fbpx
Self-love

8 lý do bạn nên từ chối một job offer

*job offer (lời mời làm việc): một thỏa thuận đồng ý cho ứng viên trúng tuyển thử việc tại một công ty trong thời gian nhất định.

Đại dịch khiến cho nhiều người lao động phải mất việc hay nhận thức được rằng môi trường làm việc hiện tại đã không còn phù hợp với định hướng của bản thân nên cần tìm kiếm cơ hội mới, điều này khiến cho thị trường tuyển dụng và mai mối việc làm giờ đây cam go và cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Tuy là vậy, nếu bạn là một người trẻ đang trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm mới và đang rất nóng lòng để nhận được kết quả phỏng vấn từ nhà tuyển dụng thì có lẽ bài viết này sẽ giúp bạn đưa ra một quyết định sáng suốt hơn, về 8 lý do mà bạn nên từ chối một job offer.


Xin cân nhắc rằng, đây là một bài viết mang thông tin có tính chất tham khảo. Cá nhân Rose không khuyên bạn nên và không nên làm gì trong trường hợp mà bạn đang gặp phải. 8 lý do cụ thể dưới đây là lời khuyên của Vicki Salemi – chuyên gia tư vấn sự nghiệp tại trang tuyển dụng việc làm Monster. Cô ấy đưa ra một lời khuyên rằng, là một ứng viên thì bạn cũng nên cần thẩm định và đánh giá môi trường làm việc lẫn nhà tuyển dụng cũng giống như là cách mà họ làm với bạn vậy, chỉ để chắc chắn rằng bạn thật sự phù hợp.

8 lý do bạn nên từ chối một job offer | So awkward, Rose - Blog cá nhân

8 lý do dưới đây đều xác đáng – là kết quả phân tích, nghiên cứu về mối quan hệ giữa môi trường làm việc và lý do mà nhân viên của họ quyết định nhảy việc. Hãy xem thử những tín hiệu đáng báo động này có đáng cân nhắc không nhé.

Quá trình đưa ra job offer kéo dài quá lâu

Nếu nhà tuyển dụng mất nhiều thời gian để quyết định đưa ra đề nghị job offer, có thể là khoảng 30 ngày và không có lý do chính đáng, điều đó có thể chỉ ra khả năng lãnh đạo của tổ chức có vấn đề hoặc nội bộ công ty đang bất ổn. Dù là thế nào đi chăng nữa, môi trường làm việc có biến động hoặc quá nhiều vấn đề nội bộ sẽ không phải là lý tưởng ngay từ khi bạn còn chưa bước chân vào cửa, phải chứ?

Lý do mà nhân viên cũ nghỉ việc

Trước khi bạn nhận job offer, có lẽ tốt nhất là bạn nên chịu khó đi “cửa sau” một chút để hiểu thêm hơn về văn hóa công ty. Đừng bao giờ chỉ tin vào những gì mà bạn có thể tìm đọc được trên các bài báo, website hay social media của công ty; là doanh nghiệp nên họ chắc chắn phải chú trọng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và nói như hát hay về sứ mệnh, môi trường làm việc lý tưởng của mình.

“Cửa sau” ở đây là cựu nhân viên, nhân viên công ty hoặc người mà bạn chuẩn bị thay thế vị trí. Bạn cần nắm được thông tin là tại sao vị trí này lại cần tuyển, đã tuyển trong bao lâu, môi trường làm việc/ sếp thế nào…, Nếu có thể biết được nhiều thông tin hơn như thế nữa thì càng có giá trị, nhất là từ chính nhân viên cũ đã từ chức (có thể chủ động dùng Linkedin để tìm kiếm thông tin và kết nối với họ trước). Nếu có thể gặp họ trong quá trình bàn giao công việc thì càng dễ để trao đổi thuận tiện. Nên nhớ rằng khi nhận job offer thì bạn phải trải qua quá trình thử việc và bạn vẫn còn có thể rút lui nếu cảm thấy không phù hợp.

Quan điểm khác biệt

Quá trình phỏng vấn cũng là lúc bạn đánh giá xem thử công ty có phù hợp với mình hay không, đặc biệt là ở khía cạnh con người. Nếu là một công ty chuyên nghiệp, một doanh nghiệp tổ chức có quy mô thì hẳn bạn sẽ phải trải qua ít nhất cũng là 3 vòng phỏng vấn. Đừng lãng phí cơ hội để thăm dò về công ty thông qua những người phỏng vấn họ. Hãy luôn đặt ra những câu hỏi tương đồng, có thể là người phỏng vấn bạn nghĩ gì về văn hóa của công ty; những kỹ năng cần thiết cho vị trí mà bạn đang phỏng vấn theo nhận định của người phong vấn; một ngày làm việc bình thường ở công ty là như thế nào… Nếu các câu trả lời từ các người phỏng vấn bạn có sự khác biệt đáng kể thì rõ ràng sự kết nối về con người ở công ty, lẫn thấu hiểu tính chất công việc/ văn hóa/ tầm nhìn có vấn đề.

Sự cứng nhắc

Sự cứng nhắc có thể được nhận diện ngay từ quá trình thương lượng giữa ứng viên và nhân sự công ty. Nó được thể hiện rõ thông qua việc không linh hoạt trong ít nhất một tình huống thương lượng (có thể về quyền lợi, lương bổng…)

Ví dụ: Sau một thời gian dài làm việc ở nhà, hoặc công ty đồng thuận cho nhân viên làm việc ở nhà và hiệu suất công việc vẫn ổn định thì hẳn công ty sẽ phải có thêm tùy chọn cho nhân viên của mình được tiếp tục làm việc ở nhà theo ý nguyện của họ, nếu như đây là điều mà họ cảm thấy tốt cho tinh thần, sức khỏe của mình sau một quá trình dài chống dịch và làm việc từ xa. Nếu như bạn là ứng viên, cảm thấy mình cần làm việc từ xa hoặc có thể được bố trí cho việc làm việc tại nhà luân phiên với lên công ty, dù là sao đi nữa thì việc bạn đưa ra lời đề nghị và ngay lập tức bị bác bỏ thì đây rõ ràng cũng là một dấu hiệu báo động về sự cứng nhắc, rập khuôn và thiếu quan tâm (hoặc thiếu chân thành) đến nhân viên của mình.

8 lý do bạn nên từ chối một job offer | So awkward, Rose - Blog cá nhân

Nhiều nhân sự ngày nay chỉ làm việc theo đúng trách nhiệm và tuân theo nội quy của công ty một cách cứng nhắc mà không màng đến cảm xúc, sức khỏe tinh thần của nhân viên. Có thể nói đây là một trong những lý do cụ thể khiến cho nhân viên nghỉ việc vì cảm thấy thiếu tín nhiệm với bộ phận nhân sự, cũng như có một sự tách biệt ra khỏi văn hóa của công ty.

Thiếu sự quan tâm

Phỏng vấn online mùa dịch sẽ có nhiều bất tiện, nhưng không hẳn là nó không có ích lợi. Một trong những ích lợi đó là giúp bạn nhận định được người phỏng vấn có thực sự quan tâm đến việc tìm được ứng viên tốt nhất hay không. Đó là khi người phỏng vấn không thật sự lắng nghe, họ có thể ngồi check email hay làm việc gì khác trên màn hình máy tính mà vẫn hiện diện trước camera để bạn trình bày; họ rút ngắn thời gian phỏng vấn (bỏ đi phần bạn muốn thắc mắc thêm); họ đặt câu hỏi, lắng nghe câu trả lời với một sự lãnh cảm, không có phản hồi gì hữu ích sau đó khi bạn đưa ra câu trả lời…

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này, có thể là do người phỏng vấn bạn quá bận rộn và việc phỏng vấn bạn khiến lịch trình trong ngày của họ thêm dài hơn; văn hóa làm việc của công ty có vấn đề nên tạo điều kiện cho cách hành xử (vô thức) của người phỏng vấn được bộc lộ rõ ràng ra bên ngoài; hoặc bản thân họ cũng không quá tường tận về sản phẩm, về vai trò của bạn, về những giá trị mà bạn có thể đem lại cho công ty – điều này sẽ dẫn đến việc họ đưa ra những nhận xét và đánh giá cảm tính về bạn với nhân sự tuyển dụng – và điều này cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc thỏa luận mức lương giữa hai bên.

Nếu như người phỏng vấn bạn nói về bản thân họ (khoe khoang thành tích, vị thế của mình tại công ty…) nói không tốt về công ty, về đồng nghiệp, về môi trường làm việc theo kiểu họ không chê bai, nhưng cũng không có gì tốt để mà nói, thì đây rõ ràng là báo động đỏ cho thấy mô hình quản lý của công ty có vấn đề, đặc biệt là phong cách quản lý của cấp trên cũng như văn hóa làm việc không lành mạnh.

Kinh nghiệm cá nhân: Rose đã từng phỏng vấn ở Lixibox – một trong những công ty có môi trường làm việc toxic nhất mà Rose từng được biết tới. Buổi phỏng vấn với một chị quản lý trực tiếp của team. Chị ta thao thao bất tuyệt về quãng thời gian đi làm ở bên Mã Lai, từng làm việc với những khách hàng tầm cỡ như Google, như một hình thức để hạ thấp kinh nghiệm làm việc (lẫn cả sự tự tin) của Rose xuống. Vị trí mà Rose ứng tuyển thay người như thay áo bởi nhân viên cũ đều xì xào nói rằng môi trường làm việc đấu đá, chia phe phái và quản lý lỏng lẻo khiến cho những ai thật thà, chính trực thường không có đất dung thân. Mừng vì ngày đó Rose không đậu, bởi vì một cái email sau đó để thông báo kết quả của buổi phỏng vấn từ nhân sự cũng không có.

8 lý do bạn nên từ chối một job offer | So awkward, Rose - Blog cá nhân

Thiếu sự đa dạng

Một công ty/ tập đoàn lớn mà thiếu vắng sự đa dạng, không cởi mở với một bộ phận nhỏ người lao động (ví dụ như thành viên của cộng đồng LGBT+, người làm trái ngành, người không có học vấn hay bằng cấp cao, người lao động nhập cư…) thì văn hóa công ty đó cũng không hề đa dạng, thường sẽ cổ súy cho việc ganh đua thiếu lành mạnh, thiếu tầm nhìn phát triển, hoặc không đề cao trí thông minh cảm xúc trong môi trường làm việc. Đây chỉ là một vài vấn đề điển hình của việc thiếu vắng sự đa dạng trong một tổ chức.

Sự đa dạng, công bằng và tính hòa nhập (DE&I) là rất quan trọng đối với người tìm việc. Theo một cuộc thăm dò của Monster năm 2020, “phần lớn người tìm việc (62%) sẽ từ chối job offer nếu họ cảm thấy công ty không đề cao tạo nên một môi trường có văn hóa làm việc đa dạng và hòa nhập.

Không có định hướng phát triển (tổ chức hay sản phẩm)

Chúng ta vẫn thường luận bàn về sự phát triển sự nghiệp của cá nhân, nhưng lại không bàn luận hay nghĩ ngợi nhiều về định hướng phát triển của tổ chức hay một sản phẩm của họ. Thực chất, việc một doanh nghiệp tồn tại nhiều năm trên thị trường nhưng không có định hướng phát triển rõ ràng là một điều bình thường.

Nếu nhà tuyển dụng không chia sẻ được với ứng viên về cơ hội thăng tiến/ phát triển trong công ty thì đây là dấu hiệu quan trọng để ứng viên cân nhắc rằng mình có nên nhận job offer này không – vì lý do rõ ràng là ứng viên chỉ là nhân viên có thể thay thế, nói thẳng ra là nhân viên làm công việc ăn lương chứ không phải là nhân tố quan trọng (hoặc có hoạch định phát triển cho bộ phận mà ứng viên thuộc về) mà công ty muốn sở hữu (lẫn đầu tư).

8 lý do bạn nên từ chối một job offer | So awkward, Rose - Blog cá nhân

Theo dữ liệu từ trang tuyển dụng Monster, một trong hai lý do hàng đầu mà nhân viên tìm kiếm cơ hội mới là vì họ cảm thấy kiệt quệ hoặc không có tiềm năng để phát triển. Nếu công việc không có tiến trình phát triển rõ ràng thì có lẽ một người có định hướng phát triển và tham vọng sẽ nghỉ thôi, sớm hay muộn.

Áp lực nhận job offer

Nếu ứng viên như bạn bị gây áp lực để phải nhận job offer trong một khung giờ ngắn ngủi, hoặc thậm chí là ngay lập tức, thì đây sẽ là bất lợi cho bạn với tư cách là ứng viên, khi không thể cân nhắc các sự lựa chọn khác, hoặc tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về công ty, hoặc thậm chí là thương lượng lại quyền lợi, mức lương của mình nếu như các điều khoản trong job offer không khiến bạn ưng thuận. Ngay cả việc gây áp lực về thời gian để ứng viên nhận công việc, cũng là một cách làm thiếu chuyên nghiệp của người làm tuyển dụng.

Bài viết có tham khảo từ nguồn này

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: