fbpx
Bookworm

Chủ nghĩa khắc kỷ – William B. Irvine

"Bạn đợi đến bao giờ mới mong cầu điều tốt nhất cho bản thân?" - Epictetus, triết gia Khắc kỷ Hy Lạp cổ đại.

Nếu được hiểu thấu đáo, chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ là một phương thuốc trị bệnh. Căn bệnh đó là sự lo lắng, giận dữ, sợ hãi và các cảm xúc tiêu cực khác vốn đang lan nhiễm trong loài người, ngăn cản chúng ta tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống. Bằng cách thực hành các kỹ thuật của chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta có thể chữa khỏi được căn bệnh này và có được sự bình thản trong tâm hồn.


“Bạn đợi đến bao giờ mới mong cầu điều tốt nhất cho bản thân?”

Epictetus, Triết gia Khắc kỷ Hy Lạp cổ đại.

Những giá trị thiết thực của lối sống theo chủ nghĩa Khắc kỷ

Sai lầm của nhiều người mắc phải là không có triết lý sống nào. Những người này đang dò dẫm lần mò để đi qua cuộc đời bằng cách làm theo những thúc giục của sự tiến hóa lập trình của họ, bằng cách vồn vã truy tìm những gì mang lại cảm giác sướng và tránh xa những thứ gây khó chịu. Bằng cách này, họ có thể có một cuộc sống thoải mái hoặc thậm chí một cuộc đời đầy ắp lạc thú. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi là liệu họ có thể có một cuộc sống tốt hơn bằng cách quay lưng lại với lập trình tiến hóa của họ và thay vào đó dành thời gian và năng lượng để đạt được một triết lý sống. Theo các triết gia Khắc kỷ, câu trả lời cho câu hỏi này là một ai đó có thể có được cuộc sống tốt đẹp hơn – một cuộc sống có lẽ chứa đựng ít sự thoải mái và khoái lạc, nhưng niềm vui thì lại nhiều hơn đáng kể.

Một người sống với hệ thống triết học chặt chẽ sẽ ý thức được điều gì trong cuộc sống là đáng để đạt tới, trong giới hạn mà anh ta có thể làm được hoặc anh ta có thể đạt được điều đó. Kết quả là khi thời gian anh ta phải ra đi đã điểm, anh ta sẽ không cảm thấy bị lừa dối, rằng anh ta sẽ có được sự tự do khỏi nỗi sợ cái chết. Trong khi đó những người không sống với một triết lý rành mạch về cuộc đời sẽ điên cuồng trì hoãn cái chết. Họ có thể muốn trì hoãn cho đến khi họ đạt được điều mà cuối cùng họ phát hiện ra là có giá trị. Hoặc họ có thể muốn trì hoãn bởi vì triết lý sống mà họ tự đặt ra đã thuyết phục họ rằng điều đáng giá nhất trong cuộc sống đó là mọi thứ họ có cần được tích lũy thêm nữa, và họ không thể làm điều đó nếu họ chết.

Sự bình thản của phái Khắc kỷ là một trạng thái tâm lý không có các cảm xúc tiêu cực như đau buồn, tức giận, lo lắng mà chỉ có các cảm xúc tích cực như vui mừng, hân hoan. Đối với các nhà Khắc kỷ ở thời La Mã, mục tiêu đạt được sự bình thản và mục tiêu đạt được đức hạnh có liên quan tới nhau, thế nên khi luận bàn về đức hạnh, họ cũng luận bàn về sự bình thản. Triết gia của trường phái Khắc kỷ – Epictetus đã nhận định rằng “sự thanh thản là thành quả mà đức hạnh hướng đến” và đạt được sự bình thản sẽ giúp chúng ta theo đuổi đức hạnh. Một người không bình thản – tức là dễ bị phân tâm bởi các cảm xúc tiêu cực như tức giận hoặc đau buồn – có thể khó mà làm theo những gì lý trí mách bảo anh ta: cảm xúc sẽ chiến thắng lý trí của anh ta.

Bởi thế, người này có thể lẫn lộn về những gì thực sự là tốt, hậu quả là anh ta không thể theo đuổi được chúng, và do đó không đạt được đức hạnh. Bởi thế, đối với các nhà Khắc kỷ ở thời La Mã, theo đuổi đức hạnh và theo đuổi sự bình thản là những thành phần của một vòng tròn đức hạnh – thật vậy, một vòng tròn đức hạnh kép: Theo đuổi đức hạnh mang lại một mức độ bình thản nhất định, điều đó thành thử lại giúp chúng ta dễ dàng theo đuổi đức hạnh hơn. Có thể việc sống theo đức hạnh sẽ không khiến chúng ta hứng thú bằng việc sống thanh thản, nhưng khi nghĩ về mối tương quan giữa đức hạnh và thanh thản khi một người áp dụng triết lý sống của chủ nghĩa Khắc kỷ thì quả thật sẽ không quá khó để tạo cho mình những động lực nhất định.

Các kỹ thuật tâm lý của chủ nghĩa Khắc kỷ

Tưởng tượng tiêu cực

Con người không hạnh phúc chủ yếu là vì chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Sau khi nỗ lực để có được những thứ mình muốn, chúng ta thường mất hứng thú với đối tượng mà mình ham muốn. Thay vì cảm thấy thỏa mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán và để đối phó với nỗi buồn chán này, chúng ta tiếp tục hình thành những ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn. Các nhà tâm lý học Shane Frederick và George Loewenstein đã đặt tên hiện tượng này là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc.

Quá trình thích nghi này dẫn đến việc mọi người rơi vào một guồng quay thỏa mãn. Họ cảm thấy không hạnh phúc nếu nhận thấy có một ham muốn trong mình chưa được đáp ứng. Họ tìm cách đáp ứng ham muốn này, tin rằng một khi đáp ứng được nó, họ sẽ cảm thấy thỏa mãn. Tuy nhiên khi đáp ứng được nó, họ sẽ lại thích nghi và không còn khao khát nó. Rốt cuộc họ lại cảm thấy bất mãn hệt như trước khi đáp ứng ham muốn này. Thế nên một bí quyết để có được hạnh phúc là chặn trước quá trình thích nghi: chúng ta cần áp dụng các biện pháp để ngăn cho bản thân xem nhẹ những thứ mà chúng ta đã nỗ lực vất vả mới có được. Kỹ thuật này được gọi là tưởng tượng tiêu cực.

Kỹ thuật này đơn giản là tưởng tượng về những điều xấu có thể xảy ra trong các tình huống hằng ngày, để từ đó cảm thấy tích cực và trân quý những gì vốn dĩ đang là như thế ở thực tại. Việc tưởng tượng tiêu cực sẽ giúp bản thân hình thành cơ chế thích nghi với viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra trong một tình huống, là bởi vì chúng ta đã tưởng tượng và dự đoán trước được điều đó, đồng thời nó cũng giúp ta ngăn chặn hiệu ứng thích nghi với khoái lạc một cách hiệu quả.

Sự thích nghi với khoái lạc có sức mạnh dập tắt niềm vui của chúng ta với thế giới. Do quá trình thích nghi, chúng ta xem cuộc sống của mình và những gì mình có là điều đương nhiên, thay vì hân hoan tận hưởng chúng. Nhờ suy nghĩ một cách có ý thức về sự mất đi của những thứ mà ta sở hữu, ta có thể lấy lại cảm giác trân trọng với chúng, từ đó phục hồi khả năng tận hưởng niềm vui.

Giống như những đứa trẻ nít có khả năng tận hưởng niềm vui trọn vẹn là bởi vì chúng không coi bất cứ thứ gì là đương nhiên. Đối với chúng thế giới này mới mẻ và đầy bất ngờ, cũng như chưa hiểu rõ cơ chế hoạt động của nó. Trẻ em khó mà xem nhẹ một thứ gì đó khi chúng không biết chắc rằng liệu nó có tiếp tục tồn tại nữa hay không. Chúng không sâu sắc, trải đời bằng người lớn để có thể nhận định được những diễn tiến tiếp theo vào ngày mai, nếu như người lớn không nói cho chúng biết, vậy nên chúng sẽ cố gắng để tận hưởng niềm vui của ngày hôm nay trước khi đánh mất nó. Người lớn sẽ không thể nào suy tư như trẻ em, vậy nên họ sẽ phải tập cách để tưởng tượng tiêu cực để có thể sống hết mình, làm hết sức, và không xem nhẹ những niềm vui dù là nhỏ bé nhất ở xung quanh mình.

Sự lưỡng phân của quyền kiểm soát

Trong khi hầu hết mọi người tìm kiếm sự mãn nguyện bằng cách thay đổi thế giới xung quanh họ, Epictetus khuyên chúng ta nên tìm kiếm sự mãn nguyện bằng cách thay đổi chính bản thân mình – chính xác hơn là thay đổi những mong muốn của mình. Và ông không phải là người duy nhất đưa ra lời khuyên này. Kỳ thực, đây là lời khuyên được gần như mọi triết gia và mọi nhà tư tưởng tôn giáo đưa ra, đó đều là những suy ngẫm về ham muốn và nguồn cơn dẫn đến sự bất mãn của con người. Họ đều đồng tình rằng nếu bạn tìm kiếm sự mãn nguyện, thì thay đổi bản thân và điều bạn mong muốn sẽ tốt hơn và dễ hơn so với thay đổi thế giới xung quanh bạn.

Epictetus cho rằng khao khát tối quan trọng trong bạn phải là khao khát bản thân không bị những khao khát mà bạn không đạt được làm cho tuyệt vọng. Những khao khát khác của bạn cần phải thuận theo khao khát này, và nếu chúng không thuận theo, bạn phải làm mọi cách để dập tắt chúng. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ không còn lo lắng liệu bản thân có đạt được điều mình muốn hay không, và cũng không còn thất vọng vì không đạt được điều mình muốn. Thật vậy, Epictetus nói rằng bạn sẽ trở nên bất khả chiến bại: nếu bạn từ chối tham gia những cuộc thi mà bạn có khả năng thua thì bạn sẽ không bao giờ thua.

Sự lưỡng phân của quyền kiểm soát đó là một số thứ tùy thuộc vào chúng ta và một số thứ khác không tùy thuộc vào chúng ta. Có thể hiểu cụ thể hơn là có những thứ ta có thể toàn quyền kiểm soát và những thứ ta không thể kiểm soát hoàn toàn. Mọi thứ ta gặp phải trên đời sẽ chỉ rơi vào 3 trường hợp: những thứ ta có toàn quyền kiểm soát, ví dụ như những mục tiêu đặt ra cho bản thân, những giá trị của bản thân -> ta nên quan tâm đến những thứ này. Những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát, ví dụ mặt trời có mọc vào ngày mai hay không -> ta không nên quan tâm đến những thứ này. Những thứ ta có thể kiểm soát một phần, ví dụ: ta có thể đậu phỏng vấn xin việc hay không -> ta nên quan tâm đến những thứ này nhưng cẩn trọng nội tại hóa những mục tiêu đặt ra cho bản thân.

Chúng ta có toàn quyền kiểm soát mục tiêu đặt ra cho bản thân nhưng hiển nhiên là ta sẽ không thể kiểm soát hoàn toàn việc mình có thể đạt được mục tiêu này hay không; việc đạt được mục tiêu này thường phụ thuộc vào mục những thứ tôi có thể kiểm soát một phần. Chúng ta cũng có toàn quyền kiểm soát những giá trị của bản thân, chẳng hạn như việc chúng ta coi trọng danh vọng, tiền tài, lạc thú hay sự bình thản. Nhưng việc chúng ta có sống theo các giá trị đó hay không lại là chuyện khác, đó là thứ ta chỉ có thể kiểm soát được một phần. Ta cũng toàn quyền kiểm soát tính cách của mình. Ta hoàn toàn có khả năng ngăn chặn tính xấu xa, kiêu ngạo và tham lam trú ngự trong tâm hồn mình, và là người duy nhất ngăn bản thân đạt được tính chính trực và lương thiện, hay là trở nên thận trọng, thẳng thắn, cư xử và nói chuyện có chừng mực.

Nếu thuận theo quy tắc lưỡng phân của quyền kiểm soát, chúng ta chỉ nên tập trung vào những thứ có thể kiểm soát một phần hoặc hoàn toàn. Và khi tập trung vào những thứ chỉ có thể kiểm soát một phần, ta sẽ cần phải đặt ra cho mình những mục tiêu nội tại thay vì mục tiêu bên ngoài và do đó tránh được nhiều nỗi thất vọng và chán chường.

Thuyết vận mệnh

Các nhà Khắc kỷ cho rằng một cách để giữ sự bình thản là tin rằng những thứ xảy đến với chúng ta là vận mệnh. Theo đó, chúng ta nên thuận theo vận mệnh bởi đó là một niềm an ủi lớn khi vận mệnh song hành với vũ trụ mà ta đang trôi dạt trong đó. Ta cần phải luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ là những diễn viên trong vở kịch của người khác – hay nói chính xác hơn, của Vận mệnh. Chúng ta không thể chọn vai diễn của mình trong vở kịch này, nhưng bất kể được phân vai nào, chúng ta cũng cần phải diễn hết khả năng. Epictetus khuyên chúng ta thay vì mong muốn mọi sự thuận theo ý mình, thì hãy làm cho những mong muốn của mình thuận theo mọi sự; nói cách khác, chúng ta nên mong cầu mọi sự “xảy đến đúng như chúng cần phải xảy đến”.

Nếu làm trái với thuyết vận mệnh thì sự chống đối này sẽ gây phản tác dụng nếu như chúng ta truy cầu một cuộc sống tốt đẹp. Cụ thể nếu ta chống lại sự sắp đặt của vận mệnh, có thể ta sẽ phải chịu đau khổ, tức giận, sợ hãi và mất đi sự thanh thản. Để tránh điều này, ta phải học cách thích nghi với hoàn cảnh sống và yêu thương những người cạnh bên mà vận mệnh đã an bài cho chúng ta, học cách hân hoan đón nhận mọi bổn phận của mình và thuyết phục bản thân rằng bất kỳ điều gì xảy đến với chúng ta đều có ý nghĩa. Đối với những việc đã xảy ra trong quá khứ, hãy học cách tâm niệm rằng những hành động ở hiện tại không có tác động được đến quá khứ, vậy nên không nên bỏ thời gian và năng lượng để nghĩ đến việc quá khứ có thể khác đi như thế nào.

Tiết chế bản thân

Thực hành tưởng tượng tiêu cực tức là suy ngẫm về những chuyện tồi tệ có thể xảy đến với chúng ta. Bên cạnh việc suy ngẫm về những chuyện tồi tệ đang xảy ra, đôi lúc ra cũng nên sống như thể chúng đã xảy ra rồi. Chẳng hạn, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ về cuộc sống của ta sẽ ra sao khi mất đi của cải, chúng ta nên định kỳ “thực hành sống kham khổ”. Tức là chúng ta nên tạm bằng lòng với những “khẩu phần ăn thiếu thốn và rẻ tiền” cũng như các “trang phục không hợp mốt và tốn kém”.

Trong nhiều trường hợp, chúng ta làm việc vất vả để có được một thứ gì đó vì tin rằng mình sẽ khốn khổ nếu thiếu nó. Vấn đề là ta hoàn toàn có thể sống ổn thỏa mà chẳng cần đến một số thứ, nhưng ta sẽ không biết được nếu không thử sống thiếu chúng. Ngoài việc sống như thể những điều tồi tệ đã xảy đến với chúng ta, thi thoảng chúng ta cũng nên chủ động tạo ra chúng. Chẳng hạn, chúng ta nên định kỳ bắt bản thân phải trải nghiệm sự bất tiện mà chúng ta có thể dễ dàng tránh được. Các nhà Khắc kỷ ủng hộ hành vi tự nguyện chịu khổ chứ không phải là hành vi chịu khổ nhằm gây hại cho bản thân. Ngoài việc định kỳ tự nguyện chịu khổ, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta cũng nên bỏ qua cơ hội hưởng thụ lạc thú, nhất là những loại lạc thú có thể chế ngự chúng ta sau một lần trải nghiệm.

Lợi ích đầu tiên của việc tự nguyện chịu khổ là giúp tôi luyện bản thân chống lại những tai họa có thể giáng xuống trong tương lai. Lợi ích thứ hai của việc tự nguyện chịu khổ hiển hiện ngay lúc này chứ không phải chờ đến tương lai. Một người định kỳ trải nghiệm những khó chịu nhỏ sẽ bồi đắp niềm tin rằng anh ta cũng có thể vượt qua những khó chịu lớn hơn, vì vậy viễn cảnh sau này phải trải qua những khó chịu như vậy sẽ không là nguồn cơn gây lo âu cho anh ta trong hiện tại. Lợi ích thứ ba của việc tự nguyện chịu khổ là giúp chúng ta trân trọng những gì mình sẵn có. Nhất là bằng cách chủ động trải nghiệm những cảm giác không thoải mái, chúng ta sẽ trân trọng hơn những tiện nghi mà mình đang được hưởng.

Quan sát bản thân thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ

Để tiến bộ trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta được các nhà triết gia khuyên hãy định kỳ suy ngẫm về những sự kiện trong cuộc sống thường ngày, cách chúng ta đã phản ứng với những sự kiện đó, và cách chúng ta nên phản ứng với chúng dựa theo nguyên tắc Khắc kỷ. Nói cách khác, chúng ta nên ra một người quan sát quan sát Khắc kỷ bên trong mình. Người này sẽ theo dõi và đưa ra nhận xét về những nỗ lực thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của chúng ta. Chúng ta cũng nên chú tâm quan sát hành động của người khác, suy cho cùng, chúng ta có thể học hỏi được từ sai lầm và thành công của họ.

Ngoài việc chiêm nghiệm về các sự kiện trong ngày, chúng ta có thể dành một phần thời gian thực hành suy ngẫm để tự kiểm kê bản thân. Chúng ta có đang thực hành các kỹ thuật tâm lý được các nhà Khắc kỷ đề xuất không? Chẳng hạn, chúng ta có định kỳ thực hành tưởng tượng tiêu cực không? Có dành thời gian để phân biệt mà những thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát và những thứ mà ta chỉ kiểm soát được một phần không? Có nội tại hóa mục tiêu của mình không? Có hạn chế đắm chìm trong quá khứ và thay vào đó tập trung đến tương lai không? Có chủ động thực hành tự tiết chế bản thân không?

Theo Epictetus, những dấu hiệu của sự tiến bộ là chúng ta sẽ ngừng đổ lỗi, chê bai hay khen ngợi người khác; chúng ta sẽ thôi huênh hoang về bản thân và kiến thức của mình; chúng ta sẽ nhận trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài khi những ước muốn của chúng ta gặp trở ngại. Và bởi đã phần nào làm chủ được ham muốn của bản thân, thế nên chúng ta sẽ thấy mình có ít ham muốn hơn trước; chúng ta sẽ thấy như lời của Epictetus, “cảm giác thôi thúc đối với mọi thứ giảm dần”. Và đáng chú ý là nếu đạt tiến bộ trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta sẽ không xem bản thân là một người bạn cần được đáp ứng mọi ham muốn, mà là “một kẻ thù đang rình rập”.

Chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ khiến chúng ta dễ nhạy cảm trước những niềm vui nho nhỏ. Chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của mình, sống cuộc đời mà mình đang sống, trong vũ trụ mà chúng ta đang cư ngụ.

Bài viết trích xuất từ cuốn sách “Chủ nghĩa Khắc kỷ – phong cách sống bản lĩnh và bình thản” của tác giả William B. Irvine do nhóm Tâm lý học Tội phạm dịch. Sách có giá bán là 125,000 vnd gồm 370 trang, bởi nhà xuất bản Công thương, bản quyền thuộc Thaihabooks.
Chủ nghĩa khắc kỷ
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: