fbpx
Self-love

Một điều quan trọng nhất của self-love mà không nhiều người nhận ra

Hãy học cách yêu thương chính bản thân mình của ngày hôm nay bằng cách không làm tổn thương tới người khác. Đã có ai nhắc nhở điều này tới bạn chứ?

Chúng ta luôn nghe thấy những lời cổ động rằng hãy biết yêu chính bản thân mình (self-love), hãy tôn trọng cá nhân chúng ta và trở nên tích cực hơn. Nhưng một trong những điều cốt lõi nhất của việc yêu thương bản thân mình là không làm tổn thương người khác. Vốn dĩ điều này nói thì có vẻ dễ hơn làm rất nhiều.


Thương tổn có thể xảy ra bằng hành động, bằng lời nói hoặc không gì cả, chỉ bởi loài người chúng ta vốn dĩ là những cá thể phức tạp với cảm xúc và suy nghĩ khác biệt. Chúng ta có thể dễ dàng làm tổn thương người khác bằng sự vô tình, lãnh đạm, gay gắt, tiêu cực, thù địch, oán giận, kỳ thị, xét nét, quẫn trí… của bản thân và chúng ta – khi là nạn nhân sẽ dễ dàng có hành vi trả thù hay ít nhất là đấu tranh lại để cảm thấy thỏa mãn hoặc ít kém cạnh hơn chẳng hạn.

Ở thế đối trọng với gây tổn thương là yêu thương. Thật khó để nói rằng chúng ta có thể dễ dàng trở thành một người cam chịu và thỏa hiệp với tất cả những ai mà chúng ta gặp phải, hoặc yêu thương và tha thứ cho người đã gây tổn thương ta. Bình an trong tâm thức là một trạng thái rất khó để duy trì trong nhịp sống hiện đại với những cái tôi và tính cách khác biệt. Đối diện với sự oán giận và thù địch, chúng ta có thể nào lặng yên và thỏa hiệp với chính mình để học cách tha thứ và yêu thương chăng?

Thật ra tha thứ không đồng nghĩa là ta phải yêu thương họ, mà là yêu thương chính bản thân mình. Yêu thương chính mình sẽ giúp tạo ra một động lực chính đáng để gạt đi mọi thù hằn, oán giận, chống nghịch đang xâm chiếm và ăn mòn trong tâm thức. Sự oán giận và thù địch khiến cho ta cảm thấy hụt hơi, mệt mỏi và tốn thời gian, bởi thực chất chẳng ai khiến ta tổn hao tinh thần và trí lực hơn là chính bản thân ta.

Hãy tự nhủ rằng nếu có ai có thể làm ta thực sự cảm thấy hạnh phúc và bình yên, thì đó cũng chính là bản thân mình. Giá trị tự thân của vàng mới khiến cho vàng trở nên giá trị trong mắt của người, đúng mà phải không?

Forgiveness does not change the past, but it does enlarge the future”. (Tha thứ không giúp thay đổi quá khứ nhưng nó mở rộng cửa cho tương lai)

– Paul Boese

Vậy Rose làm cách nào để tha thứ cho những người đã từng làm tổn thương mình? Có thể nó sẽ không áp dụng được cho tất cả bạn đọc, nhưng đây là cách Rose học được cách để tha thứ trong hành trình đi tìm sự bình yên và hạnh phúc cho chính tâm thức của mình.

Self-love (yêu bản thân) là dạng thức tốt lành nhất cho chính thân thể, tâm trí của mỗi người. Nhưng có một điều thường bị bỏ qua...

Đầu tiên là Rose phải cho chính mình thời gian để cắt đứt với người đó. Không nên tiếp tục đối diện và nhìn thấy họ hàng ngày để được khơi gợi lại những niềm đau mà bản thân đã phải trải qua. Sự thất vọng sẽ nguôi ngoai dần theo thời gian bởi ta học được cách chấp nhận rằng sẽ không có gì có thể thay đổi được điều đã xảy ra, và họ cũng không thể nào thu hồi lại được những gì mình đã nói hay làm.

Tiếp đến là hãy cứ theo đuổi và tuân theo những gì mình vẫn hằng muốn theo đuổi, những hoạch định của bản thân, những niềm vui và trải nghiệm khiến cho ta quên đi sự oán giận, buồn bã, thất vọng mà người khác gây ra cho mình. Thực tại vẫn còn những điều khiến cho ta cảm thấy đáng trân quý và tập trung để vun đắp hơn là những cảm xúc tiêu cực và quẫn trí mà người khác đã gây ra cho mình.

Cần phải kiên định trong việc không bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực mà người khác sẵn lòng gây ra cho mình. Để làm được như thế thì có những mối quan hệ ta buộc phải từ bỏ để khiến cho đời sống của mình lành mạnh hơn. Nếu như người gây tổn thương cho chúng ta không tự nhận thức được hành vi của mình, và những gì họ gây ra cho ta thì ta không cần phải níu giữ họ. Nếu họ chủ động trong việc muốn gắn kết, làm lành và mong muốn được tha thứ thì hãy trao cho họ cơ hội để được tha thứ. Tuy rằng tin tưởng lại họ là điều mà họ bắt buộc phải cật lực chứng tỏ và đầu tư vào để khiến cho ta chấp thuận.  

Nếu người gây thương tổn tới ta lại là người thân trong gia đình thì ta buộc phải thỏa hiệp với điều đó. Trao đi sự tha thứ và không gây tổn thương lại họ là một bước tiến, phát triển vượt bậc khiến ta trở thành một con người tốt đẹp hơn. Về bản chất có thể họ sẽ không bao giờ thay đổi, nhưng hãy mở lòng để trò chuyện với họ nếu như họ chủ động làm điều đó và muốn biết về cuộc sống của ta. Còn không thì hãy giữ một thái độ điềm tâm và tĩnh lặng khi đối diện với họ. Sự từ tốn, nhẹ nhàng và có phần giữ kẽ của ta sẽ khiến họ hiểu ra nhiều điều, và họ cũng sẽ chẳng muốn tiếp tục làm tổn thương ta một khi họ hiểu rằng đối với ta, họ chẳng thể nào có thể khiến ta bị tổn thương thêm hơn nữa.

Hãy học cách yêu thương chính bản thân mình của ngày hôm nay bằng cách không làm tổn thương tới người khác. Đã có ai nhắc nhở điều này tới bạn chứ?

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: