fbpx
Culture Feature Articles

Tác hại của mạng xã hội: lời trần tình của người trong ngành

Bài viết cảnh báo rõ ràng về tác hại của mạng xã hội theo nhiều góc độ.

Bất kỳ thứ gì miễn phí được trao cho bạn, bạn phải trả giá bằng thời gian sống của bạn – hoặc tệ hơn, bạn chính là sản phẩm, là lợi nhuận của “thứ” miễn phí đó. Mạng xã hội chính là một thứ như vậy. Tác hại của mạng xã hội lớn hơn nhận thức của bạn gấp nhiều lần.

Khi người dùng chính là sản phẩm: tác hại của mạng xã hội

*Edit (31/12/2021): Rose xin xác nhận là dữ liệu người dùng TikTok Việt Nam đều được gửi về trụ sở ở Beijing và được thâu tóm, mổ xẻ, nghiên cứu tại đây. Trụ sở của TikTok đặt tại Mỹ Mỹ sẽ chỉ cáng đáng và xử lý dữ liệu của họ và một vài khu vực khác, không bao gồm khu vực Đông Nam Á.

Tác hại của mạng xã hội: thu thập dữ liệu người dùng – câu chuyện ai cũng biết nhưng chẳng ai hành động

Ai trong chúng ta cũng sử dụng mạng xã hội trong cuộc sống thường nhật. Công nghệ lẫn tiện ích của nó khiến cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ta học tập, đối thoại, cập nhập, sẻ chia, tương tác với thế giới xung quanh thông qua những nền tảng phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Linkedin, Twitter, Zalo… Tất cả đều hoàn toàn miễn phí, đó là điều tuyệt vời nhất. Cái thế giới “ảo” được xây dựng xung quanh chúng ta cho chúng ta nhận thức rõ về việc mình (hay những người xung quanh) nghĩ gì, quan tâm gì, cần gì, cảm xúc thế nào.

Tuy vậy, mạng xã hội cũng lấy lại của chúng ta không ít mà ta không thể nhận ra được, dù là trong vô thức hay lý tính (nghĩa là có biết cũng không chống lại được cái sự thôi thúc sử dụng mạng xã hội – vì những tính năng, tiện dụng hay vì những người xung quanh).

Những điều mà mạng xã hội lấy của chúng ta là gì? Thời gian, tài chính (đầu tư vào trang thiết bị tối tân) – vốn dĩ là những điều rất dễ nhận thức được. Còn những thứ mà ta không thể nhìn nhận thấu đáo thì sao? Đó là mồi tiềm thức, đó là thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đó là dữ liệu cá nhân của chúng ta bị thu thập: từng cái tương tác, thời gian hay sở thích của cá nhân, cảm xúc, suy nghĩ, tính cách, hay cả những thói quen vô thức mà chính ta còn không nhận ra – nhưng lại có thể hiển thị và được phân tích trực quan dựa vào những dữ kiện và hoạt động của chúng ta trên từng nền tảng hằng ngày.

Khi người dùng chính là sản phẩm: tác hại của mạng xã hội

Dữ liệu đó sẽ dùng để làm gì? Mạng xã hội không đòi chúng ta phải chi tiền cho nó để sử dụng – bởi vì chính chúng ta là sản phẩm để doanh nghiệp vận hành mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Twitter bán cho các doanh nghiệp tiêu dùng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Sở thích của ta được thương mại, thời gian của ta được thương mại, hành vi của ta được thương mại – thông qua hành vi phân tích và thuật toán AI được sắp đặt của họ. Điều này khiến cho các doanh nghiệp vận hành mạng xã hội như Facebook trở nên giàu có hơn bao giờ hết, vì các doanh nghiệp tiêu dùng sẽ chi bội tiền để chắc chắn rằng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng của mình được đảm bảo, và để làm được điều đó thì sẽ cần đến dữ liệu.

Việc mua bán dữ liệu của khách hàng là điều không còn quá lạ lẫm trong giới công nghệ. Tuy nhiên, những tác hại nguy hiểm hơn của mạng xã hội là nó đang tạo ra một môi trường thao túng nhận thức của người dùng, khiến họ trở nên thiên vị, tác động bởi nhiều thông tin không xác thực, tạo thành mồi tiềm thức hay thiên kiến nhận thức, tác động đến cách họ ứng xử, xử lý tình huống hàng ngày. Đây là một điều nguy hiểm tới sự phát triển về trí tuệ và trí thông minh cảm xúc lẫn trưởng thành của một cá nhân – đặc biệt là người trẻ, bởi thuật toán và dữ liệu của các nền tảng mạng xã hội sẽ luôn bày biện sẵn những gì mà nó tin là bạn sẽ thích và muốn quan tâm.

Mồi tiềm thức là gì?

Bạn vẫn tưởng rằng bạn biết rõ khi nào mình chịu tác động của một điều gì, và nó đã ảnh hưởng tới hành vi của bạn ra sao. Nhưng sự thật là bạn hoàn toàn không ý thức được về việc mình liên tục bị tác động bởi các ý tưởng do chính tiềm thức của mình tạo ra. Điều quan trọng hơn, chính mạng xã hội là công cụ liên tục tác động tới các tiềm thức đó của bạn, thông qua hình ảnh, bài viết, cộng đồng, âm thanh lẫn trào lưu trên chính nó.

Việc một tác nhân trong quá khứ ảnh hưởng đến cách mà bạn suy nghĩ, hành xử, hay nhìn nhận các sự việc khác sau này được gọi là mồi tiềm thức. Mỗi nhận thức của bạn về thế giới xung quanh, dù bạn có ý thức được về nó hay không, cũng sẽ kích hoạt một loạt những ý niệm có sẵn trong não bộ. Ví dụ bảng đen khiến bạn nghĩ về trường học. Điều này xảy ra mọi lúc mọi nơi, mặc dù bản thân bạn không nhận ra thì nó vẫn tác động đáng kể lên hành vi của bạn. Giới khoa học đã có những thí nghiệm chứng minh được rằng mỗi người chúng ta đều rất dễ bị thao túng bởi mồi tiềm thức của bản thân.

Mồi tiềm thức và thiên kiến nhận thức khiến cho bạn đánh giá một tình hình, diễn tiến hay sự việc – chỉ dựa vào những khuôn mẫu và lối tắt trong suy nghĩ của trí não. Đó là lý do mà những thông tin được cập nhật nhanh chóng và dựa trên những thuật toán nghiên cứu về hành vi người dùng trên mạng xã hội sẽ kích thích phần não bộ này của bạn để khiến cho bạn trở nên phụ thuộc hơn vào nó, bởi MXH đã tạo ra những lối tắt trong suy nghĩ, và từ đó vai trò của nó trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Khi người dùng chính là sản phẩm: tác hại của mạng xã hội

Chẳng hạn bạn đọc một thông tin trên MXH, người đăng tải là một người có nhiều bạn chung với bạn và có hàng trăm, hàng nghìn lượt like cho mỗi bài viết. Bạn sẽ có xu hướng tự nhận định đây là một người có sức ảnh hưởng, đáng tin tưởng và đáng theo dõi vì những tiền tố định sẵn. Tâm lý đám đông và mồi tiềm thức khiến cho bạn đưa ra quyết định tương tự, rằng nên tin tưởng những nguồn tin nào, nên tham khảo những kênh nào, nên tán đồng hay phản đối những hành vi, ý tưởng nào… Nhưng dĩ nhiên, ngay cả những kênh, những nguồn, những đối tượng mà bạn tham khảo hay lắng nghe – cũng là những người chịu ảnh hưởng bởi mồi tiềm thức lẫn thiên kiến nhận thức của chính họ, mà MXH góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại hành vi này lên gấp nhiều lần.

Những điều mà bạn không thể biết trừ khi bạn làm việc cho một công ty về mạng xã hội

Đây là một trải nghiệm thực tế, một câu chuyện cá nhân, góc nhìn chân thực từ chính kinh nghiệm của bản thân. Rose mới thôi việc ở một công ty công nghệ lớn là Bytedance gần đây. Quá trình làm việc ở một công ty phát triển những sản phẩm công nghệ có tiếng tăm trên toàn cầu như Tiktok, Helo, Lark, CapCut… không hề như những mộng tưởng giống với trong ngày đi làm đầu tiên, và hành trình tại Bytedance chỉ tồn tại ngắn ngủi.

Trong vai trò là chuyên gia vận hành sản phẩm, mạng xã hội mà Rose tập trung phát triển ở giai đoạn khởi sinh là mạng xã hội Helo. Đây là một mạng xã hội có gần 100 triệu người dùng tại Ấn Độ, và hiện nay có mặt đồng thời ở nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Brazil và sắp tới là Malaysia và khu vực châu Âu. Tham vọng của Bytedance là đưa Helo trở thành một sản phẩm mạng xã hội chủ lực, có thể cạnh tranh trực tiếp với những ông lớn khác như Facebook, Twitter hay Google.

Điểm gì khiến cho Bytedance tự tin về sản phẩm MXH Helo của mình đến như vậy? Họ dựa vào danh tiếng của TikTok, cũng như kế thừa những thành công ngoài mong đợi của nền tảng chia sẻ video ngắn này trên toàn cầu. TikTok không phải là MXH, nhưng Helo được xây dựng là như thế. Họ muốn trộn lẫn những tính năng nổi trội của tất cả các trang MXH nổi tiếng khác để tạo ra Helo – chẳng hạn như tính năng Hashtag của Twitter, tính năng từ khóa chủ đề của Weibo, tính năng thảo luận và thiết lập cộng đồng như Facebook, tính năng Reels của TikTok…

Helo là một sản phẩm lai tạp để đáp ứng được nhu cầu của người dùng MXH. Thêm hơn, trái với những ông lớn công nghệ khác, họ tối ưu hóa nội dung bằng cách thiết lập những nhân lực vận hành là người bản địa tại những đất nước triển khai sản phẩm. Họ tin rằng đây là điểm khác biệt và tạo ra đòn bẩy để đánh bại các ông lớn MXH khác – vốn không ưu tiên cho việc “localization” (địa phương hóa) sản phẩm của mình trên toàn cầu.

Nếu bạn chưa từng nghe tới, chưa từng sử dụng hoặc đang có ý định sử dụng Helo này, Rose sẽ kiến nghị rằng bạn không nên, vì những lý do cụ thể, xác đáng. Dĩ nhiên, đây là ý kiến cá nhân, mang tính chất tham khảo về tác hại của mạng xã hội, mọi quyết định là của bạn.

Chính phủ Ấn Độ đã đóng cửa Helo India vì mối quan ngại về chính trị

Với thành công gần 100 triệu người dùng trên Helo sau hai năm vận hành, cứ ngỡ rằng MXH này sẽ trên đà tăng trưởng nhanh chóng và sớm thâu tóm được đất nước có gần 1,4 tỷ dân thì chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm cửa sản phẩm này tại nước họ vì lý do quan ngại về thông tin sai lệch, nhân diện giả, phát động chính trị, về tác hại của mạng xã hội tới người dân, và đơn giản là vì đây là sản phẩm công nghệ của Trung Quốc – đất nước đang có tranh chấp về lãnh thổ với chính Ấn Độ. Không chỉ có Helo, TikTok, WhatsApp, WeChat, cùng một số sản phẩm công nghệ khác cũng bị cấm vận, trong bối cảnh COVID-19 và tranh chấp biên giới.

Lý do mà Helo sau hai năm vươn tới được con số khả quan như vậy là bởi vì họ có chính sách trả tiền để mời gọi người tham gia. Nhiều người sử dụng MXH – đa phần là người dân lao động nghèo khó tại các vùng nông thôn, nhanh chóng tham gia MXH và kéo theo bạn bè, người thân cũng cùng tham gia – chỉ vì nguồn lợi về tài chính mà Helo đem tới. Khi Helo được phát hành tại Indo, chiến lược này cũng được áp dụng nhưng bị phản tác dụng bởi lượng người dùng ảo áp đảo hoàn toàn và hệ sinh thái của nó bị xem là không có giá trị, thiếu chân thực, và không thể sánh bằng các nền tảng MXH vững chãi khác đã có mặt hơn 10 năm tại thị trường này.

Khi sản phẩm về tới Việt Nam và Thái Lan, chiến lược trả tiền để mời gọi người sử dụng đang được cân nhắc và tùy chỉnh để không phạm phải sai lầm như trước tại Ấn Độ và Indonesia. Nhưng thực chất, một MXH rẫy đầy những cá nhân muốn kiếm tiền dễ dàng sẽ mang lại những giá trị gì cho hệ sinh thái nội dung? Hiển nhiên không phải là một nơi lý tưởng để bạn giao thiệp, cập nhật hay phát triển bất kỳ điều gì của bản thân.

Quay trở lại về mối quan ngại về tình hình chính trị mà chính phủ Ấn Độ quan ngại, hãy so sánh TikTok và Helo. TikTok có phiên bản Douyin chỉ phục vụ cho người Trung Quốc và TikTok là phiên bản toàn cầu hóa của nó. Trong quá trình phát triển ra phạm vi toàn cầu, Bytedance – công ty mẹ của TikTok bắt buộc phải “bán” sản phẩm công nghệ của mình cho chính phủ của Mỹ và để doanh nghiệp thiết lập tại Mỹ kiểm soát dữ liệu của người dùng Tiktok trên phạm vi toàn cầu. Đây là điều bắt buộc để Bytedance có thể phát hành TikTok tại Mỹ, cũng như xúc tiến xa hơn ở phạm vi toàn cầu – dưới thời quản lý của cựu tổng thống Donald Trump.

Cựu tổng thống Donald Trump cho rằng TikTok là một công cụ nhằm xúc tiến và thúc đẩy mưu lược chính trị của Trung Quốc. Đây là một trong số những luận điểm quan trọng mà cá nhân Rose hoàn toàn đồng tình với vị cựu tổng thống (mặc dù Rose không ủng hộ ông ấy vì những quan điểm và hành vi khác). Thuyết âm mưu của Bytedance và đứng đằng sau là chính phủ Trung Quốc có thể được hiểu như sau:

Khi người dùng chính là sản phẩm: tác hại của mạng xã hội

Thông qua lĩnh vực công nghệ, Bytedance và ngay cả Tencent – một ông lớn công nghệ Trung Quốc khác đang đầu tư vào lĩnh vực e-sport (Gerena) và e-commerce (Shopee) sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ và phân phối chúng trên phạm vi toàn cầu để thu thập dữ liệu lẫn hành vi người dùng tại tất cả mọi quốc gia. Bên cạnh việc sử dụng dữ liệu này để phục vụ cho mục đích thương mại như Facebook, Google vẫn làm, Trung Quốc còn muốn tận dụng nguồn dữ liệu này cho nhiều mục đích chính trị khác nhau mà cụ thể là lật đổ Mỹ để trở thành cường quốc, tạo áp lực và sức ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận hay các liên minh hợp quốc.

Nếu bạn là công dân Việt Nam, đừng quên rằng chúng ta vẫn đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của nước ta với Trung Quốc và đường lưỡi bò của họ. Những dữ kiện thu thập được hành vi của người dùng MXH chính là cách thức tinh vi nhất để thâu tóm và phát triển những mưu tính chính trị – vốn dĩ đã là bản chất của giới cầm quyền Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam hay Ấn Độ lại không thể làm được điều tương tự. Đó là một cuộc chiến về công nghệ mà hẳn Việt Nam sẽ hoàn toàn bị khuất phục.

Khi Bytedance phát triển TikTok (cũng dựa vào nguyên lý đã chứng thực được mức độ thành công của một nền tảng khác là Snapchat của Mỹ), họ đã có thể dễ dàng thâu tóm được dữ liệu người dùng – nếu như không có chính quyền của Donald Trump chặn đứng âm mưu này. Giờ đây mọi dữ liệu đều quy tụ tại công ty của Mỹ và chính phủ Trung Quốc không được quyền truy cập vào dữ liệu này. Đó là lý do mà Bytedance chấp nhận bán lại sản phẩm cho chính quyền Mỹ để thu lại lợi nhuận khổng lồ và tiếp tục với mưu tính của mình bằng một MXH lai tạp là Helo và lần này tinh vi hơn khi đặt trụ sở và đội ngũ vận hành trực thuộc là công dân tại các nước sở tại. Tất nhiên, mọi dữ liệu người dùng của Helo sẽ chỉ được truy cập bởi Bytedance và tại trụ sở tại Beijing của họ. Chắc chắn họ đã học được bài học đắt giá và sẽ không để vụt mất cơ hội thâu tóm tất cả những dữ liệu người dùng tại các quốc gia như TikTok trước đây.

Nếu bạn sử dụng Helo và dành nhiều thời gian cho nó, Rose rất tiếc phải nói rằng bạn đang góp phần tiếp tay cho rất nhiều những mưu tính về chính trị của Trung Quốc trong tương lai. Một tương lai mà rất nhiều khả năng chúng ta sẽ bị đồng hóa hay thao túng về nhận thức, suy nghĩ thông qua những nền tảng MXH được xây dựng để phục vụ cho cơ đồ chính trị. Đây chính là tác hại của mạng xã hội, giống như một thuyết âm mưu chỉ có trong điện ảnh hay những câu chuyện hư cấu.

Bạn tự hỏi rằng Facebook hay Google cũng thu thập dữ liệu người dùng, tại sao lại không lo mà lại lo về một sản phẩm còn bé nhỏ như Helo của Bytedance? Cá nhân Rose tin rằng những ông lớn như Facebook và Google vẫn sử dụng dữ liệu để thương mại hóa chúng hay phát triển sản phẩm khác là chính yếu. Còn đối với chính phủ Trung Quốc, hãy nhìn về lịch sử và cả những hành động dứt khoát của chính phủ Ấn Độ hay Mỹ để hạn chế những rủi ro sẽ có thể xảy ra. Công nghệ chính là bàn đạp của chính trị, bạn cần nhận thực rõ về điều này.

Thuật toán AI của Bytedance “gây nghiện”

Nếu quan tâm đến công nghệ, bạn hẳn sẽ từng đọc về thông tin Bytedance thiết lập nên BytePlus để bán công nghệ AI mà mình phát triển và ứng dụng cho Tiktok hay Helo cho các tập đoàn công nghệ khác trên toàn cầu. Họ tự tin để bán thuật toán của mình cho các doanh nghiệp toàn cầu khác vì họ tin rằng thành công của TikTok đã chứng thực được giá trị của nó.

Thuật toán của TikTok đã làm gì? Nó sẽ luôn gợi ý những nội dung mà AI tin rằng bạn sẽ thích xem bởi những dữ liệu và hành vi tương tác của bạn đã làm trước đây. Nó đã làm điều đó như thế nào? Bằng cách phân loại cụ thể mảng nội dung thuộc hệ sinh thái của chính nó. Ví dụ: giải trí, giáo dục, phong cách sống, chính trị, kinh tế là những hạng mục lớn. Trong những hạng mục lớn đó sẽ có những phân nhánh nhỏ hơn của nó – ví dụ giải trí sẽ có tám chuyện showbiz, người nổi tiếng, phim ảnh Hàn Quốc, phim ảnh Âu Mỹ, âm nhạc… Chính nhờ sự phân nhỏ theo từng chủ đề mà theo thuật ngữ chuyên biệt của họ là “vertical” mà AI của họ mới có thể dễ dàng khiến cho người sử dụng bị “nghiện” và dành nhiều thời gian sử dụng nó. Những MXH khác đều không khai triển hay chú trọng vào điều này. Dĩ nhiên cái gì cũng có mặt lợi và hại của nó, thuật toán AI của Bytedance sẽ không thể nào phát huy được giá trị tối đa của nó, nếu như nền tảng ứng dụng nó cũng không chú trọng việc phân mảnh từng mảng nội dung.

Helo cũng sẽ thừa hưởng thuật toán AI của Bytedance và sẽ sớm phát triển hệ sinh thái nội dung đa dạng được phân mảnh rõ ràng để thâu tóm người dùng. Nhưng liệu có thành công được như TikTok hay không thì đó là một đáp số không chắc chắn. Cá nhân Rose chỉ nói rằng, một nền tảng luôn chỉ cung cấp những thông tin hay nội dung mà bạn muốn nghe và muốn đọc sẽ gây nguy hại nhiều hơn, bởi vì mồi tiềm thức và thiên kiến nhận thức – điều mà Rose đã đề cập ở trên, sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định bất lợi cho bản thân lẫn những người xung quanh, hoặc đó không phải là phương án tốt nhất, lý trí nhất.

Internet sẽ thay đổi sang một hình thái mới, việc dấn thân vào một MXH mới gần như là vô nghĩa

Facebook – công ty mạng xã hội lớn nhất và đầu tiên trên toàn cầu vào tháng Bảy vừa qua đã đưa ra thông báo về việc phát triển thành một công ty về metaverse trong chiến lược phát triển 5 năm sắp tới. Cá nhân Rose nghĩ rằng metaverse sẽ là một cuộc cách mạng công nghệ làm xoay chuyển trạng thái và mô hình xã hội của chúng ta một cách mạnh mẽ. Các nền tảng MXH khác vốn dĩ sẽ phải chạy theo và chuyển mình cùng thời đại, một khi ông lớn Facebook hướng tới một hình thái internet cao cấp hơn.

Rose đã có một vài bài viết về metaverse trên blog này, bạn đọc có thể tham khảo thêm. Có thể metaverse sẽ cần một khoảng thời gian khoảng từ 5 – 10 năm để bắt đầu và hoàn thiện, thế nhưng, việc dấn thân vào một MXH mới gần như là vô nghĩa, bởi cách thức sử dụng internet của chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi. Hãy tạm xem như đó là một kiểu đầu tư mà tài sản của bạn là thời gian – với kết quả thu được sẽ là chẳng-có-gì.

Bên cạnh những tiện ích mà mạng xã hội đem tới cho mỗi cá nhân, hà cớ gì phải sử dụng đồng thời quá nhiều MXH để làm gì? Nếu cần cập nhật, liên lạc, giao tiếp thì hãy cứ tiếp tục sử dụng các nền tảng MXH phổ biến khác tại Việt Nam như Facebook, Zalo, Instagram, Youtube, Linkedin hay ứng dụng nhắn tin tiện lợi có sẵn. Helo vẫn chưa hoàn toàn được tối ưu để trở thành một nền tảng thiết yếu, mà thực chất nó chỉ đang cố gắng tích hợp tất cả những tính năng vốn có khác của nhiều ứng dụng khác nhau để đem tới cho người dùng một trải nghiệm tích hợp, thuận tiện – với cái giá phải trả là thời gian và dữ liệu cá nhân cho những mục đích lớn lao khác mà chính trị là một vấn đề mà ai cũng cần phải cân nhắc.

Hệ sinh thái nội dung của Helo và bản quyền

Nghĩ về hệ sinh thái nội dung của Helo Việt Nam, không quá ngạc nhiên khi hành vi “mèo khen mèo dài đuôi” của một chị “đồng nghiệp” cũ của Rose – vốn đặt rất nhiều niềm tin vào sản phẩm này tại Việt Nam, cũng như rất tự hào khi là một nhân lực tại Bytedance. Chi tụng ngợi hệ sinh thái nội dung của Việt Nam vô cùng đa dạng, chất lượng hơn tất cả các thị trường khác và chê bai hệ sinh thái nội dung của Helo Thái Lan là “cheap” (rẻ tiền), và cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển vượt bậc cả về lượng người dùng, lẫn nội dung hơn tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Rose chỉ nghĩ rằng hy vọng chị không hối tiếc vì những nỗ lực và cống hiến của chị cho một sản phẩm có tiềm năng trở thành công cụ xúc tiến hay mưu đồ chính trị của một quốc gia tham vọng nhất thế giới.

Helo được định vị và học tập theo thành công của Weibo và luôn muốn khai thác những chủ đề nóng sốt và thậm chí là không có nhiều giá trị nội tại cho người dùng, chẳng hạn như chuyện showbiz, giới giải trí, những câu chuyện kỳ lạ, tin tức xã hội như giết người, tai nạn, thiên tai… bên cạnh đó, họ sẽ luôn hợp tác cùng với người nổi tiếng để thúc đẩy nhận diện của MXH này trên phạm vi rộng hơn, nhưng trước khi họ có thể hợp tác với influencer hay KOLs đó, nội dung của những người này đã được sử dụng và đăng tải không-được-phép trên nền tảng Helo.

Lý do là ở giai đoạn phát triển sản phẩm, Helo còn lấy tất cả nội dung có bản quyền hoặc không có bản quyền trên các nền tảng khác như Facebook, Instagram, TikTok, Youtube, Twitter để trở thành nội dung được chia sẻ trên Helo. Vốn dĩ luật bản quyền của Việt Nam còn quá lỏng lẻo nên điều này mới có thể được diễn ra thuận lợi. Những nội dung như vậy sẽ được giới hạn thời gian sử dụng trong một tháng, sau đó những nội dung đó sẽ hết hạn và người dùng sẽ không còn nhìn thấy chúng nữa, trừ khi họ vào tận tài khoản cá nhân đăng tải nội dung đó để xem lại.

Bản chất và tác hại của mạng xã hội là thế nào, hãy lắng nghe những người trong cuộc

Bất kỳ thứ gì miễn phí được trao cho bạn, bạn phải trả giá bằng thời gian sống của bạn – hoặc tệ hơn, bạn chính là sản phẩm, là lợi nhuận của “thứ” miễn phí đó. Mạng xã hội chính là một thứ như vậy, và Rose sẽ luôn lặp đi lặp lại điều này trong mọi cuộc đối thoại. Cá nhân Rose đã từ bỏ mạng Facebook được hai năm và nhận được những lợi ích nhất định từ đó. Khi làm việc cho Bytedance để phát triển Helo tại Việt Nam, Rose càng cho rằng quan điểm của mình là có cơ sở và những mối lo ngại chính đáng về tác hại của mạng xã hội.

Tuy nhiên, đừng chỉ lắng nghe mỗi nhận định cá nhân của Rose. Hãy tiếp nhận và dành sự quan tâm tới chia sẻ thực chất từ những chuyên gia đã từng làm việc cho các ông lớn của ngành công nghệ như Google, Facebook, Twitter… Họ sẽ giúp cho bạn có được những nhận định rộng mở và thấu đáo hơn về tác hại của mạng xã hội. Điều đầu tiên bạn có thể làm là xem trọn vẹn bộ phim tài liệu ở dưới đây. Có thể nói rằng chính nhờ bộ phim tài liệu này mà Rose mới dành thời gian cho bài viết chia sẻ tường tận này về tác hại của mạng xã hội tới độc giả của So awkward, Rose.

Nhớ rằng, bạn đã được cảnh báo rõ ràng về tác hại của mạng xã hội.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: