fbpx
SHORT PROSES

Gió biển thổi ra hoài niệm

O na kar maan rupaiye wala baar baar ke na rajje (न कर मान रुपैये वाला बार बार के न रज्जे)

Tôi sinh trưởng trong một gia đình công chức. Ba với mẹ ngày đó rị mọ di cư từ tận miền Bắc Tổ quốc vào đến tận cái thành phố biển Vũng Tàu mà chắc họ chẳng thể nào hình dung được rằng mình sẽ neo đỗ cả đời người tại đây. Ngày đó là khi nơi này còn chưa xô bồ vào những năm đầu 90. Trước đó chỉ vài năm, ba với mẹ gặp nhau tại Hà Nội, khi cả hai đều là những cô cậu sinh viên còn đắm đuổi những mộng ước và hoài bão lớn lao ngay tại Thủ đô. Họ sa vào ánh mắt nhau, kết duyên rồi tôi sớm được thành hình trong bụng mẹ.

Ba chuyển vào Sài Gòn làm bên ngành đường sắt trước tiên, rồi mới theo tiếng gọi của các chú các ông xuống Vũng Tàu để làm khai thác dầu khí. Cái ngành mà hồi đó được xem là ngành “hot” nhất cả nước vì cả vạn người muốn làm nhưng không phải ai cũng được nhận. Vậy mà ba không chỉ giành cho mình được một chỗ chắc chân ở tập đoàn dầu khí quốc gia, ông còn giúp mẹ có được một công việc chính thức, ổn định cùng nơi công tác. Nhưng đó là lúc sau khi tôi đã được vài tháng tuổi.

Lúc ba đang nhọc nhoài với gánh lo an cư lạc nghiệp trong miền Nam. Mẹ bụng mang dạ chửa ở ngoài miền Bắc để ông bà nội tôi chăm bẵm. Cũng may bác gái tôi là bác sĩ thai sản, mẹ được ra tận nơi bác ở vào những tuần cuối trước khi sinh để được theo dõi sâu sát và chăm sóc. Sau khi sinh được 2 tuần tuổi, mẹ và bà nội lại trật trầy đưa tôi lên chặng xe lửa Bắc Nam mà hồi đó tốn đến cả tuần lễ mới vào được tới nơi ba tôi đang trông ngóng.

Vì cả hai đều là nhân viên công chức nên ba với mẹ sớm được cơ quan cấp cho một căn nhà trong một khu dân cư tập thể được xây để dành riêng cho nhân viên nội bộ. Ngày đó nhà tôi còn phải chia đôi căn nhà có 5 cái phòng nhỏ, 1 cái giếng trời vì là nằm ở tầng trệt, và 1 cái kho dẫn ra phía sau vườn rộng chừng 12m vuông với một gia đình ba khẩu người Nga. Sở dĩ phải chia sẻ như vậy bởi doanh nghiệp là liên doanh Việt – Nga, và ngày đó chỗ ở cho nhân viên còn chưa xây đủ để đáp ứng cho nguồn nhân lực ngày càng tăng. Nhiều người Nga ở Vũng Tàu sinh sống và làm việc hơn rất nhiều những thành phố khác cũng là vì vậy. Sau này nguồn nhân lực người Nga có một khu tập thể dành riêng cho họ, to hơn, rộng hơn và khang trang hơn. Lúc đó ba mẹ mới được toàn quyền sử dụng cái không gian sống bây giờ.

27 năm sống cố định tại nhà thuê, họ cũng đã nung náu ý định có một ngôi nhà của riêng mình chứ không tiếp tục thế này nữa. Những bức tường đã nhiều năm không được sơn mới lại, giờ đã bắt đầu loang lổ mốc ẩm, toang nứt và ám mùi cũ kỹ. Mỗi lần tôi về lại nơi này là bao kỷ niệm chan chứa, đầy ắp. Nhìn những bức tường, lại cảm thấy rầu rĩ nhưng hoài niệm biết bao. Rầu vì ba với mẹ cứ mãi phải sống kiếp nhà thuê đến bao giờ. Hoài niệm vì nếu một ngày không còn được đặt chân vào căn nhà này nữa, bao nhiêu ký ức tuổi thơ sẽ mãi bị khỏa lấp và chiếm hữu bởi những người mới dọn đến.

Có một điều mà tôi cảm thấy mãi không đổi, dù cho mọi thứ vật chất bên trong ngôi nhà có bị chuyển dời và xáo động, thì đó là những luồng gió biển mát rượi thổi tràn vào không gian bên trong ngôi nhà, xuyên qua từng vách kẽ và ngóc ngách bên trong. Đó là đặc quyền của người dân Vũng Tàu. Họ luôn được hưởng những luồng gió biển trong lành, như một giải pháp trị liệu giúp khỏa khuây mọi vướng bận trong lòng. Được tận hưởng những cơn gió biển mát lành đó khi chỉ cần ngồi yên trong nhà đã là một đặc ân trời phú mà chỉ có những người xa rời khỏi nơi đây mới nhận ra để mà trân trọng, để mà nhớ nhung, và tôi là một người trẻ như vậy.

So với đô thị Sài Gòn đầy hứa hẹn, sôi động và hoa lệ vốn dĩ, nhưng bức bí, đông đúc và nực nội đến phát bệnh phát rồ nhiều khi, thì Vũng Tàu là một chốn đi về vừa có biển vừa có núi, thời tiết điều hòa, khoan khoái, dễ chịu, lại chỉ còn cách có hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển. Ba mẹ tôi từng nói rằng họ mong con cái thành đạt và có cuộc sống riêng, đầy đủ, ổn định. Riêng họ chỉ mong sẽ được an hưởng tuổi già ở thành phố biển này, bình an và trọn vẹn. Khi còn bé, tôi thì chỉ mong sớm trưởng thành và được hòa mình vào nhịp sống năng động tại Sài Gòn, xa rời cái thành phố biển nhỏ xíu và chả mấy những chỗ giải trí, khỏa khuây, nhưng đến giờ thì tôi đã hiểu lí do vì sao ba mẹ lại có nguyện ước giản đơn đến thế.

Những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống này, không thể nào mua được bằng tiền mà phải tự mình tìm được. Lòng tốt, sự tử tế, sự chân thành, sự thấu đáo, sự bình an, hạnh phúc, hay chỉ đơn giản là những cơn gió biển thổi mát lộng mỗi ngày từ khơi xa vào tới đất liền để khiến ta thêm phấn chấn, thụ hưởng, khoan khoái và nhẹ lòng như lúc này đây. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình yêu thương thành phố biển nơi mình lớn lên nhiều đến thế, chỉ do bởi những cơn gió biển vô hình lướt qua mỗi ngày nhưng lại đong đầy ý nghĩa trong nhận thức ở tuổi này.

Có một bài hát chỉ với 1 dòng được lặp đi lặp lại xuyên suốt mà tôi nghe mãi không chán, nhưng lại nhớ dai, nhớ hoài, nhớ mãi, để rồi nó trở thành một sự giác ngộ hằn sâu trong tâm trí.

O na kar maan rupaiye wala baar baar ke na rajje (न कर मान रुपैये वाला बार बार के न रज्जे) (tiếng Hindi)

Don’t keep on wanting money, people have loads and they’re never happy

(nghĩa là) Đừng cứ mong chỉ cần có nhiều tiền, nhiều người có rất nhiều và rồi họ chẳng bao giờ hạnh phúc.

Gió biển thổi ra hoài niệm (truyện ngắn) - So awkward, Rose
error: Content is protected !!
%d bloggers like this: