Đó có thể là những câu chuyện kể về một chuyến đi, một kỉ niệm mà tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã trải qua, đã chứng kiến và suy ngẫm. Thế giới nghệ thuật trong “Ngày mai của những ngày mai” thường là những vùng quê nghèo khó, hoang sơ nhưng con người sống trong đó lại vô cùng tinh khiết và đẹp đẽ về tâm hồn. Đọc những bài tạp văn này, bạn lắng lòng lại khi nhận ra những điều tươi đẹp trong cuộc sống đang dần bị hắt hủi bởi lối sống thực dụng. Con người thời hiện đại đang dần vô cảm với cuộc sống.
54 bài tạp văn dung dị, nhẹ nhàng và rất đỗi sâu sắc như một khoảng lặng giữa nhịp sống vội vã để chúng ta suy ngẫm thêm về nhiều điều trong cuộc sống. Dưới đây là 3 mảnh chuyện mà Rose yêu thích nhất trong cuốn tạp văn này.
Của người, của mình
1.
Những lần làm việc đến nửa khuya, lúc đặt lưng xuống giường mới hay đã quá giấc, đành bấm bụng đếm tiếng đêm bao nhiêu dài. Nằm chờ cơn buồn ngủ tới, tiếng nhạc từ đâu vẳng lại, xao xác. Có lúc nghe gần, thủ thỉ như chỉ cách một tấm vách, có lúc lại xa xăm như tận cuối đường. Tôi nín thở. Có cảm giác nhạc hay đến mức còn chút xíu nữa là… chết (nếu chết là giới hạn cuối cùng). Ngạc nhiên quá chừng, những bản nhạc bolero bình dân, cũ sì bỗng dung buộc người ta phải phung phí cảm xúc. Bữa sau, tôi lọ mọ ra tiệm bán băng đĩa khi họ vừa mới mở cửa. Chủ tiệm là người quen, trố con mắt khi tôi hỏi có “Xóm đêm” không? “Đồi thông hai mộ”? À, cả “Kiếp nghèo”, “Chuyến xe lam chiều”… Hớn hở na mớ đĩa về, mở máy và nghe… lãng xẹt. Ngờ ngợ, đến khuya mở lại, quả thật không hay như đã từng nghe lỏm đêm đêm. Cảm giác dường như thiếu một chút hiu hắt, một chút rầu rĩ, một chút mộng mị, một chút xa vắng… Vừa tắt nhạc nhà mình đi, thì má ơi, đằng xóm vẳng lại “mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”
2.
Cũng nữ nhi thường tình, tôi rất sợ gặp người xinh đẹp, trắng trẻo, chụp hình chung với họ còn khủng khiếp hơn. Cảm giác mình như cục than tèm lem đứng bên đống tuyết. Còn lại một mình, tôi cứ đứng trước gương, nghĩ về làn da trắng như nước cơm vo, mà đau nhói bên sườn. Một bữa (lịch sử) trong đời, tôi vào vai… cô dâu, người của tiệm trang điểm tô vẽ xong, tôi muốn khóc. Thì ra tạo hóa cũng khéo lắm, nên phối cái mũi này, cái miệng này, mắt này hợp với màu da ngăm ngăm này. Nên nhìn mặt mình trắng trẻo trong gương như đang đeo mặt nạ, vô hồn.
3.
Chơi nhà bạn, thấy họ nuôi con chó Nhật, lông dài, óng mượt, thả từng lọn, mong manh, đỏng đảnh như một tiểu thư. Ra khỏi nhà bạn, nhưng lòng còn luẩn quẩn ở đó. Ám ảnh bởi bộ lông, tôi quyết lùng mua bằng được con chó xinh đẹp giống như của bạn, khốn khổ, phải đánh đổi cả tháng lương. Hể hả mang cô nàng về, bỗng hoang mang, con vật chỏn lỏn, rời rạc, không ăn nhập gì với ngôi nhà bụi bặm, lộn xộn, bề bộn của mình. Ngồi thừ ra ngó chó kiểng một hồi, thót ruột nghĩ tới việc phải mua thịt bò cho nó ăn, thấy con vật vô duyên tệ.
4.
Và hoa ở nhà người, bèo ở ao vườn người, trang phục của người, sự dịu dàng của người… khi thuộc về mình, lại thấy… sống sượng, buồn cười. Lại thêm một lần vỡ lẽ, “À, ra thế…”. Lại thấm thía bài học có nhiều thứ chỉ nên để ngắm xa xa. Lại thêm một thí dụ về ảo tưởng. Lại hao mòn một ít tình cảm và… tiền (tất nhiên).
Tưởng vậy là quá đắt, nên tiếc hoài, cho đến khi nhận ra, mình đã bớt đi những ham muốn xa vời. Trong lòng luôn có ý nghĩa, chức vụ đấy, ngôi nhà sang trọng đấy, những đứa trẻ xinh đẹp thông minh ấy… chưa chắc đã thích hợp với mình. Dù của người luôn luôn đẹp…
Bài học của mình, của người mua vai lần, xài tới muôn năm. Rẻ quá…
Người giàu cũng… giấu
Hoàn toàn không phải ghen tỵ nhưng hơi ấm ức. Hơi tức. Đó là cảm giác đầu tiên khi hay tin người bạn mua một thửa đất biệt thự trong khu dân cư cao cấp. Thông tin này mở đầu chầu cà phê sớm, và vài người cũng chưng hửng như chị, thiệt hôn nghen, con nhỏ đó than nghèo nát ruột mừ. Và ai đó cũng cười, than nghèo không có nghĩa là không giàu.
Nhưng người bạn của chị nào chỉ kể lể nghèo, mà bạn còn sống như một người nghèo. Lúc nào cũng mệt mỏi, lo toan, như đang nghẹt thở trong một chiếc áo chật, bạn đau đáu, đè nén trước một con cá lớn, một chiếc áo đẹp, một chuyến đi chơi xa. Bạn dậm chân dậm cẳng khi đổ bệnh bất ngờ, bồn chồn “Trời ơi, uổng tiền muốn chết, mình không dám ăn, không dám mặc, vậy mà…”. Ngắc nga ngắc ngoải giữa chữ nghèo, đùng một cái, bạn có tiền (gần) tỉ để lo mái ấm cho mình.
Vậy mới ứa gan, bởi cái sự giả bộ nghèo của bạn làm mọi người chung quanh mệt mỏi không ít. Ai cũng thương, cũng lo, cũng chia sẻ từng chút. Những cuộc vui, vắng bạn, nhiều người thắc thỏm, nghĩ tội cho con nhỏ bạn nghèo, giờ này chắc đang ngồi bó gối ở nhà mà nhớ tụi ta. Chị nhiều khi cũng bận lòng, khi sắm chiếc áo mới, đôi giày mới, lại nhớ bạn mình toàn mua hàng bán ở vỉa hè, đầu chợ; bạn chịu khó tìm nên hàng cũng đẹp, mà quan trọng là rất rẻ. Vào quán phở, nhớ bạn mình toàn ăn xôi, ăn bánh mì qua bữa sáng, phở cũng mất cả ngon. Những bữa trông thấy cái túi treo mấy con cá đối, cá phi nhỏ xíu trên xe bạn, chị đứng bần thần rất lâu, chị thương gì đâu.
Vậy mới ứa gan. Trời ơi, người ta giàu khoe còn không hết, lại có người che dấu chi cho khổ thân. Cả niềm vui no đủ cũng không chia sẻ được với bạn bè. Chị cằn nhằn, có vẻ thương, buồn, lại có vẻ bực mình.
Bạn chị, chút chức tước nhỏ cũng không, nghĩa là bạn có giàu thì cũng không phải dùng quyền lực để tư túi, nói theo kiểu ông cán bộ cơ quan văn nghệ trong bản kiểm điểm cuối năm là “không có điều kiện để tham nhũng”. Bạn cũng chẳng giàu nhờ những phi vụ làm ăn mờ ám, trái luật. Lại không phải vì những món tiền từ trên trời rơi xuống. Chỉ nhờ vào đồng lương, vào tủ thuốc lá đặt trước nhà, vào sự tằn tiện, chắt mót; có mười chín đồng, bạn sẽ cố kiếm thêm đồng nữa cho đủ hai mươi. Nghĩa là quá trời chính đáng, tự hào nếu bạn reo lên, tôi đang giàu có.
Cái thời loạn lạc, trộm đạo qua rồi, những bà cụ già mặc áo rách tả tơi không còn đem tiền, vàng nhét trong hũ sành đem chôn xuống đất. Cái thời cả xã hội căm ghét người giàu (như thể anh giàu nghĩa là anh có tội lớn, anh bóc lột, anh không xã hội chủ nghĩa, anh không theo cách mạng, anh gian lận mánh mung), cái nhìn đó cũng tắt rồi, chẳng ai bảo mình giàu mà thấy xấu hổ đến mức nói lí nhí, mặt cúi gằm nhìn xuống ngón chân. Bây giờ nghèo mới là tội đây, nhiều khi người ta còn sắm nữ trang mạ vàng để đi đám tiệc cho lấp lánh bằng chị bằng em, người ta mặc áo đẹp ra đường để che giấu nỗi khổ tâm vì ngôi nhà rách. Người nghèo mắc cỡ, mặc cảm còn không hết, sắm vai nghèo chi vậy trời.
Chị ngẫm ngời suốt buổi cà phê đó. Mọi người cười chị, “không thể bắt người ta sống theo kiểu của mình được”. “Kiểu” của chị, mọi người gọi là “không có cửa”, cứ mở toang ra, chị đã dành dụm được bao nhiêu tiền, xong công trình này chị sẽ có thêm bao nhiêu, chị vừa tốn bao nhiêu để mua mảnh ruộng ở ngoại ô, mọi người đều biết; mà chị giấu làm gì, chị còn muốn reo um lên, bởi chị giỏi làm lụng, bươn chải, nên chị giàu, đâu phải ai ở tuổi chị cũng làm được, phải “nổ” để mọi người chia sẻ với mình chứ.
Nhưng chị đã áy náy vì sự giận dỗi của mình, ngay sau đó, khi về tới nhà, gặp mấy anh cán bộ đằng phường lại vận động quỹ A B C gì đó. Chị nộp một khoản gấp sáu năm ngoái, cũng hơi thắc mắc, nhưng xeo nạy chuyện tiền nong, chị vốn không thích. Nhìn vào danh sách, thấy có mấy người quen khá khẩm hơn mình nhưng khoản nộp thì ít, chị buột miệng “Sao vậy kìa?”, anh cán bộ cười “À, hộ này tụi tui thấy còn khó khăn, nhà toàn xài đồ tre, cái cổng dây leo sập mẹp họ còn không có tiền sửa”. Chị mắc cười qua, trời ơi, người ta dùng nội thất tre là theo phong cách mớ, còn cái hàng rào, chẳng phải người quen của chị đạp sập cho nó… ngộ đó sao.
Tiễn mấy anh phường về trong tâm trạng thẫn thờ, thẫn thờ sau cái câu vô tình “Năm nay thấy chị giàu, tụi tui cũng mừng lây…”. À, cái sự – năm – nay – giàu có liên quan đến khoản tiền gấp sáu đây, có liên quan đến mặt tiền chị mới sơn lại vì lớp sơn cũ đã trôi mất, có liên quan đến cái bộ bàn gỗ chị mới sắm cho khách ngồi, thay cho bộ bàn cũ đã sứt cành gãy gọng, có liên quan đến bộ trang phục đính cườm mà chị đang mặc trên người. Chị mắc cười.
Và ngẩn ngơ, vì cú điện thoại từ nhà, má nói thằng em chị giận chị lắm, buồn chị lắm. Chị ngơ ngác, thằng em mà chị thương hết mực, vì nó phải nuôi cha mẹ, con cái lại đông, quần quật với mảnh vườn, thửa ruộng mà vẫn chật vật. Thằng em này chị thương nó mỗi ngày, mỗi khắc, khi uống chai bia, khi vào rạp xem bộ phim hay dự một đêm nhạc, khi đứng trước những dãy cửa hàng sang trọng… chị đều nghĩ tới nó. Mà bây giờ thì thằng em giận, lý do chẳng rõ ràng lắm, má ói “Hỏng biết con nói cái gì, hồi nào, em con buồn, nó nói chị Hai ỷ giàu rồi khi dễ người nghèo…”.
Chị buồn lâu ơi là lâu. Bỗng dưng biết rằng, cái món tiền mà mình vắt óc kiếm được hôm nay dường như làm cho vài người đau nhói. Không phải vì sự ganh tỵ mà vì cuộc rượt đuổi đã quá mệt, quá mỏi mòn…
Và để ai đó nuôi hy vọng, chị buộc phải giả vờ mình không phải là người đi quá xa, phía trước.
Mẹ
Con nhỏ mười lăm tuổi, nổi bật trong xóm hẻm bởi gương mặt dễ thương, hoàn cảnh éo le, cha chết, mẹ đi lấy chồng khác, con nhỏ sống cùng ngoại già. Mà không, chính xác thì một nửa ở với ngoại, một nửa ở ngoài đường. Con nhỏ đi chơi vô phương.
Có dạo thấy mình hơi mật, mặc đồ mất đẹp, con nhỏ đi mua lòng về lắc. Con nhỏ càng lắc eo càng to. Chạy bộ cũng không ăn thua. Người nhà nghi ngờ dẫn con nhỏ đi khám bác sĩ, vô phòng khám nó hỏi, chú ơi, có thuốc gì cho con ốm bớt hôn, mập quá, tụi bạn con nói con giống… heo.
Chẳng có phương thuốc nào cho vòng eo vượt trội nữa, con nhỏ có bầu. Xóm hẻm dậy động, bàn tán xem tác giả là thằng nào mà ác nhơn. Nhưng bó tay, bởi con nhỏ còn không biết. Mỗi chiều nhìn con nhỏ ễnh cái bụng đứng tựa bức tường đầu hẻm vô tư ăn cánh vịt chiên, dầu bết ra tèm lem trên khóe miệng, lòng tôi bỗng quặn đau, trời ơi, trẻ con như vầy mà phải làm mẹ rồi. Ai nỡ lòng…
Người lớn không nỡ lòng, tất nhiên, nên họ toan tính kỹ, chờ con nhỏ sinh xong là đem đứa bé cho người ta ngay. Gia thế nhà đó cũng khá, người coi bộ hiền. Cho, còn có thêm chút tiền. Con nhỏ gật đầu chịu liền, cho thì cho. Nó hết hồn khi nghe người lớn dọa, trẻ con sẽ trói chân trói tay mẹ ghê lắm, không mong gì còn được đi chơi. Gì chớ, không thể đi chơi thì chết còn sướng hơn.
Bữa con nhỏ sinh, buổi sáng nó còn đi ngồi Karaoke với bạn, nửa chừng, nó xin dầu gió thoa bụng, cằn nhằn không biết hồi sáng này ăn cái gì mà bụng đau quá chừng. Vậy cũng xong. Mấy bà già trong bệnh viện nói nó đẻ như gà, dễ ợt. Ngườ xanh lướt, đau đớn, nhưng con nhỏ vẫn cười lỏn lẻn khi thấy tôi vào thăm, “chế coi, cái chân nó nhỏ xíu mà hồi còn nằm trong bụng nó đạp mạnh dã man”.
Nâng thằng bé trên tay, tôi buột miệng, “chèn ơi, em bé thấy cưng quá hén, đẹp thiệt, đẹp quá chừng”. Người lớn đứng gần đó đá vào chân tôi. Người lớn sợ tôi khen rồi mẹ trẻ nắm níu con, dù sự thực ràng ràng trước mắt, thằng bé đẹp như trong… lịch Tết. Ai đi qua đi lại cũng trầm trồ. Nhưng rủi thiệt, sau câu nói vô tình của tôi, con nhỏ bỗng năn nỉ, để cho em bé ở với con thêm một ngày nữa hén, rồi hãy kêu người ta bồng đi.
Sau này, người lớn tiếc nuối, nói vì một phút yếu lòng mà họ bị dụ. Để đứa bé lại, suốt đêm đó mẹ trẻ con không ngủ, cứ nắn tay, rờ chân, lật lưng ra săm soi từng bớt đen bớt đỏ của con. Đứa bé cũng chẳng ngủ yên vì mẹ cứ hôn hít khắp mình, hôn cả lên đuôi mày, cuối mắt, hôn từng lọn tóc mỏng, từng ngón tay non. Lặng lẽ. Sáng sau, người xin đứa bé hí hửng tới sớm mang theo chút tiền hậu tạ, con nhỏ quăng tiền ra cửa, vừa giãy khóc vừa chửi bới dậy động cả khoa sản. Nó chồm lên choàng qua đứa bé, nước mũi chảy kéo dây kéo nhợ lòng thòng. Người trong căn phòng cũng quay mặt đi, quệt nước mắt. Chẳng ai còn có thể mang đứa bé ra khỏi vòng tay mẹ – mười – sáu – tuổi.
Cả xóm hẻm nín thở coi con nhỏ nuôi con. Ngộ, thằng nhỏ chắc nụi, cùi cụi, dù mẹ nó hay bỏ đi chơi. Mỗi chiều ngó qua đầu hẻm, tôi vẫn thấy con nhỏ ngỏn nghẻn ăn vịt chiên nhưng tay kia đã cầm sẵn trái cóc muối, tôi lại quặn lòng, lại thắt thẻo gọi trời. Có lần gặp nhau trong quán nhậu, cố làm ra vẻ bâng quơ, tôi hỏi “Bỏ con cho ai mà lang thang ở đây?” Con nhỏ cười toe “Má tui giữ, tui đi tiếp thị bia để kiếm tiền mua sữa cho con tui uống. Nhưng mai tui chuyển qua làm ở tiệm mát-xa rồi. Khách cho nhiều tiền lắm”. Hồn nhiên không chịu nổi. Tôi cười, lại tỏ ra bâng quơ “Làm mấy nghề đó người ta cười…”. Con nhỏ thản nhiên nhìn tôi, nhưng có tiếng khách gọi ở bàn bên kia, con nhỏ chạy đi, vồng ngực nhảy dựng, lúc quay trở lại, nó nói “Chuyện gì miễn là có tiền, tui làm tuốt, tui làm nuôi con mừ. Người ta cười đã đời rồi người ta cũng nín”.
Sau câu nói đó, gặp mẹ – mười – bảy vừa đi đường vừa ăn kem, không hiểu sao tôi chẳng kêu trời nữa, chẳng còn thắt thẻo lo lắng cho đứa bé con. Bỗng dưng trong hẻm đồn ầm ra, con nhỏ đang yêu, đang sống chung với một thằng nhỏ hớt tóc. Hai đứa hay giành ăn với nhau nên hục hặc suốt, nửa đêm nghe chửi bới lộn gan lộn ruột, sáng sau thấy chở nhau trên xe đạp, con nhỏ này ôm eo ếch thằng nhỏ tình tứ, sát vo, cười ỏn ẻn.
Xong hem lại nín thở nhìn con nhỏ yêu. Xóm hẻm chật quá, đông đúc quá, nên phận người cứ bày ra, không quan tâm cũng không được. Thấy thằng bé con mới ba tuổi nói chưa rành mà đi ăn sáng một mình, hỏi ai không đau đáu. Một bữa gặp nhau ở gánh xôi đậu, hỏi bâng quơ, chừng nào lấy chồng đây, con nhỏ ngước lên, giọng lạnh lùng “Xu rồi. Tui cho de rồi. Thằng mất dạy đó đánh con tui…”. Tôi lặng đi trong một thoáng, có sợi dây thần kinh nào đó bị tê đi, tôi quên luôn việc con nhỏ còn thích nhảy dây, ăn quà vặt, nói lớn, chạy tí tởn trước đám đông. Tôi quên nó mới tròn mười tám tuổi.
Con nhỏ trong mắt tôi bỗng lớn vút lên. Cao tới mức để nhìn thấy cái trán dồ bướng bỉnh lấm tấm mụn của nó tôi phải ngẩng đầu.
Bài viết được trích từ tạp văn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Đó có thể là những câu chuyện kể về một chuyến đi, một kỉ niệm mà tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã trải qua, đã chứng kiến và suy ngẫm. Thế giới nghệ thuật trong “Ngày mai của những ngày mai” thường là những vùng quê nghèo khó, hoang sơ nhưng con người sống trong đó lại vô cùng tinh khiết và đẹp đẽ về tâm hồn. Đọc những bài tạp văn này, bạn lắng lòng lại khi nhận ra những điều tươi đẹp trong cuộc sống đang dần bị hắt hủi bởi lối sống thực dụng. Con người thời hiện đại đang dần vô cảm với cuộc sống.
54 bài tạp văn dung dị, nhẹ nhàng và rất đỗi sâu sắc như một khoảng lặng giữa nhịp sống vội vã để chúng ta suy ngẫm thêm về nhiều điều trong cuộc sống. Dưới đây là 3 mảnh chuyện mà Rose yêu thích nhất trong cuốn tạp văn này.
Của người, của mình
1.
Những lần làm việc đến nửa khuya, lúc đặt lưng xuống giường mới hay đã quá giấc, đành bấm bụng đếm tiếng đêm bao nhiêu dài. Nằm chờ cơn buồn ngủ tới, tiếng nhạc từ đâu vẳng lại, xao xác. Có lúc nghe gần, thủ thỉ như chỉ cách một tấm vách, có lúc lại xa xăm như tận cuối đường. Tôi nín thở. Có cảm giác nhạc hay đến mức còn chút xíu nữa là… chết (nếu chết là giới hạn cuối cùng). Ngạc nhiên quá chừng, những bản nhạc bolero bình dân, cũ sì bỗng dung buộc người ta phải phung phí cảm xúc. Bữa sau, tôi lọ mọ ra tiệm bán băng đĩa khi họ vừa mới mở cửa. Chủ tiệm là người quen, trố con mắt khi tôi hỏi có “Xóm đêm” không? “Đồi thông hai mộ”? À, cả “Kiếp nghèo”, “Chuyến xe lam chiều”… Hớn hở na mớ đĩa về, mở máy và nghe… lãng xẹt. Ngờ ngợ, đến khuya mở lại, quả thật không hay như đã từng nghe lỏm đêm đêm. Cảm giác dường như thiếu một chút hiu hắt, một chút rầu rĩ, một chút mộng mị, một chút xa vắng… Vừa tắt nhạc nhà mình đi, thì má ơi, đằng xóm vẳng lại “mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”
2.
Cũng nữ nhi thường tình, tôi rất sợ gặp người xinh đẹp, trắng trẻo, chụp hình chung với họ còn khủng khiếp hơn. Cảm giác mình như cục than tèm lem đứng bên đống tuyết. Còn lại một mình, tôi cứ đứng trước gương, nghĩ về làn da trắng như nước cơm vo, mà đau nhói bên sườn. Một bữa (lịch sử) trong đời, tôi vào vai… cô dâu, người của tiệm trang điểm tô vẽ xong, tôi muốn khóc. Thì ra tạo hóa cũng khéo lắm, nên phối cái mũi này, cái miệng này, mắt này hợp với màu da ngăm ngăm này. Nên nhìn mặt mình trắng trẻo trong gương như đang đeo mặt nạ, vô hồn.
3.
Chơi nhà bạn, thấy họ nuôi con chó Nhật, lông dài, óng mượt, thả từng lọn, mong manh, đỏng đảnh như một tiểu thư. Ra khỏi nhà bạn, nhưng lòng còn luẩn quẩn ở đó. Ám ảnh bởi bộ lông, tôi quyết lùng mua bằng được con chó xinh đẹp giống như của bạn, khốn khổ, phải đánh đổi cả tháng lương. Hể hả mang cô nàng về, bỗng hoang mang, con vật chỏn lỏn, rời rạc, không ăn nhập gì với ngôi nhà bụi bặm, lộn xộn, bề bộn của mình. Ngồi thừ ra ngó chó kiểng một hồi, thót ruột nghĩ tới việc phải mua thịt bò cho nó ăn, thấy con vật vô duyên tệ.
4.
Và hoa ở nhà người, bèo ở ao vườn người, trang phục của người, sự dịu dàng của người… khi thuộc về mình, lại thấy… sống sượng, buồn cười. Lại thêm một lần vỡ lẽ, “À, ra thế…”. Lại thấm thía bài học có nhiều thứ chỉ nên để ngắm xa xa. Lại thêm một thí dụ về ảo tưởng. Lại hao mòn một ít tình cảm và… tiền (tất nhiên).
Tưởng vậy là quá đắt, nên tiếc hoài, cho đến khi nhận ra, mình đã bớt đi những ham muốn xa vời. Trong lòng luôn có ý nghĩa, chức vụ đấy, ngôi nhà sang trọng đấy, những đứa trẻ xinh đẹp thông minh ấy… chưa chắc đã thích hợp với mình. Dù của người luôn luôn đẹp…
Bài học của mình, của người mua vai lần, xài tới muôn năm. Rẻ quá…
Người giàu cũng… giấu
Hoàn toàn không phải ghen tỵ nhưng hơi ấm ức. Hơi tức. Đó là cảm giác đầu tiên khi hay tin người bạn mua một thửa đất biệt thự trong khu dân cư cao cấp. Thông tin này mở đầu chầu cà phê sớm, và vài người cũng chưng hửng như chị, thiệt hôn nghen, con nhỏ đó than nghèo nát ruột mừ. Và ai đó cũng cười, than nghèo không có nghĩa là không giàu.
Nhưng người bạn của chị nào chỉ kể lể nghèo, mà bạn còn sống như một người nghèo. Lúc nào cũng mệt mỏi, lo toan, như đang nghẹt thở trong một chiếc áo chật, bạn đau đáu, đè nén trước một con cá lớn, một chiếc áo đẹp, một chuyến đi chơi xa. Bạn dậm chân dậm cẳng khi đổ bệnh bất ngờ, bồn chồn “Trời ơi, uổng tiền muốn chết, mình không dám ăn, không dám mặc, vậy mà…”. Ngắc nga ngắc ngoải giữa chữ nghèo, đùng một cái, bạn có tiền (gần) tỉ để lo mái ấm cho mình.
Vậy mới ứa gan, bởi cái sự giả bộ nghèo của bạn làm mọi người chung quanh mệt mỏi không ít. Ai cũng thương, cũng lo, cũng chia sẻ từng chút. Những cuộc vui, vắng bạn, nhiều người thắc thỏm, nghĩ tội cho con nhỏ bạn nghèo, giờ này chắc đang ngồi bó gối ở nhà mà nhớ tụi ta. Chị nhiều khi cũng bận lòng, khi sắm chiếc áo mới, đôi giày mới, lại nhớ bạn mình toàn mua hàng bán ở vỉa hè, đầu chợ; bạn chịu khó tìm nên hàng cũng đẹp, mà quan trọng là rất rẻ. Vào quán phở, nhớ bạn mình toàn ăn xôi, ăn bánh mì qua bữa sáng, phở cũng mất cả ngon. Những bữa trông thấy cái túi treo mấy con cá đối, cá phi nhỏ xíu trên xe bạn, chị đứng bần thần rất lâu, chị thương gì đâu.
Vậy mới ứa gan. Trời ơi, người ta giàu khoe còn không hết, lại có người che dấu chi cho khổ thân. Cả niềm vui no đủ cũng không chia sẻ được với bạn bè. Chị cằn nhằn, có vẻ thương, buồn, lại có vẻ bực mình.
Bạn chị, chút chức tước nhỏ cũng không, nghĩa là bạn có giàu thì cũng không phải dùng quyền lực để tư túi, nói theo kiểu ông cán bộ cơ quan văn nghệ trong bản kiểm điểm cuối năm là “không có điều kiện để tham nhũng”. Bạn cũng chẳng giàu nhờ những phi vụ làm ăn mờ ám, trái luật. Lại không phải vì những món tiền từ trên trời rơi xuống. Chỉ nhờ vào đồng lương, vào tủ thuốc lá đặt trước nhà, vào sự tằn tiện, chắt mót; có mười chín đồng, bạn sẽ cố kiếm thêm đồng nữa cho đủ hai mươi. Nghĩa là quá trời chính đáng, tự hào nếu bạn reo lên, tôi đang giàu có.
Cái thời loạn lạc, trộm đạo qua rồi, những bà cụ già mặc áo rách tả tơi không còn đem tiền, vàng nhét trong hũ sành đem chôn xuống đất. Cái thời cả xã hội căm ghét người giàu (như thể anh giàu nghĩa là anh có tội lớn, anh bóc lột, anh không xã hội chủ nghĩa, anh không theo cách mạng, anh gian lận mánh mung), cái nhìn đó cũng tắt rồi, chẳng ai bảo mình giàu mà thấy xấu hổ đến mức nói lí nhí, mặt cúi gằm nhìn xuống ngón chân. Bây giờ nghèo mới là tội đây, nhiều khi người ta còn sắm nữ trang mạ vàng để đi đám tiệc cho lấp lánh bằng chị bằng em, người ta mặc áo đẹp ra đường để che giấu nỗi khổ tâm vì ngôi nhà rách. Người nghèo mắc cỡ, mặc cảm còn không hết, sắm vai nghèo chi vậy trời.
Chị ngẫm ngời suốt buổi cà phê đó. Mọi người cười chị, “không thể bắt người ta sống theo kiểu của mình được”. “Kiểu” của chị, mọi người gọi là “không có cửa”, cứ mở toang ra, chị đã dành dụm được bao nhiêu tiền, xong công trình này chị sẽ có thêm bao nhiêu, chị vừa tốn bao nhiêu để mua mảnh ruộng ở ngoại ô, mọi người đều biết; mà chị giấu làm gì, chị còn muốn reo um lên, bởi chị giỏi làm lụng, bươn chải, nên chị giàu, đâu phải ai ở tuổi chị cũng làm được, phải “nổ” để mọi người chia sẻ với mình chứ.
Nhưng chị đã áy náy vì sự giận dỗi của mình, ngay sau đó, khi về tới nhà, gặp mấy anh cán bộ đằng phường lại vận động quỹ A B C gì đó. Chị nộp một khoản gấp sáu năm ngoái, cũng hơi thắc mắc, nhưng xeo nạy chuyện tiền nong, chị vốn không thích. Nhìn vào danh sách, thấy có mấy người quen khá khẩm hơn mình nhưng khoản nộp thì ít, chị buột miệng “Sao vậy kìa?”, anh cán bộ cười “À, hộ này tụi tui thấy còn khó khăn, nhà toàn xài đồ tre, cái cổng dây leo sập mẹp họ còn không có tiền sửa”. Chị mắc cười qua, trời ơi, người ta dùng nội thất tre là theo phong cách mớ, còn cái hàng rào, chẳng phải người quen của chị đạp sập cho nó… ngộ đó sao.
Tiễn mấy anh phường về trong tâm trạng thẫn thờ, thẫn thờ sau cái câu vô tình “Năm nay thấy chị giàu, tụi tui cũng mừng lây…”. À, cái sự – năm – nay – giàu có liên quan đến khoản tiền gấp sáu đây, có liên quan đến mặt tiền chị mới sơn lại vì lớp sơn cũ đã trôi mất, có liên quan đến cái bộ bàn gỗ chị mới sắm cho khách ngồi, thay cho bộ bàn cũ đã sứt cành gãy gọng, có liên quan đến bộ trang phục đính cườm mà chị đang mặc trên người. Chị mắc cười.
Và ngẩn ngơ, vì cú điện thoại từ nhà, má nói thằng em chị giận chị lắm, buồn chị lắm. Chị ngơ ngác, thằng em mà chị thương hết mực, vì nó phải nuôi cha mẹ, con cái lại đông, quần quật với mảnh vườn, thửa ruộng mà vẫn chật vật. Thằng em này chị thương nó mỗi ngày, mỗi khắc, khi uống chai bia, khi vào rạp xem bộ phim hay dự một đêm nhạc, khi đứng trước những dãy cửa hàng sang trọng… chị đều nghĩ tới nó. Mà bây giờ thì thằng em giận, lý do chẳng rõ ràng lắm, má ói “Hỏng biết con nói cái gì, hồi nào, em con buồn, nó nói chị Hai ỷ giàu rồi khi dễ người nghèo…”.
Chị buồn lâu ơi là lâu. Bỗng dưng biết rằng, cái món tiền mà mình vắt óc kiếm được hôm nay dường như làm cho vài người đau nhói. Không phải vì sự ganh tỵ mà vì cuộc rượt đuổi đã quá mệt, quá mỏi mòn…
Và để ai đó nuôi hy vọng, chị buộc phải giả vờ mình không phải là người đi quá xa, phía trước.
Mẹ
Con nhỏ mười lăm tuổi, nổi bật trong xóm hẻm bởi gương mặt dễ thương, hoàn cảnh éo le, cha chết, mẹ đi lấy chồng khác, con nhỏ sống cùng ngoại già. Mà không, chính xác thì một nửa ở với ngoại, một nửa ở ngoài đường. Con nhỏ đi chơi vô phương.
Có dạo thấy mình hơi mật, mặc đồ mất đẹp, con nhỏ đi mua lòng về lắc. Con nhỏ càng lắc eo càng to. Chạy bộ cũng không ăn thua. Người nhà nghi ngờ dẫn con nhỏ đi khám bác sĩ, vô phòng khám nó hỏi, chú ơi, có thuốc gì cho con ốm bớt hôn, mập quá, tụi bạn con nói con giống… heo.
Chẳng có phương thuốc nào cho vòng eo vượt trội nữa, con nhỏ có bầu. Xóm hẻm dậy động, bàn tán xem tác giả là thằng nào mà ác nhơn. Nhưng bó tay, bởi con nhỏ còn không biết. Mỗi chiều nhìn con nhỏ ễnh cái bụng đứng tựa bức tường đầu hẻm vô tư ăn cánh vịt chiên, dầu bết ra tèm lem trên khóe miệng, lòng tôi bỗng quặn đau, trời ơi, trẻ con như vầy mà phải làm mẹ rồi. Ai nỡ lòng…
Người lớn không nỡ lòng, tất nhiên, nên họ toan tính kỹ, chờ con nhỏ sinh xong là đem đứa bé cho người ta ngay. Gia thế nhà đó cũng khá, người coi bộ hiền. Cho, còn có thêm chút tiền. Con nhỏ gật đầu chịu liền, cho thì cho. Nó hết hồn khi nghe người lớn dọa, trẻ con sẽ trói chân trói tay mẹ ghê lắm, không mong gì còn được đi chơi. Gì chớ, không thể đi chơi thì chết còn sướng hơn.
Bữa con nhỏ sinh, buổi sáng nó còn đi ngồi Karaoke với bạn, nửa chừng, nó xin dầu gió thoa bụng, cằn nhằn không biết hồi sáng này ăn cái gì mà bụng đau quá chừng. Vậy cũng xong. Mấy bà già trong bệnh viện nói nó đẻ như gà, dễ ợt. Ngườ xanh lướt, đau đớn, nhưng con nhỏ vẫn cười lỏn lẻn khi thấy tôi vào thăm, “chế coi, cái chân nó nhỏ xíu mà hồi còn nằm trong bụng nó đạp mạnh dã man”.
Nâng thằng bé trên tay, tôi buột miệng, “chèn ơi, em bé thấy cưng quá hén, đẹp thiệt, đẹp quá chừng”. Người lớn đứng gần đó đá vào chân tôi. Người lớn sợ tôi khen rồi mẹ trẻ nắm níu con, dù sự thực ràng ràng trước mắt, thằng bé đẹp như trong… lịch Tết. Ai đi qua đi lại cũng trầm trồ. Nhưng rủi thiệt, sau câu nói vô tình của tôi, con nhỏ bỗng năn nỉ, để cho em bé ở với con thêm một ngày nữa hén, rồi hãy kêu người ta bồng đi.
Sau này, người lớn tiếc nuối, nói vì một phút yếu lòng mà họ bị dụ. Để đứa bé lại, suốt đêm đó mẹ trẻ con không ngủ, cứ nắn tay, rờ chân, lật lưng ra săm soi từng bớt đen bớt đỏ của con. Đứa bé cũng chẳng ngủ yên vì mẹ cứ hôn hít khắp mình, hôn cả lên đuôi mày, cuối mắt, hôn từng lọn tóc mỏng, từng ngón tay non. Lặng lẽ. Sáng sau, người xin đứa bé hí hửng tới sớm mang theo chút tiền hậu tạ, con nhỏ quăng tiền ra cửa, vừa giãy khóc vừa chửi bới dậy động cả khoa sản. Nó chồm lên choàng qua đứa bé, nước mũi chảy kéo dây kéo nhợ lòng thòng. Người trong căn phòng cũng quay mặt đi, quệt nước mắt. Chẳng ai còn có thể mang đứa bé ra khỏi vòng tay mẹ – mười – sáu – tuổi.
Cả xóm hẻm nín thở coi con nhỏ nuôi con. Ngộ, thằng nhỏ chắc nụi, cùi cụi, dù mẹ nó hay bỏ đi chơi. Mỗi chiều ngó qua đầu hẻm, tôi vẫn thấy con nhỏ ngỏn nghẻn ăn vịt chiên nhưng tay kia đã cầm sẵn trái cóc muối, tôi lại quặn lòng, lại thắt thẻo gọi trời. Có lần gặp nhau trong quán nhậu, cố làm ra vẻ bâng quơ, tôi hỏi “Bỏ con cho ai mà lang thang ở đây?” Con nhỏ cười toe “Má tui giữ, tui đi tiếp thị bia để kiếm tiền mua sữa cho con tui uống. Nhưng mai tui chuyển qua làm ở tiệm mát-xa rồi. Khách cho nhiều tiền lắm”. Hồn nhiên không chịu nổi. Tôi cười, lại tỏ ra bâng quơ “Làm mấy nghề đó người ta cười…”. Con nhỏ thản nhiên nhìn tôi, nhưng có tiếng khách gọi ở bàn bên kia, con nhỏ chạy đi, vồng ngực nhảy dựng, lúc quay trở lại, nó nói “Chuyện gì miễn là có tiền, tui làm tuốt, tui làm nuôi con mừ. Người ta cười đã đời rồi người ta cũng nín”.
Sau câu nói đó, gặp mẹ – mười – bảy vừa đi đường vừa ăn kem, không hiểu sao tôi chẳng kêu trời nữa, chẳng còn thắt thẻo lo lắng cho đứa bé con. Bỗng dưng trong hẻm đồn ầm ra, con nhỏ đang yêu, đang sống chung với một thằng nhỏ hớt tóc. Hai đứa hay giành ăn với nhau nên hục hặc suốt, nửa đêm nghe chửi bới lộn gan lộn ruột, sáng sau thấy chở nhau trên xe đạp, con nhỏ này ôm eo ếch thằng nhỏ tình tứ, sát vo, cười ỏn ẻn.
Xong hem lại nín thở nhìn con nhỏ yêu. Xóm hẻm chật quá, đông đúc quá, nên phận người cứ bày ra, không quan tâm cũng không được. Thấy thằng bé con mới ba tuổi nói chưa rành mà đi ăn sáng một mình, hỏi ai không đau đáu. Một bữa gặp nhau ở gánh xôi đậu, hỏi bâng quơ, chừng nào lấy chồng đây, con nhỏ ngước lên, giọng lạnh lùng “Xu rồi. Tui cho de rồi. Thằng mất dạy đó đánh con tui…”. Tôi lặng đi trong một thoáng, có sợi dây thần kinh nào đó bị tê đi, tôi quên luôn việc con nhỏ còn thích nhảy dây, ăn quà vặt, nói lớn, chạy tí tởn trước đám đông. Tôi quên nó mới tròn mười tám tuổi.
Con nhỏ trong mắt tôi bỗng lớn vút lên. Cao tới mức để nhìn thấy cái trán dồ bướng bỉnh lấm tấm mụn của nó tôi phải ngẩng đầu.
Bài viết được trích từ tạp văn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Share this:
Like this: