fbpx

The Help (2011) – Trắng/ Đen và mầm hạt giống tử tế dưỡng nuôi cốt cách

The Help truyền cảm hứng rất nhiều tới công cuộc viết lách và sáng tạo nội dung của cá nhân Rose.

Nhận định về bộ phim The Help (2011): Một mầm hạt giống tâm hồn sẽ được ươm bên trong bạn mỗi lần bạn xem bộ phim này. Đây là một trong những tác phẩm điện ảnh chính kịch có ý nghĩa nhân văn nhất được lấy cảm hứng từ bối cảnh khủng hoảng về chính trị và chủ nghĩa dân quyền tại Mỹ vào những năm 60s. Review phim The Help sẽ không có tiết lộ nội dung phim.

Review phim The Help (2011)

Hãy nói về tiền đề của bộ phim này trước tiên. Bối cảnh của phim là đầu những năm 1960s khi phong trào đấu tranh quyền bình đẳng (civil rights) của người da màu tại Mỹ đang trở nên vô cùng gay gắt. Phong trào dân quyền trở nên nổi bật trên toàn quốc ở Hoa Kỳ vào giữa những năm 1950 và tiếp tục thách thức sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong suốt những năm 1960. Tuy vậy, The Help không quá tập trung vào phong trào chống phân biệt chủng tộc, thay vào đó vấn đề phân biệt đối xử với người da màu chính là trọng tâm của bộ phim

The Help được đạo diễn và chuyển thể kịch bản bởi Tate Taylor, dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên được xuất bản vào năm 2009 của Kathryn Stockett. Lấy bối cảnh trong Phong trào Dân quyền vào năm 1963 tại Jackson, Mississippi, bộ phim được thuật lại theo góc nhìn của Aibileen Clark – một người giúp việc da đen cô đơn, với cuộc đời của Clark được đặt để trong câu từ của Eugenia “Skeeter” Phelan – một phụ nữ trẻ da trắng có khát vọng trở thành một nhà báo và nhà văn có tên tuổi. Họ là hai tuyến nhân vật chính, kể về mối quan hệ tương hỗ, tôn trọng, thấu hiểu giữa hai người phụ nữ có màu da đối lập. Ở tuyến nhân vật phụ, là mối quan hệ từ thân cận, trở thành thù địch giữa Mindy Jackson – một người giúp việc da đen và Hillary “Hilly” Walters Holbrook – một phụ nữ trẻ da trắng đầy tham vọng, vị kỷ vô cùng tận.

Eugenia “Skeeter” Phelan

Skeeter quyết định viết một cuốn sách tập hợp những câu chuyện bi thương, chân thực, lẫn giàu cảm hứng (trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ) của những người giúp việc da đen, phơi bày sự phân biệt đối xử mà họ phải đối mặt khi làm công cho các gia đình người da trắng. The Help – tên của bộ phim cũng đồng thời là tên của cuốn sách mà Skeeter hoàn thiện. Đây cũng là từ được dùng để gọi những người lao động da đen tại Mỹ trong thập niên 60s. Với mức lương còm cõi, việc trở thành người giúp việc gần như là sự nghiệp duy nhất mà người da đen có thể làm trong giai đoạn này.

Một xã hội “bình đẳng nhưng tách rời”

Trải qua quá trình dài đấu tranh để lật đổ sự kỳ thị chủng tộc đã chia rẽ sâu sắc người dân Mỹ, một bản dự thảo pháp luật mới đã được ban hành với chủ trương hướng tới bình đẳng về địa vị về mặt chế độ mọi người dân sẽ nhận được sự đảm bảo cơ bản. Nhưng chính sách trên thì cũng có chính sách dưới, khi Mississippi – một bang ở miền Nam nước Mỹ luôn rặt nặng vấn đề phân biệt chủng tộc sâu sắc. Lúc này chính sách “bình đẳng nhưng tách rời” trở thành chủ trương mới được khởi xướng trong cộng đồng người da trắng.

Chẳng hạn như phụ nữ da trắng không được vào phòng bệnh của người da đen, thợ làm tóc da đen không được phục vụ cho phụ nữ da trắng, hay thậm chí là trong trường học thì sự tách biệt rõ ràng giữa hai bên cũng được định rõ. Bất kỳ một sự vận động hay tuyên truyền công khai để đòi quyền bình đẳng cũng sẽ bị bài xích, lên án, hoặc bị trấn áp bởi giới quyền chức.

Trong bối cảnh như vậy, cộng đồng người da trắng tinh tú tại Jackson, Mississippi đã có nhiều sự sáng tạo để vận động tranh cử sức ảnh hưởng và để thỏa mãn cảm giác ưu tú của bản thân. Hilly Holbrook chính là người như vậy. Ý tưởng của cô ta về việc cấm người giúp việc dùng cùng nhà vệ sinh với chủ được ngụy tạo bởi lý do là sự quan ngại vì những mầm bệnh mà người da đen có thể lây nhiễm, trở thành một trong những vấn đề nổi cộm xuyên suốt mạch phim. Sự bi hài trong bối cảnh bày biện sẵn được miễn nhiên lồng ghép cùng với những thông điệp mạnh mẽ nhấn mạnh về tình người và tính cá nhân trong một xã hội sính chuộng hành vi tập thể.

Review phim The Help (2011)
Hilly Holbrock là đại diện cho giới tinh túy da trắng tại Jackson, Mississippi.

Skeeter chính là một kẻ “lạc đàn” trong công đoàn da trắng, được nuôi dưỡng, dạy dỗ bởi một người giúp việc da đen là Constantine Jefferson từ bé. Nhờ vào sự yêu thương, tấm chân tình dạy dỗ đó mà Skeeter trưởng thành thành một người phụ nữ độc lập, kiên định, giàu tấm lòng cảm thông, trắc ẩn dành cho những người da đen đang chịu kiếp hèn mọn. Câu chuyện về những người giúp việc da màu với tấm lòng yêu thương, ân cần dạy dỗ những đứa trẻ da trắng từ khi chúng còn bé thơ cho đến lúc trưởng thành dễ đánh động vào tâm thức của bất kỳ khán giả xem phim nào.

“You Is Kind, You Is Smart, You Is Important”

Tính nhân văn của bộ phim vô cùng đậm nét, khiến cho người xem nhất định phải mủi lòng. Bên cạnh câu chuyện cá nhân của Skeeter và Constantine, câu chuyện của Aibileen bắt đầu làm công việc giúp việc kể từ khi bà mới 14 tuổi, nhận trọng trách dưỡng nuôi những đứa trẻ và chứng kiến sự bất lực lẫn thiếu bản năng của các bà mẹ trẻ da trắng. “A baby raising a baby”, nhận định của Aibileen là như thế về các bà mẹ da trắng chỉ lo chăm chút hình ảnh và thể diện của mình trong xã hội mà sơ sẩy trong việc chăm sóc con mình. Vì những nỗi niềm riêng, Aibileen coi 17 đứa trẻ da trắng mà mình từng trông nom như chính những đứa con của mình. Tấm lòng người mẹ của Aibileen muôn phần làm tăng thêm tính nhân văn trong The Help.

“You is kind, You is smart, You is important”, đây có lẽ là lời thoại đáng nhớ nhất trong cả bộ phim. Nó được lặp đi lặp lại nhiều lần, khi Aibileen nhắc nhớ tới Mae Mobley như một lời động viên mỗi khi mẹ của cô bé đối xử tệ với con gái mình. Thông điệp như một lời nhắc nhở tới bất kỳ một bậc phụ huynh nào cũng cần phải nghĩ về những lời khuyên và động viên tích cực dành cho con cái và trẻ nhỏ. Chúng cần phải được lắng nghe và cảm thụ sự tích cực lẫn giá trị từ những lời ngợi khen, động viên để trưởng thành tốt đẹp hơn. Cả Constentine và Aibileen đều là những hình tượng người mẹ thứ hai, gieo mầm hạt giống tâm hồn vào bên trong những đứa trẻ mà họ chăm sóc.

Hiển nhiên, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết này đưa ra những thông điệp nhân văn để ủng hộ những người da đen và bài xích hành vi phân biệt của người da trắng có phần khuếch đại, nhưng việc đưa ra nhiều câu chuyện lồng ghép đồng thời giúp cho người xem phần nào có được cái nhìn toàn cảnh hơn. Tình bạn thân thiết của Aibileen với Mindy Jackson cũng là một điều đáng trân quý của những người phụ nữ da đen trong bối cảnh xã hội lúc đấy.

Giữa Aibileen và Mindy có một sự đồng cảm, yêu thương, tôn trọng, ủng hộ, lẫn thấu hiểu nhau đáng ngưỡng mộ. Tình bạn hóa tình thân của cả hai có một sự dung dị rất dễ để đồng cảm. Từ những người phụ nữ có thân phận và tình cảnh khó khăn, nương tựa vào nhau để vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Họ san sẻ niềm vui, lòng tự hào, sớt chia những giọt lệ, cất giữ những niềm đau một cách thân tình, chân thành nhất. Không có đỗi quá nhiều những tác phẩm điện ảnh thành công nào của Hollywood tôn vinh tình bạn đẹp đến trong trẻo như vậy của những người phụ nữ da màu.

Nếu như Aibileen là kind (tử tế), Mindy là smart (thông minh), thì cộng đồng người da đen của họ chính là thành phần quan trọng nhất (important). Cộng đồng chính là chất keo giúp cho những người phụ nữ như Aibileen và Mindy tìm được giá trị của bản thân, sự chữa lành lẫn cảm giác bình an.

Tuy vậy, có vẻ như câu chuyện về cuộc đấu tranh chống phân biệt, kỳ thị chủng tộc trong thời kỳ đỉnh điểm, khi qua góc nhìn của một tác giả người da trắng vẫn có phần nhẹ nhàng và thư thái hơn thực tế. Người xem không thấy những cuộc biều tình gay gắt, đổ máu hay tranh đấu dữ dội. Thay vào đó, cộng đồng người da đen tại Mississippi có phần cam chịu, bị động và chấp thuận hơn. Họ chỉ bắt đầu vùng dậy khi có một trong số họ bị bắt bớ lầm than, và chỉ khi có một người phụ nữ da trắng nghĩa khí, với tiếng lòng đầy sự cảm thông lẫn bao dung, để bạo dạn đứng ra kể câu chuyện của họ tới tất cả mọi nơi khắp nước Mỹ.

Cũng không thể không nhắc đến tình bạn giữa Mindy và Celia Rae Foote – một cô vợ trẻ với kỹ năng nội trợ vụng về, tính tình vô tư, tốt bụng, ngây ngô nhưng mạnh mẽ và lạc quan vô cùng. Celia Foote cũng như Skeeter, là một cá thể khác biệt so với những người phụ nữ da trắng khác trong cộng đồng của họ. Mindy trở thành người bầu bạn duy nhất cùng Celia khi cô bị tách biệt khỏi cộng đồng cùng màu da. Celia với tấm lòng đầy cảm kích cũng tiếp thêm cho Mindy sự mạnh mẽ và dũng khí để bước ra khỏi cuộc hôn nhân đầy đau khổ.

Review phim The Help (2011)
Celia Foote và Mindy Jackson.

Sự gắn kết đầy bất ngờ này là kết quả của thủ pháp kể chuyện theo tuyến tính đan xen, khiến cho người xem cảm nhận được rõ nét những tấm bi kịch của mỗi nhân vật, tuy có phóng đại, nhưng tròn vạnh những cảm xúc nhân văn được gắm gửi qua đó.

Diễn xuất thực tài từ dàn diễn viên sáng giá

Dàn diễn viên của The Help khiến cho bộ phim trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển. Viola Davis là nữ diễn viên có thực lực diễn xuất đáng nể trọng tại Hollywood. Bà còn được báo giới ví von là một Meryl Streep phiên bản da màu (một cách so sánh trịnh trọng, cảm phục). Dường như có một khuôn mẫu nhất định dành cho những tác phẩm điện ảnh hàn lâm mà bà tham gia, sẽ thường là hình tượng nhân vật da màu có cuộc đời đầy tấm bi kịch, hoặc nội tâm bị giằng xé để phải vùng dậy chống trả, đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Aibileen của Viola là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất trong sự nghiệp diễn xuất đồ sộ của nữ diễn viên, giúp bà nhận được đề cử quan trọng ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Oscar. Một trong những nhân vật khác do Viola thủ vai là Annalise Keating trong HTGAWM và Mrs. Miller trong Doubt (2008).

Viola Davis là một trong số những nữ diễn viên yêu thích nhất của Rose.

Có lẽ câu thoại đáng nhớ nhất của nhân vật Mindy Jackson trong phim là “Eat my shit”. Đó là một khoảnh khắc lật đổ trực diện sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng người da trắng mà đại diện rõ ràng nhất chính là Hilly Holbrock. Một Mindy Jackson với nhiều sắc thái cảm xúc được lột tả trọn vẹn trong The Help đã giúp Octavia Spencer đã nhận được giải thưởng “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Oscar 2012, một cách hoàn toàn thuyết phục. Nữ diễn viên sau này cũng tiếp tục được nhận thêm một đề cử tương tự tại Oscar 2017, với vai diễn trong bộ phim Hidden Figures.

Review phim The Help (2011)
Chiếc bánh chocolate trứ danh của Mindy Jackson trở thành biểu tượng của bộ phim.

Diễn xuất của Emma Stone dành cho nhân vật Eugena Skeeter Philan trong The Help cũng được ngợi khen bởi giới chuyên môn. Skeeter chắc chắn là một bước tiến dài trong sự nghiệp diễn xuất của Stone, khi trước đó cô chỉ có cơ hội được xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh dành cho lứa tuổi teen, hoặc phim hài. The Help là bộ phim hàn lâm, thuộc thể loại chính kịch được chuyển thể từ một tác phẩm tiểu thuyết được đánh giá cao. Có thể nói The Help là bước đệm đầu tiên để tên tuổi lẫn thực lực diễn xuất của Emma Stone được nhìn nhận một cách có chiều sâu hơn.

Tại Hollywood, Jessica Chastain và Bryce Dallas Howard có diện mạo rất giống nhau đến mức gây nhầm lẫn cho rất nhiều người. Cả hai nữ diễn viên đều sở hữu mái tóc hung đỏ, khuôn miệng cười, nước da trắng ngần, lẫn dáng mắt tương đồng. Đây là một điều khá thú vị, khi cả hai nữ diễn viên được tuyển vào hai vai diễn chống nghịch nhau trong phim, với Jessica Chastain trong vai Celia Foote và Bryce Howard trong vai Hilly Hilbrock. Diễn xuất của cả hai nữ diễn viên cho phân vai của mình là vô cùng trọn vẹn. Nếu như Chastain được đề cử giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar, cùng hạng mục với Octavia Spencer, thì cá nhân Rose lại dành nhiều lời khen hơn cho nhân vật Hilly Hilbrock, bởi vai diễn phản diện này đòi hỏi rất nhiều sự can đảm lẫn nội lực diễn xuất phong phú, mới có thể lột tả được bản tính đạo đức giả, trịch thượng, nham hiểm lẫn vị kỷ như vậy.

Bryce Howard nên được nhận nhiều tụng ngợi về diễn xuất hơn cho vai diễn Hilly Holbrock.

Có hai nữ diễn viên khác trong phim cũng có những phần thể hiện diễn xuất tròn vẹn, lắng đọng cảm xúc và đáng nhớ. Đó là Allison Janney trong vai diễn Charlotte Phelan – mẹ của Skeeter và Cicely Tyson trong vai Constantine Jefferson – người giúp việc đã chăm sóc Skeeter từ tấm bé. Skeeter trưởng thành, ngưỡng mộ Constantine và dành nhiều tình yêu dành cho bà, vì Charlotte đã không thể làm tròn vai một người mẹ mà Skeeter mong mỏi.

Review phim The Help (2011)
Skeeter và mẹ – bà Charlotte.

Constantine truyền cảm hứng cho Skeeter để trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, giàu tình thương, và điều này đã thực sự có tác dụng vì Skeeter trưởng thành thành một người mà Constantine đã kỳ vọng. Sự bao dung và yêu thương đó cuối cùng cũng thu được trái ngọt, là mầm giống và Constantine đã ươm bên trong Skeeter từ bé, vì bà thấy được sự bất mãn của cô bé dành cho mẹ mình, và đúng là như thế. Skeeter qua hành trình viết lên cuốn sách đầu tay, đã ngợi nghĩ về câu chuyện và những bài học cuộc sống khi xưa do Constantine truyền dạy. Từ đó mà mối quan hệ giữa Skeeter và Charlotte trở nên tích cực, tốt đẹp, thấu hiểu nhau hơn. Đó là điều diệu kỳ của sự tử tế mà con người ta trao cho nhau, được nhấn mạnh trong bộ phim.

Review phim The Help: Đánh giá ★ ★ ★ ★ ★ (5/5)

The Help là bộ phim nằm trong danh mục phim hàn lâm yêu thích nhất của Rose, thể loại phim chính kịch gột tả được tính chân thực của bối cảnh xã hội qua cách kể chuyện chú trọng đến từng hoàn cảnh của các tuyến nhân vật được xây dựng chặt chẽ. Mỗi một hoàn cảnh của người lao động da đen đều được khắc họa có chiều sâu khiến cho người xem phải động lòng những mảnh đời cơ cực của họ.

Bộ phim này theo phương diện cá nhân, truyền cảm hứng rất nhiều tới công cuộc viết lách và sáng tạo nội dung của cá nhân Rose. Ngôn ngữ và cách truyền tải, tiếp nhận nó là một công việc rất đỗi nhân văn, có giáo dục, nếu như nó được làm đúng, có mục đích, và có trách nhiệm. The Help là bộ phim như vậy, gửi gắm rất nhiều giá trị tích cực tới người xem, đánh động lòng trắc ẩn và truyền cảm hứng một cách riêng tư đối với mỗi cá nhân.

Đến cuối phim, chính nhân vật Aibileen cũng đã được truyền cảm hứng bởi cả hành trình, mà quyết định theo đuổi giấc mơ và tâm nguyện của riêng mình. Góc quay toàn cảnh ở cuối phim, với dáng hình của nhân vật từ tốn đi về phía trước, như một sự thoát ly khỏi những lầm than lẫn cơ cực mà Aibileen đã phải kiên định, nhẫn nại vượt qua kể từ khi là một đứa trẻ vị thành niên. Aibileen, vì hoàn cảnh đưa đẩy, cuối cùng cũng đã được phóng thích và tìm được sự tự do của mình. Đó có lẽ là ý nguyện được đền đáp từ sự mong cầu ẩn khuất ở sâu bên trong, và nó thật sự tuyệt đẹp, vẻ đẹp của sự tự do.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: