fbpx
SHORT PROSES

Chim trời và chim nhà

“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, Thiên kim tán tận hoàn phục lai.”

Chim trời có muốn cũng chả thể nào trở thành chim nhà, bởi chúng hót chả hay bằng. Nhưng chim nhà nào cũng đâu hạnh phúc gì, khi mà cuộc đời chúng sẽ mãi bị giam cầm cho tới lúc chết, cũng bởi vì giọng hát thiên phú mà ông Trời ban cho.

Nghĩ thử coi. Một cuộc sống an nhàn của chim nhà có phải sướng quá không? Chỉ việc ở yên trong lồng, thức ăn, nước uống được dâng tận nơi, chuồng thì có chủ vệ sinh sạch sẽ cho. Chim nhà chỉ có việc hót vang lúc đẫy ăn và bất kỳ lúc nào chúng cảm thấy thích.

Nghĩ thử coi. Một cuộc sống bất định của chim trời có phải trầy trật quá không? Mỗi ngày lại phải bay đi kiếm ăn, kiếm tổ, rồi xây tổ. Khi đẻ con lại phải vất vả nuôi con, cho dù miếng ăn cho mình chưa chắc đã đủ đầy, mặc cho dù phải vượt vạn dặm trùng xa.

Nghĩ thử coi. Chim nhà chẳng phải nuôi con, bởi chúng không được tạo điều kiện để sinh sản. Suy cho cùng mục đích của chúng chỉ là để hót cho chủ nghe thôi mà, có phải là gà để mà đẻ trứng nuôi con rồi lấy thịt đâu. Nhưng so bì làm chi? Khi mà chơi chim là một thức tao nhã của con người. Chim nhà nhờ đó mà có giá hơn hẳn những chủng khác trong bộ gia cầm hay bộ chim.

Nghĩ thử coi. Chim trời phải oằn mình mà một sương hai nắng cặm cụi kiếm ăn. Bộ lông vũ của chúng cũng chẳng thể nào bóng mượt như chim nhà bởi phải giang cánh mà bay dưới nắng, mà che chở cho lũ bé con lúc mưa bão dọa nạt cái tổ ấm nhỏ của chúng mỗi khi. Chim trời có một ngày kiệt sức, chúng gục ngã giữa đồng, giữa đường, giữa những nơi chốn bất định, lịm đi rồi phơi xác ở đấy, chả có ai chôn, mà cũng chẳng ai buồn thương, tiếc nuối.

Nhưng mà nghĩ thử coi, bao lần chim nhà quẫy đạp, tung tuẩy, hồng hộc, tán loạn trong lồng mỗi khi chúng cuồng chân? Mỗi lần như thế là cái lồng giam cầm chúng lại rung bần bật, xáo động như chính tâm can của chúng vậy. Có bao giờ chúng cảm thấy đôi cánh của mình thật vô dụng đến nhường nào không? Nếu bị giam cầm lâu đến vậy, liệu đôi cánh đó có đủ sức để mà giang rộng và sử dụng cho đúng mục đích được sinh ra của chúng không?

Mà phải nghĩ, nếu một ngày giọng hát của chúng mất đi thì liệu chúng sẽ còn được an nhàn trong những cái lồng mà con người đã nhốt chúng vào, tước đi quyền tự do của chúng, chỉ để chúng hót vang nhằm phục vụ cho nhu cầu vị kỷ của chính mình.

Cũng hãy nghĩ thử coi, chim trời tuy có cực khổ nhưng chúng có được sự tự do, sải cánh giang rộng để bay lượn trên bầu trời như chính mục đích được sinh ra của chúng. Chim trời cũng không bị chiếm đoạt cái quyền sinh sản, để có thể tiếp tục duy trì giống nòi, duy trì niềm hạnh phúc cố hữu như mọi loài sống khác; được yêu thương, bảo bọc và săn sóc thế hệ tiếp cận, duy trì một chu kỳ tuần hoàn cần thiết cho mọi sự sống được diễn tiến thuận theo tự nhiên.

Chim trời tuy không hót được bằng chim nhà, nhưng rõ ràng chúng sẽ tồn tại tốt hơn trong môi trường khắc nghiệt bên ngoài, kiên cường hơn, và sống trọn vẹn hơn. Trong cái sự khó khăn, trầy trật, xuội ngược với đời đó xem chừng vẫn còn có những thú vị, lúc lên lúc xuống, lúc ngược lúc xuôi, nhưng không thui thủi, cô quạnh và đơn côi như chim nhà.

Chim nhà, bởi giọng hát thiên phú của chúng, được xem như một thứ tài năng đáng trân quý để cần phải được bảo tồn, được bảo bọc, được giữ gìn như của riêng, để thứ tài năng đó được nâng niu, trân trọng như chúng xứng đáng được nhận diện. Chim trời có hao mòn trong tâm tư thì giọng hót của chúng vẫn được con người yêu mến, chiều chuộng cho đến chừng nào chúng còn cất tiếng hót được.

Chim trời thì như mọi loài thiên sinh khác, không may mắn được trao cho một ân điển, tài năng gì nên chúng phải tự mình mà bươn chải, mưu sinh và vì thế mà chúng tất trở nên hữu dụng, không phải là với con người, chí ít, mà là sự điều hòa và duy trì sự cân bằng trong chuỗi sinh học tự nhiên. Chim trời học cách trở nên có trách nhiệm với chính bản thân, với gia đình, với cộng đồng của chúng, cũng giống như tất cả mọi loài sinh vật khác cũng đang đồng tồn tại trên thế gian này.

Chỉ có một trường hợp ngoại lệ, là chim trời nhưng vẫn được mến chuộng như chim nhà đó là chim bồ câu. Lũ nó tự nhiên với người lắm, lại hay quẩn quanh ở nhà thờ Đức Bà, góc công viên, hay là mấy quốc gia ở châu Âu mà phần lớn đều yêu mến thiên nhiên đấy. Lũ chúng chỉ cần cứ bay sà xuống sân là có người ném thóc, gạo, vụn bánh mì cho ăn; đến khi no đẫy rồi thì bay về trời, neo đậu cành cây, góc mái. Được như bồ câu thì chỉ chỉ có mỗi mình chúng nó. Mà được thế thì phúc hết phần thiên hạ rồi.

“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng. Thiên kim tán tận hoàn phục lai.”

“Trời sinh thân ta, hẳn có dùng. Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.”

Như người xưa cũng đã từng dạy: sa cơ lỡ vận đừng bi lụy, trời sinh ta ắt có chỗ dùng. Ngẫm thử thì ắt thấy đó chẳng sai chút nào.

Chuyện là thế, chẳng ai biết được chúng nghĩ gì. Chính là chúng ta nhìn rồi nghĩ ngẩn ngơ, chủ quan về thế giới quan của chim trời với chim nhà mà thôi.

Là bạn, bạn muốn là chim trời hay chim nhà?

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: