fbpx
Diary

Học ăn học nói, học đối thoại bằng tin nhắn văn minh

Bài viết này dành cho người trẻ, nhất là thế hệ Z. Học ăn học nói vẫn là nền tảng để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đây là một câu chuyện thực tế mà Rose gặp phải, khi đối thoại cùng một người trẻ vào buổi chiều hôm nay. Học ăn học nói phải học đến bao giờ mới đủ?

M là một phóng viên thời trang với tuổi nghề xông xênh 1 năm. Trẻ, giàu năng lượng, cá tính mạnh mẽ, là những gì mà người khác có thể dễ dàng nhận định về em. Bản thân là một phóng viên, phải giao tiếp, đối thoại với rất nhiều người ở mọi địa vị, tầng lớp và gốc gác khác nhau, cá nhân Rose vẫn nghĩ rằng M sẽ tinh tế và khéo léo trong giao tiếp hơn, nhất là khi đối thoại không trực diện – tức là thông qua tính năng tin nhắn.

Khơi mào cho cuộc đối thoại là nội dung mới nhất mà Rose vừa đăng tải trên blog – về Metaverse và sự ảnh hưởng của nó tới ngành thời trang trong tương lai.

Điều đầu tiên mà M làm khi đọc xong bài viết là gửi tin nhắn và đối chất nội dung trong bài viết của Rose bằng một bài viết khác của một trang tin nước ngoài. M cho rằng có một ý mà Rose chia sẻ không đúng với những gì em đọc được từ nguồn khác. Rose thì nghĩ rằng M đang muốn đối chất nội dung bài viết với thông tin do em tìm được. Trong vai trò là một người lớn tuổi hơn và có thâm niên trong nghề, việc M chủ động nhắn tin và đối chất như vậy có phần gây khó chịu, đặc biệt là khi em chưa hoàn toàn hiểu hết nội dung của bài viết mà chỉ tập trung vào một ý nhỏ trong bài đã vội nhanh nhảu nhắn tin đối chất với tác giả bài viết là Rose, với một thái độ thiếu tiết chế.

M muốn đối thoại, đặt câu hỏi để hiểu vấn đề được đặt ra trong bài viết của Rose. Bản thân M cũng thừa nhận rằng mình không đủ quan tâm, kiến thức lẫn cập nhật thông tin để viết lên một bài viết khác để bày tỏ quan điểm của mình (vì Rose cũng gợi ý là bài viết của Rose đã định rõ là mang nhận định cá nhân chứ không mang nội dung giáo dục, tin tức chính thống nên nếu M có quan điểm trái chiều có thể viết một bài viết khác để bày tỏ quan điểm cá nhân giống như Rose).

Học ăn học nói, học đối thoại bằng tin nhắn văn minh
Trước khi nói hay luận bàn về một vấn đề nào đó thì nên chắc chắn rằng mình đã thực sự hiểu rõ vấn đề.

Nỗi thất vọng và trải nghiệm ở trên đã tạo động lực để Rose viết nên bài viết này. Đây là quan điểm cá nhân của Rose nhưng người trẻ nên tham khảo và ngẫm nghĩ:

1. Khiêm nhường trong đối thoại. Đừng tự cho rằng mình thông minh hơn đối phương.

Mỗi trong những điều khiến cho cuộc đối thoại trở nên khó xử cho cả đôi bên là khi một trong hai người lấn át người khác để tỏ rõ chính kiến, hay bảo vệ quan điểm cá nhân một cách dữ dội. 10/10 người sẽ không muốn hoặc không thích đối thoại với một cá nhân có thái độ quá quả quyết, quá quyết liệt mà không tôn trọng/ bỏ qua ý kiến, quan điểm, góc nhìn của người còn lại. Sự khiêm nhường để lắng nghe, tinh tế để cảm nhận và rộng mở để chấp nhận quan điểm trái chiều là một thái độ đúng đắn nhất trong một cuộc đối thoại, dù là vì mục đích gì đi chăng nữa.

Thật ra chúng ta đối thoại là để thấu hiểu chứ không phải để mích lòng nhau. Nếu như không đồng thuận quan điểm của nhau được – thì vẫn có thể agree to disagree như một cách hành xử của người văn minh, trưởng thành. Đây là một kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất nhưng cũng tốn nhiều thời gian lẫn trải nghiệm để chúng ta học được.

Vấn đề của M là M không quá hiểu biết về chủ đề trong bài viết của Rose và chỉ xét nét những ý nhỏ trong bài viết và đối chất với Rose bằng những thông tin trái chiều bên ngoài mà M kiếm được. Cá nhân Rose đã đọc bài viết mà M gửi và cảm thấy rằng việc em gửi link bài viết để đọc tham khảo là hữu ích. Nhưng bản thân em không hiểu rõ về chủ đề này và chỉ tranh chấp đúng sai với những tiểu tiết thuộc nội dung thay vì nhìn vào bức tranh tổng thể là đại ý chính của bài viết.

Rose sẵn lòng giải thích thêm hơn về quan điểm, kiến thức, góc nhìn của mình về vấn đề này, nếu như M bắt đầu cuộc đối thoại với một thái độ khiêm tốn và không xét nét như thế. Nếu như gọi là tranh luận về một chủ đề thì cả hai đều cần phải có cùng lượng kiến thức và vốn kinh nghiệm lẫn mối quan tâm về chủ đề là như nhau (hoặc không quá chênh lệch). Trong trường hợp của M là chỉ dành ra một khoảng thời gian ngắn để đi tìm luận cứ phản biện một ý nhỏ trong nội dung của Rose và cho rằng mình đã đủ trình để chất vất người viết như vậy là rất không nên.

Nhìn nhận vấn đề thế này cho dễ hiểu. Nếu M muốn học hỏi, tiếp nhận thông tin, kiến thức, thì M nên đóng vai là “học trò” – với một tâm thế cởi mở để tiếp nhận thông tin từ người “thầy” là Rose. Lúc đó thái độ phải là biết ơn, nhã nhặn và cực kỳ khiêm tốn. Còn nếu M muốn đối thoại về chuyên môn thì M nên dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có đủ lượng thông tin, kiến thức đến một mức độ nào đó và lúc này hãy đối thoại với Rose. Việc thu lượm đường link một bài viết và gửi cho tác giả để phản biện nội dung của người đó, là một hành vi thiếu chín chắn.

2. Đừng mặc nhiên cho rằng người khác phải dành thời gian cho mình

Quỹ thời gian của mỗi người là khác nhau, với sự ưu tiên chỉ do bản thân họ nắm được. Phép lịch sử tối thiểu của một người khi bắt đầu một cuộc đối thoại là nên biết chắc rằng đối phương có thể dành thời gian cho việc này. Nếu gấp gáp, thì nên giải thích rõ ràng về tính chất, mục đích và thời hạn cần phải đạt được ở ngay từ phần mở đầu.

Ngay cả khi là bạn bè hay đồng nghiệp thân thiết, thì câu chào hỏi kiêng nể hay ý nhị thăm dò sự có mặt của đối phương cũng nên được dùng để mở đầu câu chuyện. Đây là phép tắc cơ bản mà nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay đều phớt lờ hoặc xem nhẹ.

Trong trường hợp của M, em gửi đường link bài viết của Rose, đặt một câu hỏi ngay sau đó và gửi tiếp thêm một đường link khác bên ngoài để đối chất. Cá nhân Rose vẫn nghĩ rằng có lẽ mình sẽ bớt khó chịu hơn khi bắt đầu cuộc đối thoại là một lời chào ý tứ hay lễ phép từ M, bởi dù sao Rose cũng lớn hơn M nhiều tuổi và cũng là đối tượng mà em muốn Rose dành thời gian cho.

Việc giao tiếp bằng tin nhắn sẽ càng cần phải ý tứ và dè dặt hơn cả việc đối thoại trực diện, vì rõ ràng ta không thể nào giao đãi ánh mắt và nhận biết được cảm xúc của đối phương rõ ràng. Chính vì thế mà bất kỳ một điều gì có thể khiến cho cuộc đối thoại trở nên suôn sẻ hơn, đừng bao giờ bỏ qua.

3. Nên chân thành từ việc học ăn học nói

Chân thành vốn dĩ là một đức tính đáng trân quý. Chân thành giúp cảm hóa tấm lòng, đem tới nhiều giá trị tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống. Chân thành không chỉ trong cách sống, cách suy nghĩ, ứng nhân xử thế, mà còn phải đến từ lời ăn tiếng nói hàng ngày. Thảo mai, lươn lẹo, giả tạo thì chỉ có lợi ích ngắn hạn, nhất thời, còn đã chân thành thì mối quan hệ giữa người với người mới thực chất và có thể tồn tại lâu dài hơn.

Nhưng điều tích cực nhất mà sự chân thành mang đến, không phải chỉ là để có được thiện cảm của người khác mà là để bản thân sẽ không bao giờ phải hối hận hay muộn phiền.

Học ăn học nói, học đối thoại bằng tin nhắn văn minh
Sống chân thành có khó lắm đâu?

Bản thân mà sống lươn lẹo, thảo mai, giả tạo thì lúc người khác phát giác, khinh rẻ, xa lánh thì hẳn tâm sẽ bực tức, thất vọng, cay đắng, tủi hổ lắm. Còn đã sống chân thành rồi thì ngay cả khi bị hiểu lầm, dù có buồn thì cũng vẫn sẽ nhẹ nhàng bỏ qua bởi mình không thẹn với lòng mình, không làm điều gì trái nghịch với lương tâm, không mưu kế, dối lừa, vụ lợi người xung quanh. Lối sống đẹp chỉ đơn giản nhất là bắt đầu từ việc sống chân thành mà thôi.

Khi Rose bày tỏ thẳng thừng rằng mình cảm thấy khó chịu vì màn đối chất của M về nội dung mang quan điểm cá nhân mà Rose viết, em có nói lời xin lỗi vì đã làm Rose cảm thấy khó chịu. Những tưởng rằng sự quả quyết – lúc này đã là hành động bày tỏ rõ ràng nhất của Rose để mong M giảm bớt sự quyết liệt, thiếu tôn trọng trong cách nhắn tin, thì lại em tiếp tục ngoan cố nói thêm hơn về vấn đề – mà đáng lẽ nên có thêm thời gian để M nghiên cứu về những thông tin hay nghiền ngẫm lại nội dung của bài viết và tự đánh giá bản thân đã thực sự rộng mở để tiếp nhận cái mới hay chưa.

Đó là lúc Rose cảm thấy lời xin lỗi của em thiếu chân thành, nhẹ bâng như tan vào không khí, để lại sự ngượng nghịu, khó xử mà chính Rose cũng phải cảm thấy buồn thay cho M. Rose im lặng và ngừng đối thoại ngay tại thời điểm đấy vì mọi sự phản hồi sẽ khiến cho cuộc đối thoại này leo thang thêm hơn vì hiển nhiên M muốn mình là người chốt hạ và nói lời cuối cùng.

Ở trên chỉ là ba điều đơn giản được rút ra từ một cuộc đối thoại. Có lẽ đối với M thì Rose không giúp đỡ được thêm hơn nữa, dù là chủ đề mà em đang quan tâm, lẫn cách ứng xử cho phải phép, cả lối suy nghĩ và tác phong trưởng thành, chuyên nghiệp mà một người viết báo nên sở hữu. Nhưng đối với những độc giả của So awkward, Rose thì các bạn hẳn sẽ có thể làm tốt hơn M đúng không?

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: