc được mô tả là “quá phức tạp” để giải thích.
  • Khách hàng không được phép xem các thủ tục giấy tờ chính thức cho khoản đầu tư của họ.
  • Nhà đầu tư gặp khó khăn khi muốn hoàn lại tiền đầu tư của họ.

Bài viết được tham khảo từ nguồn này trên Investopia.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: