fbpx
Evergreen

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Phần 2: Sinh viên thời trang tại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình 4-5 năm Đại học thì có thể theo đuổi các công việc khả thi nào, bằng cách nào và tiềm năng phát triển như thế nào? Bài viết này trên So awkward, Rose sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích.

Sinh viên thời trang tại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình 4-5 năm Đại học thì có thể theo đuổi các công việc khả thi nào, bằng cách nào và tiềm năng phát triển như thế nào? Bài viết này trên So awkward, Rose sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích.


Đây là phần tiếp nối cho bài viết định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang ở trước. Mọi thắc mắc và cần tư vấn thêm hơn, bạn đọc có thể chia sẻ, bình luận dưới bài viết này hoặc thông qua kênh Instagram của mình để được giải đáp thêm hơn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi.

Rose từng học ngành thiết kế thời trang tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (từ 2011-2016). Sau chương trình 5 năm và đồ án tốt nghiệp trình diễn, mình bắt đầu đi làm và thử sức với rất nhiều vai trò khác nhau trong ngành thời trang. Sau quá trình 5 năm thử sức (với chủ đích là nghiêm túc trau dồi kinh nghiệm) trong nhiều vai trò khác nhau trong ngành công nghiệp này, có thể nói, khiến bài viết định hướng này tới các bạn sinh viên thời trang sẽ vẫn hợp lý và còn có thể áp dụng được trong vòng 5 năm tới.

Fashion Marketing

Xác định: Kỹ năng cơ bản của một người học thiết kế thời trang sẽ không bao gồm kỹ năng tiếp thị. Marketing thời trang là một phạm trù tuy rộng nhưng được phân định cụ thể hơn khi áp dụng trong một mô hình doanh nghiệp. Bao gồm digital marketing (quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số), B2B marketing (brand-to-brand marketing), B2C marketing (brand-to-customer marketing), online marketing (tiếp thị trực tuyến), CRM marketing (Customer-relationship-management), influencer marketing (tiếp thị với người nổi tiếng). Digital marketing là phổ biến nhất trong các mô hình doanh nghiệp thời trang bởi tính chất chạy quảng cáo, tiếp thị trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay giúp quy đổi thành doanh thu trực tiếp và hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Khởi đầu: Là sinh viên thời trang muốn theo đuổi công việc của một người làm công việc tiếp thị thì sẽ phải cần đến kiến thức chuyên môn. Điều này đòi hỏi sinh viên thời trang phải tự trau dồi hoặc học thêm các lớp kỹ năng và tư duy về marketing. Điều may mắn là một người học thời trang có tư duy về thời trang sẽ hiểu nhất định về nội dung nào có thể sử dụng để tiếp thị cho sản phẩm làm ra của thương hiệu. Chẳng hạn như chất liệu, xu hướng, lịch sử, phom dáng, cách khắc phục các nhược điểm trên cơ thể của người mặc trang phục… Hiện nay có rất nhiều những nền tảng và website học trực tuyến về marketing để sinh viên thời trang có thể tham khảo thêm. Bên cạnh đó, xin làm thực tập trong bộ phận marketing của một thương hiệu thời trang sẽ là cách hiệu quả nhất để bắt đầu làm quen với nó.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Thực tế: Làm công việc tiếp thị sẽ chỉ có chạy quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội không thôi là một quan niệm sai lệch của phần đông. Thực tế làm tiếp thị sẽ cần đến nhiều kênh và phương tiện để có thể tiếp cận được tới tối đa tệp khách hàng tiềm năng mà nền tảng đó cho phép. Tiếp thị cũng sẽ không chỉ giữa doanh nghiệp với khách hàng không thôi, mà còn là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Thực chất có nhiều hình thức collab (hợp tác) để cùng tiếp thị cho cả hai bên là vô cùng phổ biến. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tiếp thị để bán sản phẩm và dịch vụ của mình cho một doanh nghiệp khác cũng quan trọng không kém gì là như với khách hàng phổ thông.

Influencer marketing là hình thức tiếp thị trở nên phổ biến trong thời gian gần đây bởi tính chất liên quan và trực diện của nó tới các đối tượng khách hàng. Các thương hiệu thời trang có thể làm việc với các fashionista để đưa hình ảnh sản phẩm thương hiệu của mình tới tệp người theo dõi của họ. Bên cạnh đó, sử dụng hình thức tiếp thị với người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ linh hoạt và có những lợi ích nhất định mà tiếp thị truyền thống sẽ không thể sánh bằng, chẳng hạn như phí tổn vận hành, dễ dàng để tiếp cận đến đúng đối tượng khách hàng chính yếu của thương hiệu mà không phải tốn quá nhiều chi phí thử nghiệm cho việc chạy quảng cáo như digital marketing hay là dễ dàng để kết hợp với hình thức PR để đem đến hiệu quả toàn diện cho việc hợp tác giữa thương hiệu và influencer.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Lời khuyên hữu ích: Tiếp thị sẽ liên quan nhiều đến thông số dữ liệu, vốn dĩ hoàn toàn trái nghịch với thói quen sáng tạo và tư duy nghệ thuật, không thiên về tính toán quá nhiều của sinh viên thời trang. Tuy nhiên, tiếp thị thời trang không quá đòi hỏi là phải đáp ứng đúng với quy chuẩn hay yêu cầu thông thường của tiếp thị bán hàng và còn tùy thuộc vào sản phẩm và định hướng phát triển của doanh nghiệp đó nữa. Hầu hết local brand hiện nay đều cần đến marketing và sinh viên thời trang thời trang hoàn toàn có lợi thế trong quá trình tìm việc nếu như có thêm kiến thức bài bản của marketing để làm công việc này. Có những công cụ dò soát dữ kiện để nắm bắt được tính hiệu quả của chiến dịch tiếp thị hoàn toàn có hướng dẫn cụ thể, kỹ lưỡng để bất kỳ ai cũng có thể nhập môn và phát triển mở rộng. Quan trọng là sinh viên thời trang phải xác định cụ thể được rằng đây là công việc mình muốn làm hay không, còn sau đó thì việc bổ sung kiến thức sẽ không tốn quá nhiều thời gian.

PR/ Fashion Editor/ Fashion Journalist

Xác định: Public Relations (quan hệ công chúng), hay Fashion Editor/Journalist đều là những công việc cần đến khả năng đọc, hiểu, nghiên cứu và quan trọng nhất là viết để hành nghề. Yếu tố mấu chốt là khả năng viết, đọc và biên tập của sinh viên thời trang phải ở một mức độ nhất định thì mới nên nghĩ đến việc theo đuổi những công việc sử dụng ngôn ngữ với tần suất liên tục này. Để viết tốt thì đầu tiên phải là một người thích đọc, thích nghiên cứu, thích tìm tòi thông tin trước đã. Bên cạnh đó, những sinh viên thời trang muốn theo đuổi những công việc kể trên phải có khả năng tiếng Anh tốt.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Thực tế: Là sinh viên thời trang khi làm những công việc như biên tập viên, phóng viên thời trang, PR cho thương hiệu/ cá nhân làm việc trong ngành thời trang… sẽ có những lợi thế về kiến thức chuyên ngành, giúp cho họ nhanh chóng tìm kiếm những thông tin đặc thù để đưa vào các bài phân tích, nhận định, chuyên đề, công tác truyền thông vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, những công việc này cũng cần đến sự sáng tạo dồi dào, nhưng thay vì chỉ tập trung vào hình ảnh và yếu tố bên ngoài của sản phẩm như thiết kế thời trang, thì công việc PR, journalist, editor lại sáng tạo thông qua ngôn từ để khơi gợi sự tín nhiệm, tin tưởng, cảm xúc từ người đọc – những yếu tố này lại tác động mạnh mẽ đến bên nhận thức và suy nghĩ bên trong.

Khởi đầu: Để bắt đầu với những công việc đặc thù liên quan đến ngôn ngữ như thế này thì buộc lòng sinh viên thời trang phải tập viết rất nhiều. Muốn viết tốt thì phải đọc nhiều để có nhiều suy tưởng, kiến thức, cảm hứng cho việc viết lách. Mối quan hệ giữa đọc – viết phải luôn khắng khít và nâng tầm theo thời gian. Đã lựa chọn theo ngành này thì phải xác định rằng bản thân phải có tư duy phân tích và nhạy bén với ngôn ngữ, cũng như phải dành nhiều sự quan tâm tới tin tức, xã hội, xu hướng. Tiếng Anh tốt là điều bắt buộc khi mà toàn bộ các nguồn tham khảo về thời trang đều cần phải lấy từ các nguồn tin xác thực, uy tín trên thế giới – mà vốn dĩ đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chung để nhiều người có thể tiếp cận.

Lời khuyên hữu ích: Kỹ năng đọc – viết thì bất kỳ ai cũng có thể trau dồi nếu có đam mê. Để bắt đầu thì sinh viên thời trang nên xin thực tập ở các tòa soạn báo thời trang uy tín để được viết và hòa mình vào không gian báo chí chuyên nghiệp – nơi sẽ rèn giũa kỹ năng, tác phong và tư duy của một người làm công việc báo chí, truyền thông. Hiểu về tính chất khác nhau giữa các công việc cũng sẽ góp phần giúp sinh viên thời trang định hướng được mình sẽ lựa chọn công việc nào để phù hợp nhất với nguyện vọng của bản thân. Tính chất của từng công việc khác nhau cụ thể như sau.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

PR: Có liên quan mật thiết đến công việc tiếp thị (marketing). Quan hệ công chúng là truyền thông mang tính lan truyền, nhằm truyền tải những câu chuyện tích cực về thương hiệu, nhân viên, khách hàng của mình, hay thậm chí là các vấn đề công ty đang gặp phải. Quan hệ công chúng sẽ tập trung vào việc nâng cao hình ảnh doanh nghiệp và tạo nên mối quan hệ lâu dài với cộng đồng và qua đó gầy dựng được mối quan hệ tin tưởng, tín nhiệm lâu dài với cộng đồng chịu sự ảnh hưởng. Nếu tiếp thị thiên về hình ảnh và mục tiêu chính là chuyển đổi thành doanh thu thì quan hệ công chúng lại thiên về ngôn ngữ và mục tiêu chính là nâng cao sự tín nhiệm, yêu thích của khách hàng tới doanh nghiệp.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Editor: Biên tập viên thời trang sẽ đặt nặng yếu tố đọc, hiểu và biên tập nội dung hơn là viết. Tuy rằng kỹ năng viết của biên tập viên cũng phải tốt, nhưng thường những nội dung mà họ xây dựng sẽ ngắn gọn, xúc tích, chuẩn xác và phù hợp với tiêu chí đề ra của báo in. Công việc biên tập cũng đòi hỏi phải có khả năng nhận diện tổng quan vấn đề, cầu toàn, có kiến thức chuyên sâu, bao quát, cũng như có khả năng nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm những thông tin có giá trị nhất cho các bài viết. Biên tập viên thời trang cũng cần xây dựng mạng lưới quan hệ sâu rộng trong ngành truyền thông lẫn thời trang để góp phần đem lại lợi ích chung cho tòa soạn, tạp chí.

Journalist: Phóng viên thời trang sẽ đặt yếu tố viết lên hàng đầu. Những bài viết của họ sẽ thường được biên tập thông qua để gọt giũa và giám định trước khi được xuất bản. Phóng viên thời trang là công việc mang tính chất năng động hơn rất nhiều so với biên tập viên vì họ sẽ không chỉ cố định một chỗ để đọc và biên tập nội dung, thay vào đó họ phải là người đi săn tin, đi phỏng vấn nhân vật, đi ngoại giao rộng khắp để tạo ra những bài viết chất lượng, độc quyền cho tờ báo. Phóng viên thời trang phải có tính cách chủ động, năng động và khéo léo thì mới dễ thành công hơn. Bên cạnh đó cũng phải luôn trau dồi khả năng viết lách, trau dồi kiến thức chuyên ngành, xây dựng hình ảnh cá nhân để mở rộng cơ hội nghề nghiệp của bản thân.

Visual Merchandising

Xác định: VM (bán hàng trực quan) là công việc đòi hỏi đến tư duy sáng tạo, kỹ tính, chỉn chu trong từng chi tiết và đòi hỏi khả năng làm việc nhóm cao. VM về cơ bản có thể hiểu đơn giản là hình thức kết hợp nghệ thuật sắp đặt với kiến trúc, thời trang, nội thất, đồ họa… Về tổng quan thì công việc VM cần nhiều đến mỹ cảm nghệ thuật tốt để giúp nâng cao sự thu hút khách hàng đến mua sắm ở cửa hàng, để từ đó có được lợi nhuận. Bán hàng trực quan đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngành kinh doanh bán lẻ ở thời điểm hiện tại.

Khởi đầu: Hiện nay tại thị trường Việt Nam có khá nhiều khoá đào tạo ngắn hạn (FACE Fashion Workshop), cũng như có trường bổ sung ngành này trong chương trình giảng dạy bậc Đại học của ngành thời trang (trường RMIT là một đơn cử). VM tuy sáng tạo nhưng lại thiên nhiều về khía cạnh business, kinh doanh thời trang hơn. Mục đích là tạo dựng không gian mua sắm bắt mắt, mang đặc tính và độc quyền của thương hiệu, đồng thời tạo ra một quy chuẩn bày trí chung theo chuỗi, cũng như phải liên tục làm mới không gian mua sắm theo chu kỳ ngắn hạn theo tuần – tháng- năm để khiến cho khách hàng không cảm thấy nhàm chán.

Thực tế: Để sinh viên thời trang có thể bắt đầu với công việc này thì phải có kiến thức chuyên môn và nền tảng thông qua việc học tập và thực hành ở các đơn vị được gợi ý ở trên. VM thường sẽ làm việc theo nhóm nhiều hơn là cá nhân bởi việc bày trí không gian mua sắm ở cửa hàng sẽ tốn rất nhiều công sức nếu như là ở môi trường bán lẻ. Đối với các thương hiệu thời trang nội địa chỉ có ít cửa hàng, công việc VM sẽ nhẹ nhàng hơn và hoàn toàn có thể đảm đương theo hình thức cá nhân, tuy rằng thực tế thì không có nhiều thương hiệu local brand chú trọng VM cho cửa hàng của mình và do đó thường chỉ có các doanh nghiệp thời trang lớn hay các chuỗi bán lẻ thời trang mới thật sự cần đến VM tại các trung tâm thương mại, flagship store, chuỗi tiện ích…

Lời khuyên hữu ích: Sinh viên thời trang nếu muốn thành công trong lĩnh vực này thì cần thiết nhất vẫn phải là đam mê, không chỉ sáng tạo mà phải đam mê cả khía cạnh kinh doanh và thấu hiểu nghệ thuật nắm bắt tâm lý, thu hút khách hàng thông qua hình thức bên ngoài. Ngoài ra việc có kiến thức rộng trong nhiều khía cạnh khác nhau như nội thất, kiến trúc, đồ họa sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc VM. Khi có kiến thức nền tảng nhưng chưa có nhiều cơ hội để thực hành, sinh viên thời trang có thể đến quan sát tại các cửa hàng chính thức của các thương hiệu thời trang cao cấp tại Việt Nam để phân tích và đánh giá cách bày trí và tôn vinh bản sắc, đẳng cấp thương hiệu của họ.

Giảng viên thời trang – Fashion Educator

Xác định: Công việc làm giảng viên thời trang là một cơ hội nghề nghiệp dễ dàng có thể đạt được nếu sinh viên thời trang tiếp tục công việc học tiền tốt nghiệp và đạt được trình độ bậc cao hơn là cử nhân thời trang. Hầu hết các trường Đại học lớn trong nước sẽ đòi hỏi giảng viên của mình có bậc Thạc sĩ là tối thiểu để được phép giảng dạy cho sinh viên. Bậc Thạc sĩ sẽ không đòi hỏi phải liên đới trực tiếp tới thời trang, mà có thể liên quan đến mỹ thuật, lịch sử… hoặc đặc thù một phân mục nhất định của thời trang như kinh doanh, sáng tạo, truyền thông… Làm giảng viên thời trang là một công việc có ý nghĩa, trách nhiệm cao và góp phần xây dựng bộ mặt và sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang nước nhà.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Thực tế: Với sự ra đời của nhiều trung tâm, mô hình giảng dạy thời trang mới thì trình độ giảng viên cũng không cần đến bằng cấp như các trường Đại học chính quy, thay vào đó họ cần giảng viên là những người có kiến thức chuyên ngành tốt và kinh nghiệm làm việc lâu năm để cung cấp cho học viên những kiến thức thực tiễn, lý thuyết thực hành và câu chuyện truyền cảm hứng. Vậy nên các nhân lực trong ngành thời trang, một khi đã có số năm kinh nghiệm dày dặn và cảm thấy tự tin với kiến thức chuyên môn thì có thể liên hệ với các trường, trung tâm giảng dạy như thế để hợp tác.

Khởi đầu: Làm giảng viên thời trang sẽ đòi hỏi những kỹ năng cơ bản như đọc, viết, thiết lập nội dung, giáo trình, phân tích và đánh giá, thẩm định, kết nối, dung hòa, truyền cảm hứng. Những tính cách cần phải có của một người giảng viên tốt là biết lắng nghe, điềm đạm, kiên nhẫn, tác phong chuyên nghiệp, bản lĩnh, nghiêm túc và tử tế. Công việc trồng người là một công việc mang tầm vóc quan trọng và nền giáo dục giúp định hình nên sự thành công và giá trị của những lớp người theo đuổi nó. Chính vì thế mà công việc này sẽ cần sự đầu tư dài hạn, nghiêm túc, cũng như đặt ra những mục tiêu, áp lực tới chính bản thân để trở nên hoàn thiện hơn trong việc truyền tải tư duy, kiến thức, tác phong lẫn cảm hứng tới người khác.

[Career Advise] Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang (P2)

Lời khuyên hữu ích: Công việc giáo dục có tính chất dài hạn, ổn định. Rất nhiều người lựa chọn công việc giảng dạy sau một quá trình dài thử sức với các công việc khác nhau trong ngành thời trang và tích lũy cho mình những kiến thức hữu ích để truyền đạt lại cho người khác. Về bản chất, công việc giảng dạy còn giúp hoàn thiện bản thân hơn vì đặc thù của công việc khiến cho họ phải ở một vị thế cao hơn những người theo học để có được sự tôn trọng và toàn quyền tín nghiệm từ học viên của mình. Sự hoàn thiện và bổ sung không chỉ về kiến thức chuyên môn và còn là về đạo đức, quan điểm lẫn tư duy giảng dạy.

Những công việc khác

Xác định: Bao gồm những công việc mang tính chất liên quan đến thời trang mà một sinh viên thời trang có thể tham khảo như nhân viên kinh doanh, tư vấn bán hàng thời trang (sale); fashion buyer cho các doanh nghiệp bán lẻ/ mặt hàng thời trang cao cấp; nhiếp ảnh gia thời trang; giám đốc sáng tạo thời trang; quản lý sản xuất; quản lý thương hiệu (brand manager). Điểm chung của những công việc này là không có một trường lớp đào tạo cụ thể nào cho các công việc này, thay vào đó sinh viên thời trang phải tự mình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn bằng cách đi làm để quan sát, học hỏi và xác định mình có đủ tâm huyết với công việc mang tính chất như vậy không.

Khởi đầu: Sinh viên thời trang có thể bắt đầu để làm trợ lý ở xuất phát điểm vì khá nhiều công việc cụ thể ở trên cần đến một người trợ lý, đơn cử như giám đốc sáng tạo, quản lý thương hiệu, nhiếp ảnh gia, quản lý sản xuất… Đó sẽ là đầu vào hợp lý và dễ dàng cho sinh viên thời trang ở giai đoạn đầu. Sự phát triển lâu dài và ổn định của những công việc này là vô cùng cao (nếu so sánh với những công việc khác như stylist, fashionista, journalist…), đơn cử như nhân viên kinh doanh, tư vấn bán hàng sau nhiều năm lao động sẽ có thể trở thành giám đốc kinh doanh (sale director), huấn luyện kỹ năng bán hàng (sale training), quản lý nhân viên bán hàng (sale manager)…

Lời khuyên hữu ích: Ở vai trò càng cao thì trách nhiệm sẽ càng lớn, nhưng đồng nghĩa với việc quyền lợi và tưởng thưởng sẽ vô cùng xứng đáng. Quan trọng nhất vẫn sẽ phải là đam mê bởi đây là nguồn nuôi dưỡng chính yếu, là động lực lâu dài để bất kỳ ai cũng muốn gắn bó với sự lựa chọn của mình. Sinh viên thời trang có rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực này, vậy nên hãy cứ trải nghiệm và lắng nghe theo tâm nguyện xem rằng mình muốn theo đuổi điều gì nhất.

Kết luận

Nếu thiên về sáng tạo và yêu nghệ thuật, hãy theo đuổi những công việc như thiết kế thời trang, nhiếp ảnh, giám đốc sáng tạo, stylist, fashionista, visual merchandising… Nếu quan tâm đến việc kinh doanh, hãy theo đuổi những công việc như fashion marketing, fashion buyer, nhân viên kinh doanh, quản lý thương hiệu, PR… Nếu quan tâm đến việc đề cao tính tay nghề, kỹ thuật thì quản lý sản xuất, gia công sản phẩm thời trang. Nếu quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, sức khỏe tinh thần cũng như chia sẻ kiến thức, thông tin hữu ích, giáo dục và đào tạo thì hãy cân nhắc những công việc như fashion editor, fashion journalist, giảng viên thời trang.

*Vui lòng không copy lại nội dung độc quyền của blog
**Xem lại phần 1 của bài viết cùng chủ đề tại đây

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: