fbpx

Mulan bản điện ảnh (live-action) là một sự… thất vọng

Có phải Rose đã quá khó khăn, xét nét đối với phiên bản người đóng hay không? Mời bạn đọc chi tiết bài review nhé. Nên cân nhắc vì Rose sẽ tiết lộ khá nhiều tình tiết và nội dung phim.

Disney vừa mới đây cho ra mắt bộ phim Mulan bản điện ảnh (live-action) trên nền tảng xem phim trực tuyến Disney+ của mình. Nếu so sánh giữa bản phim hoạt hình được ra mắt cách đây 22 năm, thì quả thật bản điện ảnh là một sự thất vọng. Có phải Rose đã quá khó khăn, xét nét đối với phiên bản người đóng hay không? Mời bạn đọc chi tiết bài review nhé. Nên cân nhắc vì Rose sẽ tiết lộ khá nhiều tình tiết và nội dung phim.


Mulan – Hoa Mộc Lan là phim hoạt hình thứ 38 được Disney sản xuất, xây dựng tuyến nhân vật và cốt truyện xung quanh nữ chính là một cô gái xuất thân trong một gia đình bình thường tại Trung Hoa. Hua Mulan thực chất là một giai thoại tại Trung Hoa về một người con gái thay cha mình gia nhập quân đội triều đình để chống lại quân giặc ngoại xâm. Giai thoại này đã được viết lại thành truyện thiếu nhi bởi tác giả Robert D.San Souci với tên gọi “Fa Mulan: The Story of a Woman Warrior”. Dựa vào đó, phiên bản hoạt hình được viết bởi biên kịch Rita Hsiao, đạo diễn bởi Tony Bancroft và Barry Cook.

Mulan được xem là một trong những nàng công chúa Disney đặc biệt nhất, khi nàng là người châu Á và có một thân phận chẳng phải là cao quý hay thượng tôn gì cả. Không sở hữu một nét đẹp kiều diễm như Cinderella hay một năng lực đặc biệt như Elsa trong Frozen, Mulan chỉ là một cô gái có tấm lòng yêu thương cha mình vô hạn và thay mặt ông gia nhập quân ngũ trong cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Hành trình để trở thành một chiến binh quật cường, tài nghệ của Mulan được truyền tải rõ ràng, qua đó thấy được sức mạnh tinh thần dũng mãnh và đức tính kiên trung của nàng.

Mulan đại diện cho hình mẫu phụ nữ hiện đại ở thời đại phong kiến (triều đại nhà Hãn), khi đấy vẫn còn trọng nam khinh nữ. Thân phận nữ nhi trong xã hội giai cấp bấy giờ chỉ là để phục tùng đàn ông. Phụ nữ sinh ra là để tùy phục chồng và đảm đương việc nhà, đó cũng là cách thức để phụ nữ đem lại danh dự cho gia đình nàng, bằng cách lấy một tấm chồng có gia thế. Mulan thì khác, nàng chỉ có một tấm lòng yêu thương vô bờ dành cho gia đình, một trí khôn tinh nhạy, một tấm lòng đầy quả cảm. Nàng không giỏi việc nhà, cũng không năng việc làm đẹp, nên nàng trở thành một hình mẫu bị xa lánh, bị xem thường trong xã hội lúc bấy giờ.

Chính bởi thế mà Mulan ra đời như một thông điệp tích cực, một giai thoại về nữ anh hùng, một tượng đài đầy kiêu hãnh về tinh thần nữ quyền. Đó là yếu tố chính yếu được khai thác của cả phim hoạt hình lẫn điện ảnh. Song, cách khai thác và triển khai yếu tố này được tách bạch rõ ràng giữa cả hai phiên bản. Điều khó khăn lớn nhất của phiên bản điện ảnh chính là khoảng cách 22 năm, khi rất nhiều thế hệ khán giả trưởng thành đã quá quen thuộc với nguyên tác hoạt hình và dành nhiều sự yêu mến cho nó.

Tuy cùng sản xuất bởi Disney, nhưng phiên bản người thật (live-action) bỏ qua rất nhiều yếu tố nổi bật của phiên bản hoạt hình, mà theo như đạo diễn diễn giải là “phi thực tế” và không phù hợp với phiên bản live-action. Chẳng hạn như những ca khúc được thể hiện trong phim, khiến cho bộ phim khi bỏ đi tính nhạc kịch thì chỉ còn là phim giai thoại, hành động. Không còn chú rồng trợ thủ Mushu đáng yêu, năng nổ nữa, mà thay vào đó chỉ còn hình ảnh của chim phượng hoàng huyền thoại.

Hình tượng chim phượng hoàng cũng gây nhiều tranh cãi khi đó là gia huy, là linh vật tượng trưng cho hoàng hậu – vợ của vua ở triều đình, chứ không dễ dàng thường dân lại có được gia huy như vậy. Cả hình tượng chú dế “lucky bug” đáng yêu cũng chỉ được xuất hiện khá hời hợt.

Không có sự xuất hiện của Mushu và “Lucky” Bug.

Mulan phiên bản điện ảnh được giải thích về tài nghệ võ thuật linh hoạt, giỏi giang của mình là nhờ sở hữu một dạng năng lượng tự thân gọi là “chi” và được huấn luyện võ thuật từ nhỏ bởi người cha của mình. Điểm này được xem là một điểm trừ lớn của phiên bản điện ảnh, bởi trong phim hoạt hình, Mulan tuy năng động, tràn đầy sức sống nhưng cũng vẫn chỉ là một cô gái gầy còm, thể lực bình thường. Phải trải qua quá trình trau dồi, khổ luyện rất nhiều trong trại tập huấn để có thể cầm gươm như một chiến binh thực thụ.

Mulan phiên bản điện ảnh bỏ qua các chi tiết gần gũi, mang tính thần thoại như Mushu, hay văn hóa thờ cúng tổ tiên để được phù trợ của người Trung Hoa, nhưng lại sử dụng năng lượng tâm linh để giải thích về khả năng đặc biệt của Mulan, lược giảm đi tính khắc khổ của quá trình rèn luyện.

Điều quan trọng là nhân vật người cha của Mulan, vốn là một liệt sĩ và bị thương tật vĩnh viễn một bên chân thì làm sao có thể dạy con gái mình võ thuật giỏi giang như phiên bản điện ảnh được chứ?

Thêm hơn, bối cảnh lúc bấy giờ của câu chuyện là thời đại phong kiến, khi mọi cô gái đều được dạy dỗ để trở thành một người phụ nữ của gia đình, thì cớ sao cha của Mulan lại muốn đi ngược lại điều đó để rồi sau này cảm thấy thất vọng khi con gái mình mãi không được kết duyên và gả chồng cho một gia đình khác? Sự sáng tạo kịch bản mới đem đến sự mâu thuẫn, khúc mắc khó lý giải thỏa đáng cho người xem.

Cảnh Mulan cắt phăng mái tóc dài vốn được xem là nhan sắc của nữ giới thời xưa thể hiện quyết tâm thay cha ra trận trong phiên bản hoạt hình cũng không còn trong phiên bản điện ảnh. Đây cũng là một phân cảnh đáng giá bị loại trừ trong phiên bản điện ảnh. Thật đáng tiếc.

Mulan bản điện ảnh

Mulan phiên bản hoạt hình cần đến sự hỗ trợ và đồng cảm, cưu mang từ những người xung quanh mình để trở nên liều lĩnh, dũng cảm, khiến cho tính nhân văn, chân thực của nó gần gũi hơn phiên bản điện ảnh – vốn mang một vẻ cách biệt, đơn độc và không-dễ-để-đồng-cảm.

Mulan phiên bản điện ảnh đơn phương hành động như một nữ cường nhân, trong khi Mulan phiên bản hoạt hình luôn cần tới sự trợ hỗ của những người đồng đội để vượt qua những tình huống ngặt nghèo.

Mulan bản điện ảnh

Chuyện tình giữa nàng và tướng quân Li Shang trong Mulan phiên bản hoạt hình được diễn giải cho đến tận hai phần. Phần 2 tập trung vào phần hậu truyện và kể lại diễn tiến tình cảm của Li Shang và Mulan khi nên duyên vợ chồng. Theo như tinh thần của phiên bản hoạt hình thì yếu tố tình yêu cũng là một mảnh ghép quan trọng, cho thấy tình cảm chân thành và đẹp đẽ có thể nảy sinh tới với một cô gái được xem là hình mẫu “xấu” trong xã hội phong kiến.

Phiên bản điện ảnh chỉ xem yếu tố này chỉ là một phần kể thêm chứ không diễn giải nó theo cách thức cũ, nhường mọi phần trọng yếu cho yếu tố nữ quyền và tôn vinh sự khác biệt của Mulan và một nhân vật mới toanh là Xian Lang.

Mulan bản điện ảnh
Li Shang va Mulan là một câu chuyện tình yêu thú vị, mang đậm gia vị của nhà Disney.

Việc bỏ đi Mushu và thay bằng Xian Lang là một cách làm có phần khiên cưỡng, bởi Mushu là một nhân vật quan trọng trong cả hai phần phim Mulan phiên bản hoạt hình. Đối với phiên bản điện ảnh, Xian Lang được xây dựng là một nhân vật có quá khứ và sở hữu sự đồng cảm vô cùng lớn đối với Mulan, nhưng mạch phim nhanh khiến cho cách diễn giải và cái kết dành cho Xian Lang hoàn toàn không thỏa đáng, bởi lẽ biên kịch xây dựng hình tượng Xian Lang là để chết, là để nhường sân khấu cho Mulan.

Việc một người phụ nữ chịu nhiều đau khổ phải hy sinh cho một người phụ nữ khác để thay cho cô ta đạt được nguyện ước chung của cả hai là một cách dẫn dắt khá cách biệt với cảm xúc của phần đông khán giả. Cho dù nhiều người có đánh giá cao diễn xuất của diễn viên Củng Lợi trong vai Xian Lang đi chăng nữa, thì quả thực sẽ hay hơn nếu như Mulan cảm hóa được Xian Lang và giúp cô ta hoàn lương mà không phải đánh đổi bằng cái chết.

Sự xuất hiện của Xian Lang để đẩy tinh thần nữ quyền lên cao trào là điểm khác biệt rất lớn của phiên bản điện ảnh. Nó có thực sự hữu dụng hay không là tùy thuộc vào nhận định của người xem. Riêng cá nhân Rose lại thấy rằng việc đưa Xian Lang vào phim khiến cho vai trò và sự nguy hiểm của kẻ ác Shan Yu trong phim không quá nổi bật. Thậm chí, nếu phải so sánh mức độ nham hiểm, tàn độc và mưu mô thì Shan Yu của phiên bản điện ảnh hoàn toàn không thể bì được với phiên bản hoạt hình.     

Mulan bản điện ảnh

Rose đã dự tính muốn cấu trúc bài viết này với từng phần riêng biệt để lập luận và so sánh giữa hai phiên bản, nhưng làm thế thì quả thật phiên bản điện ảnh được đạo diễn bởi Niki Caro sẽ chỉ gây được ấn tượng duy nhất với kỹ xảo và đồ họa đẹp mắt. Bộ phim được đầu tư tới 200 triệu đô nên có thể hiểu số tiền được đầu tư ấy là để dành cho việc quay ở Trung Quốc và dàn dựng kỹ xảo lẫn tiếp thị, quảng bá. Nhưng tất cả mọi công sức đều đổ bể bởi kịch bản được thêm thắt sáng tạo để không gây nhàm chán tới người xem. Đáng tiếc, đó là một sự lựa chọn sai lầm của hãng Disney khi từ chối kế thừa những giá trị mạch lạc, gần gũi, dễ đồng cảm mà những người tiền nhiệm đi trước đã làm cho phiên bản hoạt hình.

Mulan bản điện ảnh

Nếu để biện minh rằng sự lựa chọn thêm thắt ở khâu kịch bản của live-action là để phù hợp với đối tượng khán giả trưởng thành, thay vì là thiếu nhi mà phim hoạt hình nhắm tới thì họ có lẽ đã quên rằng những khán giả trưởng thành ở hiện tại từng là những thiếu nhi ở quá khứ. Họ đã và có những ký ức tốt đẹp, gắn liền với thuở ấu thơ của mình cùng phiên bản điện ảnh thì điều đó nên được tôn trọng. Việc kế thừa không có gì là đáng chê trách, nếu mọi thứ được làm chỉn chu, đầu tư kỹ lưỡng và diễn xuất của diễn viên chạm đến phân tầng cảm xúc của người xem, như một sự tri ân tốt đẹp dành cho ký ức của họ.

Nói về diễn xuất, Mulan qua phần thể hiện của Lưu Diệc Phi khiến cho phần đông không cảm thấy thỏa đáng, bởi vì cô nàng tuy được khen ngợi về nhan sắc khi thể hiện hình tượng Mulan, nhưng lối diễn xuất của cô nàng hầu như không thể đạt đến ngưỡng giàu cảm xúc như Mulan trong phim hoạt hình. Từng ánh mắt, điệu bộ, thần thái của Lưu Diệc Phi chỉ đạt trong những phân cảnh giao chiến và thể hiện ngữ khí, còn những phân cảnh cần đặt sự yếu đuối, mềm mỏng, đáng thương cảm thì lại không tốt.

Mulan bản điện ảnh

Mulan bản điện ảnh
Ở Lưu Diệc Phi không có cái thần sắc của một người con gái thật sự ra chiến trường là vì gia đình.

Rose từng nhớ mình đã khóc khi xem Mulan phiên bản hoạt hình vì cách diễn giải, lời thoại lẫn tâm lý nhân vật rất sống động và dễ cho người xem cảm thấy đồng cảm. Khi đưa bộ phim này thành phiên bản live-action thì đáng lý yếu tố diễn xuất phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là việc biến tấu kịch bản để trở nên mới mẻ, bởi đó quả thực là một cách rủi ro khi định nghĩa về phiên bản live-action của một tác phẩm đã có sức ảnh hưởng lâu năm như Mulan.

Thiết nghĩ tuy kịch bản nếu được sáng tạo, cộng hưởng cùng với lối diễn xuất đỉnh cao của diễn viên thì cách làm đó mới thực sự thành công; còn không sẽ có một trường hợp Mulan live-action gượng gạo và đáng thất vọng.

Mulan bản điện ảnh

Dù sao đi chăng nữa, thất bại lớn nhất mà Disney đã làm cho Mulan live-action là cắt đi những khoảnh khắc yếu đuối, đau đáu, đong đầy cảm xúc của Mulan, và một trong những khoảnh khắc vàng bị bỏ qua chính là khi Mulan đối diện với hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt hồ và giai điệu của Reflection được cất lên.

Nó – ca khúc Reflection như một thương hiệu gắn liền cùng bộ phim, là giai điệu mà con trẻ hát vang mỗi khi có dịp ngồi xem Mulan, hay thậm chí là người trưởng thành bất chợt suy ngẫm về những ký ức ngày xưa khi tình cờ nghe lại giai điệu quen thuộc.

Cho dù sau đó Disney có dùng bài hát để làm thành nhạc phim ở đoạn kết của live-action thì quả thực một người yêu mến Mulan phiên bản hoạt hình như Rose vẫn muốn rằng được nhìn thấy phân cảnh và ca khúc đó được cất vang, có thể là một giọng hát đầy thổn thức, là vỡ òa, là bịn rịn, là giằng xé chứ không mượt mà như phiên bản hoạt hình; nhưng khoảnh khắc vàng đó mới là thứ cần được tái hiện lại trên màn ảnh (cùng rất nhiều thứ khác nữa), chứ không phải là một kịch bản sáng tạo lạ lẫm, được khỏa lấp bằng kỹ xảo, đồ họa sắc nét, những góc quay rộng hoành tráng cùng các pha hành động tiểu xảo mãn nhãn theo công thức đúng kiểu bom xịt từ Hollywood, chứ không phải là một món quà tinh thần giàu cảm xúc từ một nơi nuôi dưỡng những giấc mơ thơ trẻ như Disney.

“Who is that girl I see
Staring straight back at me?
Why is my reflection someone I don’t know?
Must I pretend that I’m someone else
For all time?
When will my reflection show
Who I am inside?”

Chí ít thì ca khúc chủ đề này vẫn được truyền tải (lại) thành công, giàu cảm xúc bởi Christina Aguilera.
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: