fbpx
Review

The Dressmaker – thời trang và hận thù

The Dressmaker (2015) là một bộ phim theo chủ đề tâm lý xã hội, thời trang và tình yêu. Bộ phim được chuyển thể thành công từ cuốn tuyển thuyết cùng tên của Rosalie Ham được xuất bản vào năm 2000.

The Dressmaker (2015) là một bộ phim theo chủ đề tâm lý xã hội, thời trang và tình yêu. Bộ phim được chuyển thể thành công từ cuốn tuyển thuyết cùng tên của Rosalie Ham được xuất bản vào năm 2000. Dressmaker là tác phẩm điện ảnh gần nhất của nữ đạo diễn người Úc – Jocelyn Moorhouse. Moorhouse cũng đồng thời đảm nhiệm vai trò biên kịch của bộ phim. Bất kỳ một ai yêu thích các tác phẩm điện ảnh với kịch bản thuận logic nhưng không hề dễ đoán sẽ đánh giá cao bộ phim này.


Myrtle “Tilly” Dunnage (Kate Winslet) là nhân vật chính của bộ phim, với một quá khứ đầy khó khăn, phức tạp. Sau một sự kiện xảy đến vào lúc Tilly chỉ là học sinh tiểu học, cô đã bị buộc phải vào trường giáo dưỡng thiếu niên ở xa thị trấn nhỏ mà cô sinh ra. Mẹ của Tilly – Molly Dunnage đã trở thành một người phụ nữ bị cô lập và xa lánh bởi cư dân của thị trấn chỉ vì sự cố mà đứa con gái độc nhất của mình mắc phạm. 25 năm trôi đi, Tilly giờ đây là một người phụ nữ trưởng thành và tự lực, vượt qua mọi thử thách và khó khăn để trở thành một “dressmaker” giàu thực lực và tinh tường. Bộ phim bắt đầu trong bối cảnh là Tilly quay trở về thị trấn Dungatar nơi mình sinh ra để đoàn tụ với mẹ mình và tìm kiếm sự thật của sự kiện năm xưa.

Rose không muốn tiết lộ tình tiết trong phim để giảm bớt phần nào trải nghiệm cá nhân của bạn đọc khi tìm xem The Dressmaker. Nhưng dưới đây là những điểm sáng và giá trị đúc kết được của phim mà Rose cảm nhận được sau 3 lần xem lại bộ phim này. Khoan hãy bàn về kịch bản, diễn xuất, màu phim, Rose muốn nhấn mạnh yếu tố thời trang và nhạc phim là điểm sáng thị giác và cảm quan (đối với Rose) lớn nhất của phim. Thời trang trong phim The Dressmaker cũng đồng thời giành chiến thẳng giải “Thiết kế phục trang trong phim xuất sắc nhất” của The Australian Academy of Cinema and Television Arts (AACTA). Hai nhà thiết kế Margot Wilson và Marion Boyce đảm nhiệm công tác thiết kế và lo toàn bộ (hơn 50 bộ) trang phục cho Tilly và dàn cast.

Thời trang trong phim The Dressmaker.

Những bộ trang phục thiết kế trong phim vô cùng mãn nhãn và xứng tầm Haute Couture. Nếu mà Rose từng hết lời ngợi khen chiếc đầm màu xanh bằng lụa của Cecilia Tallis trong Atonement là một trong những mẫu thiết kế mang đậm tính biểu tượng của nền điện ảnh thế giới, thì The Dressmaker cũng không hề kém cạnh với rất nhiều những mẫu thiết kế đẹp đến xiêu lòng. Điển hình là chiếc váy màu vàng mù tạt bằng chất liệu satin bóng mà nhân vật Marigold Pettyman đã mặc khi tham dự tiệc cưới của Gertrude Pratt và anh chồng William Beaumont, hay là chiếc đầm dạ hội đuôi cá màu kem ánh xà cừ tuyệt đẹp đã giúp tôn lên dáng hình đầy quyến rũ và nước da sáng của Gertrude.

The Dressmaker – thời trang và hận thù (Review trên So awkward, Rose)
Chiếc đầm dạ hội màu kem của Gertrude.
The Dressmaker – thời trang và hận thù (Review trên So awkward, Rose)
Chiếc đầm màu vàng mù tạt của Marigold Pettyman.

David Hirschfelder đảm nhiệm phần sáng tác nhạc cho bộ phim này. Ông từng được đề cử giải Oscar cho những tác phẩm sáng tác của mình cho bộ phim Elizabeth vào năm 1999. Các bản nhạc sáng tác của Hirschfelder cho The Dressmaker hòa hợp, sinh động với từng bối cảnh và mạch dẫn lẫn chủ đề của bộ phim, nhất là bản nhạc kết thúc phim, vô cùng sâu lắng và kết nối những xúc cảm hân hoan, bồi hồi, tiếc nuối lẫn thỏa nguyện một cách trọn vẹn. Âm nhạc là chất xúc tác cần thiết để đẩy cảm xúc của khán giả đến với nội dung toàn cảnh của một tác phẩm điện ảnh và Hirschfelder đã thành công khi làm được điều này cho The Dressmaker.

Bản nhạc kết phim do David Hirschfelder sáng tác.

Không gian của bộ phim không quá rộng lớn, được tạo dựng chân thực, gần gũi, nhằm thể hiện được bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ của câu chuyện là vào năm 1951. Màu phim sáng và ấm nhưng lại tương phản với diễn tiến có phần u tối và đầy buồn thương. Sự quê mùa, lạc hậu của vùng thôn quê hẻo lánh ở miền Đông Nam nước Úc trong bối cảnh xã hội bấy giờ được tái hiện tròn vẹn với hình ảnh số lượng ít ỏi của những ngôi nhà mái tôn không quá cách giãn nhau, lại đan xen bởi những bụi cây cỏ dại mọc um tùm ở khắp nơi và lắm lúc còn đan xen những thân cây khô khốc trụi lá sừng sững giữa vùng hoang mạc. Cái sự lạc hậu, nghèo nàn đó được nâng cấp và hiện đại hóa bằng chính những bộ trang phục, xiêm y thiết kế lộng lẫy, bắt kịp xu hướng thời trang đang vô cùng thịnh hành tại Paris là sáng tạo của Tilly cho mọi người trong thị trấn.

Ngôi nhà của Molly Dunnage ở trên đỉnh đồi, cô lập và trơ trọi.

Tìm về nơi mình sinh ra và khám phá ra được sự thật, Tilly vẫn muốn giữ cho mình sự ngay thẳng và tử tế khi đối diện với những kẻ đầy vụ lợi, toan tính và thiếu tình nghĩa. Bằng tài năng và trí lực của mình, Tilly với thiện ý tốt đẹp giúp cảm hóa họ bằng chính thời trang, nhưng sau cùng vẫn nhận được một bài học cay đắng nhưng đúng đắn là bản chất của con người sẽ không thể nào thay đổi được bởi những tác động từ bên ngoài, cho dù có thiết đãi họ bằng sự chân thành, tử tế và lương tri đúng đắn. Sự thay đổi đó phải đến từ chính tâm thức và đồng cảm từ bên trong họ. Hầu hết là như thế nhưng một vài nhân vật trong phim đã được cảm hóa kịp thời và có hành động đúng đắn để sửa chữa những sai lầm mắc phạm của chính mình là Marigold Pratt và cảnh sát trưởng Horatio Farrat.

Một đoạn hội thoại trong phim giữa Tilly và Gertrude về một chiếc váy đẹp, vừa vặn và điểm tô khuôn diện sẽ có sức mạnh lớn lao như thế nào trong việc biến đổi vẻ ngoài một cách toàn diện cho một người. Khi Gertrude thốt lên đầy hoài nghi rằng “một chiếc váy sẽ chẳng thể nào thay đổi được bất kỳ điều gì cả”, thì Tilly đã đáp lại một cách tự tin rằng “nhìn mà học hỏi này Gert, hãy nhìn mà học hỏi”. Quả thực chiếc đầm mà Tilly thiết kế cho Gertrude để mặc trong buổi vũ hội đã giúp cô nàng chinh phục được cảm tình của anh chàng công tử nhà giàu William Beaumont để rồi cả hai sớm kết hôn ngay sau đó. Đáng tiếc rằng ngoại hình được nâng cấp đẹp đẽ của Gertrude lại khiến cho phần nhân tính ích kỷ, xấu tính, vụ lợi của Gertrude được dịp bộc phát mạnh mẽ hơn. Có lẽ đó là điều mà Gertrude cũng đã kịp “dạy” lại cho Tilly, một bài học thích đáng về bản chất con người.

Kate Winslet có rất nhiều vai diễn thành công trên màn ảnh rộng, nhưng Tilly Dunnage là hình tượng nhân vật mà mình cảm thấy thích nhất của Kate. Để nói về Tilly thì có một câu dẫn của nhân vật Molly trong phim là “she’s strong but broken” (cô ấy tuy mạnh mẽ nhưng vụn vỡ trong thẳm sâu), và đó chính là kim chỉ nam trong diễn xuất của Kate trong The Dressmaker. Nhiều phân đoạn trong phim có phảng phất đâu đó hình ảnh của nàng Rose DeWitt Bukater (Titanic) trong Tilly Dunnage. Thật khó để lý giải cụ thể, nhưng đó có thể là sự bẽn lẽn, phức tạp, luôn tự kiềm chế bản thân là nét tương đồng chung giữa hai nhân vật này. Đáng tiếc The Dressmaker là bộ phim của Úc sản xuất thế nên kế hoạch và quy mô truyền thông không thể bằng như những dự án phim bom tấn khác mà cô từng tham gia. Vậy nên The Dressmaker và Tilly Dunnage không thật sự tỏa sáng (vốn dĩ nên được như vậy) trong sự nghiệp của Kate.

The Dressmaker – thời trang và hận thù (Review trên So awkward, Rose)
Kate Winslet trong vai Tilly Dunnage.

Tình mẫu tử giữa Tilly và Molly Dunnage hiển nhiên là yếu tố chính yếu và được khắc họa đậm nét trong toàn bộ tất cả mạch dẫn của bô phim. Mọi quyết định và hành động của Tilly đều là vì người mẹ bị chia cách từ khi còn nhỏ của mình. Molly phải chịu sự xa cách với con gái mình trong suốt 25 năm. Ngày đoàn tụ của cả hai, Tilly thành đạt và quyết đoán trong khi Molly lại quẫn trí và nghèo khổ. Cứ tưởng rằng Tilly sẽ luôn là người nâng đỡ và cưu mang người mẹ già đơn côi, nhưng bàn cân dần xoay chuyển để rồi chính những tổn thương, mất mát và tủi nhục mà Tilly tìm thấy khi quay trở về Dungatar đã được Molly xoa dịu và dẫn lối. Là một người mẹ cũng chịu nhiều mất mát, tổn thất và đau thương, Molly đã phần nào giúp Tilly nhận ra những bài học đắt giá về niềm tin, về nghị lực, về con người và cả về tình thân. Tilly lúc trở về Dungatar với nhiều sự mơ hồ, hoài nghi về cuộc sống, về chính bản thân mình nhưng khi rời khỏi đó với hành trang mới là một tinh thần kiên định, sáng tỏ và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, phần lớn là nhờ vào tâm sức của người mẹ.

The Dressmaker – thời trang và hận thù (Review trên So awkward, Rose)

Nữ diễn viên gạo cội Judy Davis hóa thân thần sầu thành Molly Dunnage với ánh nhìn tưởng chừng như điên dại nhưng lại đầy cương nghị và thông suốt. Tạo hình nhân vật chỉ góp một phần trong việc khắc họa nhân vật Molly chân thực, cốt yếu vẫn là khả năng và kinh nghiệm diễn xuất của Davis. Đây là một nhân vật rất khó để có thể lột tả được trọn vẹn, nhất là khi phải đóng cặp cùng với nữ diễn viên tài sắc Kate Winslet. Ngay từ những phút đầu, sự kết nối tinh thần, tương tác và lan truyền cảm xúc giữa hai nữ diễn viên vô cùng tự nhiên và đầy thuyết phục sẽ khiến cho khán giả cảm nhận được sự rung động và nhiều xúc cảm lắng đọng khi dõi theo diễn tiến của bộ phim.

The Dressmaker – thời trang và hận thù (Review trên So awkward, Rose)
Nữ diễn viên Judy Davis trong vai mẹ của Tilly – Molly Dunnage.

Mối tình vừa chớm nở nhưng sớm tàn giữa Tilly và Teddy cũng là một điểm sáng khác của bộ phim. Một chàng trai tử tế, với trái tim nồng hậu, ngay thẳng đã sớm khiến cho một Tilly lòng đầy những hoài nghi, bất an và định kiến phải cảm thấy xiêu lòng. Tuy rằng họ không mãi được ở bên nhau và sự chia ly của Teddy và Tilly như một cú sốc tới khán giả, nhưng sự lãng mạn và niềm hạnh phúc ngắn ngủi đó ở mạch giữa của bộ phim quả thực là giai đoạn thăng hoa nhất trong toàn bộ diễn tiến của câu chuyện. Ở đó tình yêu thắp lên hy vọng, nhân tri và cả mơ mộng cho những người đang yêu, đàn áp tất cả mọi sự thù địch, mưu toan của những kẻ khác; chính xác là giống với những gì mà Molly Dunnage đã nói “Teddy đã ra đi trong nỗ lực để chứng tỏ rằng tình yêu của cậu ta mạnh mẽ hơn tất cả sự thù ghét của những kẻ khác”.

Liam Hemsworth đảm nhận vai diễn Teddy khá tròn trịa. Sánh vai cùng Kate Winslet nhưng Liam không hề bị lép vế kỹ năng diễn xuất mà còn bắt trọn sự thu hút trong một vài cảnh quay. Cảnh anh chàng cởi đồ chỉ chừa lại một chiếc quần boxer trắng trên người là một cảnh quay đắt giá thật sự. Chẳng thế mà ngay trong trailer của bộ phim đã đưa cảnh quay này vào để câu dẫn khán giả thành công, trong đó có Rose. Liam sẽ luôn hợp với những vai nam chính kiểu như Teddy McSwiney: tử tế, chân thành, hiền lành, chất phát và chính nghĩa.

The Dressmaker – thời trang và hận thù (Review trên So awkward, Rose)
Teddy và Tilly.

Là một tín đồ thời trang, Rose rất cảm kích một bộ phim hay và đặt nặng yếu tố thời trang như The Dressmaker. 10/10 là số điểm tuyệt đối mà Rose đánh giá về phim này. Trong phim còn có một dẫn chứng thực tế liên quan đến ngành thời trang là khi Tilly nói về Madeleine Vionnet là người thầy đã hướng dẫn mình làm nghề lúc cô ở Paris. Madeleine Vionnet là người có công khởi sinh ra kỹ thuật cắt chéo vải (the bias cut). Kỹ thuật này trong quá trình tạo nên phom dáng của trang phục là vô cùng kỳ công, nhưng bù lại là sự hoàn hảo trong việc tôn vinh sắc vóc của người mặc, cũng như nâng tầm về giá trị thủ công của thời trang cao cấp.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: