fbpx
You heard it first

ELLE Việt Nam đóng cửa và nhận định về thị trường tạp chí thời trang

Bài viết này là để tri ân tạp chí ELLE Việt Nam, nơi đã tạo tiền đề cho sự ra đời của blog cá nhân này, cũng như giúp Rose phát triển kỹ năng của mình để có được như ngày hôm nay.

Tạp chí ELLE Việt Nam được mua bản quyền phát hành, phát triển từ tờ ELLE của Pháp tại thị trường Việt Nam từ năm 2010 bởi Ringier – một tập đoàn truyền thông lớn tại Thụy Sỹ và có chi nhánh tại Việt Nam là Ringier Việt Nam. Vừa mới đây Ringier Việt Nam đã thông báo rằng sẽ ngưng không phát hành ấn phẩm thời trang ELLE Việt Nam nữa, kể từ tháng 10/2020.


Những hoạt động cuối cùng của ELLE sẽ là ra mắt số báo kỷ niệm 10 năm tuổi tại thị trường Việt Nam và một show diễn thời trang theo chủ đề mùa cưới là ELLE Wedding Art Gallery được tổ chức vào đầu tháng 10. Đây sẽ là những hoạt động cuối cùng của ELLE dưới sự kiểm soát của Ringier Việt Nam. Tương lai của ELLE Việt Nam sau đó vẫn còn là một câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.

Vì lý do nào mà một tạp chí 10 năm tuổi như ELLE Việt Nam bị buộc ngừng phát hành?

Theo đề án quy hoạch báo chí đã được công bố vào đầu năm nay, ELLE là một trong những tạp chí thuộc diện “quy hoạch” giấy phép báo. Vì vậy việc kết thúc giấy phép xuất bản ELLE ở Việt Nam, một thỏa thuận giữa Ringier và Hanoi Woman Entrepreneurs Association (HWEA), là phải xảy ra và đã được dự đoán lẫn chuẩn bị trước (ít nhất là phần tinh thần) bởi cả đội ngũ gồm 47 nguồn nhân lực đang đồng hành cùng tạp chí.

Theo như chia sẻ của thư ký tòa soạn là chị Liên Chi – người từng là sếp cũ của mình ở tạp chí ELLE Việt Nam thì sẽ có sự chuyển giao để tờ tạp chí này tiếp tục được vận hành, dù không còn thuộc quyền sở hữu và phát hành của Ringier tại thị trường Việt Nam nữa. Là một người bước ra từ tạp chí, được thừa hưởng cơ hội để phát triển và trau dồi rất nhiều kỹ năng giá trị, dĩ nhiên, Rose cảm thấy khá buồn khi tiếp nhận tin này.

Chị Liên Chi vẫn hy vọng rằng ELLE sẽ chỉ tạm ngưng để chuyển giao chứ không hoàn toàn là bị hủy bỏ như một vài tờ tạp chí khác như báo Marry, Her World, Esquire, Attitude… (những đầu báo thời trang khá nổi tiếng ngày trước), nhưng liệu hành trình chuyển giao và cơ hội để tái sinh này của tờ ELLE Việt Nam có thật sự dễ dàng? Hay đáng để kỳ vọng về một tương lai xán lạn, thậm chí rực rỡ hơn trước?

ELLE Việt Nam đóng cửa và nhận định về thị trường tạp chí thời trang
ELLE Việt Nam đã 10 năm tuổi tại thị trường này. ELLE cũng chính là tờ tạp chí thời trang đầu tiên tại Việt Nam, lại đi theo chuẩn và branding của nước ngoài. ELLE cũng thường xuyên có nhiều chủ đề ủng hộ thời trang bền vững mạnh mẽ.

Với sự nhận định khách quan khi từng là một thành viên của ELLE Việt Nam thì theo Rose là không, và hành trình 10 năm tuổi rực rỡ của ELLE Việt Nam đã thực sự đã đi đến hồi kết.

Để mua bản quyền phát hành ELLE tại Việt Nam tại thị trường của đơn vị sở hữu ấn phẩm này thì mức giá phải trả hàng tháng cho nó là rất lớn (tính theo nghìn euro). ELLE Việt Nam trong những năm gần đây chỉ kiếm được doanh thu vừa đủ chỉ tiêu (theo chỉ tiêu đề ra của Ringier AG) chứ không có quá nhiều lợi nhuận (phần lớn là nhờ tổ chức event và sản xuất video tiếp thị cho nhãn hàng); bởi thị trường tạp chí thời trang tại Việt Nam đã bão hòa (nhường chỗ cho các trang tin, Vlog, mạng xã hội), và bản chất thì tờ ELLE cũng không quá mạnh về thời trang, mà lại thiên nhiều hơn về làm đẹp.

Nội dung sáng tạo của ELLE Việt Nam đi theo hướng thương mại nhưng lại theo cách thức xưa cũ, chính bởi vậy mà tờ tạp chí này không tiệm cận được với thị hiếu của giới trẻ hiện nay – vốn dĩ là late Millennials và GEN-Z. Theo đà này, thì ELLE Việt Nam sẽ khó lòng thu phục được những đối tượng độc giả mới – vốn ưa chuộng những sáng tạo đậm đà bản sắc, riêng biệt, có cá tính, có sự độc nhất và mới mẻ, chứ không phải an toàn, trung hòa và lặp lại như cách mà ELLE đang làm. Kèm theo đó là sự cạnh tranh gay gắt của rất nhiều trang tin cũng phát triển chuyên mục thời trang mà theo mình đánh giá là còn nhanh chóng, có chất lượng hơn cả ELLE.

Theo Rose phân tích thì hiện có hai mệnh đề mà đội ngũ của ELLE sẽ cần phải giải quyết để tiếp tục hoạt động.

Về điều lệ ban hành của chính phủ trong việc quản lý báo chí

Đầu tiên là đáp giải được đề án quy hoạch báo chí mới của chính phủ, ELLE sẽ phải tuân thủ những điều lệ được ban hành mới của thủ tướng chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”.

Theo đó thì các quan điểm cần phải lưu ý sẽ là:

“Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí  tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí. Đến  hết  năm  2020,  các  Tập  đoàn  kinh  tế,  Tổng  công  ty  Nhà  nước không còn cơ quan báo. Các tạp chí của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hoạt động theo giấy phép đã được cấp; việc cấp lại giấy phép thực hiện theo quy định của Luật Báo chí.”

Chính vì điều lệ mới này mà ELLE Việt Nam – dưới sự chỉ đạo của một tập đoàn truyền thông đa quốc gia có chi nhánh tại Việt Nam không được phép để tiếp tục sản xuất bất kỳ một ấn phẩm mang danh là báo chí nào. Bên cạnh đó thì đối tác hợp pháp trước đây của Ringier Việt Nam và ELLE Việt Nam là Hiệp hội doanh nghiệp phụ nữ tại Hà Nội (HWEA) – vốn được trao quyền là một đơn vị được phép xuất bản ấn phẩm báo chí – nay đã không còn được công nhận đủ quyền hạn để xuất bản ấn phẩm có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật. Vậy nên việc họ buộc phải ngưng hợp tác với ELLE Việt Nam là điều bắt buộc.

ELLE Việt Nam đăng ký xuất bản và có văn phòng đại diện hợp pháp tại Hà Nội, nhưng văn phòng làm việc và vận hành lại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy để có thể tiếp tục được xuất bản ấn phẩm định kỳ và vẫn được xem là một tờ tạp chí, ấn phẩm xuất bản thì bắt buộc sẽ phải tìm một đơn vị là cơ quan tạp chí chuyên ngành đã được định rõ theo nghị định.

Ngay cả khi, nếu may mắn được chấp thuận bởi cơ quan này, thì liệu nội dung phát triển của ELLE Việt Nam có còn được phép quảng bá và phổ cập thẩm mỹ, văn hóa và sáng tạo của phương Tây dễ dàng như trước được hay không (thời trang quốc tế với các xu thế mới thường xuyên có liên đới đến quan điểm chính trị, xã hội), cũng là một vấn đề khác.

Ai sẽ thế chỗ cho Ringier?

Ringier AG là một tập đoàn truyền thông lớn được sáng lập bởi Johann Rudolf Ringier vào năm 1833 tại Thụy Sỹ. Sau bao nhiêu năm hoạt động, tập đoàn Ringier hiện có nhiều chi nhánh tại nhiều nước khác nhau như Đức, Hungary, Poland, Serbia, Slovakia và các nước tại châu Á như Việt Nam, Myanmar và các nước châu Phi như Ghana, Senegal, Nigeria, Kenya, Uganda, Ivory Coast. 

Ringier Việt Nam trước đây cũng từng sở hữu hai ấn phẩm tạp chí khác là tạp chí cưới – Marry và Marry Baby, cũng đã bị khai tử cách đây hai năm bởi lý do tình hình kinh doanh không khả quan. ELLE Việt Nam vốn dĩ có lợi nhuận nhiều hơn rất nhiều lần so với tờ Marry, cũng đã cảm thấy bất an vì quyết định khai tử nhanh gọn của tập đoàn Ringier đối với tờ Marry.

Với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm vận hành trải dài suốt bao nhiêu thập kỷ, thì rõ ràng Ringier Việt Nam hoàn toàn có nhận định phù hợp, xác đáng với thị trường lẫn tiềm năng phát triển của một đầu báo. Việt Nam luôn được xem là một quốc gia giàu tiềm năng khai thác và cơ hội phát triển, nhưng có lẽ không khả dĩ đối với ngành thời trang ở thời điểm hiện tại, cũng như là với sự ảnh hưởng sâu rộng của COVID-19.

Ngay cả trong thông báo chính thức từ Ringier Việt Nam thì một trong những nguyên nhân chính yếu chính là vị thị trường thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp sẽ cần đến 2-3 năm để phục hồi sau ảnh hưởng của COVID-19. Sự phục hồi này sẽ bao gồm việc cắt giảm tối đa chi phí tiếp thị không đem lại nhiều lợi nhuận – chính là những đầu báo tiếp thị hay tạp chí thời trang.

Suy ra, việc buông bỏ tờ ELLE Việt Nam lúc này là vô cùng chính đáng. Bởi thực chất, nếu vẫn còn nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hay chí ít là có niềm tin rằng ELLE Việt Nam sẽ có một sự bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới, sau khi phân tích những dữ kiện cụ thể, thì chắc chắn tập đoàn Ringier sẽ không đưa ra một quyết định như thế này. Bởi kinh doanh vẫn sẽ luôn là một bài toán kinh tế dựa vào những con số và thống kê xác thực chứ không nằm ở việc cảm xúc được dưỡng nuôi theo thời gian.

Vậy nếu Ringier đã buông thì ai sẽ là người dám thay chỗ cho tập đoàn truyền thông này đây? Và bài toán chi phí mua bản quyền từ công ty sở hữu ELLE toàn cầu, cũng như vốn đầu tư để phát triển đầu báo ELLE Việt Nam phiên bản 2.0 này sẽ kiếm ở đâu ra? 47 nhân lực cần phải được trả lương kia cũng sẽ cần nhiều chi phí để giúp cho họ tiếp tục với công việc của mình, chí ít là trong thời gian đầu phục dựng lại đầu báo.

Hai vấn đề lớn này, nếu theo phân tích của một người thực tế như Rose thì rõ ràng là rất khó để đáp giải. Mặc cho dù sự đồng cảm, lẫn niềm hy vọng được nhìn thấy tờ tạp chí 10 năm tuổi này tiếp tục đứng vững tại thị trường và soi đường cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai khiến cho mình càng cảm thấy nhói lòng hơn.

Câu hỏi lớn hơn mà Rose đang đặt ra cho mình là liệu những công ty truyền thông đang xoay chuyển và phục vụ cho ngành công nghiệp xa xỉ liệu đã nhận ra rằng đây không còn là một mảnh đất đầy hứa hẹn và dễ dàng để kinh doanh như trước nữa hay không? Và liệu thực trạng này sẽ chỉ mang tính tạm thời hay không?

Quả là một chủ đề thú vị mà Rose cảm thấy hứng thú với nó, nhất là khi xu hướng chuyển dịch nhờ sự phát triển vượt trội của công nghệ, internet, lẫn đối tượng khách hàng trẻ đã khiến cho paid media trở thành một kênh không còn được tín nhiệm như trước. Vậy liệu đây sẽ là tiền đề để các kênh blog cá nhân như So awkward, Rose có cơ hội để phát triển hay được tín nhiệm hơn bởi độc giả, đặc biệt là thế hệ người trẻ thuộc Gen-Z?

Bài viết này là để tri ân tạp chí ELLE Việt Nam, nơi đã tạo tiền đề cho sự ra đời của blog cá nhân này, cũng như giúp Rose phát triển kỹ năng của mình để có được như ngày hôm nay. Cũng may là ngay từ khi thành lập So awkward, Rose thì mình đã di dời tất cả những bài viết tâm huyết nhất trên elle.vn qua bên này. Các bạn độc giả có thể tìm ngược lại các bài viết cũ trên blog để đọc lại chúng đấy.

ELLE Việt Nam đóng cửa và nhận định về thị trường tạp chí thời trang
Bài phỏng vấn Metiseko của Rose được đăng trên tạp chí ELLE Việt Nam
ELLE Việt Nam đóng cửa và nhận định về thị trường tạp chí thời trang
Rose sẽ nhớ nhất là những bài viết chất lượng được layout đẹp đẽ trên mặt giấy in như thế này.
ELLE Việt Nam đóng cửa và nhận định về thị trường tạp chí thời trang
Rose cùng team kinh doanh của ELLE Việt Nam tại ELLE Style Awards 2018. Rose vẫn sẽ mãi luôn tự hào khi là một mảnh ghép của ELLE Việt Nam.

Cập nhật:

Từ ngày 01/11/2020, Công ty TNHH Dịch Vụ Quảng Cáo và Truyền Thông Châu Á (ASIA CAS) đã chính thức tiếp nhận giấy phép sử dụng độc quyền trademark ELLE và xuất bản tạp chí ELLE tại Việt Nam từ công ty truyền thông của Pháp, Hachette Filipacchi Presse (HFP).

ASIA CAS, từng là đối tác truyền thông của công ty Ringier Việt Nam.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: