fbpx
Love-is-awkward

[Chuyện tình yêu] Tình dục, sự khơi mào và những niềm đau

Sex vốn dĩ là một khía cạnh quan trọng của tình yêu. Nhưng sự phức tạp ẩn sau hành động khơi mào nó lại khiến ta suy ngẫm.

Trong tình yêu, sex là một trong những khía cạnh quan trọng nhưng không thể nào rõ ràng để bày tỏ – nói đúng hơn nó là một chủ đề rất khó nắm bắt, dù là nữ, nam hay các tính giới khác. Nếu chỉ đơn thuần là một sự gắn kết chóng vánh để thỏa mãn sinh lý thì không ai cần bàn luận tới. Vậy nên câu hỏi ai nên là người đề nghị sex trước, lại là một vấn đề trong câu chuyện tình yêu lứa đôi.


Khuất sau cái sự giản đơn của mệnh đề câu hỏi là sự phức tạp mà các cặp đôi phải đương đầu. Nó có thể vun vén cho mối quan hệ thêm khắn khít, sâu sắc, đậm vị yêu thương, hay khiến cho một trong hai tổn thương, ngờ hoặc, nghi kỵ hoặc thất vọng. Hệ lụy đi kèm ở vế sau, không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến việc duy trì một mối quan hệ thắt chặt – thêm vào đó nó còn ảnh hưởng tới những người liên đới khác nữa. Một cặp vợ chồng có thể chia xa, ngoại tình – chỉ vì tình dục trục trặc hay không thỏa nguyện, chỉ đơn giản vậy thôi. Tương lai của con cái họ bị ảnh hưởng, tâm lý phức tạp của chúng được hình thành, hay thậm chí cái cách chúng nhìn nhận về tình yêu cũng không còn toàn mỹ nữa.

Đây có lẽ là một viễn cảnh không quá xa lạ với các cặp vợ chồng, đó là khi đèn đóm đã tắt, từng nhịp thở đều đặn như đưa người vào giấc ngủ thì bỗng một bàn tay mò mẫm trong bóng tối, chạm vào cơ thể của người còn lại, vuốt ve nhẹ khẽ như ngầm báo hiệu rằng họ muốn thân mật, nhưng người còn lại thì lặng thinh, tảng lờ hoặc đưa ra những lý lẽ từ chối.

Sex, sự khơi mào và những niềm đau | So awkward, Rose

Nếu hành động đó lặp lại nhiều lần có thể khiến cho mọi chuyện trở nên phức tạp hơn tưởng tượng của mỗi bên, bởi giải tỏa sinh lý chỉ là một chuyện nhỏ nếu so với vấn đề thiết thực hơn: nhận thức rằng bản thân họ – người đã đề nghị sex trước, là không đáng mong muốn để gần gũi. Ý chí cần thiết để khơi mào tình dục xảy ra được nhìn nhận như một thử thách đánh giá tính thân mật của một mối quan hệ, mà nhờ đó một cặp đôi có thể đánh giá được mức độ tình cảm hiện tại của họ là như thế nào và tìm ra những phương cách để vun vén thêm cho nó.

Ở một góc độ nhìn nhận xác đáng khác, đối với những người không bao giờ chủ động khơi mào sex, hay luôn có một sự phản hồi thờ ơ, lãnh đạm, nửa vời trước những lời đề nghị thân mật, thì cũng tương đương với một lời ngầm tuyên bố rằng bản thân người đó không yêu quá nồng nhiệt, hoặc thậm chí là không còn có cảm xúc yêu đương.

Những lý do được đưa ra khi đối diện với việc bị khước từ hay không chủ động có thể chính đáng hoặc không chính đáng, nhưng nhất thiết chỉ có một sự thật mà do chính người từ chối nắm giữ. Một bàn tay khẽ lay người kia nhưng không có một sự hồi đáp có thể là vì họ đã mệt mỏi cả ngày dài, và đang thực sự cần một giấc ngủ ngon; hoặc có lẽ, bản thân họ đang cảm thấy không có tâm trạng để nhập cuộc hoan hỉ vào giấc đêm như vậy. Họ đặt bản thân lên trước nhu cầu của đối tác và không có sự nhất thiết phải giải trình – có lẽ cho đến khi họ bị chất vấn.

Sự khước từ hay lặng thinh được cộng hưởng cùng với màn đêm tĩnh mịch khiến cho người còn lại mơ hồ tự giải nghĩa về hành động đó. Sự thấu hiểu hay đối thoại lúc này đã không còn được ưu tiên, thay vào đó là những ngợi suy về cảm xúc, sự tự diễn trong tâm tưởng, và cả cái tôi bị tổn thương. Bất kể ai cũng sẽ cảm thấy giá trị và sức hấp dẫn của mình bị hạ thấp trong trường hợp bị chối từ như vậy. Còn có cả sự xấu hổ nữa. Đối với một cặp đôi đã nhiều năm bên nhau, nó sẽ nhen nhóm cho những ý tưởng về sự ngoại tình và dối lừa nảy sinh.

Tất cả những suy nghĩ và hậu quả tiêu cực đều có thể xảy ra, thuận tình và hợp lý, nếu như người bị từ chối không biết cách để yêu thương chính bản thân mình. Nếu biết cách yêu thương bản thân lẫn cả đối phương, việc suy diễn về những lý do cụ thể đằng sau sự khước từ sẽ bị khỏa lấp bằng những suy nghĩ tích cực, đỡ nặng lòng, và rất có thể là họ sẽ tự mình đối thoại với đối phương vào một lúc cả hai có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Nếu tình yêu và sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm là những tiền tố xây dựng nên một mối quan hệ, xấu hổ chắc chắn không phải là cảm xúc đầu tiên hiện diện trong lòng của người bị từ chối tình dục.

Nếu như nguyên cớ của sự khước từ thân mật là do thiếu hứng khởi hay cảm xúc lồng vào hành động, mỗi bên có quyền trao cho mình cơ hội để tìm kiếm một niềm hạnh phúc mới. Suy cho cùng, việc duy trì một mối quan hệ thiếu vắng sự thân mật, tin tưởng, gần gũi là hành vi của việc ngược đãi, lẫn thiếu yêu thương bản thân mình.

Nhưng sự xấu hổ được hình thành do bị khước từ có thể khiến cho một cá nhân hình thành nên những suy nghĩ, nhận thức tiêu cực về bản thân mình, về sự hấp dẫn cá nhân, khiến cho họ trở nên lặng lẽ, mềm yếu hay thậm chí là cay nghiệt hơn. Trưởng thành là cả một quá trình dài, nhưng để thực sự nhìn thấu được giá trị của bản thân mình, trở nên tích cực, yêu thương bản thân mình nhiều hơn – lại là hành trình đi sâu vào nội tại.

Nếu không thể nào nhận thức được sự khước từ đó thực sự mang ý nghĩa gì, họ sẽ không thể phản hồi về vấn đề thiếu vắng tính thân mật và cảm xúc trong mối quan hệ hiện tại. Họ sẽ không dám đối diện nó một cách thẳng thắn, mà đi tìm câu trả lời hay cách giải quyết ở sai chỗ, sai người, sai thời điểm. Từ đó khiến cho mọi thứ trở nên rối rắm hơn.

Sex, sự khơi mào và những niềm đau | So awkward, Rose

Nếu có ai đủ khẳng khái để nói lên rằng anh/em cảm thấy tổn thương/ thất vọng/ hụt hẫng vì bị từ chối thân mật, có lẽ mối quan hệ đó vẫn sẽ còn có thể được tiếp tục vun vén, hay chữa lành những thương tổn. Nhưng tuyệt nhiên, sự lặng thinh và khước từ không có lời giải đáp thỏa nguyện, sẽ khiến cho mọi thứ tiến vào hồi kết nhanh chóng.

Kết thúc của một mối quan hệ như thế có thể sẽ không hề êm xuôi và đơn giản. Nhưng đến cuối cùng, những kẻ trong cuộc vẫn không thể tiếp nhận hay rút ra được cho mình bất kể điều gì quan trọng, hơn là nhìn vào những nỗi đau và tổn thương của cái tôi. Điều mà họ cần nhận thấy là bản thân đã không có đủ dũng khí, không có đủ sự thấu hiểu chính mình, không tinh ý để nhận ra những sự thay đổi về cảm xúc lẫn hành vi của một người mà ta từng hết mực yêu thương. Đó là một sự phí hoài cảm xúc, thời gian, lẫn niềm tin đặt vào tình yêu – mà có lẽ ta đã có thể tránh được, nếu như biết cách để yêu thương chính bản thân mình.

Từ câu chuyện của bàn tay khước từ sự thân mật, ta bắt gặp một vấn đề khá phổ biến trong tình yêu: về những khó khăn, lẫn vướng mắc được tạo ra khi ta không thể yêu cầu những gì bản thân mình muốn trong một mối quan hệ, khi ta cảm thấy rằng ta không xứng đáng, bằng lòng và không thể giải quyết sự thất vọng hoặc xoa dịu nỗi đau một cách thỏa đáng.

Nếu đang phải đối diện với hoàn cảnh như vậy, ta không nên để đôi bàn tay khước từ sự thân mật tiếp diễn quá lâu hay lặp lại. Ta cần thôi suy diễn về những điều có hoặc không có thực, ngừng những ý định tòm tem với những mối quan hệ ngoài luồng khác chỉ để thỏa mãn sinh lý, và dối lừa người đầu ấp tay gối với mình. Ta hãy nên bật sáng đèn, bày tỏ nỗi đau lẫn cảm xúc của mình với người kia mà không cần phải cảm thấy xấu hổ. Một tình yêu đầy nỗi tự ti, tủi hổ, có lẽ không còn mầm sống nào khác nữa, và có lẽ, lúc đó ta cũng cần phải thực sự cân nhắc về những sư lựa chọn để tốt cho cả hai. Nhưng điều đó cũng vẫn cần sự minh bạch, thấu hiểu bản thân và tràn đầy cảm thông với đối phương.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: