fbpx
Aesthestic

Lịch sử thời trang 1990 – 2000

Bài viết dành cho những ai yêu thích styling và lịch sử, văn hóa thời trang.

Nếu bạn đã từng theo dõi bài viết tổng quan về lịch sử thời trang 80s, thì bài viết này là phần tiếp nối của nó: lịch sử thời trang 1990 – 2000.


Lịch sử thời trang 1990 – 2000 | So awkward, Rose

Bối cảnh xã hội 1990 – 2000s

Các nhà sử học coi những năm 1990 là sự khởi đầu của xã hội hiện đại của chúng ta với sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh. Đây là thập kỷ đổi mới công nghệ với máy tính và điện thoại di động ngày càng phổ biến. Nhìn lại, những năm 90s giống như một thập kỷ đề cao tính khiêm nhường và tinh thần thư thái. Còn điều gì phản ánh thời trang ở giai đoạn này hơn là phong cách đường phố, với các kiểu trang phục thịnh hành như váy ngắn, đầm và denim.

Thập kỷ này cũng chứng kiến ​​sự bùng nổ của các nhóm nhạc nam, các ngôi sao nhạc Pop, R&B và các nhóm nhạc nữ được trao quyền nhiều hơn trong âm nhạc. Điển hình là các cái tên như Backstreet Boys, Britney Spears, TLC, Mariah Carey, * NSYNC, Destiny’s Child và Spice Girls. Bên cạnh âm nhạc, mảng phim truyền hình và phim ảnh là những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến thời trang. Những chương trình như Fresh Prince of Bel Air, Beverly Hills, Seinfeld, Friends, Buffy The Vampire Slayer là những bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất (và vẫn ít nhiều có sức ảnh hưởng tới tận ngày nay). Những hình tượng nhân vật như Rachel của Jennifer Aniston trong Friends và nhân vật Elaine của Julia Louis-Dreyfus trong Seinfeld là hai nhân vật khởi xướng xu hướng thời trang lúc bấy giờ.

Lịch sử thời trang 1990 – 2000 | So awkward, Rose
Nhóm nhạc R&B đìn đám Destiny’s Child.

Ở mảng phim điện ảnh, những bộ phim mang tính biểu tượng của Hollywood như Clueless, Pulp Fiction, Notting Hill, Titanic, Forrest Gump, 10 Things I Hate About You và The Shawshank Redemption đã đi vòa lịch sử điện ảnh, có sức ảnh hưởng tới xã hội và giới trẻ bấy giờ. Nhân vật Cher trong bộ phim Clueless và tủ đồ đậm chất phong cách preppy, high teen ngày đấy, giờ đây vẫn còn có sức ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng, đặc biệt ở địa hạt thời trang và âm nhạc.

Đối ngành thời trang, kỷ nguyên siêu mẫu tiếp tục với những cái tên lẫy lừng như Naomi Campbell, Linda Evangelista, Claudia Schiffer và Kate Moss. Kate Moss có lẽ là hình tượng It-Girl đầu tiên trong bối cảnh lịch sử thời trang. Kate với dáng người mảnh mai, đôi mắt to đặc trưng và thần thái cuốn hút đã tạo ra sức ảnh hưởng và cảm hứng dạt dào trong ngành thời trang. Kate Moss được cho là khá giống với vai trò của Twiggy của những năm 1960s.

Siêu mẫu Kate Moss.

Phong cách thời trang của 1990 – 2000

Những năm 90s như một phiên bản phát triển của những năm 1960s, vì có một thời kỳ hồi sinh lại xu hướng 60s trong những năm đầu 90s. Mặc dù dư âm của phong cách suông rộng, oversized của thập niên 80 vẫn còn, thập niên 90s cũng đề cao những trang phục như chân váy mini, đầm ngắn và quần áo bó sát. Những năm 90s cũng bắt đầu tìm cảm hứng từ viễn tưởng và khoa học vũ trụ với trang phục kim loại, chất liệu nhũ ánh kim, ultra violet và hình khối vũ trụ học.

Như tất cả các thập kỷ trước đó, các phong cách thời trang khác nhau sẽ chỉ phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Để phân chia một cách đại khái, những năm 90s đồng tồn tại thời trang tối giản thanh lịch và thời trang mang phong cách đường phố.

Định nghĩa về sự đơn giản là không rườm rà các chi tiết trên quần áo, một bảng màu không bao gồm các sắc độ chói lọi và các loại vải mềm (nhưng cũng có ngoại lệ cho một số chất liệu nhung và da). Các chi tiết trang trí, nếu có, thì sẽ là đường thẳng và hình học. Màu sắc chủ yếu là trắng, đen, be, xám và một số tông màu ánh kim. Quần áo có cấu trúc rõ ràng và thuôn theo hình dáng của cơ thể, đề cao sự thanh mảnh và săn chắc (lý tưởng về vẻ đẹp lúc bấy giờ). Đại diện cho phong cách tối giản thanh lịch, hãy nghĩ đến Calvin Klein những năm 90 hoặc Armani: Cổ điển, tinh xảo và thanh lịch.

Đối với thời trang street style thì hoàn toàn ngược lại. Phong cách này ưa chuộng sự quá khổ, năng động, đa màu sắc và trên hết là phong thái của thời trang đường phố. Chất liệu quan trọng nhất là denim, ngoài ra còn có da và lông cừu. Màu pastel khá phổ biến, nhưng màu đen, trắng và denim thậm chí còn được yêu thích hơn. Nổi bật của phong cách đường phố là áo phông in họa tiết và áo len oversized. Áo khoác bomber là một phụ kiện quan trọng cũng giống như những đôi bốt. Giai đoạn 90s là khoảng thời gian mà giày sneakers dần trở nên quan trọng hơn trong văn hóa thời trang.

Phong cách thứ ba mà người ta nhớ về thập niên 90s là phong cách nữ sinh (high teen/ preppy). Áo kẻ sọc, áo crop top, váy ngắn cạp cao, tất ngang gối và áo khoác dạ là biểu trưng của phong cách này. Tất cao cổ và cả denim tổng thể thì thường được nữ giới sính chuộng nếu đi theo phong cách giải trí. Phong cách này nằm ở đâu đó giữa thanh lịch (nhưng vừa đủ) và phong cách đường phố. Sự khác biệt của phong cách này ở thập niên 90s khi đối chiếu những năm 1960s là độ dài của váy ngắn hơn và tất cao đến đùi, thay thế cho chiếc váy chữ A và đôi bốt cao đến đầu gối ở thập niên 60s.

Lịch sử thời trang 1990 – 2000 | So awkward, Rose
Bộ phim Clueless được xem là một bộ phim mang dấu ấn của lịch sử thời trang 1990 rõ nét.

Trang phục trong giai đoạn 1990 – 2000

Thập niên 90 là giai đoạn có ảnh hưởng lớn đến xu thế thời trang nửa cuối những năm 2010s. Vì vậy áo crop top, áo cổ lọ, áo khoác denim, váy suông và quần jeans là một trong những kiểu trang phục phổ biến nhất của thập kỷ 90s, cũng chính là những gì đang thịnh hành tại thời điểm này.

Phần “kế thừa” từ những năm 1960 ở những năm 1990 là về những chiếc chân váy/đầm ngắn, áo crop top và tất cao đến đầu gối (giống như những đôi bốt cao trên gối ở hiện tại). Thời trang công hưởng với cảm hứng của viễn tưởng và khoa học không gian, nên đề cao các sắc thái trắng, đen, nhung, bạc và kim loại. Những chiếc choker cũng là một món phụ kiện quen thuộc của phong cách đường phố.

Đối với phong cách thời trang đường phố, áo khoác denim, áo khoác bomber, áo khoác in hình động vật, áo phông rộng, giày bốt và áo crop top cũng vô cùng phổ biến. Rất nhiều họa tiết kẻ sọc như áo sơ mi kẻ sọc và áo len oversized. Tất cả những thứ trang phục như trên kết hợp, cộng hưởng với một phong thái và biểu lộ tương thích, vậy là bạn sẽ có phong cách thời trang grunge.

Đối với phong cách tối giản thanh lịch hơn, váy suông, áo blazer kết hợp với váy ngắn, và áo khoác dài là hình ảnh thường thấy. Họa tiết houndstooth, chấm bi và hình in nổi bật cũng thỉnh thoảng được bổ sung vào phong cách này như là một nét chấm phá cần thiết. Những set đồ công sở gồm áo blazer và váy bút chì như chúng ta biết ngày nay, đã xuất hiện từ thập kỷ này. Một chiếc áo blazer màu trung tính cơ bản dài đến hông và một chiếc váy bút chì dài đến đầu gối và giày phù hợp chính là thời trang công sở ngày đấy, và đến tận hiện tại vẫn còn được áp dụng ở môi trường văn phòng.

Phong cách tối giản thanh lịch được xem là có học hỏi từ tầng lớp phụ nữ quyền lực và thanh lịch vào những năm 1980s với phong cách đặc trưng gồm áo blazer, áo cổ lọ, găng tay và các chi tiết, phụ kiện bằng vàng, tựa tinh thần sang trọng của thời trang tại kinh đô Paris và thương hiệu Chanel.

Lịch sử thời trang 1990 – 2000 | So awkward, Rose

Xu hướng làm đẹp giai đoạn 1990 – 2000

Không chỉ thời trang thập niên 90 đang quay trở lại trong những năm qua, xu hướng trang điểm và làm đẹp cũng vậy. Thập kỷ 90s là lúc mà bảng son màu hoa cà, nâu, tím là phong cách trang điểm chủ đạo. Đi kèm cũng bảng màu son nổi bật đó là phấn mắt ánh kim loại có nhũ trong tông màu xanh lam nhạt, hoa oải hương và biến chuyển của màu xanh lá cây tươi sáng. Trang điểm lót môi (cũng như ngày nay) nhưng thường sẽ có màu tối hơn phần còn lại của môi. Vào những năm 1990s phấn bronzer, với làn da rám nắng cũng là một trend trang điểm khá thịnh hành, tuy rằng vào thời này thì sự kết hợp này đã không còn phù hợp. Lông mày phải mỏng như lá liễu nhưng rõ nét, và phải tương phản với màu sáng của phấn mắt.

Về phần tóc, độ dài dưới vai một chút là phổ biến. Mái tóc bồng bềnh từ những năm 1980s một phần vẫn được duy trì, với mái tóc thường được làm theo kiểu tóc bob bồng bềnh. Phong cách làm tóc nổi bật khác nhu tóc hai cột chùm trên đầu, hoặc tóc đuôi ngựa cột cao cũng khá được ưa chuộng vào thập niên 90s.

Nhà thiết kế biểu trưng cho tinh thần thời trang 1990 – 2000

Calvin Klein đã có được danh tiếng từ những năm 80s, nhưng Klein là NTK thành công nhất trong việc nắm bắt tinh thần của thời trang thập niên 90s. Klein tập trung vào chủ nghĩa tối giản ở giai đoạn này, với trọng tâm là các đường nét của quần áo hơn là các chi tiết, màu sắc hay hình in. Tất cả đều đơn sắc với chi tiết cổ áo, phom dáng và đường mép lai đơn giản và gọn gẽ. Rất nhiều thiết kế chủ lực là váy, quần dài, áo khoác dài và các tông màu sáng như trắng và be. Ông còn thiết kế cả đồ lót và trang phục làm từ denim.

Trong giai đoạn này, Klein sáng tạo hình ảnh quảng cáo kích thích tư duy, tập trung vào khía cạnh sex sell và thậm chí là gây tranh cãi cho các dòng trang phục đồ lót của họ. Tuy là thế, các chiến dịch quảng cáo của Klein vẫn là một trong những chiến dịch mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử thời trang. Kate Moss là người mẫu hàng đầu thập niên 90s vì được xuất hiện trong các chiến dịch thời trang của Klein, bản thân thương hiệu cũng nhờ sức hút của Moss mà có được nhiều tiếng vang hơn.

Lịch sử thời trang 1990 – 2000 | So awkward, Rose

Những tác động tới xu thế thời trang đầu thế kỷ 21

Thời trang đầu thế kỷ 21 được xem là giai đoạn thiếu thẩm mỹ nhất. Những xu thế và trào lưu thời trang lúc bấy giờ quả thực rất đỗi đáng quên. Xu thế thời trang ở đầu những năm 20s được xem là phiên bản tệ hại hơn của thập niên 90s, lúc này chiếc áo crop top thậm chí còn ngắn hơn, phần cạp thậm chí còn thấp hơn và chiếc váy ngắn thậm chí còn ngắn hơn.

Khái niệm thời trang Barbie cũng được khởi sinh trong giai đoạn này. Phong cách toàn màu hồng, váy ngắn, áo ngắn, trang phục lưới cá, quần áo lông thú, kính mắt to bản hình bầu dục, quần áo bằng chất liệu nhựa (và nhìn cũng khá “nhựa”).

Tổng kết về lịch sử thời trang 1990 – 2000s

Nhìn chung, thập niên 90s đã từng làm sống dậy những giá trị thẩm mỹ của thập niên 60s, mặc dù có phá cách đôi phần. Con người ở thập niên 90s không ngần ngại thử nghiệm, sáng tạo và trộn lẫn các phong cách thời trang khác nhau. Cảm hứng hòa trộn dồi dào ở giai đoạn này là vô cùng đáng nhớ, nhờ thế mà nó vẫn được học hỏi bởi những tín đồ thời trang ở giai đoạn này.

Ba phong cách thời trang nổi bật nhất vào thập niên 90s là thanh lịch sang trọng, thời trang đường phố và grunge. Trên hết, chính là tinh thần và thái độ của phụ nữ trong bối cảnh lịch sử này cũng tác động không nhỏ đến cách ăn mặc của họ. Tiến đến thế kỷ 21, phụ nữ có công việc, sự độc lập và những thành tựu lớn, đáng ghi nhận trong cuộc chiến vì bình đẳng. Từ tính cách, chủ nghĩa cá nhân lẫn sự sáng tạo dần được định hình rõ nét, tác động đến việc họ muốn thử nghiệm phong cách ăn mặc với nhiều chất liệu mới mẻ, như da, nhựa hay denim.

Đầu thế kỷ 21 cũng là lúc mà định chuẩn xã hội tác động đến cách thức cảm thấu thời trang của con người, từ đó mà họ ăn mặc đồng nhất và có sự học hỏi để khiến mình liên quan, thời thượng hơn. Điều này dẫn đến gu ăn mặc ít tinh tế, nhưng rõ ràng hơn.

Lịch sử thời trang 1990 – 2000 | So awkward, Rose

Bài viết được chuyển ngữ từ nguồn này.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: