Trong một cuộc đối thoại người đối diện bỗng hỏi nó, tại sao em lại thích viết lách? Em có nghĩ ra được một lý do cụ thể nào đó về việc mình đam mê con chữ không? Đó là một câu hỏi khó, bởi cho đến lúc này nó vẫn chưa có một câu trả lời toàn vẹn – là trước nhất, và cô đọng – là thứ mà nó muốn dùng để làm câu trả lời cho một câu hỏi bất chợt nhưng đáng suy ngẫm đó, kể từ này về sau.
Nó nghĩ về 3 lý do cụ thể về việc tại sao nó “muốn” viết – chứ không phải là “thích” viết.
Lý do đầu tiên là bởi nó đọc nhiều. Nó đọc nhiều nên nó muốn viết. Thiết nghĩ ai ham đọc như nó cũng sẽ hình thành cái thói quen muốn viết lách, như một khía cạnh bản năng tự phát sinh vậy.
Lý do thứ hai vì nó là một người sáng tạo. Sáng tạo bằng con chữ đối với nó – cũng đầy sắc màu, sự thỏa mãn và duy mỹ như lúc nó còn là một đứa sinh viên học thiết kế thời trang vậy.
Lý do cuối cùng mà nó thích viết, vì đơn giản là nó tiện. Viết lách không nhiêu khê công cụ, mà chỉ cần đôi bàn tay và trí óc để biến mọi luồng ý tưởng thành những con chữ tròn trịa. Nếu để lựa ra một sở thích giúp bồi dưỡng trí tuệ lẫn khuây khỏa trí óc thì viết lách là phù hợp cho một người nội tâm, kiểu như nó.
Đó là muốn viết. Từ cái sự muốn đó trở thành một thói quen đều đặn, và giờ thì nó nghĩ là mình “thích” viết. Nhưng cách sự “thích” này sẽ khác với việc nó thích xem phim hoạt hình, thích đồ ngọt, thích chụp hình, thích mặc đồ kiểu cách mỗi khi có hẹn cà phê với bè bạn.
Cái sự “thích” viết này đi kèm với sự phát triển của cá nhân nó, giúp lưu trữ những gì có giá trị đối với nó – chẳng hạn như ký ức, mảnh ghép rời rạc của những luồng suy nghĩ thoáng qua, cả những thứ nội dung giá trị mà nó tích lũy được từ việc đọc nữa. 10 năm trong tương lai, khi đọc lại những gì được viết ra, nó sẽ thấy được lý do tại sao nó lại trở thành con người của ngày hôm nay, và cả sự thấu hiểu, đồng cảm với tuổi trẻ của nó nữa.
Nó không coi thói quen viết của nó là hành trình nhật ký tuổi xuân. Trái lại, nó xem những con chữ là thước đo về sự phát triển về trí thức lẫn nội tâm của nó, cũng giống như cách mà người ta luôn lưu giữ hình ảnh của bản thân và có những sự so sánh 10 năm, 20 năm sau này để thấy được sự thay đổi của ngoại hình bề ngoài vậy.
Nó thiết nghĩ, viết lách là một kỹ năng tuyệt vời, mà cho đến khi chúng ta già đi thì sẽ vẫn không mai một – mà ngày càng sắc bén hơn.
Nếu phải cô đọng lại những gì nó nghĩ về sở “thích” viết của mình, đó hẳn sẽ là một câu trả lời đích xác nhất – rằng nó tin chắc rằng đến khi trở mình sang tuổi thứ 70, nếu vẫn may mắn còn khỏe mạnh, mắt còn tinh tường, các đốt tay còn linh hoạt, thì nó vẫn sẽ còn viết. Nó cũng sẽ không nói rằng đó là niềm đam mê viết lách. Thay vào đó, nó sẽ nói đấy là một sự lựa chọn tự thân.
Có thể là nó đang tự-giả-định-là-thế (assume), nhưng có sự tồn tại của nhiều người lựa chọn viết lách để làm công cụ kiếm tiền dễ dàng. Cái giá của viết lách bây giờ cũng đa dạng vô kể. Viết một bài theo chuẩn SEO, lên Facebook mà xem người ta chào giá cạnh tranh đến toát cả mồ hôi. Cái giá thấp nhất mà nó từng thấy là 75,000 vnd cho một bài viết chuẩn SEO và có 4-5 hình ảnh đính kèm.
Người ta nhận viết nội dung theo một khuôn mẫu rập khuôn, dành ra 1-2 tiếng để viết và làm hình cho một bài như vậy. Năng suất thì một ngày viết được 7-8 bài chuẩn SEO, tính ra thì 75,000 x 8 = 600,000 vnd. Một ngày ngồi trước máy tính để mà cày chữ như thế, vẫn nhẹ nhàng hơn là làm tài xế công nghệ tất bật ngoài đường đầy bụi mù, có phải không?
Nó mới nghĩ rằng, những người cày chữ và xem con chữ như miếng cơm manh áo như thế, có phải là người thích viết không? Cái thích của họ nằm ở tiền công, hay nằm ở chữ nghĩa chuẩn SEO mà họ viết như một cái máy đẻ chữ như thế? Điều mà nó cảm thấy quặn thắt đôi chút, là chữ nghĩa khi gán vào giá trị tiền tệ, lại là thứ làm thui chột đi sự sáng tạo.
Nhìn xung quanh, nó cũng thấy nhiều người từng kiếm tiền bằng viết lách, giờ đã mất đi khả năng viết lách, và chỉ còn khả năng đọc và chỉnh sửa. Câu từ của họ giờ cũng khô cằn mà thiếu cảm xúc lẫn văn phong đậm bản sắc cá nhân như trước. Họ bị “lụt” nghề, hoặc họ cảm thấy chán với câu từ của chính mình.
Cũng thiết nghĩ, sáng tạo bằng câu từ tựa như một dấu ấn nhận diện mà chỉ có những người trân trọng nó mới có thể tìm thấy. Hãy cứ lấy tác giả Nguyễn Ngọc Tư làm một ví dụ gần gũi – Có sáng tạo thì mới có cảm hứng để mà viết hoài, viết mãi, khiến người ta đọc hoài, đọc mãi mà chẳng thấy chán.
Nhưng rồi nó cũng nghĩ, liệu có mấy ai thực sự dành dụm cái sự sáng tạo đó vào câu chữ của họ không. Từ cái cách cẩn trọng lựa chọn từ ngữ để sao cho thật cô đọng, rành mạch, đọc trôi chảy, giàu ngữ điệu cảm xúc – đây đều là những việc phải vắt não mà ra.
Có ai viết hay mà chưa từng phải một lần tốn công xóa bỏ tất cả những gì được viết ra để bắt đầu lại từ trang giấy trắng, chỉ vì họ cảm thấy mắc kẹt ở cái kết, ở một trường đoạn cứ mãi dở dang, hay một nội dung nhàm chán mà ngay cả họ cũng không có đủ dũng khí để bấm vào nút đăng, cho dù đã cực công thế nào đi nữa.
Nó cũng đã cố gắng đi tìm một cái kết thật phù hợp cho một bài đăng tự sự kiểu thế này, nhưng rồi nó nhận ra rằng mọi sự cô đọng và đáng nhớ nhất đều đã nằm ở tiêu đề của bài viết.
Like this:
Like Loading...
Trong một cuộc đối thoại người đối diện bỗng hỏi nó, tại sao em lại thích viết lách? Em có nghĩ ra được một lý do cụ thể nào đó về việc mình đam mê con chữ không? Đó là một câu hỏi khó, bởi cho đến lúc này nó vẫn chưa có một câu trả lời toàn vẹn – là trước nhất, và cô đọng – là thứ mà nó muốn dùng để làm câu trả lời cho một câu hỏi bất chợt nhưng đáng suy ngẫm đó, kể từ này về sau.
Nó nghĩ về 3 lý do cụ thể về việc tại sao nó “muốn” viết – chứ không phải là “thích” viết.
Lý do đầu tiên là bởi nó đọc nhiều. Nó đọc nhiều nên nó muốn viết. Thiết nghĩ ai ham đọc như nó cũng sẽ hình thành cái thói quen muốn viết lách, như một khía cạnh bản năng tự phát sinh vậy.
Lý do thứ hai vì nó là một người sáng tạo. Sáng tạo bằng con chữ đối với nó – cũng đầy sắc màu, sự thỏa mãn và duy mỹ như lúc nó còn là một đứa sinh viên học thiết kế thời trang vậy.
Lý do cuối cùng mà nó thích viết, vì đơn giản là nó tiện. Viết lách không nhiêu khê công cụ, mà chỉ cần đôi bàn tay và trí óc để biến mọi luồng ý tưởng thành những con chữ tròn trịa. Nếu để lựa ra một sở thích giúp bồi dưỡng trí tuệ lẫn khuây khỏa trí óc thì viết lách là phù hợp cho một người nội tâm, kiểu như nó.
Đó là muốn viết. Từ cái sự muốn đó trở thành một thói quen đều đặn, và giờ thì nó nghĩ là mình “thích” viết. Nhưng cách sự “thích” này sẽ khác với việc nó thích xem phim hoạt hình, thích đồ ngọt, thích chụp hình, thích mặc đồ kiểu cách mỗi khi có hẹn cà phê với bè bạn.
Cái sự “thích” viết này đi kèm với sự phát triển của cá nhân nó, giúp lưu trữ những gì có giá trị đối với nó – chẳng hạn như ký ức, mảnh ghép rời rạc của những luồng suy nghĩ thoáng qua, cả những thứ nội dung giá trị mà nó tích lũy được từ việc đọc nữa. 10 năm trong tương lai, khi đọc lại những gì được viết ra, nó sẽ thấy được lý do tại sao nó lại trở thành con người của ngày hôm nay, và cả sự thấu hiểu, đồng cảm với tuổi trẻ của nó nữa.
Nó không coi thói quen viết của nó là hành trình nhật ký tuổi xuân. Trái lại, nó xem những con chữ là thước đo về sự phát triển về trí thức lẫn nội tâm của nó, cũng giống như cách mà người ta luôn lưu giữ hình ảnh của bản thân và có những sự so sánh 10 năm, 20 năm sau này để thấy được sự thay đổi của ngoại hình bề ngoài vậy.
Nó thiết nghĩ, viết lách là một kỹ năng tuyệt vời, mà cho đến khi chúng ta già đi thì sẽ vẫn không mai một – mà ngày càng sắc bén hơn.
Nếu phải cô đọng lại những gì nó nghĩ về sở “thích” viết của mình, đó hẳn sẽ là một câu trả lời đích xác nhất – rằng nó tin chắc rằng đến khi trở mình sang tuổi thứ 70, nếu vẫn may mắn còn khỏe mạnh, mắt còn tinh tường, các đốt tay còn linh hoạt, thì nó vẫn sẽ còn viết. Nó cũng sẽ không nói rằng đó là niềm đam mê viết lách. Thay vào đó, nó sẽ nói đấy là một sự lựa chọn tự thân.
Có thể là nó đang tự-giả-định-là-thế (assume), nhưng có sự tồn tại của nhiều người lựa chọn viết lách để làm công cụ kiếm tiền dễ dàng. Cái giá của viết lách bây giờ cũng đa dạng vô kể. Viết một bài theo chuẩn SEO, lên Facebook mà xem người ta chào giá cạnh tranh đến toát cả mồ hôi. Cái giá thấp nhất mà nó từng thấy là 75,000 vnd cho một bài viết chuẩn SEO và có 4-5 hình ảnh đính kèm.
Người ta nhận viết nội dung theo một khuôn mẫu rập khuôn, dành ra 1-2 tiếng để viết và làm hình cho một bài như vậy. Năng suất thì một ngày viết được 7-8 bài chuẩn SEO, tính ra thì 75,000 x 8 = 600,000 vnd. Một ngày ngồi trước máy tính để mà cày chữ như thế, vẫn nhẹ nhàng hơn là làm tài xế công nghệ tất bật ngoài đường đầy bụi mù, có phải không?
Nó mới nghĩ rằng, những người cày chữ và xem con chữ như miếng cơm manh áo như thế, có phải là người thích viết không? Cái thích của họ nằm ở tiền công, hay nằm ở chữ nghĩa chuẩn SEO mà họ viết như một cái máy đẻ chữ như thế? Điều mà nó cảm thấy quặn thắt đôi chút, là chữ nghĩa khi gán vào giá trị tiền tệ, lại là thứ làm thui chột đi sự sáng tạo.
Nhìn xung quanh, nó cũng thấy nhiều người từng kiếm tiền bằng viết lách, giờ đã mất đi khả năng viết lách, và chỉ còn khả năng đọc và chỉnh sửa. Câu từ của họ giờ cũng khô cằn mà thiếu cảm xúc lẫn văn phong đậm bản sắc cá nhân như trước. Họ bị “lụt” nghề, hoặc họ cảm thấy chán với câu từ của chính mình.
Cũng thiết nghĩ, sáng tạo bằng câu từ tựa như một dấu ấn nhận diện mà chỉ có những người trân trọng nó mới có thể tìm thấy. Hãy cứ lấy tác giả Nguyễn Ngọc Tư làm một ví dụ gần gũi – Có sáng tạo thì mới có cảm hứng để mà viết hoài, viết mãi, khiến người ta đọc hoài, đọc mãi mà chẳng thấy chán.
Nhưng rồi nó cũng nghĩ, liệu có mấy ai thực sự dành dụm cái sự sáng tạo đó vào câu chữ của họ không. Từ cái cách cẩn trọng lựa chọn từ ngữ để sao cho thật cô đọng, rành mạch, đọc trôi chảy, giàu ngữ điệu cảm xúc – đây đều là những việc phải vắt não mà ra.
Có ai viết hay mà chưa từng phải một lần tốn công xóa bỏ tất cả những gì được viết ra để bắt đầu lại từ trang giấy trắng, chỉ vì họ cảm thấy mắc kẹt ở cái kết, ở một trường đoạn cứ mãi dở dang, hay một nội dung nhàm chán mà ngay cả họ cũng không có đủ dũng khí để bấm vào nút đăng, cho dù đã cực công thế nào đi nữa.
Nó cũng đã cố gắng đi tìm một cái kết thật phù hợp cho một bài đăng tự sự kiểu thế này, nhưng rồi nó nhận ra rằng mọi sự cô đọng và đáng nhớ nhất đều đã nằm ở tiêu đề của bài viết.
Share this:
Like this: