fbpx
I'm a fan

Black Mirror – chiếc gương phản chiếu mặt tối của nhân loại

Black Mirror, có thể nói, là một biểu trưng cho khái niệm “nghệ thuật phản ánh cuộc sống” (Art Imitates Life).

Một series được yêu thích rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt ở những quốc gia như Trung Quốc, Úc, Israel, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hungary và cả Việt Nam, hình thành nên một cộng đồng fan hâm mộ đông đảo luôn chia sẻ và luận bàn về những tình tiết thú vị trong các tập. Black Mirror, có thể nói, là một biểu trưng cho khái niệm “nghệ thuật phản ánh cuộc sống” (Art Imitates Life).


Black Mirror là một series anthology đình đám của Anh Quốc (anthology là thể loại phim truyền hình có từng tập phim có cốt truyện và dàn diễn viên khác nhau) về thể loại khoa học viễn tưởng và tâm lý xã hội. Black Mirror được sáng tạo bởi Charlie Brooker và sản xuất bởi Annabel Jones. Series này đã ra mắt được 5 phần (phần 1 và 2 được sản xuất và phát hành trên Channel 4 của UK, từ phần 3 đã được đặt sản xuất bởi nền tảng streaming Netflix) và một tập phim đặc biệt mang tên Bandersnatch. Độ dài của mỗi một tập phim là hơn 1 tiếng đồng hồ.

Chủ đề mà Black Mirror tập trung khai thác là sự phụ thuộc quá mức của con người vào công nghệ hiện đại, cũng như là những tiện ích tối tân trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa con người và máy móc trong mô hình xã hội tương lai được nhìn nhận thực tế và đa chiều, chứ không hoàn toàn chỉ mang tính viễn tưởng, xa rời thực tại. Gọi là Black Mirror là bởi những kết thúc của các tập phim thường để truyền tải những thông điệp phản ảnh hậu quả của công nghệ hiện đại. Series này được yêu thích đặc biệt vì những cú twist lồng twist khiến cho người xem khó lòng dự đoán được trước kết thúc phim, nhưng vốn đây cũng là một đặc sản của series, khi buộc người xem phải đặt mình vào sự suy tưởng và diễn xuất của diễn viên lẫn cốt truyện.

Bối cảnh của các tập phim phần lớn là u tối, mỉa mai châm biếm, chỉ trích sâu cay, đánh động vào nỗi sợ vô hình của con người với tâm lý nhân vật phát triển thông qua mạch truyện và mọi nút thắt được giải thích rất rõ ràng. Có một vài tập phim mang màu sắc và bối cảnh tươi sáng, nhẹ nhàng hơn, và hầu hết tất cả những tập phim như thế đều được khán giả yêu thích, nổi bật trong đó là “San Junipero”, “Hang The DJ”, “Nosedive”.

Cũng có nhiều tập phim mang yếu tố kinh dị, với những tình tiết hù dọa người xem đến thót tim như “Playtest”, “Metalhead”. Chủ đề chính trị cũng góp màu sắc trong nội dung được xây dựng của Black Mirror. Những tập phim xoay quanh chủ đề này là “The National Anthem”, “The Waldo Moment”. Ba tập phim mà Rose đánh giá là u tối và ghê rợn nhất series về mặt tâm lý là “Crocodile”, “Arkangel” và “Metalhead”.

Chính bởi vì mỗi một tập phim đều có nội dung và dàn diễn viên khác nhau nên việc review chi tiết là điều rất khó. Bản thân Rose cũng không muốn tiết lộ quá nhiều nội dung của phim, nhất là khi xuyên suốt các mùa của Black Mirror có rất nhiều “Easter eggs” (trứng phục sinh) là những mảnh ghép gợi tưởng đến sự liên quan của các tập phim tới nhau rất thú vị.

Vậy nên điều mà Rose sẽ cho phép mình làm ở bài viết này là khích lệ các bạn hãy xem Black Mirror nếu là một fan hâm mộ của các thể loại phim trí tuệ, kịch bản chặt chẽ, nhiều nút thắt đan xan, hay chỉ đơn giản là muốn nhìn nhận tình yêu, mạng xã hội, trí thông minh nhân tạo qua một lăng kính tàn khốc, gai góc, đầy u tối để cảnh tỉnh bản thân về những tình huống có thể xảy đến ở thực tại của mỗi người.

Các tập phim “Fifteen Million Merits” – “Playtest” – “Rachel, Jack and Ashley Too”

Như Rose đã nói, Black Mirror là một biểu trưng cho khái niệm “nghệ thuật phản ánh cuộc sống” (Art Imitates Life). Tuy lấy bối cảnh ở tương lai gần lẫn xa xôi, và những dự tưởng trong phim có thể xảy đến hay không giống hoàn toàn, nhưng điều mà tác giả, biên kịch chính Charlie Brooker đã làm rất tốt là có sự liên tưởng, nhìn nhận khách quan khi lồng ghép vào phim những điều đang diễn ra ở thực tại và bám sát vào đó để xây dựng nên nội dung sâu sắc, lồng ghép những bài học cần phải suy ngẫm đan xen cùng hình thức giải trí.

Tính đến mùa thứ 5, với 26 tập phim (một movie là Bandersnatch và một tập special là White Christmas) Rose sẽ tiết lộ về 5 tập phim yêu thích nhất của mình trong cả series này, lần lượt theo thứ tự là “San Junipero” (tập 4 phần 3), “Black Museum” (tập 6 phần 4), “Fifteen Million Merits” (tập 2 phần 1), “White Christmas” (tập đặc biệt phần 2) và “Nosedive” (tập 1 phần 4).  

“San Junipero” lấy chủ đề là tình yêu kết hợp với công nghệ viễn tưởng (science fiction love story) giữa Kelly và Yorkie. Bài hát chủ đạo của tập phim “Heaven Is A Place On Earth” là một trong những ca khúc về tình yêu mà Rose rất yêu thích. “Black Museum” sẽ là một ngạc nhiên đầy thú vị, khi rất nhiều mảnh ghép của các tập phim trước đó sẽ tề tựu tại tập phim này. Nữ diễn viên chính của tập phim này là “Letitia Wright” – vốn còn được biết đến rộng khắp bởi vai diễn “Shuri” trong “Black Panther”.

Black Mirror – chiếc gương phản chiếu mặt tối của nhân loại
“San Junipero”
Black Mirror – chiếc gương phản chiếu mặt tối của nhân loại
“:Black Museum”

“Fifteen Million Merits” ngay trong phần một đã tạo được ấn tượng tốt với khán giả. Bộ phim tưởng chừng là một câu chuyện tình yêu trong sáng giữa hai nhân vật Bing và Abi thoạt đầu, đã khiến khán giả bật ngửa với pha bẻ lái không thể lường trước. Điểm đặc biệt của tập phim này là khi Abi trình bày ca khúc “Anyone Who Know What Love Is (1964)” của nữ ca sĩ Irma Thomas. Đây được xem là một ca khúc biểu trưng cho cả series Black Mirror, khi bài hát này được sử dụng lại rất nhiều lần xuyên suốt các mùa phim, và “Fifteen Million Merits” chính là khởi điểm của nó. Nam diễn viên chính thủ vai Bing là “Daniel Kaluuya” – người đã đảm nhiệm hai vai diễn nổi bật khác là Chris Washington trong “Get Out” (2017), và W’Kabi trong “Black Panther” (2018).

Black Mirror – chiếc gương phản chiếu mặt tối của nhân loại
“Fifteen Million Merits”

Tập đặc biệt “White Christmas” là tập hợp con của nhiều câu chuyện lồng ghép, đan xen, nhưng đến tận phút cuối lại được kết nối để tạo ra một bố cục hoàn chỉnh, đầy thuyết phục và nhân văn. Nội dung của tập phim xoay quanh chủ đề về tình yêu, công nghệ, pháp luật, lương tri của con người và sự phức tạp của xã hội. Đây là một tập phim sẽ đưa khán giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ ngạc nhiên đến cảm thông rồi đến thương hại cho hai nhân vật chính là Matt và Joe.

Black Mirror – chiếc gương phản chiếu mặt tối của nhân loại
“White Chistmas”

“Nosedive” nổi bật hơn cả là nhờ một tông màu pastel nhẹ dịu xuyên suốt và sự diễn xuất cường điệu, thái quá, không thường thấy ở nữ diễn viên “Bryce Dallas Howard” – người thủ rất nhiều vai diễn trong các bộ phim đình đám của Hollywood như “The Twilight Saga”, “Spider-Man 3”, “Termination Salvatore”, “The Help”, “Rocketman” và vai diễn nổi bật nhất là “Claire Dearing” trong “Jurassic World”, sánh vai cùng “Chris Pratt”.

Bộ phim phản ảnh chân thực sự phụ thuộc, nỗi sợ, ám ảnh quá mức của con người thông qua việc đánh giá và nhìn nhận của những người xung quanh. Bài học thực tế có thể dễ dàng liên tưởng tới là mạng xã hội ngày nay khiến cho con người ta phải “diễn” để được yêu mến, gây nên nhiều hậu quả và hệ lụy bi ai, cay đắng trong chính cuộc sống của nhiều người trẻ.

Black Mirror – chiếc gương phản chiếu mặt tối của nhân loại
“Nosedive”

5 tập phim mà Rose liệt kê ở trên, nhất định bạn đọc của So Awkward, Rose nếu lựa chọn xem phim nên để ý xem kỹ. Còn nếu đã xem rồi thì mình có thể cùng nhau thảo luận tại phần comment ở ngay dưới bài viết này. Điều mà Rose cũng nhận thấy ở series Black Mirror là nhiều diễn viên chính từ phim đã thật sự gây được sự chú ý lớn và tỏa sáng ở các bộ phim ăn khách như trường hợp của Daniel KaluuyaLetitia Wright. Cũng chính nhờ mức độ được yêu thích của Black Mirror mà nhiều diễn viên nổi tiếng cũng hết mực mong muốn được tham gia series đình đám này như trường hợp của Bryce Dallas Howard, Miley Cyrus, Anthony Mackie, Yahya Abdul-Mateen II, Topher Grace…

Nếu đam mê Black Mirror như Rose thì bạn cũng có thể xem thêm một series khác cũng tương tự như Black Mirror là Love, Death and Robot cũng của kênh Netflix. Love, Death and Robot theo định dạng animation cũng là một series được phát kiến và sáng tạo dựa trên những chất liệu tiên phong của Black Mirror. Rose hẹn sẽ review riêng về series này qua một bài viết khác nhé.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: