fbpx
Culture

Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật

Doanh nghiệp phát triển lâu dài và đi theo hướng thời trang bền vững thực chất không phải là một câu chuyện mang tính vĩ mô. Từng bước tiến nhỏ để thay đổi sẽ giúp tạo tiền đề lâu dài cho sự phát triển bình ổn và vững mạnh của doanh nghiệp.

Tại sao chủ nghĩa tối giản lại được quan tâm vô cùng tại đất nước Phù Tang? Những bước đơn giản để có thể áp dụng lối sống tối giản của người Nhật trong cuộc sống hằng ngày?


Đôi điều về chủ nghĩa tối giản

Trong nền văn hóa nghệ thuật bao gồm hình ảnh, âm nhạc, kiến trúc và hội họa… trường phái tối giản là một trào lưu nghệ thuật (art movement) được khởi sinh vào sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tối giản đồng nghĩa với việc cắt giảm đi những thứ không cần thiết nhằm tạo ra một cấu trúc đơn giản và truyền tải rõ ràng hơn thông điệp của người nghệ sĩ. Sau này, trường phái tối giản phát triển rực rỡ trong lãnh địa của thời trang, nội thất và kiến trúc và trở thành một phong cách, một trường phái hoàn toàn đặc trưng và riêng biệt.

Nhiều người vẫn thắc mắc điểm khác biệt giữa phong cách thiết kế Bauhaus và Minimalism. Thực chất, phong cách Bauhaus nhấn mạnh vào tính công năng, thiết kế của sản phẩm; nó là những thứ hữu hình và trực tiếp cảm nhận và tác động vào. Trong khi đó Minimalism lại thiên về tinh thần nhiều hơn. Lối sống tối giản, phong cách tối giản, thiết kế tối giản… không gì hơn là tập trung vào cảm xúc và hứng cảm mà nó mang lại.

Với chủ đề tối giản – Minimalism, điều được quan tâm đến nhiều nhất ở cuộc sống hiện đại chính là lối sống tối giản, được khởi sinh tại Nhật Bản và dần trở thành một phong cách sống có tác động mạnh mẽ đến người trẻ nơi đây.

Kiến trúc tối giản (Ảnh: Widewalls)

Lối sống tối giản tại Nhật

Trước tiên phải đề cập đến vấn đề tại sao trào lưu sống theo phong cách tối giản ngày càng được nhân rộng và nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Nhật Bản – mà hầu hết trong số đó đều là những người trẻ, có độ tuổi từ 25-35.

Nhiều người có lối sống tối giản (minimalist) đều cùng chia sẻ một lối tư duy logic. Họ sống ở một quốc gia thường xuyên phải cam chịu những cơn động đất “trời hành”. Còn nhớ vào năm 2011, một cơn địa chấn lên tới 9.1 độ richter đã bất thình lình xảy ra và ngay theo đó là những cơn sóng thần lớn, cao đến 40 mét đã càn quét khu vực tỉnh Miyagi (phía đông bắc Nhật Bản). Thiệt hại về người là hơn 20.000, tổn thất lên tới 309 tỷ đô la. Đây được ghi nhận là trận động đất lớn nhất tại Nhật Bản và gây tổn hại nhiều nhất trên thế giới. 30 – 50 phần trăm những chấn thương của các nạn nhân gặp phải trong quá trình động đất xảy ra là bởi những món đồ đổ ngã. Những cơn địa chấn thường xuyên xảy đến không những chỉ gây tổn hại về sức khỏe mà còn về cả vật chất. Chính vì lí do đó, nhiều minimalist tin rằng, lối sống tối giản chính là giải pháp vô cùng thiết thực để giảm thiểu rủi ro gặp phải khi đối diện với động đất.

Nhưng chỉ một lí do duy nhất thì sẽ không đủ sức để thuyết phục nhiều người tuân theo lối sống tối giản tại Nhật. Ở xứ sở mặt trời mọc, chỉ có hai tôn giáo chính là Thần đạo – Shinto và Phật giáo – Buddhism. Hầu hết người dân Nhật Bản đều theo 1 trong hai đạo hoặc cả hai. Phật giáo được du nhập vào nước Nhật kể từ năm 552; ở thời điểm hiện tại, có hơn 60% người dân Nhật Bản có bàn thờ Phật ở trong nhà. Tông phái Thiền Tông (Zen Buddhism) vô cùng phổ biến với bộ phận người trẻ tại quốc gia này vì những giá trị thiền tịnh về tinh thần và lợi ích, cảm quan mà nó đem lại. Zen (thiền tịnh) đã trở thành một khái niệm vô cùng quen thuộc trong xã hội hiện đại. Trong triết lý và quan niệm của Thiền tông thì việc sở hữu càng ít vật chất, con người sẽ càng tiếp nhận được nhiều năng lượng tích cực hơn trong cuộc sống – đây cũng chính là điểm móc nối với lối sống tối giản Minimalism. Thiền tông hay Minimalism, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát.

Thiền tông hay Minimalism, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát.

Câu chuyện của Fumio Sasaki

Fumio Sasaki hiện đang là biên tập của công ty xuất bản. Anh từng cho ra mắt một cuốn sách được đón nhận nhiệt tình với tựa đề: “Goodbye, Things – The New Japanese Minimalism”. Cuốn sách này nói về những trải nghiệm của anh trong hành trình theo đuổi phong cách sống tối giản. Sasaki, năm nay 36 tuổi, hiện đang sinh sống trong một căn hộ (một phòng ngủ) vỏn vẹn 20 m2. Anh sở hữu chỉ 20 món quần áo trong tủ đồ của mình, bao gồm 4 cái áo sơ mi trắng, 4 cái quần, 4 đôi vớ, trong tổng số gần 300 món đồ mà anh sở hữu trong căn hộ khiêm tốn của mình.

Fumio Sasaki là tác giả của cuốn sách “Goodbye, Things – The New Japanese Minimalism”
Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật - So awkward, Rose
Anh sở hữu chỉ 20 món quần áo trong tủ đồ của mình, bao gồm 3 cái áo sơ mi trắng, 4 cái quần, 4 đôi vớ.

Những người như Sasaki không hiếm trong xã hội hiện đại Nhật Bản, thậm chí còn có người theo đuổi lối sống tối giản còn gắt gao hơn, nhưng câu chuyện của Sasaki có thể được xem là biểu trưng. Anh từng trả lời phỏng vấn với tạp chí Cosmopolitan của Mỹ, qua đó nói về quan điểm của mình về lối sống tối giản ở xứ Phù Tang. Theo Sasaki, lợi ích thiết thực nhất của việc có lối sống tối giản là công việc nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thời gian và năng lượng phải bỏ ra để dọn dẹp, có thể được dùng để trải nghiệm nhiều hoạt động khác: có thể là tụ tập gặp gỡ bạn bè, tham gia vào các hoạt động rèn luyện thể lực, viết sách, học thêm một kỹ năng hay bộ môn nào khác…

Có rất nhiều người trẻ trong xã hội hiện đại gắn mình với lối sống tối giản, khiến cho họ gắn kết và thiết lập nên một cộng đồng để hỗ trợ và chia sẻ cùng nhau. Theo Sasaki, sự gắn kết với những người có cùng giá trị cốt lõi và tư tưởng là một điều vô cùng tuyệt vời, khiến cho cuộc sống của anh trở nên thú vị và nhiều cảm hứng hơn. Bên cạnh đó, việc chi tiêu cũng là một trong những lí do mà người trẻ ngày càng theo đuổi phong cách sống tối giản, không mua sắm quá nhiều giúp họ tích cóp vật chất để sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau.

Nhắc đến vật chất, có nhiều kiểu người minimalist, nhưng có thể phân định ra làm hai nhóm chính: nhiều người không quan tâm đến chất lượng của món đồ họ sở hữu, họ chỉ quan tâm đến việc chi tiêu càng ít càng tốt. Ở thế đối trọng, có những người họ thật sự chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, chính vì là một minimalist, họ dành nhiều thời gian để lựa chọn và tìm phương án tốt nhất khi mua một món đồ. Sự phân định rõ ràng là vậy, tuy nhiên theo Sasaki thì điều đó không quan trọng. Dù một minimalist có sở hữu một gia tài kếch sù và có một công việc đáng ao ước thì họ cũng sẽ có lối tư duy và phong cách sống của một minimalist thất nghiệp, và họ hoàn toàn có thể trở thành bạn tốt của nhau. Sự khiêm nhường và tôn trọng được thiết lập từ đây. Thật sự, cộng đồng minimalist tại Nhật rất đa dạng về thành phần xã hội, không hề có bất kỳ một rào cản nào được thiết lập và đó là một điều tuyệt vời mà phong cách sống tối giản mang lại.

Khi được hỏi liệu Sasaki còn muốn cải tiến phong cách sống tối giản của mình như thế nào trong tương lai, thì anh muốn rằng mình sẽ có khả năng để tự cung ứng những nhu yếu phẩm hàng ngày của mình, cụ thể hơn là nguồn lương thực. Anh muốn rằng mình có thể tự tạo ra một không gian sống là nơi mình có thể tự nuôi trồng những loại lương thực để sử dụng, thay vì trả tiền cho người khác.

Chỗ ngủ của Fumio Sasaki.
Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật - So awkward, Rose
Không gian làm việc hằng ngày.

“Nếu bạn hỏi tôi rằng phong cách sống tối giản thực sự là như thế nào, tôi sẽ nói rằng đó là sự thăng cấp giá trị cuộc sống – bước qua một cánh cửa khiêm tốn của sự tối giản và bước vào một thế giới của những ý tưởng lớn”,

Sasaki kết luận.

Ứng dụng chủ nghĩa tối giản Minimalism trong cuộc sống thường nhật

Ngôi nhà có chủ nhân là một người theo chủ nghĩa tối giản như Fumio Sasaki thực chất rất dễ nhận biết:

Tối giản đồ nội thất – chỉ có những món đồ cần thiết nhất mới được xuất hiện trong khu vực sống; một món đồ có thể được tích hợp nhiều công năng như ghế sofa có thể được trưng dụng làm giường ngủ chẳng hạn; không lập lại một món đồ nội thất trong nhà, bạn chỉ cần một tủ đồ đựng quần áo là đủ để chứa đựng không chỉ quần áo, mà còn là rất nhiều đồ vật khác.

Bề mặt sạch bóng: Việc không sở hữu quá nhiều đồ nội thất trong nhà khiến cho công việc dọn dẹp trở nên hết sức dễ dàng. Nếu đề cập đến việc trang trí nhà, một món đồ nổi bật để đem lại điểm nhấn cho ngôi nhà là đủ, có thể là một bình hoa luôn được thay hoa tươi mỗi tuần.

Chất lượng thay cho số lượng: Đối với những minimalist có đầu tư như Sasaki, họ sẽ chỉ chọn lọc những món đồ chất lượng và sở hữu ít, thay vì sở hữu nhiều nhưng chất lượng không tốt như thói quen của phần đông người tiêu dùng.

Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật - So awkward, Rose
Fumio Sasaki bên cạnh chiếc tủ đồ tích trữ khiêm tốn của mình.

Những bước đơn giản để có thể áp dụng lối sống tối giản của người Nhật trong cuộc sống hằng ngày

1. Để bắt đầu cho công cuộc dọn dẹp nhà cửa theo đúng quy trình của một minimalist, hãy bắt đầu từ việc phân loại những món đồ nội thất lớn nhất trong nhà, tự đặt câu hỏi rằng liệu mình có thể tích hợp công dụng của hai món đồ nội thất và lựa chọn ra một cái để giữ lại hay không. Tủ lạnh, bạn nghĩ là mình cần nó chứ? Nếu nghĩ theo cách rằng tủ lạnh sẽ khiến bạn tốn thêm tiền điện hàng tháng, và bạn hoàn toàn có thể đi chợ mỗi ngày để mua sắm đủ lượng thức ăn và chế biến ngay trong ngày, thì việc sở hữu một chiếc tủ lạnh là điều không quá quan trọng. Phải chứ?

Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật - So awkward, Rose

2. Bắt đầu việc sắp xếp từ từng phòng một. Hãy dành thời gian để ngẫm xem những món đồ nào mình cần để lại trong phòng đó và phân loại chúng ra, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều lần. Hãy chỉ để lại những món đồ thiết yếu nhất trong từng phòng, dựa theo cách tư duy ở trên.

3. Ưu tiên cho những món đồ có thiết kế đơn giản và chú trọng về công năng. Màu sắc nhã nhặn thay vì những màu quá nổi bật. Khi căn phòng của bạn được dọn dẹp và sắp xếp, những món đồ quá nổi bật sẽ khiến cho tất cả sự chú ý đều tập trung vào nó, khiến cho việc thiền tịnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

4. Đối với những món đồ không còn sử dụng, hãy bán hoặc quyên góp chúng. Trả lại một sàn nhà sạch sẽ và tươm tất nhất có thể, khiến cho không gian sống của bạn trở nên tinh sạch hơn.

Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật - So awkward, Rose

5. Màu trắng là tông màu cổ điển và được ưa thích bởi rất nhiều minimalist. Màu trắng tượng trưng cho sự thịnh vượng, tinh khiết, giản dị. Trong phong thủy, màu trắng đem lại sự tươi mới và giúp làm tăng năng lượng, sức sống cho không gian sống. Vốn dĩ màu trắng thuộc mệnh Kim – đại diện cho sự sáng sủa, sạch sẽ và tươi mát nên hầu như các chuyên gia phong thủy đều cho rằng nên dùng sự tươi mát của màu trắng cho phòng thiền hoặc phòng tắm. Màu trắng không chỉ biểu trưng cho sự khởi đầu mà còn có ý nghĩa là sự kết thúc toàn vẹn.

Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật - So awkward, Rose
Căn phòng trắng tinh giản của một minimalist.

error: Content is protected !!
%d bloggers like this: