fbpx
Feature Articles

Mọi cuộc hôn nhân đều kết thúc trong nước mắt

Mỗi người trong chúng ta cần 3 điều trong cuộc sống để trở nên thật sự hạnh phúc trên cõi đời này: một ai đó để yêu, một gì đó để làm và một điều gì để hy vọng, mong đợi vào. Hôn nhân chính là hiện thân của cả 3 điều đó.

Mỗi người trong chúng ta cần 3 điều trong cuộc sống để trở nên thật sự hạnh phúc trên cõi đời này: một ai đó để yêu, một gì đó để làmmột điều gì để hy vọng, mong đợi vào. Cuộc hôn nhân chính là hiện thân của cả 3 điều đó.


Chủ đích của bài viết này là khi Rose tự hỏi, hôn nhân trong xã hội hiện đại và với người trẻ có phải là đang bị xem nhẹ quá mức không?

Mình rất thích theo dõi một show hẹn hò trên Youtube là Love Is Blind. Trong một tập gần đây, có sự xuất hiện của một bạn khách mời tham gia điển trai, hào hoa, thông minh, được nhiều người ngưỡng mộ, và cũng là một người trẻ có tư duy và quan điểm cá nhân vô cùng mạnh mẽ. Bạn không tin vào hôn nhân, và đưa ra khá nhiều luận điểm bổ sung cho ý kiến riêng đó của mình xuyên suốt tập đấy.

Việc lắng nghe những chia sẻ của bạn trai đã khiến mình mải nghĩ về ý niệm của hôn nhân. Nhiều người trong lớp trẻ hiện nay không chắc chắn rằng mình muốn có con, hoặc khẳng định là sẽ không muốn có con. Liệu điều này khiến họ có cái nhìn cảm quan rằng hôn nhân là không quá quan trọng?

Sự lựa chọn dễ dàng nhất có phải là tìm được một người đồng điệu và thấu hiểu, chấp nhận mình để cùng nhau vượt qua những cột mốc vô định phía trước, nhưng không kèm theo những gánh nặng khi phải cam kết gì nhất định về tương lai cùng người đó.

Đó có phải là xu thế của những người trẻ may mắn bắt kịp xu thế của xã hội, am tường về chính bản thân giống như bạn trai trong show hẹn hò kia?

Hôn nhân có đang bị người trẻ quá xem nhẹ? hoặc có ý tưởng sai lệch về nó?

Một tình yêu “lành mạnh” – healthy relationship, sẽ dẫn đến một cuộc hôn nhân. Lành mạnh sẽ được đánh giá ở nhiều mức độ khác nhau. Không phải các mối quan hệ lành mạnh nào cũng sẽ bình ổn, yêu thương, tin tưởng và chân thành mà không có những lúc giằng xé, đấu tranh, thất vọng và tranh cãi. Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận tình yêu riêng và tìm cách thỏa hiệp với nhân sinh quan của bản thân để khiến nó tồn tại và duy trì.

Giống như cái cách mà Jamie RandallMaggie Murdock trong “Love and Other Drugs” tìm thấy tình yêu vậy. Họ phải đấu tranh với những thiếu sót, những sai lầm, những gánh nặng mang theo của bản thân và chia sẻ với nó cùng với một người mà họ biết rằng sẽ phải chịu đựng, chấp nhận hy sinh để cùng dìu nhau qua một chặng đường gian nan trong tương lai. Đó là một tình yêu lành mạnh giữa hai con người thiếu lành mạnh. Một người bị ám ảnh với căn bệnh Parkinson và chứng cuồng yêu. Một người là fuckboy chính hiệu và sợ phải cam kết. Họ bù trừ, khỏa lấp và tương hỗ lẫn nhau, như kẻ cắp gặp bà già vậy.

Mọi cuộc hôn nhân đều kết thúc trong nước mắt
Jamie Randall và Maggie Murdock trong Love & Other Drugs.

Có lẽ mình sẽ để dành một bài viết đậm chất “chuyên đề” với những luận điểm về lý do mà hôn nhân lại quan trọng và mỗi người chúng ta nên có những suy nghĩ tích cực, hy vọng vào hôn nhân, vào sự gắn kết thiêng liêng giữa hai con người trong một bài viết khác. Mình sẽ chỉ chia sẻ lại câu chuyện của một người dùng đăng tải trên Quora dưới đây.

Hôn nhân thường kết thúc trong nước mắt

Mấy tháng trước, mẹ tôi qua đời và bỏ lại bố tôi ở tại thế sau 50 năm kết hôn. Chẳng ai có thể thấy trước được điều này. Buổi chiều hôm đó, mẹ tôi ngất xỉu trong nhà tắm. Bố tôi đã đưa mẹ tôi vào giường và gọi cấp cứu ngay tức thời. Khi mẹ tôi được đưa tới bệnh viện, bố tôi là người phải ký tất cả các giấy tờ thủ tục để mẹ tôi được tiến hành cấp cứu. Bố tôi đã làm việc chăm chỉ cả đời. Thật may là bảo hiểm của họ đều đầy đủ với những quyền lợi tốt.

Trong suốt tận hai, ba tuần dài đẵng, mẹ tôi phải nằm trong phòng hồi sức tích cực trong khi các bác sĩ phải làm đủ mọi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân căn bệnh của mẹ tôi. Đã có những lúc mẹ tôi tỉnh thức trong mơ màng nhưng không thể nói được bởi những ống dẫn thở luồn sâu vào cuống họng bà. Rốt cuộc, điều tồi tệ nhất cũng đã xảy đến. Bố tôi, với sự cầu xin từ mẹ, phải ký vào tờ giấy ủy quyền cho bệnh viện để rút ống thở ra bởi bà đã chịu đựng quá đủ rồi.

Mọi cuộc hôn nhân đều kết thúc trong nước mắt

Khi bệnh viện rút ống thở ra, bà mất, rời bỏ bố và tất cả chúng tôi. Vĩnh viễn.

Một nửa hay còn hơn thế nữa, các cuộc hôn nhân đều kết thúc bởi li dị. Ở nửa còn lại, sẽ phải chia ly bởi cái chết.

Bây giờ thì bố tôi có một ngôi nhà quá to để ở một mình. Ngôi nhà tràn ngập những món đồ nội thất và trang trí theo khiếu thị của mẹ tôi, những món đồ nho nhỏ bà thu thập để trang trí, hình ảnh sưu tầm, chiếc ghế bà yêu thích, và cả cái hũ đựng tro cốt của bà nữa. Bố tôi luôn đốt nến thơm mà vợ mình thích trong nhà để gợi nhớ đến bà, trưng bày những tấm thiệp từ bạn bè và gia đình ở ngay bàn thờ của mẹ để bù đắp cho mọi cảm giác trống vắng. Mỗi lần tôi đến thăm ông, tôi lại để ý có thêm một thứ gì mới được bày biện nơi bàn thờ của mẹ.

Khi còn trẻ và túng thiếu, bố mẹ tôi còn không đủ điều kiện để mua những món nữ trang rẻ tiền, nhưng cùng nhau, họ đã làm việc chăm chỉ để có được sự sung túc và đủ đầy khi về hưu. Kể từ ngày mẹ tôi mất, mỗi khi bố tôi nhìn thấy thứ gì và nghĩ rằng vợ mình nếu còn sống sẽ thích, ông sẽ không tiếc tiền để mang nó về nhà.

Ngày hôm qua (Ngày quốc tế lao động), tất cả mọi người trong gia đình tụ họp gồm chúng tôi – 2 người con trưởng thành với gia đình nhỏ của mỗi bên sum vầy cùng bố tôi. Tôi đã có dịp được nấu ăn trong căn bếp mà mẹ tôi từng mơ về. Căn bếp này được bố tôi không tiếc tiền để xây theo ý thích của mẹ tôi vào mấy năm trước, khi mà họ đã có đủ kinh tế để chi tiêu vào những sở thích cá nhân. Mỗi lần vào đó, mọi ký ức lại ùa về và ông lại nhớ tới những món ăn mà bà vẫn thường nấu. Trong nhà còn có một căn phòng mà ông sẽ ít lui tới bởi đó là nơi mẹ tôi chứa đựng những dụng cụ để may vá của bà.


Tôi nghĩ rằng bố tôi sẽ ổn với cơ ngơi của mình. Ông có tất cả mọi sự đảm bảo về tài chính, một ngôi nhà, một chiếc xe, con cái đều lớn, thành đạt và sẽ luôn hỗ trợ ông bất kỳ lúc nào ông cần, vậy nên chẳng có điều gì sẽ vướng bận ông cả. Tôi cũng nghĩ rằng ông xứng đáng có được sự nghỉ ngơi và tự do, sau nhiều năm bên cạnh chăm sóc vợ với căn bệnh của bà; với bao nhiêu cuộc hẹn gặp với bác sĩ; những lần đi mua đơn thuốc theo chỉ định cho bà; chia sẻ những công việc nhà; tự nguyện ra ngoài để mua sắm dù chỉ là một món còn thiếu trong nguyên liệu để bà nấu được món ăn đúng vị.

Bố tôi giờ đây có một ngôi nhà lấp đầy với những kỷ niệm. Ở trong những giấc mơ, ông vẫn còn mộng tưởng nghe được giọng nói của mẹ tôi, hay là những cuộc gọi tưởng tượng trong tâm thức tới từ bệnh viện. Bố tôi thèm những món vợ nấu, và cả sự đồng cảm sâu sắc từ mọi người nữa. Bố tôi vẫn duy trì thói quen thu lại những chương trình truyền hình yêu thích của vợ mình, mà lúc bà còn sống, ông chẳng có một tý hứng thú nào. Vào tháng 10, là kỷ niệm ngày cưới của họ, chúng tôi sẽ lại tụ tập ở đó để cùng nhau nấu những món ăn yêu thích của bố tôi để giúp ông vượt qua nỗi cô đơn. Mẹ tôi cũng sẽ ở đó, tại diện trong chiếc bình tro cốt nhỏ và cả trong tâm thức của những người mến yêu bà.

Tình yêu và sự dưỡng nuôi thật đắt giá, và phức tạp.

Nhưng bố tôi nói rằng đối với ông, tất cả mọi thứ đều xứng đáng.

Tôi học được điều đó từ gia đình mình, và cũng cảm thấy thật xứng đáng.

Nhưng rồi ở cuối con đường, nó sẽ kết thúc bởi những giọt nước mắt. Vẫn luôn là như thế.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: