fbpx
You heard it first

Thời trang sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ tiến hóa

Đây là một bài viết mang quan điểm cá nhân của Tiến sĩ Rhonda Grelick, được đăng tải trên The New York Times.

*Tiến sĩ Garelick là trưởng khoa Lịch sử và Lý thuyết của Trường Nghệ thuật và Thiết kế thời trang Parsons / The New School tại New York và là tác giả của “Mademoiselle: Coco Chanel and the Pulse of History”.


Về mặt kinh tế, đây là năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành thời trang, tuy thế mà thời trang vẫn giữ được tính cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 về đại dịch COVID-19, nhà triết học Slavoj Zizek nói rằng chúng ta nên “quên đi nền kinh tế mà chúng ta đang có bây giờ” và “đơn giản là nên khai tử những thứ không cần thiết như ngành thời trang”. Ông ấy chỉ đơn giản là nói lên một định kiến ​​ngầm mà nhiều người vẫn nghĩ về thời trang: họ xem thường, đánh giá thấp ngành công nghiệp này. Đối với Zizek, ngành công nghiệp này hiển nhiên là mánh mung của chủ nghĩa tiêu dùng và thói dễ dãi, nghiện mua sắm của từng cá thể, vì thế sự tồn tại của nó là chẳng cần thiết.

Nhưng nhà triết học đã nhầm. Không những chúng ta không nên để ngành thời trang lụi tàn, thực tế, dù muốn thì chúng ta cũng không thể khiến nó xảy ra.

Đúng là về mặt kinh tế, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành. Nhiều thương hiệu, nhà bán lẻ đã lao đao và thậm chí sụp đổ ngay trong đại dịch: J. Crew và Brooks Brothers đệ đơn phá sản; Diane von Furstenberg đã đóng cửa 18 trên 19 cửa hàng; Zara đang đóng cửa 1.200 cửa hàng trên toàn cầu; và thương hiệu 194 tuổi – Lord & Taylor sẽ đóng cửa ở khắp mọi nơi, mãi mãi. Đây chỉ là một trong số một vài trường hợp nổi bật.

Nhưng bản thân ngành công nghiệp thời trang sẽ không thể lụi tàn. Thay vào đó, ngành công nghiệp này sẽ tiến hóa. Những thương hiệu mới, với những nhà thiết kế mới và những ý tưởng mới, sẽ thay thế những gì đã mất.

Thời trang sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ tiến hóa | So awkward, Rose

Điều này không hề vô lý là bởi vì thời trang là không thể thiếu đối với sự tồn tại của chúng ta. Nó không phải là một niềm đam mê vô lý. Thời trang bắt nguồn từ những sự thôi thúc từ bên trong để tô điểm cho hình thức bên ngoài, là thứ ngôn ngữ giao tiếp hữu hình, đóng góp tính tập thể xã hội và ngôn ngữ của thời trang giúp định hình và truyền phát tín hiệu tới những người xung quanh.

Thời trang là hành vi, nhu cầu thiết thực hàng ngày mà ở đó văn hóa giao thoa với cơ thể theo đúng nghĩa đen. Thời trang không thể lụi tàn, cũng giống như là nghệ thuật, kiến ​​trúc, âm nhạc hoặc ẩm thực – vốn cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng trong đại dịch này. Mặc dù vậy, Zizek lại không hề nhận định rằng ngành nào trong số đó sẽ có nguy cơ biến mất.

Thời trang là để phục vụ cho phái đẹp, nó như lĩnh vực được sinh ra là để dành riêng cho phụ nữ, và ngay cả những nhà triết học lỗi lạc cũng có thể không chống lại được lối suy nghĩ sai lầm đã “thâm căn cố đế” rằng văn hóa dành riêng cho phụ nữ là không cần thiết, lãng phí, thậm chí là hủy hoại (môi trường).

Tuy nhiên, loại bỏ những sự hoài nghi, xem thường, thì ta sẽ thấy rằng đại dịch đã mang tới một cơ hội quý giá để chúng ta xem xét lại sức ảnh hưởng to lớn tới văn hóa của thời trang. Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta ăn mặc. Ở nơi công cộng, bây giờ chúng ta che đậy và ưu tiên sự an toàn của bản thân hơn bao giờ hết, với khẩu trang che mặt, găng tay.

Thời trang sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ tiến hóa | So awkward, Rose

Ở khía cạnh riêng tư, điều ngược lại xảy ra: Chúng ta đang cởi bỏ những ràng buộc, đổi quần áo trưng diện thành quần áo dài và đồ ngủ thoải mái. Những người đủ may mắn để làm việc tại nhà đã loại bỏ hầu như tất cả những trang phục chuyên nghiệp hằng ngày phải mặc, từ com-lê, áo khoác, cà vạt, giày cao gót, váy bút chì và quần định hình trang phục. Chúng ta cũng đã bỏ qua các hình thức làm đẹp mà chúng ta từng nghĩ là không thể sống thiếu – từ cắt tóc ở cơ sở làm đẹp đến làm móng tay, chăm sóc da mặt và hơn thế nữa.

Những thói quen ăn mặc và làm đẹp với hạn mức chi tiêu bị thu hẹp tối đa này là nguyên nhân dẫn đến những dự đoán tồi tệ về tương lai của ngành thời trang. Nhưng đây sẽ chỉ là tình huống nhất thời chứ không mang ảnh hưởng lâu dài hay làm thay đổi toàn diện, vĩnh viễn về sự cần thiết của thời trang.

COVID-19 khiến cho mỗi chúng ta nhận thức rõ rệt hơn về cơ thể mình: cách cơ thể vận hành, cách chúng ta phục trang cơ thể khi ở ngoài xã hội. Những nhận thức rõ ràng như vậy sẽ tác động tới văn hóa và làm thay đổi cách thức mà thời trang vận hành, và bởi thế mà chúng ta sẽ nhìn nhận thời trang theo một cách sâu sắc hơn.

Thời trang sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ tiến hóa | So awkward, Rose

Xuyên suốt lịch sử văn minh, thời trang ngày càng thu hút sự chú ý và quan tâm của dư luận, những định kiến chống nghịch thời trang cũng đồng tồn tại với một lịch sử lâu đời, đan xen với sự phân biệt giới tính và phủ nhận quyền bình đẳng của nữ giới. Các nhà phê bình và triết học đã chế diễu thời trang từ suốt nhiều thiên niên kỷ, so sánh thị hiếu thời trang như một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của con người, họ liên đới thời trang với những nhận định như sự rập khuôn, sa đọa, ái kỷ, phù phiếm, tham lam – vốn cũng là những thuộc tính được gán ghép cho phụ nữ. Miệt thị thời trang trở thành một kiểu bài xích, một phép ẩn dụ, để chỉ ra sự nông cạn của phái đẹp.

Khi Plato chế giễu Đảng Dân Chủ như một hình thức chính phủ quá phụ thuộc vào những lời hứa suông, ông đã so sánh nó giống như thời trang. Trong “The Republic”, ông so sánh nền dân chủ với một “chiếc áo choàng thêu hoa được thêu hoa đủ mọi cách, có màu sắc bắt mắt thu hút “phụ nữ và trẻ em” – một điều đó phi phàm, nói hoa mỹ là hình thức quyến rũ những đối tượng có tâm trí chưa trưởng thành.

Khi nhân vật nữ chính Medea (trong vở kịch Medea của Euripides) tìm cách trả thù chồng mình là Jason, cô cũng chọn thời trang là công cụ để trả thù. Sau khi Jason bỏ rơi cô để kết hôn với nhân tình là Glauce trẻ trung và xinh đẹp, Medea gửi cho Glauce “quà cưới” đã bị nhiễm độc: một chiếc áo choàng bằng lụa và một chiếc tràng hoa vàng, cả hai đều được tẩm một chất độc gây chết người và dễ bắt lửa. Cô dâu sắp cưới vì tự ti về vẻ đẹp của mình (được chỉ ra là một điểm yếu chết người của nữ giới), đã vội vàng thử những món quà và chết trong đau đớn, chìm trong biển lửa.

Sự chống nghịch này tồn tại trong thời trang trong suốt nhiều thế kỷ. Jean-Jacques Rousseau tố cáo thời trang là một mối đe dọa đối với đạo đức xã hội – một sự kích động ham muốn và thèm khát, viết rằng thời trang là “kẻ thù của đức hạnh”. Trong truyện ngụ ngôn “Quần áo mới của Hoàng đế” của Hans Christian Andersen, sự quan tâm quá mức đến thời trang là dấu hiệu của một nhà lãnh đạo ngu ngốc và viển vông. Karl Marx thì cho rằng nên chống lại “những xu hướng giết người, vô nghĩa của thời trang”. Trong khi đó, Simone de Beauvoir còn nặng lời hơn khi cho rằng thời trang “biến phụ nữ thành nô lệ”.

Nếu không quan trọng như vậy, tại sao thời trang vẫn là cảm hứng trong nhiều sáng tác văn học và rõ ràng triết học cũng không thể cưỡng lại (hành vi chỉ trích) được? Nếu chỉ tầm thường và không cần thiết, làm thế nào thời trang vừa đồng thời có thể giúp cho người mặc cảm thấy tự tin, mạnh mẽ, nhưng cũng dễ bị phụ thuộc, mê đắm như vậy? Chẳng phải chính sự ruồng bỏ lẫn quan tâm dành cho thời trang mà ngành công nghiệp này mới duy trì được sự tồn tại, và có được sức hút đến bây giờ?

Sự hấp dẫn của thời trang nằm ở chính sự mê hoặc mà nó sở hữu, và tiếp nối bởi sự chối từ, rũ bỏ, giống như một chu kỳ bất tận. Sẽ luôn có những tín đồ mê đắm thời trang và tôn vinh nó, tồn tại song song cùng với những người luôn lên án, bài xích nó. Vũ điệu tạo ra từ sự mâu thuẫn đối nghịch này thường xuyên được nhìn nhận trong triết lý của phương Tây: sự thu hút bởi khoái cảm, tình dục, cơ thể và vẻ đẹp hình thức, theo sau đó là sự lên án một cách kịch liệt cũng chính những yếu tố đó. Đó dường như là một trận chiến trường tồn trong chính nhận thức của mỗi người, và rồi họ xưng tội trạng của mình trước tòa thánh Công giáo, rồi họ tiếp tục yếu đuối, buông thả và rồi lại hối cải.

Trong chế độ phụ hệ, phụ nữ chịu đựng sự miệt thị nhiều hơn khi họ bị xem là “sự thất bại về đạo đức” bởi vì họ biểu trưng (một cách ẩn dụ) cho xác thịt và tình dục, của sự ham mê và ham muốn cái đẹp. Thời trang cũng thuộc phạm trù này, và do đó kéo theo gánh nặng của sự xung đột về văn hóa và tâm lý.

Khi đại dịch thay đổi cách ăn mặc và ngoại hình của chúng ta, nó thay đổi mối quan hệ của chúng ta với cơ thể, mang tới một nhận thức mới về thể chất của mình. Trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, chúng ta bây giờ nghĩ nhiều hơn về nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy của cơ thể. Trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, chúng ta thảo luận về tỷ lệ tử vong và khả năng lây nhiễm, các triệu chứng và cách điều trị. Chúng ta đang quan tâm đến bản thể sinh học của mình hơn bao giờ hết.

Sự cảnh giác như vậy có thể đến với phụ nữ dễ dàng hơn nam giới. Phụ nữ quen với việc ước tính những gì tạo nên khoảng cách an toàn với người lạ, đánh giá khả năng gây hại của họ cho chúng ta. Chúng ta đã hiểu rằng cơ thể chúng ta mỏng manh, dễ bị tổn thương và bị xâm nhập đến nhường nào.

Phụ nữ là người mang hình thể, giới tính mà hình thức và chức năng sinh học của họ được tạo hóa sắp đặt để tạo sự chú ý. Thuận theo tự nhiên, áo quần của phụ nữ thường được phác thảo để nhấn mạnh các bộ phận cơ thể riêng lẻ (hông, chân, ngực), khiến tính giới nữ của họ trở thành một sự phô bày công khai. Tuy nhiên, trang phục của đàn ông có xu hướng nhằm tránh gây sự chú ý, quần áo của họ lướt qua cơ thể họ, tình dục của họ là ẩn ý chứ không phải là sự cố ý dàn dựng. Theo thuật ngữ ngôn ngữ, họ là giới tính “không được đánh dấu”, được mặc định là những người “trung tính”. Nhưng đại dịch hiện tại đã tái cấu trúc và cài cắm vào nhận thức của tất cả mọi người, kể cả nam giới, bằng một thực tế đề cao tính đề phòng ở mức báo động nhất.

Thời trang sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ tiến hóa | So awkward, Rose

Để cả thế giới có thể điều hướng trong đại dịch COVID-19, các hình thức, giao dịch hàng ngày như du lịch, đi học và đi làm đều được yêu cầu kiểm tra nhiệt độ, điền vào bảng câu hỏi sức khỏe và thậm chí có thể được thăm khám tại các phòng xét nghiệm di động. Thông tin về thể trạng cá nhân đang trở thành một loại “tiền tệ” mới được chia sẻ. Mặc dù những chia sẻ như vậy làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư, nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta về mối liên kết về cộng đồng giữa tất cả chúng ta.

Nếu nghĩ về nó, thì đây có thể là một điều tốt.

Chúng ta biết rằng cơ thể của chúng ta có thể vượt ra ngoài biên giới vật lý của chúng, hòa nhập với môi trường sinh học của những thứ xung quanh chúng ta. Ví dụ, hãy thể tưởng tượng rằng những lời nói hoặc lời chào được hét lên của ta chỉ thuộc về ta, nhưng khả năng lây truyền trong không khí của loại vi-rút đã thay đổi nhận thức đó. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn cảnh tỉnh rằng chỉ bằng lời nói, tiếng ho hoặc tiếng thở ra của một người có mang mầm bệnh, là những hạt vô hình di chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác, có khả năng mang lại bệnh tật, thậm chí tử vong. Ta đã nghe hay biết về điều này, nhưng có thể ta chưa từng phải đối diện với ngưỡng cửa của cái chết một cách sống động, cận kề như vậy.

Không có gì làm cho điều này rõ ràng hơn việc đeo khẩu trang, mặt nạ – món phụ kiện thời trang của đại dịch. Chúng ta đeo mặt nạ vì tất cả chúng ta chỉ là những phần tử nhỏ bé của một chuỗi hệ sinh thái tập thể rộng lớn: Cái gì tôi thở ra thì bạn thở vào. Cái thở ra của tôi là bạn hít vào. Và vì vậy, trong khi mặt nạ cũng đồng thời biểu trưng cho sự chia lìa đau đớn của con người, khi ta không thể hôn hoặc thì thầm to nhỏ như trước, thì nó cũng đồng thời giúp chúng ta sinh tồn. (Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ đeo mặt nạ thường xuyên hơn nam giới.)

COVID-19 lây lan từ quốc gia này sang quốc gia khác, không phân biệt biên giới. Nếu chúng ta đã thực sự nhận thức được bài học về sự phụ thuộc (nhiều hơn là ta nghĩ) lẫn nhau của các quốc gia, thì đại dịch cũng mang tới nhận thức cấp bách mới về biến đổi khí hậu. Thế giới hậu đại dịch, việc tiếp tục làm ngơ trước “ung thư khí hậu” sẽ là một điều quá xuẩn ngốc.

Thời trang sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ tiến hóa | So awkward, Rose

Nhận thức về khí hậu được tăng cường như vậy sẽ dẫn đến nhu cầu tăng cao trong việc đòi hỏi các phương thức lao động công bằng, nhân đạo hơn trong ngành thời trang và chắc chắn là sự phát triển bền vững của nó nữa. Thời trang là một trong những ngành công nghiệp độc hại nhất, tạo ra hơn hai tỷ tấn khí nhà kính hàng năm. Chúng ta có thể bắt đầu quay lưng lại với mô hình vận chuyển thời trang bằng máy bay phản lực trên toàn cầu – vốn phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch (để đi lại, vận chuyển, v.v.) và hướng tới một mô hình địa phương, liên kết trong khu vực cao hơn, và tạo ra cơ hội cho các nhà thiết kế mới, đề cao tính đa dạng hơn (những người thường không thể cạnh tranh với những nhà bán lẻ lớn chuyên kinh doanh thời trang nhanh hay thời trang cao cấp).

Cuối cùng, khi nhu cầu chăm sóc cơ thể của mỗi người tuân theo nhận thức mới, đại dịch có thể giúp làm cho thời trang, thậm chí là thời trang cao cấp, để trở nên thoải mái hơn và khái quát hơn. Như hiện tại, chúng ta đã thấy những thiết kế mềm mại, thuận tiện và ít gò bó hơn trên đường băng (bao gồm cả những trang phục mang phong cách athleisure, và được lấy cảm hứng từ quần áo đi ngủ). Điều này giúp nâng cao sự tích cực về cách nhìn nhận và sự đa dạng về hình thể trong giới thời trang, vốn vẫn bị giới hạn bởi những định kiến ​​không dễ để suy chuyển về hình thái vẻ đẹp và kích thước cơ thể.

Thời trang luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa nhân loại hơn hầu hết những gì mà chúng ta nghĩ, nhưng trong một đại dịch mang tính toàn cầu như hiện tại, nó thậm chí còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Trong những tháng và những năm sắp tới, thời trang có thể giúp chúng ta tạo ra một cuộc cách mạng giải phóng cho cơ thể chúng ta, văn hóa của chúng ta và chính hành tinh của chúng ta.

Bài viết được chuyển ngữ từ chuyên đề này trên The New York Times.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: