fbpx
I'm a fan

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Âm nhạc của nhóm ABBA là một món ăn tinh thần đủ đầy cho mọi cung bậc cảm xúc, sắc thái, mà biết bao lớp thế hệ người yêu âm nhạc luôn hoài niệm cùng những nhạc phẩm trường tồn.

Âm nhạc của nhóm ABBA là một món ăn tinh thần đủ đầy cho mọi cung bậc cảm xúc, sắc thái, mà biết bao lớp thế hệ người yêu âm nhạc luôn hoài niệm cùng những nhạc phẩm trường tồn.


Ký ức về những ngày đầu tiên của nhóm ABBA. Bước ra sân khấu trong trang phục và lối trang điểm thịnh hành lúc bấy giờ, cùng với nhạc trưởng của họ trong một bộ trang phục trình diễn như Napoléon, nhóm ABBA đã chứng tỏ sức hút và tài năng của mình tại Cuộc thi Eurovision Song Contest vào năm 1974 ở Brighton, diễn ra ở Anh. ABBA là thí sinh đầu tiên của Thụy Điển giành chiến thắng Eurovision. Đây là một cuộc thi tài âm nhạc, được tổ chức lần đầu vào năm 1954, nhằm tạo ra một sân chơi âm nhạc giữa các nước thành viên tích cực của Liên minh Phát thanh Truyền hình Châu Âu (European Broadcasting Union). Dĩ nhiên đại diện đến từ mỗi một quốc gia sẽ phải đáp ứng đủ điều kiện mới được tham gia tranh tài.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Sau cuộc thi, ban nhạc tài danh đến từ Thụy Điển tiếp tục trở thành một trong những nhóm nhạc pop nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất lúc bấy giờ tại Châu Âu. Âm nhạc của nhóm cũng là biểu trưng cho làn sóng âm nhạc Disco của Châu Âu rất thịnh hành lúc bấy giờ. Tuy nhiên ở một thị trường âm nhạc lớn khác trên thế giới là Hoa Kỳ, sự phổ biến của nhóm bị lu mờ hoàn toàn, nhường sự thịnh hành cho những dòng nhạc phổ biến hơn lúc bấy giờ là thể loại rock, metal và punk. Nhóm ABBA thậm chí chỉ được nhận diện bởi những tín đồ yêu disco tại Hoa Kỳ vào những năm 80.

Giành chiến thắng với nhạc phẩm Waterloo, rất nhiều người lúc bấy giờ có quan tâm đến Euro Song Contest cảm thấy chiến thắng của nhóm ABBA hoàn toàn là một sự may mắn, họ cho rằng nhóm sẽ chỉ là one-hit-wonder (may mắn có được một ca khúc được yêu mến là Waterloo), bởi vì đối với họ, những nhạc phẩm tiếp nối sau đó như “Ring Ring”, “I Do, I Do, I Do, I Do”, “So Long” là những nhạc phẩm “buồn chán”, “thất bại”, “không hấp dẫn”.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Những nhận định thiển cận đó nhanh chóng bị dập tắt, khi ca khúc “SOS” vào cuối nửa năm 1975 đã thành công vang dội. Không để lỡ thời vận, ca khúc “Mamma Mia” ra đời và được yêu thích rộng khắp, thậm chí đạt thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng tại một quốc gia xa xôi là Úc và giữ vững vị trí đó trong vòng 10 tuần. Nhờ đó, danh tiếng của ABBA lan rộng khắp toàn cầu. Nhưng nếu phải so sánh thì thành công của “Mamma Mia” thậm chí còn bị đẩy lùi bởi chính nhạc phẩm kế nhiệm là “Dancing Queen” – một giai điệu bất hủ được cho ra đời bởi nhóm ABBA, và đến tận bây giờ vẫn là ca khúc thành công nhất của nhóm. Trong giai đoạn này, “Dancing Queen” đã từng được nhóm biểu diễn trước Hoàng gia Thụy Điển.

Âm nhạc của nhóm ABBA được ảnh hưởng bởi nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, với cách phối khí được lấy cảm hứng từ phong cách của Phil Spector trong Wall of Sound. Giai điệu thì gợi tưởng tới The Beach Boys, và sự hòa quyện với glam rock thịnh hành lúc bấy giờ tại Anh đã tạo ra nét đặc trưng của ABBA. Trang phục trình diễn của họ rõ ràng cũng được lấy cảm hứng từ glam rock, nhưng lại gây tranh cãi tại Hoa Kỳ và ngay tại Thụy Điển, khi nhiều người cho rằng phong cách trình diễn này là sáo rỗng, kiểu cách, lố bịch.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Barry Walters, với bình luận hàm tiếu, đã viết cho tờ NPR (National Public Radio) của Mỹ rằng, “Cứ như thể độ sáng chiếu bởi trang phục trình diễn diêm dúa nổi tiếng của ABBA, đã làm giới truyền thông bị mờ tịt bởi bất kỳ chiều sâu về tâm linh hay bóng tối nào”. (“It was as if the brightness of ABBA’s famously kitschy costumes had blinded the media to any spiritual depth or darkness”).

Tại thị trường Hoa Kỳ, đa phần cảm thấy khó hiểu và chấp nhận âm nhạc lẫn diện mạo của nhóm ABBA, chính cộng đồng người đồng tính đã khiến âm nhạc của họ được lan tỏa. Viết cho tờ Smithsonian Magazine, Jackie Mansky cho rằng “chính sự chối bỏ về tính chân thực, sáng tạo của ABBA của những người nghiêm túc hoài nghi và phủ nhận về vấn đề này, đã khiến cho những người đàn ông đồng tính càng hâm mộ nhóm hơn và tận hưởng âm nhạc của họ nhiều hơn”. Chính sự hâm mộ của cộng đồng người đồng tính đã làm sống dậy âm nhạc của ABBA vào những năm cuối 80s và đầu 90s.

Để giải thích thêm hơn về bình luận của Jackie Mansky, thì hai thành viên nam của ABBA là Benny và Björn ăn mặc rất diêm dúa, thậm chí bị xem là ẻo lả như thể họ là một người đồng tính công khai, nhưng thực chất họ lại là dị tính. Vậy nên với diện mạo trình diễn như vậy, ABBA bị cho rằng hành động này như một hình thức ủng hộ hành vi trapping (trap là khái niệm nam giả giữ bằng việc ăn mặc trang phục nữ tính) đang gây tranh cãi trong xã hội bấy giờ.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Những ca khúc như “Dancing Queen”, “Gimme, Gimme, Gimme (A Man After Midnight”, và “Voulez-Vous” đã trở thành thứ thanh âm quen thuộc tại những quán bar đồng tính và cộng đồng drag-queen. Sự thu hút và ủng hộ này đến từ chính hành vi trapping của ABBA, để khỏa lấp đi sự thật rằng cả Benny và Björn đều là hai người đàn ông vô cùng nghiêm túc trong cuộc sống, và họ loại bỏ sự khó gần gũi này với chính lớp trang phục trình diễn để trở nên tươi vui, gần gũi hơn với cộng đồng người yêu âm nhạc.

Trong thời kỳ hậu Stonewall và trong bối cảnh đại dịch AIDS đang lan rộng, âm nhạc của ABBA về khiêu vũ và phóng thích tâm trí là một hình thức thoát ly cho những người đồng tính nam, cùng với việc nổi dậy chống lại những lời chỉ trích công khai về ABBA của những nhà phê bình thuộc chủng da trắng lúc bấy giờ. Bất chấp những lời chỉ trích, ABBA tiếp nối thành công của mình với 18 lần lọt vào top 10 liên tiếp tại Vương quốc Anh và có tổng cộng 9 lần có ca khúc đứng hạng nhất tại Hoa Kỳ.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Khoảng thời gian mà hai thành viên chính của nhóm là Björn Ulvaeus và Agnetha Fältkog, đang tiến hành ly hôn, nhóm đã cho ra mắt các nhạc phẩm có ca từ đầy tính tự sự, nhịp điệu và tiết tấu giàu cảm xúc, buồn bã, nghiêm túc hơn hẳn. Tuy vậy, chiều sâu của các ca khúc nói về tan vỡ như thế này lại một lần nữa trở thành góc độ khai thác của các nhà phê bình âm nhạc. Họ cho rằng nhóm thiếu khả năng biến nỗi đau thành một bài bản ca khúc thành công khác.

“The Winner Takes it All” được viết bởi Björn sau khi ly thân với Agnetha, kể về một thành viên của cuộc hôn nhân đang đeo bám cuộc sống của người còn lại. Xúc cảm u sầu của bài hát có trong cả ca từ và giai điệu, tuy nhiên tiết tấu vẫn có sự sôi động đã là dấu ấn của nhóm ABBA, thay vì là một bản ballad da diết. Chính điều này khiến ca khúc trở thành một bài hát để “đu đưa” hay như bất kỳ nhạc phẩm nào khác của họ. Các ca khúc nổi tiếng khác trong giai đoạn này bao gồm “Lay All Your Love On Me” và “The Visitor”.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Nhìn nhận một cách nghiêm túc, âm nhạc của ABBA là một sản phẩm tinh thần được tạo ra để chữa lành tâm hồn. Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy đồng cảm với mạch xúc và đồng điệu với ca từ trong những nhạc phẩm của ABBA – vốn luôn lấy cảm hứng sáng tác từ những gì gần gũi, dễ liên tưởng trong cuộc sống của mỗi người. Các ca khúc mà Rose yêu thích nhất của ABBA bao gồm “Dancing Queen”, “One Of Us”, “Does Your Mother Know”, “Under Attack”, “SOS”, “Chiquitita”, “Super Trouper”, “I Have A Dream”, “Fernando”, “Take A Chance On Me” và nhất định phải là “Thank You For The Music”.

Bản thân nhóm ABBA luôn vô cùng tự hào khi hát vang và gửi chính ca từ, lẫn sự trân trọng thuần chất vào trong ca khúc “Thank You For The Music”. Đó cũng chính là cảm xúc của chính Rose khi chia sẻ về âm nhạc, bởi chính âm nhạc khiến cho cuộc đời của Rose trở nên tích cực, ý nghĩa hơn rất nhiều, và cả rất nhiều người yêu âm nhạc khác nữa.

Lần đầu được nghe âm nhạc của ABBA, đó là khi ông nội mua băng đĩa CD của nhóm từ một người bán đĩa nhạc dạo. Rose còn nhớ ông nội rất hay nghe nhạc quốc tế của hai nhóm nhạc rất nổi tiếng ở thời của ông là Boney M và ABBA. Các ca khúc này có ý nghĩa rất lớn đối với ký ức của những người thuộc thế hệ đi trước. Niềm yêu thích âm nhạc của ABBA đã được truyền thụ từ chính ông nội của Rose từ khi chỉ là một đứa nhóc học cấp một.

Chắc chắn Rose không phải là người duy nhất cảm thấy sự an ủi to lớn, một sự mãn nguyện, một sự chữa lành thuần chất khi đắm chìm trong giai điệu sáng tác của ABBA. Ca khúc “Happy New Year” của nhóm vẫn luôn được bật to mỗi dịp năm mới đến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Thử hỏi đã có một nghệ sĩ nào làm được điều này trừ Mariah Carey và ca khúc “All I Want For Christmas Is You” hay “Last Christmas” bởi Wham trong mỗi dịp Giáng Sinh chứ? Đó là một thành tựu để đời mà bất kỳ ai cũng muốn làm được, nhất là trong một ngành công nghiệp trôi nhanh, với các nhạc phẩm được sáng tác để rồi bị trôi vào quên lãng chỉ vài năm sau đó.

Sự ảnh hưởng của ABBA đến nền văn hóa và âm nhạc đại chúng là điều không cần phải bàn cãi. Nếu không phải như vậy, thành công của vở nhạc kịch Mamma Mia! (1999) và hai bộ phim cùng tên được sản xuất vào năm 2008 và 2018 đã không được sản xuất chứ đừng nói đến việc được yêu thích và đón nhận đông đảo đến vậy. Chưa kể đến sự thành công của A*Teen – nhóm nhạc trẻ nổi danh vào đầu những năm 2000, được xây dựng là một nhóm nhạc trẻ kế thừa tinh thần và bản sắc của nhóm ABBA.

Màn trình diễn “Waterloo” năm 1974 của ABBA sẽ có tác động lâu dài không chỉ đến sự nghiệp của chính họ mà còn đối với văn hóa đại chúng trên toàn cầu. Âm nhạc của họ đã thấm nhuần vào âm nhạc hiện đại, đưa tới những ý tưởng mới trong việc tạo ra âm nhạc giúp chữa lành người nghe; và chắc cũng không cần phải quá khoa trương khi nói về công sức của họ trong việc truyền cảm hứng vô tận tới những người yêu dòng nhạc disco, và cách mà disco vẫn là một dòng nhạc được tái khai thác nhiều lần trong quá trình sản xuất âm nhạc đương thời.

Tựu chung, âm nhạc của nhóm ABBA là một hình thức thoát ly cần thiết và mãi mãi trường tồn cho tất cả chúng ta, dù là ở đâu trên thế giới này. Thành tựu lớn nhất của ABBA là tạo ra những di sản tinh thần bền vững mà Rose tin rằng đến tận nhiều thiên niên kỷ sau vẫn sẽ mãi được nhắc nhớ bởi những người yêu âm nhạc.

Nhóm ABBA: Khi âm nhạc được tạo ra để chữa lành tâm hồn

Hãy cùng Rose nghe lại 6 ca khúc nổi bật nhất (theo sở thích của cá nhân Rose) dưới đây.

Thank You For The Music (1983)

One Of Us (1981)

Does Your Mother Know (1979)

Super Trouper (1980)

Dancing Queen (1975)

Waterloo (1974)

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: