fbpx
Self-love

Simple is simply better?

Sống đơn giản - nghe thì có vẻ dễ nhưng thực chất khó không tưởng. Bạn đã bao giờ được khuyên nhủ là suy nghĩ đơn giản lại chưa?

“Người đơn giản thường giỏi hơn, vì sao vậy?”. Đây là tiêu đề của một bài viết tôi đọc được trên một trang báo. Đọc hết bài viết, tôi cảm thấy mình cần phải phản biện quan điểm này của tác giả, với tư cách là một đứa từng suy nghĩ và sống đơn giản.


Đã nhiều lần những người xung quanh tôi nói rằng tôi quá phức tạp, rằng tôi nên suy nghĩ đơn giản lại và chỉ khi tôi trở nên đơn giản thì tôi mới thành công. Họ từ chối lắng nghe thêm hơn những lý lẽ, tâm tư để giải trình tới họ vì việc tại sao tôi lại có những suy nghĩ như thế. Họ bảo rằng, lắng nghe thêm hơn những gì mà tôi muốn trình bày sẽ chẳng thể nào giúp ích được gì cho tôi cả.

Nghĩ về bản chất của cuộc sống, có mấy ai thực sự hiểu tôi như chính tôi? Có mấy ai thật sự biết về tôi ngay cả khi tôi muốn họ như thế?

Sự phức tạp không phải là một thứ tự nhiên thành hình trong mỗi người, nó phải có chất xúc tác, phải có quá trình hình thành, phải có bề dày lịch sử, phải trải qua rất nhiều những lần suy nghĩ đơn giản – để rồi phải nhận thức được cách suy nghĩ phức tạp.

Có phải cứ sống đơn giản là sẽ tốt hơn không? | So awkward, Rose

Người phức tạp được nhận định thế này, trên bài báo mà tôi đọc được:

Có hai loại người trên thế giới: người đơn giản và người phức tạp hóa vấn đề.

Những người phức tạp thường quên đi giải pháp đơn giản. Với hầu hết mọi thứ, họ đều làm theo cách khó và phức tạp nhất. Nhìn từ bên ngoài, điều này có vẻ như họ đang tỏa sáng trước những thử thách. Những người đơn giản thì ngược lại. Họ tránh sự phức tạp dưới bất kỳ hình thức nào. Họ có thể bị nhầm lẫn với những người chỉ làm một lượng công việc tối thiểu cần thiết.

Trong khi đó, người đơn giản luôn nhìn vào những vấn đề có vẻ phức tạp, cảm nhận chúng, chia thành những phần nhỏ hơn và tái tổ chức. Họ nhận thức rằng sự không cần thiết của vài công việc có thể làm phức tạp bất cứ điều gì. Mục tiêu của họ là đơn giản hóa một vấn đề để làm rõ nguyên nhân gốc rễ của nó và giải quyết chúng theo cách đơn giản nhất, giúp tiết kiệm chi phí và công sức.

Người đơn giản thường khá tập trung, họ luôn có phương pháp để cải thiện năng suất trong công việc, loại bỏ đi các chi tiết rườm ra tốn sức khoẻ và thời gian, tránh những xung đột rắc rối, từ đó mà đạt được chất lượng cao trong công việc và dễ thăng tiến hơn.

Nghe có vẻ thuyết phục phải không? Để tôi kể cho bạn nghe 3 câu chuyện của chính tôi, đó là khi tôi cảm thấy hổ thẹn vì sự đơn giản của bản thân mình.

Câu chuyện đầu tiên:

Tôi được mời đi dự show diễn thời trang của một nhà thiết kế A. Đó là một show diễn thời trang được đầu tư và tài trợ rất lớn, địa điểm tổ chức là một khu vực biệt lập ở quận 4, chuyên để tổ chức những sự kiện cá nhân, riêng tư. Sau show diễn, toàn bộ khách mời được mời di chuyển để một không gian nhà hàng sang trọng để thưởng thức tiệc buffet thịnh soạn. Hôm đó tôi đi cùng với một người bạn, và hai người đồng nghiệp trong ngành báo đến tác nghiệp. Hôm đó rất đông khách mời, bao gồm cả người mẫu, không gian nhà hàng tuy có rộng nhưng sức chứa bị quá tải. Đến mức phải có người ăn xong đứng dậy mới có chỗ cho người tiếp theo.

Bốn người chúng tôi may mắn tìm được chỗ trống trong một góc kẹt – là một cái bàn tiệc lớn, nơi chúng tôi phải ngồi cạnh những người khác nữa. Lát sau nhà thiết kế A cùng chồng của mình dáo dác đi tìm chỗ ngồi, hai người đồng nghiệp của tôi đang đi lấy thêm thức ăn ở khu vực khác. Thấy hai chỗ trống với hai đĩa thức ăn có vẻ đã dùng xong, nhà thiết kế A cùng chồng tính kéo ghế trống đó tới một khu vực khác để ngồi cùng với khách quý của mình. Tôi vội vàng ngăn cản, gỏn lọn nói rằng chỗ đó đã có người ngồi và họ sẽ còn quay lại. Nhà thiết kế, sau một ngày dài chuẩn bị tất bận và lắm mối lo toan để show diễn được diễn ra thành công, khách mời được thiết đãi chu toàn thì hẳn cũng đã thấm mệt và kiệt sức, nhìn tôi với ánh mắt chực thiếu thiện cảm, có đôi chút thất vọng trong đó nữa. Họ để lại cái ghế và tiếp tục dáo dác đi tìm chỗ ngồi.

Đó là lúc tôi cảm thấy sự suy nghĩ đơn giản của mình được đọc qua ánh mắt của người đối diện. Người bạn đi cùng tôi an ủi rằng tôi làm vậy là không sai. Nhưng cho dù là vậy thì tôi vẫn cứ nghĩ mãi về ánh nhìn của nhà thiết kế ngày hôm đó dành cho tôi. Tôi cảm thấy hổ thẹn mỗi khi nghĩ về sự thiếu tinh tế và đơn giản của mình.

Trong hoàn cảnh đó, tôi cũng không biết cách giải quyết nào hợp lý hơn. Nhưng chí ít, tôi mong rằng mình đã có thể truyền đạt rành mạch, thấu đáo để phần nào khiến cho nhà thiết kế A thông cảm hơn và không trao cho tôi cái ánh nhìn phán xét đầy ám ảnh như thế.

Câu chuyện thứ hai:

Tôi luôn có quan niệm đơn giản rằng, tranh luận là một điều cần thiết để hiểu nhau hơn. Sự tranh luận bình đẳng, cũng phần nào giúp ích rất nhiều cho việc rèn luyện khả năng tư duy, lập luận và kiểm chứng lại kiến thức của mình. Tôi chưa từng nhún nhường trong bất kỳ một cuộc tranh luận nào, khi nói về một đề tài mà tôi tin là mình có đủ kinh nghiệm và trí thức để thảo luận, đối thoại cởi mở. Tranh luận là phải thấu đáo, phải ra ngô ra khoai, phải rành mạch tỏ tưởng, phải có kẻ thắng và người thua – đó là khía cạnh đơn giản trong nhận thức của tôi.

Tôi có một người bạn thân là B. Tôi với B như hình với bóng trong rất nhiều hoạt động trong suốt hai năm. Tôi và B thậm chí còn cùng đi casting cho một chương trình truyền hình thực tế vào 2019, hy vọng cả hai sẽ tiến xa. Tôi và B thân tới mức đó đấy.

Cho đến khi tôi và B nảy sinh một cuộc tranh luận về influencer tại Việt Nam. B cho rằng influencer tại Việt Nam phải mua đồ hiệu, mang đồ hiệu, mặc đồ hiệu liên tục thì mới đủ trình để đại diện cho brand quốc tế. Tôi thì cho rằng, đó không phải là xuất phát điểm của influencer, bản thân họ phải có giá trị tự thân và hình ảnh phù hợp với nhãn hàng xa xỉ, thì lúc đó nhãn hàng xa xỉ sẽ tự chủ động mời influencer hợp tác quảng bá, góp phần giúp cho hình ảnh của influencer cũng được nâng cấp thêm hơn.

Tôi chưa từng tranh luận gay gắt với B như cái lần tranh luận đó. Tôi và B làm việc chung với nhau khá nhiều lần, cũng xảy ra khá nhiều lần bất đồng quan điểm, nhưng chưa lần nào đến mức tranh luận gay gắt  về một chủ đề như thế. Tôi tin là mình đúng, vì tôi làm việc với agency quảng cáo, booking KOLs, làm việc trong ngành thời trang, mà cụ thể là báo chí và truyền thông, nên tôi đã gặp gỡ, đối thoại và tiếp xúc với rất rất nhiều kiểu influencer, KOLs lẫn người nổi tiếng. Tôi thậm chí còn có những bài viết chuyên sâu về chủ đề influencer marketing trên So awkward, Rose này nữa cơ mà.

Cuộc tranh luận ngày hôm đó như một cuộc tranh cãi vì cả hai bên đều rất tự tin về những gì mình biết và tin. B có một người bạn là một beauty blogger cũng nổi tiếng trên Youtube. Bạn của B là ca sĩ, cũng nổi tiếng và nay là beauty blogger, đã chia sẻ với B thành thật rằng phải tự bỏ tiền mua mỹ phẩm hàng hiệu để review và quay clip, mong sẽ có một ngày được nhãn hàng chú ý tới. Bạn của B là beauty blogger đã lâu, nhưng chưa từng một lần được mời tham dự các sự kiện tụ tập hay giới thiệu mỹ phẩm mới của các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp như Yves Saint Laurent, Chanel hay Dior. Tôi cho rằng đó là vì bạn B có vấn đề về thái độ hay báo giá “trên trời”. B tự ái và nhớ mãi cuộc tranh luận ngày hôm đó.

Kết quả, đã gần 1 năm tôi chưa gặp lại B. Đã hai lần rủ B đi cà phê để gặp gỡ thân tình, hàn huyên đôi chút vì lâu ngày tôi không gặp B. B từ chối đi riêng hai đứa, vì sợ sẽ tranh luận gay gắt như lần trước. Sự thẳng thừng của B làm tôi cảm thấy lạ lẫm. Hóa ra sự đơn giản của tôi lại khiến cho người bạn thân thiết cảm thấy ngại và e dè khi đi riêng cùng tôi.

Có phải cứ sống đơn giản là sẽ tốt hơn không? | So awkward, Rose

Câu chuyện thứ ba:

Tôi từng là một đứa sống đơn giản, nghĩ gì nói đấy, yêu ghét rõ ràng. Tôi thẳng thừng như ruột ngựa và không bao giờ cảm thấy hổ thẹn vì mình dám nói hay đối chất những gì khiến tôi cảm thấy không vừa lòng. Sống đơn giản để đỡ đau đầu, đúng như những gì mà bài báo tôi đọc được nhận định về người đơn giản đấy.

Nhưng đó cũng là lý do mà sự nghiệp của tôi cứ mãi không được tới tầm mà tôi mong muốn. Tôi thẳng thắn chia sẻ những tâm nguyện và mong cầu của bản thân mà không nghĩ thấu đáo rằng liệu năng lực của tôi đã thực sự đủ để lãnh đạo đáp ứng hay không. Hoặc có lẽ, tôi nên học cách để khiêm nhường hay bày tỏ ý nguyện của mình một cách trưởng thành hơn.

Tôi từng thẳng thắn chê trách sếp của mình với cấp trên của sếp, tôi cho rằng họ còn nhiều thiếu sót và rất khó để lãnh đạo những người như tôi. Có thể cấp trên của sếp ghi nhận điều tôi nói ở một mức độ nào đó, nhưng tôi thì nghỉ việc và mặc kệ những gì xảy ra sau đó, bởi tôi nghĩ rằng mình có thể phát triển ở một môi trường khác tốt hơn.

Tôi vô tư chia sẻ những kế hoạch của mình với một người làm lãnh đạo mà không biết rằng họ đang ngầm đánh giá và hình thành những suy nghĩ thiếu tích cực về tôi. Họ có thể không cần phải nói ra, nhưng những hành động của họ đã minh chứng cho điều tôi nghĩ.

Tôi cũng từ chối thẳng thừng rất nhiều cơ hội nghề nghiệp được trao cho mình, vì đơn giản tôi cho rằng những vị trí đó thật sự không tương xứng với năng lực của tôi. Nhưng thực chất thì những người trao cho tôi cơ hội cũng đang rất mơ hồ về năng lực của tôi bởi tôi là người được giới thiệu tới họ. Những người hiểu và biết rõ năng lực của tôi thì lại cho rằng tôi hoàn toàn xứng đáng ở những vị trí cao hơn, nhưng họ e dè với sự đơn giản của tôi. Họ cho rằng tôi là một đứa khó quản trị.

Tôi không phải là người đơn giản

Sự đơn giản của tôi khiến cho tôi nhìn lại xung quanh mình, nơi những người sớm nhận ra rằng mọi điều trong xã hội này đều tuân theo quy luật của phân tầng giai cấp và sớm có địa vị xã hội cao hơn tôi. Để có thể leo lên từng bậc, thì họ phải kiên định từ tầng thấp nhất, muốn nhảy cách và thăng tiến nhanh hơn, họ buộc phải đi làm cu li cho những người ở phân tầng cao hơn. Nhưng để được những người ở phân tầng cao tín nhiệm và tin tưởng, suy nghĩ đơn giản là yếu tố đầu tiên phải bị loại trừ.

Thực chất, những con người đơn giản, ngay cả khi được người ở phân tầng cao dẫn dắt, sẽ khó lòng phát triển hay thăng tiến nhanh hơn bởi người đơn giản thích suy nghĩ giản đơn. Càng ít áp lực, càng ít sự thách đố, càng rành mạch, đơn giản thì họ càng thích. Sự đơn giản và tham vọng sẽ luôn và mãi luôn là những thế lực chống nghịch. Bạn chọn điều gì là cơ bản, và cái giá bạn phải trả là tương đương.

Nhận định rằng người đơn giản sẽ giải quyết vấn đề một cách thực tế, nhanh chóng và hiệu quả trong bài báo mà tôi đọc được, là điều mà tôi khó lòng có thể tán đồng. Có lẽ người viết bài này đã bỏ qua EQ – trí thông minh cảm xúc là một trong những tác nhân tạo nên thành công trong sự nghiệp của chúng ta, chẳng kém gì IQ.

Có phải cứ sống đơn giản là sẽ tốt hơn không? | So awkward, Rose
Sống đơn giản trong một xã hội không đơn giản, giữa những con người phức tạp sao có thể dễ dàng?

Từ trải nghiệm của chính mình, tôi đã không còn là một người sống đơn giản, cho dù sự đơn giản có thể sẽ khiến cho cuộc đời ít áp lực và yên bình hơn. Đã có lúc tôi đặt cho mình câu hỏi, liệu có phải tôi đã bị biến chất và thay đổi bởi vì ở môi trường xung quanh tôi là những con người phức tạp? Và liệu có thực là những con người đã khuyên tôi nên suy nghĩ đơn giản lại, có phải là những con người suy nghĩ đơn giản?

Tôi chỉ đơn giản không tin rằng chúng ta có thể dễ dàng để sống đơn giản trong xã hội ngày nay. Sống đơn giản cũng không đồng nghĩa với việc tốt hơn trong mọi khía cạnh. Đó có thể chỉ là cách nhìn nhận chủ quan từ chính những người sống đơn giản, có lẽ.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: