fbpx

Tình yêu có mục đích, tại sao không ai dạy cho ta điều này?

Rose đã từng đề cập đến tình yêu đến vụ lợi của người trưởng thành trước đây. Khác với tình yêu vụ lợi, là tình yêu có mục đích, là điều mà Rose sẽ chia sẻ trong bài viết này.

Làm kinh doanh là phải có mục đích. Một thương hiệu được xây dựng mà không có mục đích kinh doanh cụ thể sẽ rất khó lòng để tồn tại lâu dài, và xây dựng được nền tảng kinh doanh vững chãi. Tương tự, tình yêu cũng sẽ cần phải có mục đích để có thể tồn tại được lâu dài. Nếu lợi nhuận là kết quả (không phải mục đích) của việc kinh doanh, thì kết quả của tình yêu có mục đích là hôn nhân và còn hơn thế nữa.

Tình yêu có mục đích là gì?

Tình yêu có mục đích là khi cả hai đều có cùng chung một mục đích cụ thể. Họ phải cùng tôn vinh và thừa nhận, theo đuổi một giá trị nhất định của một mối tình. Hiển nhiên, kết quả của tình yêu sẽ là hôn nhân, nhưng để hôn nhân mãi mãi đẹp và bền bỉ, thì lúc này tình yêu cũng cần phải được thăng cấp, mục đích lúc này cũng sẽ cần phải thay đổi.

Tình yêu có mục đích, tại sao không ai dạy cho ta điều này?

Giống như thương hiệu Tesla đã thay đổi mục đích kinh doanh của mình, để trở nên hiệu quả và phù hợp với tuyến tình phát triển của thời đại, cũng như khai thác đúng nhu cầu cần thiết mà họ có thể cung ứng và giải quyết được tốt nhất với tiềm lực của bản thân. Đây là mục đích xây dựng thương hiệu ban đầu của Tesla – Sứ mệnh của Tesla là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang vận tải bền vững.

Nhưng họ đã dần thay đổi mục đích của mình, từ “vận chuyển” bằng “năng lượng”. Điều này báo hiệu sự thay đổi lớn hơn nhiều của Tesla, từ một công ty tập trung vào sản xuất ô tô sang mong cầu sẽ cung cấp toàn bộ hệ sinh thái năng lượng sạch cho nhân loại. Đó là sự thay đổi của mục đích, khi mà sứ mệnh của họ, hay tầm nhìn của họ đã thay đổi hoặc đạt được toàn vẹn.

Đó là chuyện kinh doanh, đối với khía cạnh tình cảm, dù mục đích có thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì kết quả sau cùng của một tình yêu có mục đích sẽ là một người bạn đời mãi mãi bên cạnh, yêu thương chân thành và sống đời cùng ta. Phải chứ? Chẳng ai có thể đi cùng ta lâu và dài được như là người bạn đời bên cạnh mình, và gia đình mà ta tạo dựng cùng người bạn đời đó.

Tình yêu có mục đích khác gì với tình yêu vụ lợi?

Tôi đã đặt câu hỏi cho bạn tôi rằng họ có mục đích gì trong tình yêu. Hầu như toàn bộ đều ngơ ngác và chất vấn lại câu hỏi của tôi, tình yêu có mục đích là gì? Còn không, họ sẽ kể lể và kéo léo khái niệm tình yêu có mục đích trở nên gần giống với tình yêu vụ lợi. Vậy cả hai có khác gì nhau?

Yêu vụ lợi sẽ chỉ nhìn vào khía cạnh ngoại thân, và nó không thực sự bao gồm cả đối phương. Những khía cạnh, lợi ích ngoại thân sẽ là tiền bạc, địa vị, danh phận, cơ hội thăng tiến, đổi đời, sở hữu tài sản, cơ hội phát triển khía cạnh nào đó mà họ đang mong cầu. Tình yêu vụ lợi sẽ đề cao cá nhân hơn là đối tượng yêu đương. Cũng giống như một bài toán phải có hệ số phù hợp mới có thể tìm được giải đáp, thì đối tượng yêu đương trong tình yêu vụ lợi phải là người có thể vụ lợi được.

Hãy thử liên tưởng đến những gái trẻ cặp với đại gia bằng hoặc hơn tuổi bố mình mà xem. Họ sẽ khẩn khoản tha thiết nói rằng họ yêu người đàn ông đấy chân thành. Dĩ nhiên, tình yêu của họ gắn với một nhu cầu và điều kiện đáp ứng cho chính họ – đó là những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng đắt tiền, nhưng món quà hàng hiệu, tài khoản ngân hàng luôn dư dả để họ đi mua sắm thỏa thích. Đó là những thứ đi kèm với tình yêu của những cô gái đấy.

Khoa học sẽ bào chữa cho các cô gái ấy rằng đây là tác nhân siêu kích thích, là bản năng tự nhiên của con người. Mà cũng nên đừng đánh giá họ làm chi, thực chất, yêu vụ lợi đang rất phổ biến trong mô hình xã hội hiện đại. Nếu nói khía cạnh friends with benefits đấy, không phải đây cũng là một mối quan hệ vụ lợi để thỏa mãn nhu cầu tình dục của cả hai hay sao? Dù nó không phải, hoặc không được thừa nhận là tình yêu, nhưng có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu rõ.

Yêu có mục đích thì khác hẳn. Yêu có mục đích là khi ta đặt để đối phương có vai trò quan trọng trong cuộc sống, tương lai của ta. Ta thực sự mong cầu có tương lai với họ. Tầm nhìn lúc này sẽ là một đám cưới mà ta từng ước nguyện, những đứa con xinh xẻo để ta nuôi dưỡng và chăm lo – bởi đây chính là nòi giống của ta, là trách nhiệm mà xã hội và gia đình gắn cho ta. Dù rằng, ta sẽ là người tự quyết có muốn có con hay không, nhưng hầu hết ai trong chúng ta cũng mong muốn cho mình có một cuộc hôn nhân và một người bạn đời có thể chung sống cùng ta đến bạc đầu răng long.

Yêu có mục đích đối với những người dị tính thật đơn giản. Họ chẳng mảy may nghĩ gì về nó, mà họ chỉ tuân thủ theo mô hình kết hôn – sinh con – nuôi dạy con cái, theo như cách mà xã hội và quy luật sinh trưởng của loài người mà ta đã được biết. Sẽ chẳng ai lại tự vấn quá nhiều về điều này cả, và vì thế mà chẳng ai nói cho ta hình dung được rằng tình yêu có mục đích là như thế nào.

Nếu ta nghĩ rằng, tình yêu có mục đích được lý giải ở trên còn quá mơ hồ, thì hãy nghĩ đến một ví dụ cụ thể hơn, khi hai vợ chồng từng yêu nhau sâu đậm, rồi trở nên bất hòa, chệch hướng khỏi tình yêu ban đầu đó. Tuy nhiên, đó là tình yêu có mục đích, vì mục tiêu đã đạt được của họ là một gia đình với 2 đứa con nhỏ. Sau này, họ có liên tục bất đồng, cãi vã, và thậm chí ghét bỏ sự tồn tại của đối phương, thì họ vẫn không quyết định li dị.

Nhiều người sẽ tự hỏi rằng, tại sao họ phải khổ sở như vậy trong tình yêu? Nếu hết yêu và chỉ còn tồn tại sự bất hòa và thiếu đồng cảm, thì tại sao không giải thoát cho nhau? Sẽ rất nhiều người thắc mắc hay lắc đầu ngao ngán vì họ chẳng hiểu được những người trong cuộc thực chất đang nghĩ gì.

Thực chất thì mục đích trong tình yêu của họ là giống nhau. Họ muốn có một người sẽ đồng hành với họ tới suốt đời, nhưng họ sợ rằng sẽ không thể tìm được một ai khác tốt hơn nếu buông bỏ cuộc hôn nhân này. Hoặc cũng có thể, mục đích ban đầu trong tình yêu của họ đã đạt được, và giờ thì họ phải thay đổi mục đích của tình yêu – lúc này đã là hôn nhân.

Tình yêu có mục đích, tại sao không ai dạy cho ta điều này?

Họ có thể khác và bất hòa với nhau về nhiều thứ, nhưng tuyệt nhiên họ sẽ cùng đồng thuận một mục tiêu cụ thể, mà có thể là nuôi dạy con cái khôn lớn cùng nhau. Để có thể nhìn thấy những đứa con của mình không bị thiệt thòi hay sinh trưởng trong một gia đình cân bằng có cả cha lẫn mẹ, mục đích của họ là chất keo giúp kết dính họ với nhau. Họ tự thỏa hiệp với chính mình và đối phương, chỉ để mục đích của họ vẫn mãi luôn được bình ổn. Và biết đâu, chính nhờ chất keo kết dính đó mà họ học được cách để yêu đối phương một cách mới mẻ, khơi dậy những cảm xúc tình yêu đáng giá, vẹn nguyên mà họ đã cùng nhau đánh mất.

Có những kiểu mục đích nào trong tình yêu và hôn nhân?

Chẳng có nhiều kiểu mục đích trong tình yêu đến vậy đâu. Mục đích của tình yêu phổ biến nhất sẽ là hôn nhân, còn trong cuộc hôn nhân đó có sóng gió dập dềnh, có thử thách chông gai, có bất nhất quan điểm thì lúc đó hôn nhân và tình yêu của họ sẽ cần đến một mục đích chung được nâng cấp. Vì cái mục đích đó mà họ thỏa hiệp, nhẫn nhịn và khiêm nhường để có thể duy trì và đạt được mục đích đó vẹn toàn.

Và nó sẽ là như thế, hết mục đích này đến mục đích khác được đề xuất, được sắp đặt theo thứ tự ưu tiên. Mục đích có thể là cùng nhau nuôi dạy con cái thành đạt, cùng nhau xây dựng một cơ ngơi và sự nghiệp lớn mạnh, cùng nhau đón nhiều cái sinh nhật và nương tựa vào nhau khi về già… Những cặp đôi bền bỉ nhất là những cặp đôi thiết lập được một tình yêu có mục đích cụ thể và đồng lòng để cùng đạt được nó. Chúng ta nhận diện rằng cảm xúc lâu bền trong hôn nhân sẽ không còn là tình yêu, mà sẽ là tình nghĩa.

Tình nghĩa, thực có phải là một tình yêu có mục đích không? “Tình” thì dễ hiểu rồi. Đó là phần xúc cảm của con tim. “Nghĩa” là “nghĩa vụ”, các trách nhiệm chúng ta có với nhau trong các mối quan hệ với người khác. Nghĩa vợ chồng thì có nhiệm vụ của vợ và chồng đối với nhau. Nghĩa vụ của mỗi bên thì có thể khác nhau, trách nhiệm trong hôn nhân có thể khác nhau, nhưng cái nhất quán, cái chất keo kết dính hai con người mang nghĩa tình của nhau thì phải thống nhất, rành mạch và được đề cao nhất. Chính nó tạo ra mục đích để hai con người duy trì tình yêu và hôn nhân của chính mình.

Tình yêu có mục đích, tại sao không ai dạy cho ta điều này?

Nếu nghĩa vụ đồng thuận, người vợ sẽ có thể tha thứ cho chồng mình khi họ phạm lỗi, cụ thể là ngoại tình, và đây là một tình huống đặt ra mà ta có thể cùng chiêm nghiệm.

Một người vợ khi phát hiện ra chồng mình ngoại tình, nếu “trà xanh” là phụ nữ – thì hẳn cơn giận dữ và sự ghen tuông của người vợ sẽ là vô cùng khiếp đảm. Nhưng nếu “trà xanh” là đàn ông thì sao? Hẳn người vợ cũng sẽ rất cáu giận, nhưng chắc hẳn sẽ lúc đó người vợ sẽ nhắm mọi sự tức giận vào chồng mình, thay vì là nhân tình của chồng. Tùy vào trường hợp, vợ vẫn có thể tha thứ cho chồng ngay cả khi những người xung quanh đều cảm thấy khó hiểu và không đồng thuận. Tại vì sao?

Thiết nghĩ, đàn bà ghen với đàn bà không phải chỉ vì đối phương là đàn bà. Vì đàn bà như nhau, họ có cùng thiên chức và phận sự. Họ đều có thể sinh con đẻ cái và lưu truyền nòi giống. Nếu như nhân tình chẳng may mang thai, liệu có phải là lúc đó mục đích trong hôn nhân của họ sẽ bị đe dọa không? Mục đích trong hôn nhân lúc đó của họ có thể là cùng nhau dưỡng nuôi và chu cấp vẹn toàn cho con cái, nhưng nếu ông chồng có con riêng với nhân tình, chẳng phải dòng tiền đó sẽ phải cưa đôi cưa ba sao? Con cái là nghĩa vụ chung, linh thiêng và quan trọng nhất của vợ chồng, là mục đích mà họ cùng nhau đồng thuận, và vì thế phụ nữ sẽ luôn trở nên thật khiếp đảm nếu như chồng mình ngoại tình với một phụ nữ khác.

Đàn bà mà đi ghen tội vạ với nhân tình là đàn ông thì thảng hoặc mới xảy ra. Nhưng chí ít thì mục đích của hôn nhân cũng không bị hủy hoại, mà chỉ có sự thật được phơi bày. Vậy nên tức gì nhân tình của chồng là đàn ông bây giờ? Có tức anh ách thì cũng chỉ có thể trách cứ người chồng thiếu thật thà, sống dối gian, hèn nhát. Nhưng kỳ thực, vợ vẫn có thể tha thứ cho chồng, hoặc “thả rông” để chồng đi tằng tựu với người đàn ông, miễn là mục đích và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dạy con cái của hai bên vẫn ổn thỏa.

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng nếu ta không nhận thức về mục đích của tình yêu và hôn nhân thì có cố cũng sẽ chẳng thể nào mà hiểu cho được. Ta luôn được dạy rằng sống phải có mục đích, vậy tại sao tình yêu không là như thế?

Dù gì, bài viết hay nhận định về tình yêu có mục đích cũng chỉ là quan điểm của cá nhân Rose, bạn đọc nên chỉ đọc để tham khảo thôi nhé.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: