fbpx

Đương đầu với toxic positivity – tích cực độc hại

Đôi lúc bạn cần phải buông bỏ để chữa lành chính mình

Bạn biết ngưỡng nào là giới hạn của bản thân mình không? Thể chất, tinh thần, trí lực, cảm xúc…? Bạn đã bao giờ từng nghĩ sẽ làm gì khi giới hạn của bản thân đã chạm mức, hoặc vượt quá xa, đến mức bạn cảm thấy mình bất lực và tức giận chính mình chưa? Những thời điểm như vậy, toxic positivity – tích cực độc hại lại có dịp trỗi dậy từ bên trong lẫn bên ngoài.


Đó là lúc mà bạn cần phải buông bỏ để chữa lành chính mình. Cho dù thứ mà bạn đang cần phải buông bỏ nó khớp với lịch trình định sẵn của bạn, hay rằng nó đi kèm với một sự hứa hẹn, đáng trông mong ở tương lai, hay thậm chí là nó khiến bạn phải stress thêm hơn – ngay tại cái giây phút bạn quyết định buông bỏ để chữa lành.

Đương đầu với toxic positivity – tích cực độc hại | So awkward, Rose
Toxic positivity là một kiểu tâm lý phổ biến trong xã hội.

Bạn đã làm gì khi cảm thấy bản thân mình quá yếu đuối?

Khi bạn trở nên yếu đuối, mệt mỏi, kiệt quệ, nước mắt bạn rơi khi cảm xúc bạn quá tải, từng tế bào của cơ thể như phản kháng lại cái việc bạn đang phải đương đầu, mọi luồng suy nghĩ khởi phát đều khiến bạn tự hỏi tại sao bản thân lại có thể suy nghĩ tiêu cực đến vậy. Đó là lúc cơ chế tự phát bên trong tâm trí khiến cho bạn chối bỏ nguồn cơn của nỗi tiêu cực đó, bạn vùng vẫy, cự nự, khe khắt, khó chịu, bất an rồi rơi vào trạng thái trầm cảm. Đây là cảm xúc bình thường của mỗi người trưởng thành ngày nay. Bạn nên tin là vậy.

Trầm cảm, uất ức, đè nén quá thì cần phải làm gì? Giải tỏa?

Vậy là bạn đi tìm người mà bạn có thể sẻ chia, tâm sự, giãi bày đôi chút cho nhẹ vơi nỗi lòng. Nhưng bạn biết gì không, khóc lóc trước mặt người khác sẽ khiến cho họ cảm thấy khó xử vô cùng, ngay cả gia đình của bạn cũng thế bởi chắc gì họ đã biết rằng sẽ cần nên làm gì trong hoàn cảnh của bạn đâu. Họ có thể đồng cảm được phần nào, chia sẻ được phần nào, và rồi họ sẽ nói rằng đừng bỏ cuộc, rằng bạn mạnh mẽ hơn bạn tưởng, rằng bạn hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân tốt hơn…

Đương đầu với toxic positivity – tích cực độc hại | So awkward, Rose
Ai cũng đã từng phải đối diện với toxic positivity trong cuộc đời.

Mọi lời khuyên nhủ tràn vào tâm trí bạn. Bạn ngủ một giấc. Thức dậy. Nhận ra rằng hóa ra mình không thể nào mạnh mẽ hơn được nữa. Bạn vẫn không tin vào sự sáng suốt của bản thân lúc này nên lập lại chu kỳ đó thêm một, hai lần nữa. Kết quả vẫn là bạn không muốn tiếp tục.

Những lời khuyên tích cực động viên bạn tại thời điểm đấy chỉ mang yếu tố nhất thời. Bạn ưng thuận, nhún nhường và lắng nghe đối phương phần nhiều là vì bạn muốn dành sự tôn trọng cho người mà bạn đã làm phiền trong lúc bản thân đang yếu đuối và nặng lòng vô cùng. Kết thúc cuộc đối thoại, người nghe chia sẻ và đưa ra lời khuyên nhủ với thiện ý chỉ mong rằng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, nhưng nếu bản thân không cảm thấy như thế thì đây cũng là một điều hết sức bình thường.

Tích cực không phải là một trạng thái tinh thần bắt buộc mà bạn phải tuân theo. Sượng trân, giả hình hay dối lòng sẽ chỉ khiến bạn thêm đau nếu không biết đối diện. Riêng cái sự vui vẻ tồn tại ở vẻ bề ngoài mà người khác muốn bạn làm được, sẽ không giúp ích gì được cho chính bạn. Nó không mang lợi ích chữa lành, không mang lại sự bình yên, không lấp liếm được nỗi đau đang dày vò. Vậy nên tại sao không tự mình đào sâu vào bên trong cái trạng thái tiêu cực đó, để thấu hiểu chính bản thân, để lắng nghe những sự oán giận, những phẫn uất, lời than khóc mà chỉ có mình bạn mới có đủ sức để đương đầu?

Đừng để trạng thái tinh thần tích cực giả tạo (toxic positivity) trở thành một liều thuốc độc rút dần sức sống của bạn.

Trong những giây phút xúc động, lời khuyên đúng đắn vẫn sẽ là đừng đưa ra bất kể một quyết định hệ trọng nào. Điều này là đúng. Chúng ta luôn cần dành thời gian để lặng nghe chính bản thân mình và dùng lý trí để tìm ra được một đáp số tốt nhất cho hoàn cảnh hiện tại. Sau khi đã phân tích thiệt hơn, nếu vấn đề vẫn chưa chạm đến ngưỡng là giới hạn chịu đựng của bản thân, có thể ta vẫn nên tiếp tục trên hành trình đó, nhưng chậm rãi, từ tốn, cẩn trọng hơn.

Còn nếu như bản thân đã quá mệt mỏi, khổ sở, chán chường, và lý tính cũng đã mách bảo cho bạn rằng cái tình cảnh này sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, chỉ bởi bạn không ở vị thế có thể kiểm soát hay thay đổi tình hình theo hướng khiến cho mọi thứ trở nên tích cực hơn đối với bạn. Lúc này hãy buông bỏ. Hãy học cách chấp nhận rằng việc chữa lành bản thân sẽ cần đến sự quyết đoán lẫn dũng khí, thậm chí là nhiều hơn những gì bạn đã từng nhận định.

Sự buông bỏ ở đây có thể là tình yêu, là công việc, là các mối quan hệ xã hội, bạn bè, hay thậm chí là cả gia đình.

Đương đầu với toxic positivity – tích cực độc hại | So awkward, Rose
Môi trường công sở là nơi mà chúng ta dễ dàng diện kiến toxic positivity nhất.

Nếu bạn đặt mình ở một tình thế phải chịu đựng nỗi đau, dày vò tâm trí thêm đôi phần nhưng sẽ giải phóng chính mình về lâu dài, thì đó mới là một quyết định sống còn, lành mạnh và cần thiết. Đừng bao giờ đặt tiền bạc, con đường sự nghiệp, cảm xúc nhất thời, sự nuối tiếc về thời gian, những ký ức đẹp nhưng vụn vỡ hay rời rạc… trở thành động lực để bạn ép mình phải tiếp tục gắng gượng và bỏ qua sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc lẫn trí tuệ.

Ngày hôm nay có thể bạn ký vào đơn xin nghỉ việc, hay bạn mạnh dạn nói lời chia tay với người yêu, hay bạn dọn ra khỏi nhà bố mẹ đẻ để tìm cho mình một không gian sống của riêng mình… Bạn bỏ mặc những lời can ngăn, động viên rằng nếu bạn vẫn tiếp tục công việc này thì tiền đồ của bạn sẽ vững chắc trong những năm sau này, rằng bạn sẽ không thể tìm được một ai khác yêu bạn hơn anh ta, rằng nếu bạn bước chân ra khỏi nhà thì đừng bao giờ vác mặt quay trở lại… Đó là cái giá bạn phải đánh đổi để chữa lành vết thương của mình, và họ – những người không thực sự hiểu bạn (hoặc không muốn hiểu) cũng sẽ cần thêm thời gian để suy nghĩ về hành động của mình.

Hãy nghĩ đến viễn cảnh thế này: bạn thành công trên con đường mà bạn đã lựa chọn, quay lưng bước đi khỏi những lời hứa hẹn, đe dọa, khuyến khích sáo rỗng, độc hại, ích kỷ. Chặng đường bạn đạt được thành công có thể tốn thêm thời gian hơn, nhưng bạn chắc chắn hạnh phúc hơn, trọn vẹn hơn, và trưởng thành hơn. Không có một nỗi đau tinh thần trong quá khứ nào có thể khiến bạn chùn bước hay sợ hãi nữa.

Còn những người đã từng tiếp tay gây nên nỗi đau ấy, họ sẽ học được bài học của riêng mình vào thời khắc họ nhận ra rằng bạn thật sự hạnh phúc, rằng họ đã không góp được công sức nào trong thành công của bạn để khiến họ cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Nỗi hổ thẹn, xấu hổ, tiếc nuối sẽ là món quà tốt nhất mà bạn có thể trao tặng lại cho họ. Còn nếu họ không hề có một chút phản ứng nào tương tự, càng chứng tỏ quyết định của bạn vào ngày hôm ấy là vô cùng đúng đắn.

Hãy luôn lựa chọn sức khỏe tinh thần, tâm trí, cơ thể của mình trước tất cả những thứ ngoại thân khác trên đời, dù đó có là tiền bạc, sự thăng tiến trong sự nghiệp, địa vị trong xã hội, những cảm xúc tạm bợ chỉ để khỏa lấp những bất an bên trong bạn. Điều này không phải là sáo rỗng đâu người trẻ à. Sự sống mà bạn được trao cho chỉ có duy nhất một lần. Để sống hạnh phúc, trọn vẹn, tận hưởng nó phải cần đến sự trung thực, chân thành và hợp tác từ chính bản thân bạn mà thôi.

Hãy nói không với tích cực độc hại – toxic positivity ngay từ hôm nay.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: